Truyện ngắn: Úp sọt
Đúng nửa tháng sau, đám cưới Loát – Mến rổn rảng khắp làng. Cái sự đã rồi nhiều khi an bài được khối chuyện. Và giờ, sau một ngày, long óc với đám người nhốn nháo, hắn ngụp trong rượu để giải sầu. Thế là hết, mọi thứ còn chưa bắt đầu đã kết thúc…
Hết giờ giảng, hắn tót lên đê làm một giấc. Chiều lưng lửng, gió phe phẩy ngọn cỏ. Mây đuổi nắng về phía rặng cây, nướng đốt tre vàng lên ưng ửng. Vài ba con diệc khoắng cặp giò dài ngoằng vào vũng nước. Cái ngữ cao kều ấy kể ra vẫn không ngon bằng lũ muôn muốt đằng kia. Cả đàn cò đập cánh liệng lên, hốt hoảng như thấy nòng súng. Lá trút ào ào, tấp đống dưới chân ruộng màu rêu úng. Phải gió! Mắt vừa dim díp được một lúc thì bị tiếng “vô tuyến rè” phá đám:
– Ối giời ơi? Bò ăn sạch mạ rồi. Mến? Mày đâu rồi? Mày chăn bò cái kiểu đầu bò nhà mày à?
Tiếng bà Én xóm trên. Có chuyện gì thế nhỉ? Hắn gượng dậy, mắt còn chưa mở nổi vì chói nắng thì tóc bị túm ngược:
– Ai cho mày lừa con gái tao? Ối làng ơi… Giữa đồng không mông quạnh nó ngủ với con tôi.
Bà có lộn không vậy? Ai ngủ với ai? Mở banh mắt ra, hắn thấy cái Mến chạy trong lùm cây ra, cuống quýt cột cái chun lòng thòng. Vớ lấy cái nón, ả chạy như ma rượt về phía con bò. Còn hắn, cúc áo tuột nhẵn, ngực phanh ra, mồ hôi tứa tát. Vẫn chưa hiểu chuyện khỉ gió gì vừa xảy ra thì bà Én lại táng cho một bạt tai:
– Thầy bà gì cái ngữ mày. Giờ thì bà bắt được rồi nhá?
– Bà làm sao thế? Tôi đã làm gì?
– Ới bà con… Mau gọi Công an. Gọi cả Hiệu trưởng đến cho nó “mất dạy” luôn.
Trẻ con nhâu nhâu, người làng vứt cày bâu lại, mỗi lúc một đông. Loát bị bà Én nói át đi, không bào chữa gì được. Trai xóm trên rầm rập vác rựa tới, đòi chém chết đứa nào dám “chạy làng”. Chuyện phình to ra, lão Lưu ra đến nơi thì nắng đã tắt bặt. Loát ôm gối ngồi, thách cả làng làm gì được hắn. Giờ thì hắn đã hiểu, bà Én vừa đổ vấy tội cướp trinh em Mến, cái con hôi như bò không ai gần nổi trừ con bò nó chăn. Cứ cho tem bị bóc đi, thế sao không thấy nạn nhân nói gì đã lủi mất dạng. Mau bắt cô ả lại, dẫn lên huyện kiểm tra xem. Cơ hội giải oan vừa lóe lên thì bị lão Lưu thổi cái phụt:
– Không kiểm tra gì cả. Gái đôi mươi rồi còn nhỏ nhắn gì nữa mà kiện cáo. Hai đứa nó đồng mưu đồng tình với nhau… Thằng đàn ông dám làm dám chịu, quyết không chạy làng.
– Bố làm sao thế? Bố biết, ngoài bục giảng ra, ở đâu con cũng cởi quần dài, đánh trần cho mát mà?
