NGUYỄN CÔNG HOAN – CẤT TIẾNG THAY NHỮNG PHẬN NGƯỜI BÉ NHỎ

Nếu được hỏi, ai là lá cờ đầu trong dòng văn học hiện thực phê phán đầu thế kỷ XX, thì đó chính là Nguyễn Công Hoan – nhà văn, nhà báo tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, người đã sống hết mình cho dân cho nước, cho những con chữ thấu tình trên trên trang văn. Hai nhân vật nổi tiếng Lan và Điệp trong vở cải lương cùng tên được chuyển thể từ truyện dài Tắt lửa lòng gây nức lòng khán giả cũng chính là “con đẻ” của ông.

Sinh ra ở làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình có truyền thống làm quan lại[1]. Trong cảnh nước mất nhà tan, Nho giáo dần dần đánh mất địa vị của mình. Mặc dù vậy, ngay từ khi còn bé, ông đã thuộc rất nhiều câu ca dao, tục ngữ châm biếm, đả kích sâu cay các tầng lớp xã hội đương thời – một trong những yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách văn chương sau này của ông.

Ông theo học trường cao đẳng sư phạm, đi dạy học ở nhiều nơi và bắt đầu nghiệp viết của mình với tập truyện ngắn đầu tay Kiếp hồng nhan, xuất bản năm 1923. Cuộc đời ông gắn liền với Đảng, nắm giữ nhiều cương vị quan trọng như chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam khóa 1, Ủy viên ban thường vụ trong Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam các khóa sau đó… cũng như làm việc cho nhiều tờ báo (Biên tập viên báo Vệ quốc quân, Chủ nhiệm tuần báo Văn- tiền thân của báo Văn nghệ sau này[2]. Đây cũng là một lý do mà khối lượng tác phẩm của ông lại đồ sộ đến thế.. Đáng chú ý, ông còn là người biên soạn bộ sách giáo khoa lớp 7 trong hệ thống giáo dục 9 năm ngày trước.

Cùng đứng trong hàng ngũ với Tam Lang, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao,…Nguyễn Công Hoan là một đại diện tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Ông bóc trần hiện thực xã hội nhơ nhớp bằng bút pháp trào lộng. Với việc để lại cho hậu thế hơn 200 truyện ngắn, 30 truyện dài và nhiều tiểu luận văn học. Đây thực sự là một kho tàng quý giá cho văn học hiện đại Việt Nam nói chung và những người đam mê tìm hiểu về dòng văn học trào phúng nói riêng.

Nguyễn Công Hoan luôn đứng về phía nhân dân, ông thẩu hiểu nỗi cực khổ của phận dân đen bần hàn, bóc mẽ xã hội thực dân nửa phong kiến đầy rẫy cái xấu xa, giả tạo của tầng lớp thượng lưu, sự đáng sợ của bọn quan lại thối nát luôn ức hiếp dân lành vì danh vì lợi, những cường hào, ác bá nhan nhản trong các làng quê khốn khổ. Đó là hai thế lực đối lập thường xuyên trở đi trở lại trong các tác phẩm của ông.

Cũng giống như Lỗ Tấn lấy các tác phẩm văn chương của mình cốt để chữa căn bệnh tinh thần của người dân, thì các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan viết văn nhằm an ủi những người dân thấp cổ bé họng không có tiếng nói, đồng thời cổ vũ tinh thần của họ, không những phải tiếp tục sống mà còn dám đứng lên phản kháng, chống lại giới cầm quyền, mà suy rộng ra sau này, là đóng góp một phần công sức cùng Đảng đánh đuổi bọn ngoại xâm trong cuộc Cách mạng chấn động lịch sử. Giữa bối cảnh nền văn học Việt trước Cách mạng còn đang mải đi tìm lại những cái đẹp đã trôi vào quá vãng hay những tiểu thuyết lãng mạn về tình yêu của các tiểu thư lá ngọc cành vàng…thì có thể nói, Nguyễn Công Hoan là người mở đường cho hiện thực, đem sự thật vào những trang viết.

