XUNG QUANH BẢN ÁN LY HÔN ĐƯỢC TUYÊN BẰNG THƠ DUY NHẤT Ở VIỆT NAM

Là một nhà thơ chặt chẽ về niêm luật, Bà Huyện Thanh Quan lại rất nổi tiếng… lơ mơ về pháp luật khi xử án. Câu chuyện về nữ sĩ huyện Thanh Quan xử án ly hôn… bằng thơ là một giai thoại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thi ca và lịch sử pháp đình Việt Nam. Trong chuyên mục “án xưa luật nay – án nay luật xưa” số này, ĐS&PL xin giới thiệu cùng bạn đọc về một danh nhân của Thăng Long -Hà Nội ngàn năm văn hiến, người đã xử một vụ án ly hôn… theo luật trái tim.

 Án Xưa: Nữ sĩ lơ mơ chốn… pháp đình

Thi nhân “nghiêm giữ” luật thi ca

Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Là một nữ sĩ thời Nguyễn, tiểu sử của bà không được đầy đủ lắm. Người ta chỉ biết bà là ái nữ của một vị danh nho, sinh quán tại làng Nghi Tàm, huyện Thọ Xương (nay là Hoàn Long, tỉnh Hà Đông).Cho tới nay, người ta không rõ năm sinh và năm mất của bà. Chỉ biết cha của bà là học trò của cụ Phạm Quý Thích, cụ là một tiến sĩ đời nhà Lê và là bạn thân của thi hào Nguyễn Du. Quê hương bà là làng Nghi Tàm, ở ven Hồ Tây (Hà Nội). Nơi này vào thế kỷ XII có công chúa Từ Hoa, con vua Thần Tông nhà Lý, người đầy lòng nhân ái; đã từ bỏ cung vua để lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm, hoà mình với đời sống của dân; sau lại đem tất cả những gì mình có để làm công quả, xây nên chùa Sen Vàng (Kim Liên). Đây cũng là nơi mà sau này có nhiều dấu ấn của Vua Lê Chúa Trịnh: Chúa Trịnh Giang mở bến tắm, chúa Trịnh Sâm mở các hành cung. Gần đó là xóm Bảo Khánh, chỗ bà chúa Liễu Hạnh dong thuyền ngâm thơ cùng với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, “trăng tròn soi một bóng tiên thôi”, nơi đẹp đến nỗi “đất trời lộn sắc”: chả biết đâu là nước, đâu là mây. Phải hiểu địa danh và lịch sử của Nghi Tàm mới có thể cảm được thi tài và tâm hồn nhạy cảm, đầy nhân ái của Bà Huyện Thanh Quan, Nữ sĩ của đất “ngàn năm văn vật”.

Được gọi là Bà Huyện Thanh QuanÀ, vì cô Hinh lấy chồng người làng Nguyệt áng, tên gọi Lưu ôn, đậu cử nhân đời Vua Minh Mạng. Lúc đầu ông được bổ làm tri huyện Thanh Quan (tỉnh Thái Bình), rồi vì can án nên bị cách chức, sau lại được làm Bát Phẩm Thi Lại Bộ Hình, sau cùng được thăng lên chức Viên Ngoại Lang. Phần bà, nhờ nổi tiếng là “hay chữ”, nên được Vua Minh Mạng vời vào cung và phong cho chức Cung trung giáo tập, để dạy các cung nữ học. Trong những năm đầu triều Vua Tự Đức, bà đã gián tiếp xin Vua miễn cho làng Nghi Tàm khỏi lệ tiến cống chim sâm cầm; điều đó nói lên sự quan tâm nhân ái đối với dân làng, và hình bóng đất Bắc hà luôn in đậm trong tâm hồn người Nữ sĩ tài hoa. Thơ của bà để lại được chính thức công nhận là 6 bài; đó là: Qua đèo Ngang, Chùa Trấn Bắc, Thăng Long hoài cổ, Cảnh chiều hôm, Chiều hôm nhớ nhà, Cảnh thu. Chúng đều là những bài thơ tả cảnh, đẹp như những bức tranh thủy mặc chấm phá; nhưng không chỉ có vậy, đây lại là những bài thơ mượn cảnh để gửi gắm tâm tình.

Thể thơ Đường luật của Trung Hoa có một bố cục chặt chẽT, với số chữ và số câu hạn chế, lại thêm những quy luật niêm và đối phức tạp. Với chữ Hán đã khó, dùng chữ Nôm lại còn khó hơn. Nhất là về ý, thơ lại mượn cảnh để diễn tả tâm tình, phải có một sự hoà hợp giữa tâm hồn và ngoại cảnh, giữa tình cảm và lý trí. Rồi “ý tại ngôn ngoại”: dùng chữ diễn ý, sao cho ngắn gọn, đầy đủ; nhưng cũng “ý bất thành văn”: lại vẫn như còn thiếu cái gì đó để gợi thêm tưởng tượng và tâm tình, như “trời chiều bảng lảng”. Thật hay nhưng thật khó, thế mà điều đó có được nơi thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Có thể nói rằng những câu thơ của bà thật đẹp và khó có một chữ thừa:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Ngay cách đảo ngữ cũng làm cho câu văn ngắn gọn, mạnh mẽ; nhưng lại thật trong sáng, nhẹ nhàng:

Gác mái, ngư ông về viễn phố

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

Và nhất là những từ ngữ, hình ảnh, âm điệu đối xứng với nhau thật đẹp, thật hay:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt

Nước còn cau mặt với tang thương

Thơ bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. ở đó, niêm luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu…

Về thể thơ Đường luật, trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được Nữ Sĩ Thanh Quan. Để được công nhận như vậy, có lẽ vì bà là một nhà thơ kinh điển về niêm luật nhưng không vì thế mà mất đi sức sáng tạo của ngôn từ và sự thăng hoa của cảm xúc.