– Vì cái thói quen dở người ấy mà giờ phải lấy vợ đấy con ạ.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi |
Lão kéo mụ Én ra một góc nói nhỏ, Loát nghe loáng thoáng gì mà “Bà này… Cứ thế… Cứ thế đi…”. Điên hết rồi, Loát này có phải gà đâu mà mang sọt ra úp. Hắn vùng vằng, rẽ đám đông thì bị bố già túm lại:
– Anh đi đâu? Chuyện động làng, không né được đâu. Hai đứa chuẩn bị về một nhà đi.
– Cái gì? Bố bảo con lấy cái con hôi bò ấy á? Không bao giờ, bố muốn thì lấy nó về, ngủ với nó rồi bảo nó đẻ con cho.
– Thầy giáo mà ăn nói ất ơ kiểu đó à? Cút ngay cho tao…
Quá bẽ mặt, lão Lưu khạc cả cục giận nhổ lên cỏ. Mụ Én dịu giọng cầu thân:
– Cái Mến vào được nhà bác thì tốt quá. Cứ quyết thế bác nhé, cụ thể thế nào mai bác sang nhà em… ta bàn tiếp.
Vất vả cho mụ, tru tréo cả buổi chiều cuối cùng cũng được như ý. Lão Lưu vớt mồ hôi trán, nhìn lên trời. Sao lấp lóe hàng chấm nhỏ, nhòe nhoẹt đi trong đôi mắt mờ đục. Làng bảo lão ngu nhưng với lão, đây là hỷ sự từ ý trời. Cứ nhận đi, biết đâu đấy…
*
Đúng nửa tháng sau, đám cưới Loát – Mến rổn rảng khắp làng. Cái sự đã rồi nhiều khi an bài được khối chuyện. Và giờ, sau một ngày, long óc với đám người nhốn nháo, hắn ngụp trong rượu để giải sầu. Thế là hết, mọi thứ còn chưa bắt đầu đã kết thúc. Hắn ngắc ngoải, tợp nốt ngụm rượu đắng nghét. Đấy là, hắn nghĩ vậy chứ ông già đẻ ra hắn lại nghĩ khác. Và cũng chính lão đã cố ý đồng lõa, hồ hởi tiếp tay cho mụ Én. Lão biết rõ, hắn đã nhắm em Ly dưới huyện. Hắn phải đợi dăm năm nữa may ra cái tình yêu vằng vặc như trăng tròn ấy mới nên cơm cháo. Khi giấc mộng với nàng còn dang dở thì sự xuất hiện của Mến đã khiến tất cả vĩnh viễn dở dang. Trong hắn, tòa tháp đôi vừa sụt móng gãy đỗ, đất đá chất chồng lên vỡ nát. Hắn đẩy cổng cái rầm, tiếng bố già chát roẹt mùi nước chè vọng ra:
– Anh đi đâu giờ mới về? Cưới xong, bỏ vợ vò võ một bóng. Anh có phải đàn ông không?
– Bố quá đáng lắm. Quá đáng lắm…
– Ừ… Tôi quá đáng. Anh vì cái con nặc nô kia, để cả họ trù úm tôi thì có quá đáng không?
Hắn hất cằm, gân cổ lên toan cãi thì bị mụ Én bít mồm, đạp thẳng vào buồng. Qua khe cửa, mụ gí mắt nói vọng vào:
– Ăn vụng bao giờ cũng ngon, anh Loát nhở? Ăn no nê rồi nên đếch cần tân hôn nữa phải không?
– Tân hôn cái con khỉ. Bà hãy đợi xem, tôi biến con gái bà thành cái thứ gì?
Thì anh cứ biến đi, Én này hãy còn sống để xem. Mụ nguây nguẩy lên nhà trên với lão Lưu. Vì tổ chức chung nên ông bà họp lại để kiểm kê thùng tiền. Mến gạt chốt cửa đi vào, tóc ướt nhoẹt, đầu cúi gằm như ngọn rau gãy. Rượu phả hơi lên bức tường thơm mùi ve mới. Gió giật bong lớp keo, kéo chữ hỷ rũ xuống. Sao mà đúng với tâm trạng của hắn lúc này thế? Loát cười khẩy:
– Tắm à? Có đắp cả tạ phấn lên người, cô vẫn hôi mùi bò.