Đừng ngần ngại khi đọc những tác phẩm của ông. Chúng không hề khó đọc. Bởi vì được cấu tứ từ ngôn từ dung dị, mộc mạc, gần gũi với đời sống. Sự thân quen ấy hiện hữu trong cả bối cảnh, dù là vùng quê hay thành thị, lẫn đối tượng nhân vật được khai thác mà như đã nói ở trên, là tầng lớp dân đen nghèo khổ và giới thượng lưu, quan lại, cường hào. Ông châm biếm ngay cả trong những chi tiết nhỏ nhất, một giọng văn giễu cợt và có phần khôi hài, để lại đằng sau những con chữ là nụ cười không lấy làm sảng khoái lắm, nó đắng cay, căm phẫn đối với giới cầm quyền, và xót thương cho những người đồng bào bị đày đọa, bóc lột. Thổi bùng lên một bức tranh sống động về xã hội Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX.

Thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945 là cột mốc đánh dấu sự chuyển giao của hai giai đoạn, cũng đồng thời xoay chuyển mạnh mẽ đời sống và nhiều lĩnh vực. Rất nhiều văn nhân đã có những đề tài mới, những hơi thở mới thổi vào tác phẩm của mình. Nếu Nguyễn Tuân khi xưa còn bất mãn với thời cuộc và đi tìm cái đẹp thuở xưa cũ thì Nguyễn Tuân của những năm 60 đã hòa mình vào đời sống chung của xã hội, đã đi tìm chất “vàng mười” trong tâm hồn người lao động. Nguyễn Công Hoan cũng tương tự. Trước Cách mạng, ông thiên nhiều về thể loại truyện ngắn, chủ trương phơi bày xã hội cũ mục nát. Sau Cách mạng, ngược lại, ông viết nhiều hơn các truyện dài, truyện vừa, thậm chí những năm về sau còn bỏ hẳn truyện ngắn, dù sức viết của ông ở giai đoạn sau này không còn dồi dào như trước. Các tác phẩm thuộc giai đoạn sau khai thác hình tượng người chiến sĩ cách mạng, cuộc cải cách ruộng đất – điển hình trong giai đoạn kháng Pháp, kháng Mĩ, hoặc khai thác lại chủ đề về xã hội cũ, nhưng lúc này đã thấm nhuần tư tưởng Cách mạng, người dân đã có sự giác ngộ lý tưởng của Đảng. Các tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ này là Hỗn canh hỗn cư, Nông dân và địa chủ, tranh tối tranh sáng,…

Nhưng để mà nói về Nguyễn Công Hoan, thì người ta đánh giá cao ông ở giai đoạn trước Cách mạng hơn cả, bởi sự quan sát hết sức tinh tế và trần trụi của ông về cuộc sống bị đày đọa đầy bất công mà trong đó phải kể đến tập truyện ngắn rất thành công Kép Tư bền, xuất bản năm 1935. Tác phẩm này đã thu hút sự chú ý đặc biệt của văn đàn lúc bấy giờ, làm cho cái tên Nguyễn Công Hoan được nhiều người biết đến. Đây cũng có thể coi là tác phẩm điển hình cho văn chương hiện thực phê phán của ông.

Kép Tư Bền là tập hợp những câu chuyện xoay quanh những con người lao động khổ cực kiếm miếng cơm manh áo, Có anh Kép Tư Bền đến khi cha sắp chết cũng không có cơ hội ở bên. Anh nghệ sĩ hài canh cánh trong lòng bao lo âu, trăn trở ấy cũng phải làm trò cười cho khán giả. Đọc xong mà thấy nghẹn nghẹn trong cổ họng. Để lại cho độc giả cả ngày ấy lẫn bây giờ dấu chấm hỏi: Nghệ thuật vị nhân sinh hay Nghệ thuật vị nghệ thuật.

Hay truyện Mất cái ví đã đặt tình cảm của con người lên chính bàn cân với tiền bạc. Những tờ giấy ấy giá trị tới mức phải tự tạo ra một màn kịch lố lăng với chính người thân trong nhà.

Tập truyện ngắn nhìn chung là hay, tuy có những truyện không thực sự đặc sắc, nhưng những chuyện như Kép Tư Bền hay Mất cái ví thì thực sự là những áng văn đả kích sâu cay rất mực đặc sắc

Nguyễn Công Hoan không còn nữa, nhưng ông sẽ mãi bất tử trong thế giới văn chương. Ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996. Tên ông cũng đã được đặt cho một con phố ở thủ đô Hà Nội. Chừng đó đã là đủ để thấy được tài năng và sự yêu mến của người Việt dành cho ông.

sưu tầm

Bình luận Facebook