Nữ sĩ lơ mơ… chốn pháp đình

Là một nhà thơ chặt chẽ về niêm luật, Bà Huyện Thanh Quan lại rất nổi tiếng lơ mơ về pháp luật khi xử án. Câu chuyện về nữ sĩ huyện Thanh Quan xử án ly hôn bằng thơ là một giai thoại vô tiền khoáng hậu trong lịch sử thi ca và lịch sử pháp đình Việt Nam.

Chẳng là sau khi lập gia đình với ông Lưu Nghị (tự là Lưu Nguyên Uẩn, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, đỗ cử nhân khoa Tân Tỵ, năm Minh Mạng thứ hai) được bổ làm tri huyện Thanh Quan, nữ sĩ được gọi là Bà Huyện Thanh Quan hay Bà Thanh Quan. Trong Nam thi hợp tuyển của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc có đề cập về chồng của nữ sĩ như sau: “Chồng bà là ông Lưu Nguyên Uẩn, sinh năm 1804, đậu tú tài năm 1825, cử nhân năm 1828 và được bổ nhiệm làm tri huyện Thanh Quan. ông huyện Thanh Quan vì can án phải cách, bổ làm Bát phẩm thơ lại Bộ hình. Sau lại thăng lên chức Viên ngoại lang”.

Quan Huyện Thanh Quan đi vắng, bà Huyện thay chồng thăng đường. Có một ông đỗ Hương cống tới xin mổ trâu để giỗ bố. Lúc bấy giờ mùa màng thất bát, triều đình ra lệnh hạn chế mổ trâu trong những dịp tế lễ khao vọng, để phát triển việc canh nông. Bà Huyện ngần ngừ, nhưng trước sự năn nỉ của ông Cống, và cũng cảm động trước hiếu hạnh của ông. Bà hóm hỉnh cầm bút phê vào đơn:

Người ta thì chẳng được đâu

Ừ thì ông Cống làm trâu thì làm.

Biết Bà Huyện dùng chữ nghĩa để lỡm mình, nhưng đã được như sở nguyện, ông Cống vui vẻ ra về. Ông Cống đọc lời phê vừa mừng vừa tức cười. Bà Huyện chơi chữ mới tinh nghịch làm sao: “Làm trâu vừa có nghĩa là làm thịt trâu lại vừa có nghĩa làm… giống trâu!” ông huyện về nhà biết chuyện này, không khỏi giật thót mình: dong dân, trái lệnh vua, nếu có kẻ nào thóc mách, xấu bụng tâu lên trên thì bị tội là cái chắc. Nhưng vì vốn quá quí nể vợ, ông đành… ngậm tăm, không phàn nàn một câu nào!

Cũng vào một dịp ông Huyện vắng nhà. Có cô Nguyễn Thị Đào đến công đường kiện cáo vì chồng có nhân tình nên bỏ bê nhà cửa, để cô phải phòng không gối chiếc. Cô làm đơn xin ly dị để đi lấy chồng khác. Cảm thông với nỗi khổ tâm của người phụ nữ, bà Huyện phóng khoáng phê vào đơn:

Phó cho con Nguyễn Thị Đào

Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai

Chữ rằng “Xuân bất tái lai”

Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Ai ngờ người chồng cũ, sau một thời gian bướm hoa trăng gió, lại muốn trở về với vợ. Được tin vợ đã lấy chồng mà giá thú cũ thì hãy còn nguyên chưa hề đệ trình quan xét và hủy bao giờ, hắn bèn đệ đơn lên cấp trên kiện ông huyện Thanh Quan! Quan trên tra xét, xác nhận sự việc bên nguyên thưa kiện là hoàn toàn đúng. Bị quan trên khiển trách, ông huyện đành “ớ cổ giề” không hề phản biện được câu nào! Nghe nói vì vụ việc này và cũng còn vì vài nguyên do khác nữa mà rốt cuộc ông huyện Thanh Quan bị cách chức.

Tuy nhiên, nhờ có tài văn chương lỗi lạc, Bà huyện Thanh Quan được vua Tự Đức vời vào cung và phong chức Cung trung Giáo tập để dạy cho các cung nhân học. Trọng tài học của bà, vua Tự Đức có ban cho bà được đề thơ vào một cái chén cổ, có bức hoạ sơn thuỷ. Bà đã ứng khẩu đọc hai câu: “In như thảo mộc trời Nam lại; Đem cả sơn hà đất Bắc sang”. Vua Tự Đức vốn thích văn chương nên thường làm thơ cho bà hoạ lại, bà hoạ rất tài. Vì vậy, dù đã từng rất “phá cách” khi tuỳ tiện thay chồng xử án, bà vẫn được vua rất quý trọng.

sưu tầm

Bình luận Facebook