Cái mùi khắm của chuồng bò, bốn góc ngập ngụa cứt đái. Mùi thủm của bò, đằm trong vũng bùn tanh tưởi, tối về trát thêm lớp phân nhầy nhụa. Chỉ muồm muỗm, mằn ho, đỉa thì mới ham cái mùi đó chứ hắn thì xin vái. May, có rượu át vía, không thì hắn đã lao ra sân cho chó ăn chè. Suốt ngày chăn bò, hôi mùi bò là đúng rồi. Cả làng này, được mấy nhà thơm mùi sách. Chê gì thì chê, giờ bò cũng đã vào tận buồng, có ghét cũng không thể nín thở được. Ả chợt lên tiếng:
– Anh cởi áo ra, lau tạm người. Đừng tắm, dễ cảm.
– Tôi cũng đang muốn cảm vật ra để chết đây. Cô làm ơn cút ra ngoài giùm cái…
Mồm quát chân đá, hắn hất văng chậu nước ả vừa bê vào. Cái chậu méo mó, lăn xoảng ra nền khiến bố già giật bắn. Lão vứt cả đống tiền, xuống ngay nhà dưới:
– Có chuyện gì? Vừa mới cưới, kiêng đổ vỡ trong nhà biết không hả?
– Đổ hết đi. Vỡ hết đi. Tại sao? Bố hùa vào, úp sọt con?
Nửa đêm rồi, vẫn không yên, lão đánh trống lảng bước ra. Loát giật lấy cái chậu quật bốp vào tường, lôi ả dậy khảo vấn:
– Nói… Lúc đó cô làm gì trong lùm cây? Nói…
– Em… Em… đi giải…
– Hả? Thế sao cô không nói cho mụ Én biết?
– Em nói rồi mà mẹ không tin. Cứ bắt em…
– Không tin thì phải chỉ cho bà ấy thấy, cô không hề bị mất… chứ?
– Chỉ thế nào? Em không biết…
Tôi đang sống ở cái bãi bồi nào thế này? Loát ôm đầu, vò đầu, đập đầu… Ả sợ, mặt tái xanh như bấc đèn cạn dầu. Hắn chỉ muốn bốc ả lên, vo viên lại ném thẳng vào chảo mỡ. Đâu ra cái thể loại dốt không có lỗ xâu? Dốt thế, cả đời chăn bò là đúng rồi. Ông trời đùa kiểu gì, lại bắt hắn đèo phải cục nợ thế này? Đã thế, ông ép cho ra bã mới thôi. Thầy giáo thì cũng là người, chẳng lẽ không có quyền được ghét bỏ. Hắn phán:
– Tôi phạt cô cái tội để người khác sắp đặt đời mình. Có lớn mà không có khôn. Từ bây giờ, hễ ngủ thì nằm dưới đất. Cấm không được lên giường, ám mùi bò lên giường tôi. Biết chưa?
