Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện ‘Gửi em ở cuối sông Hồng’

Nhà thơ Dương Soái – tác giả bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng đã có những chia sẻ về hoàn cảnh ra đời của bài thơ mang tâm hồn người lính và sự biết ơn với cố nhạc sĩ Thuận Yến khi biến bài thơ thành một tác phẩm âm nhạc bất hủ đi cùng năm tháng..

Nhà thơ Dương Soái kể: Những ngày đầu chiến tranh biên giới phía Bắc ông là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn, được cử lên mặt trận ngay trong tháng 2/1979. Trong dòng người ùn ùn từ biên giới trở về, Dương Soái chen vào dòng bộ đội ngược lên biên giới. Cách biên giới khoảng 5km, thỉnh thoảng một quả pháo bắn từ Trung Quốc bắn vào đoàn những người đang đi sơ tán.

Trụ sở Đài phát thành Hoàng Liên Sơn cách Trung Quốc 5km cũng bị pháo bắn và một chiến sĩ bảo vệ đài đã bị mảnh pháo cắt mất 3 dẻ xương sườn, phải đi cấp cứu. Đến mặt trận, Dương Soái gặp các đồng chí, chiến sĩ. Có người trở về sau trận đánh máu vẫn còn chảy ròng ròng ở viết thương. Người về trước người về sau, nhưng trông thấy nhau là… khóc vì “tưởng mày chết rồi!”

Khi biết Dương Soái là nhà báo, các chiến sĩ nói với ông rằng: “Anh là nhà báo, anh phải nói với mọi người rằng: Còn chúng em, thì còn biên giới”. Đặc biệt, ngay sau đó, các chiến sĩ nhờ Dương Soái gửi những lá thư của họ về gia đình. Có người đã viết thư xong, có người viết dở nhờ ông dán lại. Có người đọc cho Dương Soái địa chỉ của gia đình và nói ngắn gọn là “con vẫn sống”…

Dương Soái nhận tất cả những lá thư ấy và trở về bởi hoàn cảnh tác nghiệp của phóng viên lúc bấy giờ hạn chế phương tiện chuyển tải thông tin. Phóng viên khi đã thu thập được đầy băng ghi âm chỉ có thể chở về bằng tàu hỏa rồi mới có thể đưa những thông tin ấy ra. Còn điện thoại đường dài chỉ dành cho quân sự.

Trong lúc chờ tàu ở ga Phố Lu, Dương Soái kiểm nhanh những lá thư và thấy các dòng địa chỉ đều tập chung ở: Hà Sơn Bình, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Nội, khiến ông ngạc nhiên vì hầu hết đều nằm dọc con sông Hồng. Từ suy nghĩ dòng sông, đầu sông, cuối sông thì đã có bài Anh ở đầu sông em cuối sông của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhưng đó là Vàm Cỏ Đông còn đây là sông Hồng. Dương Soái nhìn màu nước sông Hồng, nhớ lời của những người chiến sĩ và viết rất nhanh bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng.

Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ

Biết em năm ngóng, tháng chờ
Cứ chiều chiều ra sông gánh nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong

Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào anh gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?

Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng…
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.

Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngàu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.

Bài thơ được Hội văn học Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn in, sau đó báo Văn nghệ in.

Một năm sau, 1980, Gửi em ở cuối sông Hồng được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc và trở nên nổi tiếng. Nhưng vài năm sau đó nhà thơ Dương Soái mới gặp nhạc sĩ Thuận Yến và vị nhạc sĩ tri kỷ kể với nhà thơ rằng:

“Trong một chuyến ngược lên biên giới sau chiến tranh, Thuận Yến đã gặp vợ chồng một chiến sĩ. Vợ ở Thái Bình, còn chiến sĩ đang chốt ở biên giới Bát Xát, phía con sông Hồng. Nhạc sĩ Thuận Yến được kể rằng, đó là người vợ trẻ, vừa lấy chồng thì chồng ra ngay biên giới. Ông bố giao cho chị phải lên biên giới để gặp chồng. Gặp hoàn cảnh như vậy, nhạc sĩ Thuận Yến rất xúc động, nhưng Thuận Yến chia sẻ với Dương Soái rằng “chưa viết được ra bài hát ấp ủ, đến khi gặp bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng ca khúc mới ra đời”.

Nhà thơ Dương Soái tâm sự: “Trong điều kiện chiến tranh ngày ấy, câu thơ: Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt có nghĩa: Đây là đất của ta, đất của chúng ta, của tôi – một lời tuyên ngôn Nam quốc sơn hà… Tuy nhiên, trong hoản cảnh cụ thể của người chiến sĩ ở mặt trận Lào Cai, Gửi em ở cuối sông Hồng nhấn mạnh địa danh: Anh ở Lào Cai/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Nhưng Dương Soái vẫn biết ơn nhạc sĩ Thuận Yến đã sửa giúp 2 chữ Lào Cai trong bài thơ ra chữ biên cương và chính hai chữ biên cương mang một tầm rộng lớn hơn, phổ quát hơn, bay rộng hơn trên khắp dải biên cương Tổ quốc.Cũng theo nhà thơ Dương Soái, đầu tiên nhạc sĩ Thuận Yến viết Gửi em ở cuối sông Hồng đơn ca theo bài thơ gốc của Dương Soái. Nhưng NSƯT Thanh Hương, vợ cố nhạc sĩ Thuận Yến đã bảo chồng phải viết song ca cho ca sĩ có đất để giao lưu và Thuận Yến đã biến Gửi em ở cuối sông Hồng thành bài song ca với 2/3 lời 2 trong ca khúc là của nhạc sĩ Thuận Yến.

Năm 1999, 20 năm sau khi Gửi em ở cuối sông Hồng ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bình chọn là hay nhất. Ca khúc này sẽ sống mãi với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam, dù những chiến sĩ thế hệ 9x, 10x sau này có thể sẽ không có được cảm giác nhận được một lá thư tay như thế nào, nhưng những tình cảm, tình yêu bình dị, trong sáng thời chiến như thế vẫn mãi hiện diện đâu đó trong cuộc sống ngày hôm nay…

sưu tầm

Bình luận Facebook