“Ứa nước miếng” với những thức quà đặc trưng của mùa Thu Hà Nội
Có những thức quà mùa Thu ưu ái tặng riêng cho Hà Nội, chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của chúng vụt qua trên phố, vậy là đã đủ khiến ta thẫn thờ vì chợt nhận ra mùa Thu đã đến tự bao giờ…
Không phải vô cớ mà người ta yêu mùa thu Hà Nội nhiều đến thế. Không chỉ là những thứ như phố cổ trong nắng vàng, những con đường dài với hàng cây ấm nắng chiều, mùi hương thanh tịnh của một buổi sớm ướt hơi mưa,… mà còn bởi những món quà ngọt lành mà mùa thu ưu ái tặng Hà Nội. Đó là những thức quà mà chỉ cần nhìn thấy bóng dáng của chúng vụt qua ta trên phố, vậy là đã đủ khiến ta thẫn thờ vì chợt nhận ra mùa thu đã ở xung quanh ta, đã tràn vào lồng ngực ta mất rồi.
1. Sấu chín
Nhắc đến những thức quà của mùa thu mà bỏ qua sấu thì thật là một sự thiếu sót, bởi chẳng ai nỡ bỏ qua những trái sấu vàng rộm được bày bán khắp nẻo Hà Nội trong cái mùa mát mẻ này cả.
Sấu lúc này đã là những trái sấu chín, được gọt vỏ sạch sẽ, lộ ra phần thịt màu vàng rộm đến là ngon mắt. Chúng được xếp gọn gàng trên những mẹt bán hoa quả dầm, bên cạnh nào cóc, nào xoài, nhưng tất cả cũng chỉ để làm nền cho sấu chín mà thôi. Bởi nghiêm túc mà nói thì, làm sao bạn có thể nhìn cái màu vàng ươm như nắng ấy mà không ứa nước miếng cơ chứ?
Quả sấu chín mùa thu vẫn còn chua dôn dốt, ruột lẫn lên một vị ngọt dịu nhưng không đủ để át đi cái gắt của vị chua. Lớp vỏ ngoài cắn vào thấy giòn giòn, càng về gần hạt lại càng mềm và ứa ra thứ nước ngọt ít ỏi. Vậy nên sấu chín mới phải ăn cùng muối ớt, để cái mặn và cay xé của muối thêm thắt vào bản nhạc đang thuần vị ngọt vị chua, khiến chúng ta hài hòa hơn, đưa đẩy hơn và dễ gây nghiện hơn.
2. Cốm
Nhắc đến mùa thu Hà Nội là nhắc đến cốm. Cốm là ngọc của trời, là kết tinh quý giá của đồng lúa thôn quê Bắc Việt. Đến từ những cánh đồng bao la, cốm chính là phần hồn của hạt lúa non, chứa căng đầy mùi vị thanh thanh, thơm mát của hạt lúa. Những hạt cốm xanh mỏng, tựa như đá ngọc bào được đặt trong lá sen rồi gói ghém cẩn thận, đem đi khắp các nẻo đường, những con phố và ngõ ngách Hà Nội.
Tuổi thơ đứa trẻ Hà Nội nào cũng có màu xanh ngọc của cốm. Đứa nào cũng có những buổi trưa chờ mẹ chờ bà đi chợ về, trong chiếc làn đỏ, ẩn dưới đám rau, miếng thịt là một bọc cốm nhỏ và nải chuối tiêu. Hạt cốm nhỏ xíu như lá me, nhưng ăn thì tuyệt nhiên không thể vốc cả nắm mà nhét vào miệng. Ăn cốm ngon là ngon ở cái từ tốn. Tức là bạn nhẹ nhàng, nhẩn nha bốc một nhúm nhỏ rồi tách vài ba hột thả vào miệng. Lúc đó mới thấy cái dẻo dẻo của hạt cốm, cái mùi thơm thoảng nhẹ của đồng cỏ, của lúa non, của lá sen ấp kín bên ngoài. Ngày bé còn hay ăn chuối tiêu chấm với cốm, cái ngọt sắc của chuối quyện vào vị dẻo bùi của cốm chẳng gì khác chính là một món quà dành cho đám trẻ con hảo ngọt.
Ngày nay, chẳng phải đợi mùa thu mới được ăn cốm. Cốm có quanh năm, suốt tháng. Nhưng đúng là cốm chỉ ngon nhất khi được ăn vào những ngày mùa thu, gió thì dịu mát còn không khí thì đậm một mùi hương thanh tao của cỏ cây, của nắng mới.
3. Hồng
Ngay kể cả trong cái thời đại mà mùa nào bạn cũng có thể ăn rươi nhờ tủ đá thì quả hồng vẫn là thứ trái cây hiếm hoi bắt bạn phải chờ dài cổ cả năm mới được ăn dăm ba lần.
Với tôi, mùa thu rõ nhất không phải là khi thấy những gánh hàng cốm hối hả trên đường. Thu về rõ nhất là khi lẫn trong nắng vàng ươm ngọt mật, những xe bán hồng rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội vào những buổi trưa vắng. Quả hồng đỏ mọng như hồng ngọc, lấp lánh dưới nắng như một thứ của quý đến từ vùng đồng quê, hớp hồn lũ trẻ mê màu mè và ưa của ngọt.
Nhưng cũng như cốm, hồng không phải là thứ quả cho kẻ thích ăn vội. Quả hồng cần phải đợi đúng thời điểm, khi thân đã mềm, nắn vào thấy đằm tay thì mới ăn được. Sớm một chút thì chát khô cả miệng, mà muộn một chút thì quả hồng nẫu ra rồi, vậy nên muốn ăn hồng ngon thì phải căn ngày chín thật chuẩn. Lúc ấy, bạn sẽ thấy công lao chờ đợi quả thực vô cùng xứng đáng. Lớp vỏ hồng mỏng dính như lớp rèm cửa màu đỏ, để lộ ra phần thịt tươi rói bên trong. Cắn một miếng thấy mềm lừ đi trong miệng, vị ngọt vừa sắc lại vừa nhẹ, lại cả thêm cái sần sật của phần hạt nữa nên cứ ăn một lại thèm ăn hai, cả đĩa hồng bị đánh bay lúc nào cũng chẳng hay.
4. Ổi
Lớp 9, đứa nào cũng được học bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh. Trong bài có một khổ thơ như này:
“Bỗng nhận ra hương ổi
Phả vào trong gió se
Sương chùng chình qua ngõ
Hình như thu đã về.”
Sau khi học bài ấy, trong đầu tôi lúc nào cũng có một suy nghĩ bình yên về mùa thu mỗi khi ngửi thấy mùi hương ổi phảng phất ngoài đường. Ổi cũng không phải là thứ quả chỉ xuất hiện một lần một năm như quả hồng, nhưng ắt hẳn, phải đợi đến mùa thu mới có thứ ổi ngon, mềm và thơm ngào ngạt như những quả ổi mang mùa thu về trong thơ của Hữu Thỉnh.