– Dạ…
Mắt ngấn nước, ả răm rắp nghe lời. Đêm lạ nhà, lạnh buốt sống lưng, dàn dụa nước mắt. Hắn đổ ềnh ra giường, mặc ả bị cái lạnh ngấu nghiến. Chỉ một đêm cũng đủ mòn mỏi cả hình hài. Gà lục tục ngoài vườn, hắn mới nhỏm dậy tìm nước uống. Cổ khô như rơm rạ gặp đại hạn, tứ chi ê ẩm đúng kiểu bị bò húc. Nhắc đến bò, hắn đảo mắt tìm ả. Chỉ thấy mảnh giấy để lại:
– Em đi chợ. Cháo đỗ xanh để trên bàn. Anh ăn cho đỡ mệt…
Tưởng đi luôn chứ? Người hôi bò mà chữ nắn nót, trông tươm gớm. Hắn nhét tờ giấy xuống chiếu, ngồi lên cho bẹp dí rồi vịn cửa ra ngoài. Roi quất của bố già cũng không dã man bằng rượu, qua một đêm người vẫn còn đờ đẫn. Mở lồng bàn, bát cháo hãy còn nhì nhèo khói. Rượu òng ọc đã vắt kiệt lũ cơ múi, không ăn thì lên lớp đố nhấc nổi mồm. Hắn vục mặt húp, ăn đến vã mồ hôi, tỉnh queo thì ả về. Mắt sưng húp, ả phờ phạc như ngọn đèn ấm ức sáng thâu đêm. Ả lủi xuống bếp thì bị gọi giật lại:
– Cô ngủ ngoài chợ hay sao mà giờ mới về? Có thấy mặt trời nhoài lên khỏi ngọn tre rồi không? Lần sau, đừng cháo lão gì cho mệt xác. Cứ để tôi chết quách đi. Nhớ đừng viết vũng gì để lại, đi được đâu thì cứ đi cho khuất mắt…
Câu trước hoạnh họe, câu sau đã xua đuổi. Kiểu gì cũng nói được, ả biết sống kiểu gì? Không dám trả treo, ả chỉ biết vâng dạ cho yên. Lão Lưu lên xã về, hí hửng khoe:
– Có giấy chứng nhận kết hôn rồi nhé? Tiện qua Ủy ban, bố lấy về luôn.
– Với con, nó có khác gì giấy chứng tử đâu. Bố khoe ầm lên làm gì? Rảnh thì đi đánh cờ tướng giùm cái…
– Anh nói cái gì? Nói lại tôi xem…
Lão Lưu tấp rầm xe vào tường, mắt phun ra lửa. Sợ xảy ra cự cãi, Mến chạy ra đỡ:
– Ôi… Bố có tuổi rồi cứ xe pháo cho vui. Đừng lọc cọc đạp xe mà đau chân.
– Sao cô không nói thẳng, bố hùa theo bà Én thế đủ rồi. Hùa nữa… Lố… Bố ai chịu được?
– Lố à? Lố cái mả bố mày. Tao chỉ còn nước chết đi để cho mày đào mả thôi. Con cái mất dạy… Bà nó linh thiêng, về mà xem thầy giáo cãi bố già này…
– Bố để cho mẹ yên. Mẹ còn sống cũng không đồng ý việc kết sui của bố đâu. Bố vào nghỉ đi. Con xin phép lên lớp…
– Cãi chán thì bỏ đi, cái giống bố láo. Đít nhôm, đít nhoét gì cái ngữ mày, còn không bằng một đứa chăn bò. Phải còn bé, ông đã cho mày bỏng đít. Lão gọi Mến lại căn dặn:
– Con cất đi cẩn thận. Thằng Loát dạo này chướng tính. Nó hiền như cục đất, quen hơi vợ rồi sẽ điềm tính ngay. Cứ có với nhau tý “rèo rèo” rồi đâu vào đấy cả.
Tối đến, phải hấp hơi dưới nền thì rèo rèo trèo ở đâu hả bố? Té ra, “có chồng hờ hững cũng như không” là có thật, lại còn vận đúng vào ả. Thôi thì, cứ tin lời bố già thử xem sao. Hoàng hôn đổ màu lên cánh cò trắng muốt, tiếng bò ầm ò gọi chủ lẩn vào hang hốc. Loát rẽ lên đê ngồi lù lù một đống, tứ chi bất động. Chiều lịm dần, quệt đặc khói lên rặng tre già lụ khụ. Triền đê đen thẫm, vắt qua cánh đồng như đỉa trâu đói nhũn. Không về thì biết đi đâu, hắn uể oải thả người xuống giường, tự nhủ cứ xem như ả vô hình. Mến đứng ở cửa nói vọi vào:
– Ngày mai, anh đi với em về nhà ngoại. Con gái phải về “lại mặt” sau lễ cưới ba ngày.
– Cô đi một mình đi. Tôi bận rồi.
