Những cuộc tình đau đớn nhưng giúp Hàn Mặc Tử viết nên kiệt tác

Thi sĩ về với Chúa, không có người thân, bạn bè, hay một người con gái nào ông yêu ở bên, chỉ có tiếng sóng biển và tiếng những đồi thông reo.

Trong tình yêu lứa đôi, Hàn Mặc Tử chỉ biết yêu người, chứ chẳng hề đòi hỏi người ta có yêu mình không. Thậm chí nhiều mối tình chỉ đem lại sự cô đơn, nhưng thi sĩ vẫn yêu và vẫn viết những vần thơ cháy bỏng về tình yêu.


Chân dung Hàn Mặc Tử, ký họa của Thanh Trí.

Hàn Mặc Tử yêu Mộng Cầm bằng tất cả những gì tươi mới, hồ hởi nhất của tuổi trẻ. Ông coi nàng như nguồn sống, nguồn thi hứng của ông, nhưng chính nàng lại gây cho ông một niềm đau.

Hàn Mặc Tử yêu Mộng Cầm từ những ngày còn làm báo ở Sài Gòn. Tuần nào thi sĩ cũng đi xe lửa ra Phan Thiết để gặp nàng thơ của mình. Thế nhưng, Mộng Cầm lại sớm phát hiện ra Hàn Mặc Tử mắc chứng phong. Trong cuốn Văn Thi sĩ tiền chiến tác giả Nguyễn Vỹ cho biết sau này Mộng Cầm đã tiết lộ điều này với Châu Hải Kỳ. Trong bài Tôi đã gặp Mộng Cầm – “Ngươi yêu” của Hàn Mặc Tử, đăng trên Tạp chí Phổ thông, số 63, 15/8/1961, Châu Hải Kỳ đã kể lại câu chuyện đó.

Mộng Cầm có học ở nhà thương, nên biết triệu chứng của bệnh phong, khi tiếp xúc với thi sĩ trên chuyến đò từ Mũi Né về Phan Thiết, Mộng Cầm đã thấy Hàn Mặc Tử có những dấu hiệu về bệnh này. Nhưng chỉ đến khi gặp Nguyễn Thông bạn học cũ, lại làm cùng Hàn Mặc Tử ở sở Đạc điền Quy Nhơn, nàng mới thực sự xác tín.

Hàn Mặc Tử ngỏ lời với Mộng Cầm trong một chiều thứ bảy, hai người đi chơi ở lầu Ông Hoàng. Nhưng Mộng Cầm đã trả lời rằng, “không thể đi đến trăm năm”, để cho chàng đỡ hy vọng. Thực ra, nàng biết Hàn Mặc Tử có mệnh yểu, khó có thể thọ lâu, mà nàng cần một người đàn ông khỏe mạnh, tráng kiện. Để chàng khỏi buồn, nàng đã viện lý do khác nhau về tôn giáo.

Nếu theo như những gì Mộng Cầm kể lại với Châu Hải Kỳ, thì khả năng nhiều chỉ có Hàn Mặc Tử yêu bà. Còn bà quý mến thi sĩ theo một cách khác, kiểu như một “fan” hâm mộ thơ ông, chứ không hẳn là yêu ông.

Người con gái thứ hai Hàn Mặc Tử yêu say đắm là Hoàng Cúc, cô thôn nữ có những nét quê, duyên dáng, thùy mị, nết na. Dù chưa phải là một mối tình tới mức “trăm năm cùng già” (như Quách Tấn chia sẻ trong sách Hàn Mặc Tử – Thơ Và Đời, NXB Văn học, 1995), nhưng cũng khiến chàng thi sĩ ôm mộng tương tư, để rồi kết thành tập Gái quê.

Năm 1939, Hoàng Cúc theo về cựu Thần kinh (Huế). Đối với thi sĩ, việc này chẳng khác gì cô đi lấy chồng, khiến ông cũng rất buồn đau và cô đơn. Sau này, nàng có gửi thư hỏi thăm hỏi kèm theo một phiến (ảnh) phong cảnh cho ông. Đáp lại tấm chân tình của người con gái phương xa, Hàn Mặc Tử đã viết nên tuyệt phẩm Đây thôn Vĩ Dạ để gửi tặng nàng.

Một người con gái khác là Mai Đình, tên thật là Lê Thị Mai, quê Thanh Hóa, là người học thức và rất ái mộ thơ của Hàn Mặc Tử. Theo Thế Phong thuật lại trong Nữ sỹ Mai Đình (in trong Hàn Mặc Tử – Tác gia tác phẩm, NXB Giáo Dục, 2002) Mai Đình đã đến tìm Hàn Mặc Tử nhiều lần, nhưng thi sĩ nhất quyết tránh.

Đấy là lúc ông đã bệnh nặng. Biết Tử gặp khó khăn, năm 1938 nàng ngỏ ý muốn giúp ông một chút tiền, nhưng ông nhất quyết không nhận. Mai Đình cương quyết không nghe, nàng tuyên bố: Hàn như chồng chính thức. Và nàng bước vào đời Hàn như một người vợ. Mãi sau khi đã thực sự khó khăn, ông mới đành phải nhận tiền của nàng, thông qua người nhà. Mai Đình cũng in đậm trong thơ của Hàn Mặc Tử, nhất là trong những bài xướng họa giữa hai người. Bên cạnh đó bóng dáng của Mai Đình còn thấp thoáng trong tập Thượng thanh khí, một tập thơ khá khó đọc, bởi sự tượng trưng của nó.

Đến những ngày cuối đời, Trần Thanh Địch vì thương bạn nên nghĩ ra kế, mượn cái tên Thương Thương viết thư cho Tử. Những bức thư được Thanh Địch soạn ra, sau nhờ nét bút của một nữ sinh viết lại. Thỉnh thoảng Hàn Mặc Tử nhận được thư của Thương Thương. Đây là một “nguồn thơ mới” cho thi sĩ, để ông hoàn thành những bài thơ cuối đời, và kịch thơ Cầm châu duyên và Quần tiên hội, mà nguyên mẫu của Quần tiên hội được cho là, không ai khác ngoài Thương Thương.

Theo Quách Tấn, Hàn Mặc Tử mường tượng Thương Thương là nàng tiên đẹp tuyệt trần, không gợn chút mảy may trần cấu. Đó là vẻ đẹp hoàn mĩ, nó tinh khiết đến thánh thiện, chỉ có thể cảm được, chứ khó mà nắm bắt được nó…

Rồi thế gian lại như sụp xuống, khi Hàn Mặc Tử biết được sự thực về Thương Thương. Đúng lúc này bệnh tình của ông nặng lên, phải đưa vào nhà thương, bác sĩ nói bệnh ông khó chữa, vì đã dùng quá nhiều loại thuốc có độc tố, gây tổn hại đến nội tạng.

Do sức lực yếu, nên ngày 11/11/1940, thi sĩ về với Chúa, không có người thân, bạn bè, hay một người con gái nào ông yêu ở bên, chỉ có tiếng sóng biển và tiếng những đồi thông reo.

sưu tầm

Bình luận Facebook