VĨNH BIỆT MỐI TÌNH ĐẦU

Tôi còn nhớ rất rõ, đó là vào một buổi tối muộn ở khu học giáo dục quốc phòng. Chúng tôi đã lén đem bia vào và cùng nhau uống rất say. Nghĩ lại thì thật muốn tìm một lỗ chui vào, lúc men đã ngấm, chúng tôi bỗng dưng bật khóc, ban đầu chỉ là vài giọt nước mắt rơi vội, sau cùng cả đám nức nở ôm nhau rồi đứa này tiếp lời đứa kia, kể về những mối tình đầu dang dở của chính mình. Có phải hay không, là do chất cồn đã làm chúng tôi trở nên nhạy cảm dễ bộc lộ cảm xúc, hay vì bản chất dang dở của những mối tình đầu đã khiến chúng tôi vì cảm thương mà rơi lệ? Đến tận bây giờ tôi vẫn không rõ, rốt cuộc đêm hôm đó tôi đã kể về cái gì mà khiến cả đám bật khóc, khi mà…ừm…nói sao đây…đó chưa đủ để gọi là một mối tình.

***

Cậu ấy xuất hiện trong cuộc đời tôi quá chóng vánh, đúng ba ngày- ba ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Từ đó đến nay đã bốn năm rồi, quả thật vẫn chẳng thể là con số lớn hơn ba. Biết làm sao đây, tôi đã dành hết số ngày ngắn ngủi đó để ngắm nhìn cậu ấy mà quên mất việc nói một lời yêu thương. Phải chăng nếu lúc đó tôi không ngần ngại tiến thẳng về phía cậu ấy, không phải từ phía sau, mà đứng trước mặt cậu ấy, cho cậu ấy biết tôi thích cậu ấy như thế nào; nếu tôi làm vậy, có phải chúng tôi đã không lạc mất nhau? Tôi vẫn còn nhớ, lúc tôi vừa khóc vừa tự nói những lời day dứt đó, cô bạn ngồi kế bên đã ôm tôi, vỗ khẽ vào lưng tôi mà nói rằng: “Tuyệt đối không phải lỗi của cậu. Chúng ta rồi sẽ ổn cả mà, đúng không?”. Tôi chùi nước mắt vào vai áo cô ấy và gượng cười. Đó là cô bạn luôn không tự tin vào chính mình, nên cho dù người cô ấy thích ngày ngày đều xuất hiện trước mặt cô ấy vì họ ở cùng một nhà trọ, cô ấy vẫn không đủ can đảm thể hiện tình cảm của mình, chỉ giương đôi mắt giả vờ bình thản nhìn anh ta quen hết người này đến người khác, rốt cục tự làm cho cảm xúc của chính mình chai lỳ. Giữa chúng tôi, ai mới là người nên nói ra lời an ủi?

***

Hiện tại bây giờ tôi đang ở Đà Lạt, cùng với nhóm bạn thân thiết của tôi, một kỳ nghỉ có lẽ là cuối cùng bên nhau trước khi chính thức tốt nghiệp Đại học. Đà Lạt rất đẹp, nhưng tôi lại băn khoăn không biết quyết định đến đây có đúng hay không, vì không khí ở đây rất trầm, mà cái trầm thường làm cho nỗi buồn dễ lan toả.

Tôi cầm trên tay tập truyện ngắn của Khuê Việt Trường, lật đúng trang truyện Hoa hồng trắng rụng, một mình đi bộ lên con dốc Duy Tân. Tác giả viết rằng: “một con đường tận cùng là ngôi nhà gỗ sậm, trước ngôi nhà ấy có một khóm hồng dại cứ lặng lẽ mỗi ngày rải xuống nền đất những cánh trắng mỏng manh. Trong ngôi nhà ấy có một cô bé”. Tôi muốn một lần được nhìn thấy ngôi nhà và khóm hồng dại ấy. Tác giả yêu Đà Lạt vì nơi đây bắt đầu cho mối tình thơ dại đẹp đẽ nhưng chẳng đi đến đâu của ông. Còn tôi yêu Đà Lạt qua những trang sách đầy nỗi niềm ông viết. Chúng tôi có khoảng cách rất xa về thế hệ và câu chuyện sống, nhưng lại gặp gỡ nhau ở ngôi nhà gỗ sậm này trong tư tưởng, có vẻ hơi kỳ lạ phải không?

Chẳng mấy khó khăn để tôi tìm ra con phố Hoàng Diệu, vì phố này ở ngay khu trung tâm, rất gần chợ Đà Lạt. Tôi đi đến tận cuối con dốc, mắt đảo quanh hy vọng bắt gặp một ngôi nhà làm bằng gỗ bìa thông, phía trước có khóm hoa hồng trắng dại. Nhưng không có. Ừ thì có thể khóm hồng hoặc đã tự chết hoặc bị bứng đi để thay bằng giống hoa mới, nên chỉ cần tập trung tìm ngôi nhà bằng gỗ thôi. Tôi tự nhủ mình như thế, nhưng rất tiếc…vẫn không có. Cố ngăn cảm giác thất vọng đang nhen nhóm chực chờ bùng lên, tôi đi ngược trở xuống chú ý quan sát một lần nữa, rồi lại theo hướng cũ leo lên thêm một lần, câu trả lời vẫn là không có. Tôi thở dài, ngồi bệt xuống lề đường ở cuối con dốc, gió Đà Lạt lành lạnh thổi lướt qua làm những sợi tóc đan rối vào nhau lộn xộn. Tôi lật giở trang sách, đọc lại câu chuyện đã ngả màu theo thời gian. Suy nghĩ của tôi về thành phố “lạnh se da” và “bốn mùa hoa nở” bắt đầu ở đây, Đà Lạt trong tôi từ lúc đó đã rất xinh đẹp và phảng phất màu buồn man mác, qua câu chuyện tình của một người tôi thậm chí chẳng biết mặt biết tên. Tôi gượng nhẹ một nụ cười, nhìn về ngôi nhà phía đối diện- ngôi nhà cuối con dốc Duy Tân, chợt thấm thía cảm giác đau lòng khi trang sách cầm trên tay ghi rất rõ: “Bây giờ thì ngôi nhà trên con đường Hoàng Diệu ấy đã đổi chủ”. Có lẽ mọi thứ chỉ còn nguyên vẹn trong ký ức của người còn luyến tiếc nơi đây.