– Anh không nên bận vào ngày mai mới phải…
– Phải trái gì tự tôi quyết. Mẹ cô, có cần biết phải trái với tôi không?
– Em hiểu rồi…
Lại một đêm nữa, ả chong mắt nhìn vảy ngói, nghe mưa rỉ rỏ bên cửa sổ. Gió lách qua khe đậu lên vai, thấm vào da thịt. Hắn vẫn kéo được cả đống gỗ cho đến khi gà nhảy lên đụn rơm, gáy dồn dập. Tiếng bố và đũa soàn soạt ngoài hiên, mách với hắn trời đã cao chọc họng. Ả không về “lại mặt” mà ra sau nhà xới đất trồng rau. Hắn xếp giáo án vào cặp, tiện tay mở toang cửa đón gió. Ả cặm cụi dần tơi đất, chốc lại lấy ống áo quẹt mũi. Trông ả có phần hư hao hẳn. Hoa chua me nở rợp khắp chân rào, ả nhổ cỏ chừa hoa lại. Cái dáng mỏng mảnh, văn vắt như sương vẽ lên mi hắn những vệt nắng hồng phấn. Hắn mân mê giọt nước leo lẻo trên bông hoa tím, cảm giác đâu đó có lá rơi xào xạc. Đang ngẩn tò te thì:
– Anh chị Loát đâu? Sao tôi đợi cả buổi không thấy về thưa gửi gì?
Tiếng đàn bà chua loét, kéo mày hắn co nhíu lại. Ả chưa kịp về đã tớn lên đi tìm, thớt này phải dày cả gang chứ không ít. Không để lão Lưu kịp mời bà sui xơi nước, hắn cướp lời:
– Bà xem… Giờ này, ai cũng phải trầy mặt ra kiếm cơm, không rảnh để viện cớ ca cẩm như bà đâu. Bà về đi… Hôm nào rảnh, ả sẽ về.
– Anh nói hay nhở? Thế cái Mến về đây là vào trại cải tạo à? Quên hết gốc gác, lễ lạt. Chính xác, đến bao giờ thì nó mới rảnh?
Hễ nước gặp lửa thì y như rằng có khói xì xèo. Mến vứt cuốc chạy vào can:
– Mẹ mới đến ạ? Con đang cố nốt luống rau rồi về thăm mẹ.
– Quý hóa quá… Chị bây giờ có khác nào “có cái xỏ bỏ cái chui” đâu.
Vẫn còn cay cú vì bị úp sọt, nghe xỏ với chui thôi Loát đã muốn hộc máu. Hắn sấn sổ đến, cãi như đập xả lũ:
– Xin lỗi bà nhé? Ả không chui ra từ cái lỗ nẻ của bà nên câu đó bà đừng nói. Nếu có lòng, bà đã không gả tống gả tháo con mình như thế. Cả tôi và ả đều là gà không may bị úp. Kiếp sau, bà làm gà đi để biết bị úp nhục thế nào?
– Cái thằng mồm loa mép giải, dám cãi tay đôi với cả mẹ vợ – Lão Lưu cầm dép ném veo ra vườn, trúng chú choai đang vặt rau mầm để cảnh cáo. Gà bỏ chạy thì Loát cũng lên xe vọt thẳng. Lão tiễn bà Én ra cổng, nói nhỏ:
– Dạo này, nó cãi khỏe lắm. Tôi không làm gì được. Tội cho cái Mến…
– Ông yên tâm. Để xem nó ngoan cố được đến khi nào? Các cụ bảo rồi, “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, huống gì anh chị ấy đang hừng hực như thế… Tôi đố đấy.
