Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8 – 1941 và kết thúc hai năm sau đó. Từ một tháng nay ngôi làng của chúng tôi đã biết thế nào là mùi tử khí của chiến tranh. Người dân vốn đã quen với cuộc sống kham khổ nhưng cũng không thể ngay lập tức hình dung hết mọi sự khủng khiếp đang xảy ra.
Ngày 25 – 8, mẩu bánh mì cuối cùng trong nhà đã hết, ông nội lấy từ trong tủ ra chiếc bình thủy tinh đựng mười lít rượu Vodka được bao bọc rất kỹ và nói với tôi:
– Cháu hãy cho vào giỏ, mang ra chợ đổi lấy 1 pud (đơn vị đo trọng lượng của Nga, bằng 16,38kg) bắp hạt. Nếu người ta trả rẻ hơn, cháu hãy đổ hết rượu ra, đập vỡ bình rồi quay về… Rượu Vodka lâu năm đấy cháu ạ, tám mươi độ chứ không ít đâu!
Tôi không phải đập vỡ bình rượu. Ở chợ có người rất mê Vodka. Không nhiều lời, người đó trút ngay vào giỏ cho tôi một pud bắp hạt vàng óng. Chẳng những thế ông ta còn nhét vào túi áo tôi tờ bạc ba mươi rúp, rồi xoa đầu tôi và hẹn gặp lại.
Phút sau tôi đã có mặt ở cửa hàng ăn trước chợ.
– Có thịt băm viên không? – Tôi hỏi người bán hàng.
– Ngồi xuống đi, tôi sẽ mang ra ngay!
Một con chó mực ốm nhom, dài ngoằng, hai bên hông nhoe nhoét bùn đất chạy vào cửa hàng. Nó đảo qua đảo lại vài vòng, liếc tôi, rồi mạnh dạn bước lại gần. Vì tiếc miếng thịt băm viên nên tôi chỉ ném cho nó một ít mì ống. Trong khi miếng mì ống còn chưa kịp rơi xuống đất, nó đã đớp gọn. Tôi ném một miếng nữa. Một phút sau, hình như để gây sự chú ý với tôi, nó bèn sủa một tiếng.
Ra khỏi cửa nhà ăn tôi lại nhìn thấy con chó lúc nãy. Nó lo lắng nhìn quanh và tiến dần lại phía cửa.
Tôi chưa kịp bước mười bước chân đã nghe một tiếng rống khủng khiếp và tiếng sủa của con chó, rồi nó lao nhanh qua tôi, chui xuống gầm cầu và nhảy xuống nước. Nhưng rồi nó lại vội vàng lao lên bờ, sủa ăng ẳng và lăn trên cát.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Tôi quay lại cửa hàng và nhìn thấy người bán hàng đang đứng ở cửa với chiếc chảo trên tay. Từ trong chảo, làn hơi nóng vẫn còn bốc khói nghi ngút.
– Ông làm bỏng con chó phải không? – Tôi hỏi.
– Không, chỉ chút nữa là nướng đùi nó! – Ông ta mỉm cười ngây ngô.
– Ông là đồ con lừa! – tôi hét lên.
Sáng hôm sau, trong sân nhà chúng tôi vang lên tiếng chó sủa, mặc dù còn yếu ớt và chưa tự tin lắm nhưng đúng là tiếng chó sủa. Mặc dù chúng tôi gọi nó bằng nhiều tên khác nhau, nào là Jack, Dzunbar, Belak, Myrka, nhưng con chó không hề phản ứng trước bất cứ tên gọi nào. Khi đó chúng tôi quyết định chỉ gọi nó một cách đơn giản là Chó.
Ngày tháng trôi đi. Đêm 22 – 8 – 1943, cả làng bị đánh thức dậy bởi tiếng chó sủa, tiếng cắn nhau và tiếng chó tru. Thời kỳ loạn lạc nên chẳng ai để ý đến chuyện ấy. Sáng hôm sau, ông Axlan nhìn thấy bên cạnh giếng làng xác một con chó đực bị cắn nát. Xác chó được chôn đi.
Đến trưa có một người lạ xuất hiện trong làng. Ông ta đi tìm con chó của mình. Người ta bảo ông đến gặp Axlan. Tôi cũng có mặt ở đấy.
– Tôi bị mất con chó… Người ta nói với tôi, hình như hôm nay anh vừa chôn một con chó nào đó.
– Đúng thế.
– Anh có thể chỉ chỗ chôn nó được không?
Ông ta đào xác chó lên, xem xét.
