Phan Huỳnh Điểu: Người biến tình ca thành hành khúc

Không chỉ nổi tiếng là một trong những nhạc sĩ có số lượng ca khúc phổ thơ nhiều nhất, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2001) còn nổi tiếng là người “phổ thơ hay hơn cả thơ”. Nhạc sĩ Phong Nhã từng có một so sánh: “Nếu ở Trịnh Công Sơn là lời vượt nhạc, thì ở Phan Huỳnh Điểu là nhạc vượt thơ”.

Tất nhiên, nhận xét trên không phải đúng với tất cả các trường hợp, song đối chiếu với thực tế, ta có thể thấy, đã có những bài thơ trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều sau khi được chắp thêm “đôi cánh nhạc” của Phan Huỳnh Điểu. Đó là trường hợp các bài “Bóng cây Kơnia” (thơ Ngọc Anh), “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (thơ Bùi Minh Quốc), “Anh ở đầu sông, em cuối sông” (thơ Hoài Vũ), “Thuyền và biển” (thơ Xuân Quỳnh), “Sợi nhớ sợi thương” (thơ Thúy Bắc), “Hành khúc ngày và đêm” (thơ Bùi Công Minh)… Trong đó, các ca khúc “Cuộc đời vẫn đẹp sao” và “Hành khúc ngày và đêm” mặc dù được viết theo thể loại hành khúc song vẫn được giới phê bình âm nhạc nhận xét là có giai điệu trau chuốt, trữ tình…

Một lần, khi nghe phóng viên đặt câu hỏi tại sao có những nhạc sĩ nhất định không chịu sử dụng ca từ do người khác viết, trong khi nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu lại năng thực hiện điều này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà đưa ra một dẫn chứng thuyết phục: “Những ca khúc nổi tiếng thế giới đa số phổ thơ. Quan niệm không viết lời được mới phổ thơ là không chính xác. Ở Trung Quốc có hẳn tập Ca từ để phổ nhạc”. Theo quan điểm của Phan Huỳnh Điểu: “Xét đến cùng, chất thơ trong ca từ của một nhạc sĩ thuần túy không thể bằng được chất thơ trong ca từ vốn là bài thơ của một nhà thơ”. Từ lý do đó, ông rất hứng thú phổ nhạc cho thơ và xem thơ và nhạc như “cặp chị em sinh đôi”, “thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên”.

Trong sự nghiệp âm nhạc phong phú của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, “Hành khúc ngày và đêm” là một trong những tác phẩm được chính ông thừa nhận là “để lại nhiều ấn tượng sâu sắc”. Ông từng bật mí với báo giới về quá trình ông sáng tác nên ca khúc trứ danh này:

Năm 1972, tình cờ Phan Huỳnh Điểu đọc được trên tạp chí Văn nghệ Quân đội bài thơ của một tác giả có tên là Bùi Công Minh. Đó là bài “Ngày và đêm”. Nội dung bài thơ rất trùng hợp với hoàn cảnh của con trai ông lúc bấy giờ: Một anh bộ đội công binh, có người yêu là một cô giáo ở Hà Nội. Ngay lập tức, nhạc sĩ quyết định phổ nhạc bài thơ như một món quà dành tặng con.


Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu 

Giống như nhiều trường hợp phổ thơ khác, Phan Huỳnh Điểu tận dụng lời thơ đến mức tối đa. Bài thơ “Ngày và đêm” khi chuyển thể thành “Hành khúc ngày và đêm”, câu chữ của nhà thơ gần như được giữ tới 95%. Đây là phần ca từ của bài hát: “Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ/ Nơi cháy lên ngọn lửa/ Là trái tim thương yêu/ Là trái tim yêu thương/ Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch/ Bồi hồi đêm xuất kích chờ nghe tiếng pháo ran/ Ngôi sao như mắt anh trong những đêm không ngủ/ Giáo án em vẫn mở cho ánh sao bay vào/ Ngày và đêm xa nhau đâu chỉ dài và nhớ/ Thời gian trong cách trở đốt cháy lửa tình yêu/ Pháo anh lên đồi cao nã vào đầu giặc Mỹ/ Bục giảng dưới hầm sâu em cũng là chiến sĩ/ Cái chết cúi gục đầu/ Cuộc đời xanh tươi trẻ/ Ngày đêm ta bên nhau/ Những năm dài chiến đấu/ Ngày đêm ta bên nhau/ Những năm dài chiến đấu/ Đêm ngày trong chiến đấu/ Anh và em sống vẫn gần nhau”.

So sánh với nguyên bản bài thơ, ta thấy nhạc sĩ chỉ thêm vào tí chút “gia giảm”, như thêm điệp khúc “Là trái tim thương yêu” vào trước câu “Là trái tim yêu thương”, thêm mấy câu kết bài cho tăng sức vang, ngân: “Ngày đêm ta bên nhau/ Những năm dài chiến đấu/ Đêm ngày trong chiến đấu/ Anh và em sống vẫn gần nhau”. Ngoài ra, nhạc sĩ cũng có chỉnh một đôi chữ, như chữ “mong nhớ” đổi thành “thương nhớ”; “Vẫn cháy ngời tình yêu” thành “Đốt cháy lửa tình yêu”; “Những đêm ngày chiến đấu” thành “Những năm dài chiến đấu”. Xem ra, những chỗ thay đổi này đều hợp lý, làm tăng sức khái quát cho cả bài thơ.