Bà nói phải, có điều gặp phải Loát e là lời của các cụ cũng tắt điện. Cớ là đi dạy thay nhưng hắn lại lên đê đọc sách. Mắt đọc mà đầu cứ xoắn lấy cái gai tên Mến. Kể ra, hồi học ở tỉnh hắn đã nghe kháo, bà Én nhận nuôi một bé gái, không cho đi học mà bắt đi chăn bò, ai cũng ngại gần vì ả hôi mùi bò. Nghe kể, hắn đâm ra ám ảnh chứ bé đến lớn ngoài mùi sách ra hắn chưa được tường tận về cái mùi ấy. Oái oăm, mùi bò lại ở cùng với mùi gái, thế khác nào bày cơm ra để tra tấn kẻ đói lả. Khói rơm lẩn vào ruộng đồng nứt nẻ, cái bụng sôi ré lên. Gió uốn cong ngọn tre, búng hắn lên như tên bắn. Đầu đê có mấy đứa mặt lấc cấc, đang bao vây một ả, đã thế còn nhắc tên hắn:
– Thế nào? Làm vợ anh Loát sướng không, phát biểu tý nhở?
– Em là ai? Sao biết chồng tôi?
– Tôi là người anh Loát tôn thờ. Cô đã nẫng mất ngôi chính thất, còn rắp tâm hủy hoại anh ấy…
– Cái gì mà “tôn thờ”, “nẫng mất”? Chị nghe không hiểu. Nói đơn giản tý được không?
– À… Tôi quên. Nói với một ả chăn bò thì phải huỵch toẹt ra. Cô hãy cuốn xéo khỏi cuộc đời anh Loát. Trả anh ấy lại cho tôi…
– Em yêu anh ấy nhiều thế cơ à?
– Cũng nhiều… Gọi là, đầu mày cuối mắt tý cho có kỷ niệm… Chứ, đã già còn thật thà thì nhờ vả thế méo nào được. Cái gì cũng có hạn sử dụng…
– À… Ra thế. Thế thì, chị không cuốn xéo được đâu.
Cô dám? Ly túm lấy tóc Mến vày vò, cả toán hò reo cổ vũ. Chuyện đàn bà biết ra mặt kiểu gì? Trẻ con bây giờ phịa ác thật, Loát cố nán lại xem Mến xử trí ra sao. Giãy được ả Ly ra, Mến lớn giọng làm luật:
– Hai đập một không chột cũng què. Ngon thì một chọi một, chị chấp thứ tự từng đứa. Lên đi…
Từ hồi chăn bò, ả đã cao thủ trong khoản đánh trận. Lũ râu ria các chú ăn rồi chúi mõm học thì đánh đấm cái vẹo gì. Mến nhúi dụi ả như hãm cái đầu bò, lên gối hai phát rồi co chân đạp thẳng xuống hố mùn nhão nhoét. Xử lý xong, vẫn không thấy oắt nào dám xông lên. Thị thủng thẳng vấn lại tóc, chốt hạ mấy câu:
– Đời còn dài, hà tất vì một thằng gàn dở mà vục mặt xuống bùn. Số phận an bài. Trời gọi thì chị dạ thôi…
Á, dám bảo hắn gàn dở. Ả này đích thị là hổ báo nằm vùng, thích xem phim kiếm hiệp. Lời em Ly như dằm văng vào tai nhưng lọc lõi thế nào thì vẫn là học trò, Loát còn kinh nghiệm gấp đôi tuổi em. Mặc Ly khóc tu tu dưới hố lầy, hắn rẽ lối khác tìm về nhà. Vào buồng, thấy Mến ngồi bưng mặt khóc, hắn hắng giọng:
– Cơm nước gì chưa mà ngồi đây? Đói mờ mắt rồi đây này.
– Tôi mệt. Bố đi ăn cỗ làng bên không về. Anh tự xử đi…
– Ơ… Cô dám nói với tôi bằng cái giọng đó à?
– Anh muốn ăn cơm thì trả lời tôi câu này…
– Câu gì?
– Nếu tôi bị chặn đánh giữa đường anh có cứu tôi không?