Tôi hít một hơi dài, đứng dậy, lững thững đi xuống. Cảm thấy thật khó khăn khi phải chấp nhận sự thật rằng nơi ghi dấu mối tình đầu non dại và đơn phương đến nhói lòng đó đã chẳng còn hiện hữu, chẳng có “ngôi nhà chìm khuất trong cái lạnh cao nguyên với những thảm cỏ xanh và những đoá hoa hồng thắm đỏ” nào nữa cả. Tác giả có biết sự thật này không, ông ấy sẽ đau lòng đến nỗi nước mắt ngập đầy khoé mi già cỗi hay trầm ngâm nhủ lòng đó là quy luật nghiệt ngã của thế gian? Mà không, tôi cầu mong ông ấy chẳng hay biết gì về sự đổi thay tàn nhẫn này. Để mối tình đầu lúc ông ấy 18 tuổi vẫn nguyên vẹn sự khờ dại như thế; để cô gái trong ngôi nhà màu gỗ sậm vẫn là một “thói quen” trong cuộc sống của ông, có cô ấy, con đường ông đi không còn xa diệu vợi; để Đà Lạt trong suy nghĩ của ông, của tôi và của những ai có mối tình đầu dang dở lỡ phải lòng câu chuyện này, vẫn như một lời hẹn cũ, khiến người ta khao khát muốn tìm về.

Tôi gặp đám bạn ở lưng chừng con dốc, chúng lầm bầm vài câu trách móc vô nghĩa việc tôi một mình rời đi mà chẳng nói tiếng nào. Tôi mỉm cười thì thào câu xin lỗi, rồi cả đám cùng sánh bước rời đi. Tôi nghe tai mình bùng nhùng trong những mẩu chuyện không đầu không cuối của đám bạn, cố quay đầu nhìn lại con dốc đã chẳng còn “những đoá Cẩm quỳ dịu dàng nở vàng khắp lối đi”. Cuối con dốc ấy vốn dĩ có một ngôi nhà màu gỗ sậm, trước ngôi nhà ấy có khóm hồng trắng dại vô tình rụng lả tả dưới chân những người khách lạc bước, trong ngôi nhà ấy có một cô gái thích cắm những bông hoa Violet vào trong chiếc ly thuỷ tinh nhỏ, cô gái ấy là “một thoáng lao xao” tuyệt đẹp của một chàng trai có khiếu làm thơ và tâm hồn nhạy cảm. Họ gặp gỡ như thế, rồi xa nhau, chẳng biết là do họ “đã chọn hai con đường khác nhau, hay định mệnh đã xếp đặt cho mỗi người một con đường”. Theo dòng chảy vô cảm của thời gian và quy luật khắc nghiệt của nhân gian, ngôi nhà ấy đã chẳng còn tồn tại thật ở con phố Hoàng Diệu, cũng giống như mối tình đầu năm ấy, giờ nhìn lại thật sự quá mơ hồ.

Cô bạn đi bên cạnh chợt hích vào vai tôi, nhỏ giọng nói: “Chẳng có gì là mãi mãi phải không? Nói lời vĩnh biệt đi thôi”. Tôi nghe tim mình rung lên khe khẽ, cố kìm nén giọt nước mắt sắp trào ra.

***

Bây giờ tôi đang đứng ở Sài Gòn, chính xác là giữa hội trường tấp nập người và đủ các loại hoa được gói cẩn thận bằng giấy màu đẹp đẽ. Hôm nay là ngày chúng tôi tốt nghiệp Đại học, một mốc thời gian mà mọi người vẫn kháo nhau rằng nó thật quan trọng. Với tôi, nó chẳng có gì khác ngoài việc mang đến sự chia ly, tôi ghét khoảnh khắc phải nói ra lời vĩnh biệt.

Tôi và đám bạn ôm chặt nhau giữa sân trường, sau khi kiên nhẫn ngồi chứng kiến đủ các nghi lễ rườm rà để được phát tấm bằng ghi nhận bốn năm tuổi trẻ nỗ lực. Chúng tôi đã hẹn nhau rằng hôm nay tuyệt đối không được rơi nước mắt, thay vào đó hãy dũng cảm tạm biệt tuổi xuân của mình bằng nụ cười thật đẹp, suy cho cùng chúng ta chẳng có gì phải nuối tiếc hối hận đến nỗi khóc nấc lên.

“Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau chứ?”

“Tất nhiên, phải gặp lại và uống một trận thật say”.

“Rồi lại ôm nhau khóc?”

“Chúng ta nhất định phải thật hạnh phúc. Những chuyện dang dở không vui hãy chôn hết đi”.

“Đúng rồi, phải thật hạnh phúc và cùng chứng kiến nhau hạnh phúc”.

Vĩnh biệt…

…Tuổi thanh xuân và mối tình đầu ngốc dại đến mức chẳng thể lại yêu ai.

Chúng tôi muốn cùng nhau tiến lên theo mỗi phút.

Tâm Storm

Bình luận Facebook