Mặc dù bài thơ thể hiện một tình yêu đôi lứa trong sáng, lý tưởng, “giàu tình cảm cách mạng” là vậy, song, theo nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu kể lại thì khi chuẩn bị thu âm, “Hành khúc ngày và đêm” vẫn gặp phải một sự cố mà tác giả không lường tới: Nghe những câu “Rất dài và rất xa/ Là những ngày thương nhớ”, có người đã góp ý nên bỏ mấy chữ “Rất dài và rất xa” đi, vì đang kháng chiến mà nói như thế sẽ làm nản lòng chiến sĩ. Không còn cách nào khác, nhạc sĩ buộc phải chấp nhận. Vậy là mở đầu ca khúc, ca sĩ Phan Huấn (người đầu tiên thể hiện bài hát để ghi âm cho Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng) đã phải thay bằng câu: “Hờ hờ hờ hớ hơ/ là những ngày thương nhớ”. Tác giả bài hát cho biết, hiện ông vẫn còn giữ được băng ghi âm có lời hát “cải biên” nói trên, và sự tình phải đến khi ta giải phóng miền Nam thì bài hát mới được “phục hồi nguyên trạng”.

Sau khi được phát sóng nối tới thính giả cả nước, “Hành khúc ngày và đêm” nhanh chóng trở thành bài hát nằm lòng của các bạn trẻ, không chỉ với những người đang xông pha nơi trận mạc. Sức động viên, cổ vũ của bài hát thật to lớn. Sau này, trong một bài viết đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả hành khúc “Tiến bước dưới Quân kỳ” đã có một nhận xét tinh tế: Phan Huỳnh Điểu đã làm được điều đặc biệt, là biến tình ca thành hành khúc. Tình ca vẫn có thể chiến đấu với giặc được. Điều ghi nhận của Doãn Nho cũng chính là điều mong ước của Phan Huỳnh Điểu khi ông bắt tay vào sáng tác “Hành khúc ngày và đêm”. Chẳng là, khi đọc bài thơ của Bùi Công Minh, trong ông đã nảy một ý nghĩ: Bài thơ viết rất trữ tình, trong khi nhiều ca khúc của ta (lúc bấy giờ) lại quá thiên về kêu gọi chiến đấu. Tại sao nhà thơ viết được mà nhạc sĩ không viết được?

Nhân đây cũng cần giới thiệu một chút về tác giả phần lời của “Hành khúc ngày và đêm” – nhà thơ Bùi Công Minh.

Khi sáng tác bài thơ “Ngày và đêm” (năm 1968), Bùi Công Minh đang học năm thứ tư Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Theo như thông tin trên một bài viết đăng Báo Nhân dân cách đây ít lâu thì trong một lần liên hoan lửa trại tại nơi sơ tán, Bùi Công Minh đã được nghe cô bạn gái cùng lớp xúc động đọc một bức thư của người yêu cô gửi về từ chiến trường. Ngoài bức thư là lời tâm sự chân thành của cô bạn gái về một tình yêu được thử thách, tôi luyện trong cách xa. Bấy giờ Bùi Công Minh cũng đang có những xúc cảm yêu thương với một cô gái là sinh viên Trường Đại học Sư phạm. Nàng hiện đang cùng trường sơ tán tại một nơi cách xa chỗ anh ở. Sự hòa trộn những cảm xúc ấy đã khiến Bùi Công Minh đồng cảm sâu sắc với mối tình của người bạn gái cùng lớp. Vậy là, ngay đêm ấy, dưới ánh đèn dầu tù mù, anh đã xúc động viết nên bài thơ “Ngày và đêm” đầy rung cảm…

Là một trong mười sinh viên miền Nam từ Khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được điều chuyển về học tập tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (theo yêu cầu của Ban Thống nhất Trung ương) và là một trong 4 sinh viên trong số đó sau khi tốt nghiệp được giữ lại ở Khoa làm công tác giảng dạy, nhưng, với tinh thần “sống như là viết”, chỉ sau đó ít năm, Bùi Công Minh đã tham gia quân ngũ. Và, như thể một sự “linh ứng” từ những vần thơ trong “Ngày và đêm”, anh đã trở thành người lính phòng không.

Trải qua nhiều năm tháng công tác và chuyển đổi vị trí, hiện nhà thơ Bùi Công Minh đang giữ cương vị Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Tp Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2009-2014).

Trở lại với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Từ những thành công to lớn của ông trong việc phổ thơ, ta có thể thấy khả năng phân thân, khả năng đồng cảm với cộng đồng của ông mạnh biết chừng nào. Và ông ý thức rất rõ khả năng ấy của mình. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh niên, rằng: “Ông nghĩ gì khi có nhiều ý kiến cho rằng ông lấy những nỗi đau và tâm sự của riêng mình để sáng tác”, người nhạc sĩ cao niên đã phản đối ngay tắp lự: “Nếu tôi lấy sự đau khổ, phiền muộn của mình ra để sáng tác thì nhạc của tôi không sống được đến bây giờ. Cũng như có ý kiến cho rằng mỗi bài hát của tôi là nói về một người con gái. Nếu thế thì tôi sống như thế nào với bà nhà tôi đây”

sưu tầm

Bình luận Facebook