QUÊ HƯƠNG THƠM MÁT TRONG VĂN THẠCH LAM
1. Trong các trang văn của mình, nhà văn Thạch Lam rất hay nhắc đến hai chữ quê hương. Tuy nhiên, trong cảm nhận của ông, quê hương không phải là một khái niệm trừu tượng, mà là một hình dung vô cùng cụ thể, sống động – quê hương được hiện ra bằng mùi hương và hơi mát của đất, của làng. Nhà văn để cho các nhân vật của mình cảm nhận về đất đai, thôn xóm, quang cảnh quê hương bằng tất cả sự run rẩy của các giác quan, như một sự xâm chiếm tổng hòa, ngay lập tức, không thể tách bạch. Hương thơm và hơi mát của đất quê, làng quê tràn vào thân thể của con người.
Xin bắt đầu bằng một vài thống kê:
i)Hẳn những ai đọc Dưới bóng hoàng lan còn nhớ, cảm nhận của nhân vật Thanh trong lần trở về quê: “Thanh lách cánh cửa gỗ để khép, nhẹ nhàng bước vào. Chàng thấy mát hẳn cả người”, “Một mùi lá tươi non phảng phất trong không khí”. Khi đang nằm trên giường khoan khoái, bỗng chàng cảm thấy từ ngoài vườn “mùi hương thơm thoang thoảng đưa vào”, “Thanh thấy tâm hồn nhẹ nhõm tươi mát như vừa được tắm ở suối. Chàng tắm trong cái không khí tươi mát này”. Đêm hôm ấy, khi Thanh tiễn cô gái láng giềng ra về, “Mùi hoàng lan thoảng bay trong gió ngát”. Trong khung cảnh ấy, hai người để yên tay trong tay, nghĩa là từ tâm hồn hai người đã bắt đầu khởi lên một mối tình dìu dịu.
ii)Trong truyện ngắn Trở về, có đoạn kể lúc hai vợ chồng Tâm trở về thăm làng, khi đến đầu làng, Tâm thấy lòng cảm động, “một cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên vai: Tâm ngẩng đầu lên nhìn, chàng vừa đi vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ”…
iii) Có hai đoạn văn khá giống nhau khi Thạch Lam miêu tả cảm nhận về mùi của chợ quê đã tàn ở trong hai tác phẩm: Hai đứa trẻ và Trở về. Đoạn thứ nhất: “Chợ họp giữa phố vãn từ lâu. Người về hết và tiếng ồn ào cũng mất. Trên đất chỉ còn rác rưởi, vỏ bưởi, vỏ thị, lá nhãn và bã mía. Một mùi âm ẩm bốc lên, hơi nóng của ban ngày lẫn mùi cát bụi quen thuộc quá, khiến chị em Liên tưởng là mùi riêng của đất, của quê hương này”. Đoạn thứ hai: “Chợ đã vãn: những người đàn bà gồng gánh sắp ra về, trên mặt đất đầy những rác bẩn, những vỏ dưa, những lá gói. Một cái mùi âm ẩm bốc lên, cái mùi đặc biệt, hình như lẫn mùi đất, mùi ẩm, mùi rác đốt. Tâm nhớ lại rõ rệt những ngày còn trẻ”.
iiii) Hay trong Cô hàng xén, cũng có một nhân vật tên Tâm, nhưng là phận gái, tác giả cũng để cho nhân vật cảm nhận về mùi của đất và quê hương: “Sáng sớm hôm sau, trong gió bấc lạnh, Tâm đã mở cổng gánh hàng lên chợ. Sương trắng còn đầy ở các ngõ trong làng; mùi rơm rác và cỏ ướt thoang thoảng bốc lên, mùi quen thuộc của quê hương và của đất mầu, khiến Tâm dễ chịu và thêm can đảm”.
Như vậy, các đoạn văn trên đều nói về mùi hương của đất, và của quê hương. Tôi nghĩ rằng Thạch Lam rất tinh tế nhận biết và có ý phân biệt giữa đất và quê hương. Đã đành đất thuộc về khung cảnh làng quê, nhưng đất là một thứ vật chất cụ thể, nhìn thấy được, con người bước đi trên đó, có một thứ hương riêng; trong khi đó quê hương không hẳn cụ thể như vậy, nó mơ hồ hơn, rộng hơn, bao trùm hơn, nó chính là bầu không khí riêng mà con người chỉ có thể cảm nhận được cái hương thơm riêng không lẫn. Cả đất và quê hương làm nên một thứ mùi hương tổng hòa, ám gợi, xâm chiếm, bao bọc con người đang ăn ở đi về trên đó.