Oái, sao ả biết hắn núp sau lùm táy nhỉ? Có cái lý nào, chồng thấy vợ bị vây mà cứ để thế xem sao. Loát tai tái mặt, im lặng ngồi cởi tất. Mến gạt nước mắt đứng dậy:
– Anh đối với tôi thế nào cũng được. Cử gái đến hành tôi cũng chẳng sao. Riêng thiên hạ này, đứa nào dám đụng đến anh, tôi giết…
Ô… Giết chóc gì ở đây, nghe hãi quá. Loát run rẩy nuốt từng chữ vào bụng, đớn hèn dờm dợm ở cổ họng khiến hắn muốn vả vào mặt. Cơm dọn ra, có món nộm dọc mùng hắn càng chột dạ. Tự dưng hắn muốn bắt chuyện:
– Nộm này ngon… nhỉ?
Ả bẽn lẽn cười, mới giả tạo làm sao. Vừa rồi còn rất ngổ ngáo giờ đã hiền khô, ai bảo “mồ côi hôi bò” dễ đối phó. Tối khuya, soạn giáo án xong vẫn thấy ả ngồi bóc lạc, chắc lại bịa việc ra để làm. Gió rít đầu hồi nghiến qua mậm cải, câu hỏi của ả xẹt qua cứa vào cổ. Hắn buồn bã trở mình, ho lẹt khẹt. Dưới nền nhà, con tôm Mến nằm cứng đờ như thây ma. Hắn lại gần khẽ rẽ nếp tóc kiểm tra xem, cái Ly có giật tróc da không? Mùi bò không có, chỉ có hương chua me vờn qua cánh mũi, mơn man tâm trí. Sáng dậy, thấy mình nằm trên giường, ả tẽn tò lủi ra khỏi buồng. Dọn bữa ra, ả không ăn mà ra hồi bếp “cúc” gà vãi thóc. Hắn gọi vu vơ:
– Ai ở ngoài đó, vào ăn cơm.
– Mày gọi ai đấy? Vợ mày nó không có tên à?
Lão Lưu dủm dỉm cười, lấy đũa gõ nhẹ lên đầu hắn. Mở tủ tìm áo không thấy, hắn la lên:
– Cái sơ mi màu lam đâu rồi? Vào tìm giùm cái…
Ả lật đật cầm áo chạy vào, hẳn phơi ở sào giờ mới khô. Không ai nhìn ai, câu cú cũng không có chủ ngữ, chỉ len lén nhìn rồi né. Trao cặp cho hắn, ả lí nhí:
– Tối qua, không biết… lên giường khi nào. Em xin lỗi…
– Ừ… May cho cô, tôi ngủ say không biết gì… Ở nhà trông nhà, đừng đi đâu… Trộm ngày giờ nhiều nhan nhản…
Tự dưng, lại nhắc vợ làm chó canh nhà mà không sửng cồ lên, ả có tý không quen. Tối muộn, hắn đáo qua thăm học trò ốm. Vào đến cửa, thì nghe tiếng người rôm rả:
– Thầy Loát “gay” rồi. Thầy sợ ngủ với vợ, bắt vợ xuống ngủ gầm giường…
– Ô sao thế được? Vợ chồng phải chung chăn gối chứ?
– Tôi nói nhỏ nhé? Hôm rày, thằng Tý lẻn vào vườn trộm chanh, đi qua cửa sổ thì nghe thầy quát, đuổi vợ xuống nền nằm…
– Có chuyện đó á? Hèn gì, mãi chưa thấy cái Mến có “rèo rèo”… Mà bà nói thế nào chứ… Không lẽ, mụ Én úp phải con gà không biết gáy? Thế thì, đẻ đái thế quái nào được… Té ra, trên đê….
– Gà nào chả biết gáy, chỉ có thầy Loát là trống thiến thôi.
Cái gì mà trống thiến, không biết gáy? Loát nóng mặt bỏ về. Ra đến hố bom đầu làng, đá bôm bốp vào gốc cây cho bõ tức. Máu sĩ cồn lên, lòng tự tôn bị sỉ vả thậm tệ, hắn thấy cần phải chứng minh điều gì đó. Đạp cửa long cả bản lề, hắn đè nghiến ả xuống:
– Cô nói ai gàn dở? Giờ thì, xem tôi gàn dở nhá?