Dẫn ra một số đoạn văn như vậy để thấy rằng Thạch Lam có một bảng từ vựng riêng về làng quê. Bảng từ vựng này bao gồm hai thứ mùi hương và hơi mát ôm trùm, vây bọc, lan tỏa trên đường làng, cánh đồng, mảnh vườn, phiên chợ, đất đai, đám mạ… Chỉ bấy nhiêu thôi, mà làng quê hiện lên thật cụ thể, thanh bình, yên tĩnh, nhuốm màu hoài niệm.
Hương thơm và hơi mát của đất đai làng mạc trong cảm quan của Thạch Lam làm nên một quê hương yêu dấu, mang ý vị của một niềm vui sướng êm đềm, ngọt ngào. Nơi ấy, cuộc sống con người chưa đến nỗi quá đói khổ, mà đang còn tàm tạm. Nơi ấy, có những người sống bên nhau biết thương yêu, đùm bọc, chăm sóc chở che. Như hai chị em Liên và An thương nhau, gắn bó với nhau, có một tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng được ru vỗ trong tình yêu thương của mẹ. Như cô Tâm hàng xén sẵn một tấm lòng hiếu đễ với mẹ già, thơm thảo với các em, yêu thương người khác đến quên cả bản thân mình. Thỉnh thoảng, những con người này lại mang nỗi u hoài về quá vãng xa xôi ngày thơ ấu…
Thạch Lam có phải là người thi vị hóa làng quê không? Tôi thấy không phải thế. Chứng cớ là nhà văn này có một cảm quan hiện thực khá sắc bén. Ngòi bút của nhà văn không chỉ hướng đến những khung cảnh êm đềm như vậy, mà khá nhiều truyện xoáy hẳn vào những cuộc đời bất hạnh, lam lũ, kéo dài cuộc đời của mình trong lần hồi túng thiếu hoặc bất hạnh, không tìm thấy lối thoát. Mỗi khi như thế, khung cảnh làng quê hiện lên bỗng mất hẳn cái hương thơm và khí mát như đã nói trên kia, mà thay vào đó là một quê hương rét mướt với khung cảnh gió bấc lạnh lẽo, âm u, tối tăm, hiu hắt. Ta có thể thấy khung cảnh ấy một phần trong Gió lạnh đầu mùa, Hai đứa trẻ, Cô hàng xén, nhất là ở Nhà mẹ Lê, Cuốn sách bỏ quên, Hai lần chết… Thạch Lam là người đa cảm. Viết về những cuộc đời buồn khổ, nếu có thiên nhiên kèm theo cũng chỉ là một thứ thiên nhiên cản trở, khắc nghiệt, hù dọa con người. Ngược lại, viết về những cuộc đời bé nhỏ thân thương, chưa vướng vào vòng lầm than khắc nghiệt, cuộc sống đang còn trong trẻo êm đềm, thiên nhiên ùa vào toàn những thơm mát, ngọt lành. Thiên nhiên bỗng mang khuôn mặt hòa thuận, như thể phụ họa vào với lòng người, gợi lên trong lòng người những xúc cảm tinh tế, thanh khiết. Đọc văn Thạch Lam, không ai không biết những dòng tâm sự nổi tiếng của ông trong Lời nói đầu của tập Gió đầu mùa. Ông viết: “Trước ngọn gió đầu mùa tôi không khỏi ngăn được những cảm giác sâu xa và mới lạ. Tôi đem tâm nghĩ ngợi đến những cơn gió đột khởi ở lòng người, báo trước những sự thay đổi trong cái bí mật của tâm hồn”. Thạch Lam là thế. Thế Uyên, người cháu gọi Thạch Lam bằng cậu, sau này đã có những nhận xét thật tinh tế và chí lý: “Đọc một vài đoạn văn của ông, đôi khi tôi có cảm tưởng Thạch Lam chỉ là một hệ thống dây tơ bén nhạy đến độ có thể thu nhận được sự thay đổi về cường độ ánh trăng hay âm sắc của các loại lá khô khi rụng va vào đất” .
2.Tôi nghĩ rằng, lòng yêu thương, gắn bó đối với làng quê một cách thực sự và đáng tin cậy hơn cả không phải thể hiện bằng lời nói, càng không phải bằng nhận thức như một việc phải có, mà bằng những rung động có tính cảm giác, và mỗi khi nhớ về làng quê, những cảm giác ấy bỗng được phục hiện. Đó là lòng yêu, là nỗi nhớ trong chiều sâu tinh thần, trong sự ám gợi thầm lặng mà da diết, lâu bền, trở thành năng lượng sống của con người. Những nhân vật trong văn Thạch Lam ứng xử với làng quê đều theo cái cung cách ấy.
Đến đây, tự nhiên, một câu hỏi bật ra: Do đâu mà Thạch lam có được những trang văn đậm đà ý vị thương mến và gắn bó đối với làng quê như thế? Có lẽ phải giải thích điều này từ phía tuổi thơ của Thạch Lam. Theo như tư liệu hồi ký đáng tin cậy nhất cho đến ngày hôm nay giúp ta hiểu kỹ về cuộc đời ấu thơ của Thạch Lam là cuốn Hồi ký về gia đình Nguyễn Tường (NXB Sóng, SG.1974) của bà Nguyễn Thị Thế – chị gái liền đốt của nhà văn.
Trong tài liệu này, bà cho biết, gia đình Thạch Lam sống ở quê ngoại Cẩm Giàng hai lần: lần một, thời gian chị Thế và cậu Sáu (tên tục của Thạch Lam) đang còn thơ bé; lúc ấy, người cha của họ mất việc làm ở Thái Hà ấp, anh cả anh hai học ở Hà Nội, gia đình lâm vào cảnh gieo neo, nên cả nhà phải chuyển về đấy để cho anh Tam và Tư học ở trường huyện. Trong hồi ký, bà Thế cũng nói không nhớ rõ là gia đình bà sống ở Cẩm Giàng được mấy năm. Sau đó thì gia đình chuyển về Tân Đệ Nam Định theo anh Cả khi anh được bổ làm việc ở đó. Lần hai, gia đình lại về Cẩm Giàng, bà mẹ đã cho xây ngôi nhà theo cách của ngôi nhà Ánh sáng. Lúc này bà mẹ của Thạch Lam đã bước vào tuổi già, sức khỏe yếu, mấy người con như Nhất Linh, Hoàng Đạo và Thạch Lam đang làm báo Ngày Nay ở Hà Nội, thỉnh thoảng họ đi đi về về ngôi nhà Cẩm Giàng; và trong thời gian này cũng đã có nhiều văn nghệ sĩ về thăm, có khi còn ở lại ăn tết cùng với gia đình Thạch Lam. Rõ ràng, phần lớn tuổi thơ của Thạch Lam nằm trọn ở quê ngoại Cẩm Giàng. Toàn bộ những ký ức tuổi thơ, từ làng quê, phố huyện, ga tàu, tiếng còi tàu, những ngày tham gia cùng chị giúp mẹ trông hàng, những lần đón đưa các anh lên phố học, rồi những đứa trẻ trong làng và bà con lối xóm…đều đã hình thành nên trong tâm hồn Thạch Lam những ám ảnh đeo bám suốt đời. Thế giới trẻ thơ, một thế giới thần tiên, trong suốt, những gì chứng kiến, những gì đi qua dễ đọng lại, được lưu giữ rất sâu trong tâm thức, tham gia góp phần tạo nên cấu trúc tinh thần, tâm tính của mỗi người. Gia đình Thạch Lam vốn không phải là một gia đình khá giả, và đã từng có lúc lâm vào cảnh gieo neo, thiếu đói. Do sống gần với hai người bà nội và bà ngoại, nên được các cụ giúp đỡ nhiều. Theo như cách miêu tả của bà Thế, cả hai cụ đều là những người nhân đức, tốt bụng, yêu thương con cháu, yêu thương những đứa trẻ trong làng. Đặc biệt, Thạch Lam có một bà mẹ vô cùng nghị lực, tháo vát, từ tâm, hết lòng chăm nom, che chở, dìu dắt đàn con nên người, không bao giờ kỳ quản khó nhọc, không so đo tính toán. Cảnh ngộ gia đình cùng với tất cả những người thân thiết ấy đã góp phần tạo nên nhân cách nghệ sĩ Thạch Lam. Ở người nghệ sĩ này, tình thương đối với con người trở thành một phẩm chất nổi bật, chi phối toàn bộ cách cảm thụ, cách hình dung về đời sống, làm nên vẻ đẹp của những trang văn.