– Anh nói gì, em không hiểu.
Vợ chồng ngót ba mùa trăng, giờ mới khám phá. Ả kháng cự yếu ớt, bấu lấy hắn tìm sự che chở. Thân thể ấy nồng đẫy hơi đất, ngan ngát mùi cỏ gianh. Đến khi ả rũ rượi ra một góc, gió lùa vào hong khô vệt tiết, hắn mới thấy mình thật thô bạo. Kéo chăn trùm cho ả, hắn dịu giọng:
– Tôi… Xin lỗi. Tối nay, ngủ trên giường đi…
– Sao lại xin lỗi? Anh ân hận à?
Câu hỏi đó có vẻ khó với hắn. Loát bỏ bữa, đi từ sáng sớm. Mến ngậm ngùi rải vốc cơm nguội, gà nháo nhác mổ cả vào chân ả. Cứ tưởng bị Ly xát muối lòng sẽ xót rát lắm, thế mà Loát chả có tý hư tổn gì. Chỉ lẳng lặng rời đi, miên man nghĩ về Mến. Đều là gà bị úp nhưng tâm trí ả dành cả cho hắn. Còn hắn, cứ mãi cay cú về cái sọt chết tiệt mà không biết, hơi hám ả đã đặc quánh trong gian nhà quạnh quẽ. Thế quái nào mình lại yêu ả được nhỉ? Loát giật ngọn cỏ cho vào mồm nhá. Giời cười như nắc nẻ, nắng rưới mật lên cánh đồng vàng rộm. Sẩm tối, về đến cửa không thấy ả ra đón, Loát hỏi ầm lên:
– Bố làm gì đấy? Nhà con đâu rồi?
– Tôi có nghe nhầm không? Nó xách làn đi từ chiều, mãi chưa thấy về…
Ả đi đâu được nhỉ? Có khi nào, về bên ấy kể khổ với mụ Én. Vợ với chả con, bắt được ông đánh cho chừa cái thói ngồi lê đôi mách, vạch áo hớ hênh. Mụ Én bận nấu cám lợn, chả buồn tiếp. Hắn ngược lên đê, tiếng dế trũi đã rầm ran bụi bờ. Chập choạng còn đội nón, ả như ma trơi dọa quỷ đói săn đêm. Hắn đến bên ả, cùng nhìn lên trời. Sao rơi lả chả, giọt sương vội vã tan vào gió. Hắn mở lời:
– Tối rồi, không thấy lạnh à?
– Kệ người ta…
Cũng biết giận cơ đấy. Hắn khều vạt áo ả, rụt rè nói:
– Mai tôi đưa em về “lại mặt” nhé? Kể ra, chúng mình ở cùng rọ, vui nhỉ?
– Đêm nào cũng đuổi người ta xuống giường thì vui nỗi gì?
– Anh xin lỗi… Từ bây giờ, anh làm bò cho em chăn nhé?
Gió vén tóc, chạm khẽ bờ môi lên mi ả, mở tung hàng cúc đã đến hồi trễ nải. Viền ngực lấp ló đầy khiêu khích, ả tênh hênh trên đê rì rào gió. Hơi thở hắn trườn tới, mân mê đầy ma mãnh. Chậm lại giây lát, ả hỏi:
– Thế… Anh không sợ mùi bò nữa à?
– Cóc sợ…
Hắn vạch mây, kéo trăng ra khỏi bờ rào. Trăng nhô lên, căng nõn như nếp nương đến kỳ cương sữa. Đồng hoang vắng, tiếng nhân ngãi rủ rỉ lẩn vào mậm cỏ non, ngọt xớt. Lêu lêu, có đứa hớt hải cột chun quần trong bụi. Lêu lêu, có đứa bị úp sọt trên đê. Lêu lêu…
Truyện ngắn của Trang Thái Hà/VNCA