3. Những ai đã từng sống ở nông thôn chắc hẳn dễ đồng ý với tôi điều này: cái mùi phân trâu là một thứ mùi rất đặc trưng, thân mật đối với mỗi người (là loài ăn cỏ, nên phân trâu không gây ra mùi xú uế). Trâu là một con vật hiền lành, thân thuộc của mỗi gia đình. Người nông dân chăm sóc trâu, hát những bài ca ru vỗ trâu, coi con trâu là một trong những lao động chính trong nhà. Người ta quen nết con trâu, kể từ tiếng cọ gióng chuồng, tiếng bước chân…, và quen luôn cả cái mùi phân trâu hàng ngày nữa. Chẳng thế mà Thạch Lam khi miêu tả hình ảnh cô Tâm đi bán hàng trở về khi trời đã tối: “Chân cô dẫm lên lá tre khô và tai nghe tiếng xao xác đã quen; mùi bèo ở dưới ao và mùi rạ đưa lên ẩm ướt”; đặc biệt khi bước chân vào cổng nhà, cô bỗng thấy: “Mùi phân trâu nồng ấm sặc ngay vào cổ, thoảng qua cô nghe thấy tiếng chân trâu đập trong chuồng”. Một người cầm bút bình thường nếu không tự tin vào ngòi bút của mình liệu có dám hạ mấy chữ mùi phân trâu nồng ấm hay không? Có thể ai đó cho rằng chi tiết ấy không được nhã cho lắm (!). Nhưng Thạch Lam lại rất chân thực ở chỗ này. Ông yêu quê, nhưng không bao giờ mỹ lệ hóa hình ảnh làng quê. Làng quê thanh bình, đẹp đẽ thật đấy, nhưng cũng có trăm ngàn dáng vẻ muôn mặt đời thường, thậm chí lắm thứ thật khắc nghiệt. Nhưng trong trường hợp này, chỉ có thể nói rằng nhờ sự thành thực của tâm hồn , một tâm hồn giản dị, xa lạ với tất cả những gì làm bộ làm tịch, điệu đàng, phù phiếm, Thạch Lam đã mới có được một ca miêu tả độc nhất vô nhị như thế. Tôi cho rằng văn Tự Lực văn đoàn không có một ca nào tương tự. Vậy là quê hương trong cảm nhận của Thạch Lam hiện lên qua một bảng mùi, mà không chỉ là mùi hương của các loài hoa, mùi của đất mầu, của bãi chợ tàn, của ao bèo…mà còn mùi của phân trâu nữa. Tất cả làm nên “mùi riêng của đất, của quê hương”. Đó là gì nếu không phải là tâm hồn xứ sở, là hồn vía của làng được cất thành lời!
Thạch Lam là một trí thức Tây học. Ấy thế mà toàn bộ con người ông lại thuộc về cái “tâm hồn An Nam” như cách nói của ông. Nói theo cách nói bây giờ tức là phẩm tính dân tộc, bản sắc dân tộc. Ngẫm lại, trong cuộc đời, có một quy luật này: càng hiểu biết đến nới đến chốn văn hóa phương Tây, lại càng sống sâu sắc với văn hóa Việt Nam. Chỉ những người nào hiểu phương Tây nửa vời mới bị lai căng, mất gốc. Toàn bộ văn chương và cuộc đời Thạch Lam là một minh chứng đầy sức thuyết phục cho quy luật đó.
Với những trang văn Thạch Lam, vẫn còn nguyên một tâm hồn quê hương thơm mát tỏa lan.
sưu tầm