– Chó của tôi! – Hôm qua nó vừa cắn con trai tôi rồi bỏ chạy. Ở trạm phòng dịch người ta yêu cầu phải mang đầu con chó đến để làm xét nghiệm não.
Buổi chiều, người láng giềng Badrya hỏi mượn ông tôi khẩu súng săn.
– Anh mượn súng làm gì? – Ông tôi hỏi.
– Bắn con chó nhà tôi.
– Nó phạm tội gì sao?
– Đêm qua có một con chó lạ cắn nhau với chó trong làng. Còn cậu, cũng nghe ông chủ con chó nói gì rồi đấy. Nó cắn con trai ông ấy.
– Buổi tối cháu nhốt con chó vào trong kho! – Ông nội ra lệnh cho tôi và dịu dàng vuốt đầu con chó.
Cuộc hành quyết lũ chó một cách tàn khốc chưa từng có kéo dài suốt một giờ. Cả làng sôi réo lên. Và trong khoảng thời gian ấy, con chó nhà chúng tôi bị nhốt trong kho vừa sủa vừa tru một cách điên cuồng, vừa cào cấu lên cánh cửa nhà kho đến bật móng. Mọi việc dần dần yên tĩnh trở lại. Phát súng cuối cùng vang lên và bắt đầu một sự tĩnh lặng chết chóc.
Tôi có cảm giác trong làng như thiếu một cái gì đó, một cái gì đó hết sức bình dị, giản đơn, nhưng gần gũi và thân thương. Và tôi chợt hiểu ra rằng, con chó chính là một phần máu thịt không thể chia cắt của làng, là người gác cổng bình dị của làng.
Từ buổi sáng ngày 24 – 8 – 1943 làng tôi không có chó.
Gần chiều, ông Badrya lại xuất hiện, dáng vẻ say khướt.
– Ông Xpirdon ạ, không nên vì một con chó mà làm mất lòng cả làng… Hãy giết nó đi! Những con chó của chúng tôi đâu có thua kém gì chó của ông. Hay chỉ có mình ông là người nhân hậu?
– Không đâu Badrya ạ, chỉ có điều tôi không muốn đi sau quan tài của tôi mà không có con chó.
– Ông hãy cẩn thận! Nếu con chó của ông bị phát dại mà cắn lũ trẻ nhà tôi, tôi sẽ thiêu trụi căn nhà của ông và luôn cả ông đấy! – Badrya đe dọa rồi chệnh choạng bỏ đi.
Gần nửa đêm, bỗng có hai tiếng súng liên tiếp vang lên ở cuối sân nhà chúng tôi. Tiếp sau đó là tiếng chó sủa gay gắt. Tôi bật dậy khỏi giường, vơ lấy khẩu súng và chạy về phía có tiếng súng. Có ai đó vội vàng lẩn vào bụi rậm. Sau đó tôi nghe thấy tiếng bước chân chạy xa dần.
Sáng hôm sau ông bảo tôi dìu ông ra ban công. Con Chó bị què lết theo và nằm dưới chân. Ông im lặng rất lâu, sau đó quay về phía tôi và nói nhỏ:
– Họ nói đúng, con ạ… không nên vì một con chó mà xúc phạm cả làng… Con hãy lấy súng rồi đưa con Chó đi… Chỉ có điều hãy đi xa ra khỏi làng để ta không nghe thấy gì cả.
Chó nhìn ông với cặp mắt cầu khẩn.
– Hãy đi với nó đi, Chó! – Ông nói rồi úp mặt vào hai bàn tay.
Con chó chạy cà nhắc theo tôi một cách cam chịu và trong suốt thời gian đó, nó không một lần nhìn tôi.
Chúng tôi đến bờ sông. Tôi toát mồ hôi lạnh trên mặt, tim đập thình thịch. Sau khi đã bình tâm lại đôi chút, tôi lấy khẩu súng trên vai xuống. Chỉ đến lúc ấy con chó mới ngẩng đầu lên và nhìn tôi bằng cặp mắt thân ái buồn bã. Tôi quay mặt đi vì không chịu nổi ánh mắt của nó, rồi vội vàng tháo cả hai viên đạn từ khẩu súng ra và ném xuống sông.
– Thế nào, cháu? – Ông hỏi khi tôi về.
Tôi lặng lẽ lấy súng từ trên vai xuống đưa cho ông. Ông kéo quy lát ra, hướng khẩu súng ra chỗ sáng và nhìn vào hai nòng súng.
– Ta nói với cháu điều này, cháu ạ, nếu lúc nào cháu cũng xử sự như vậy, cháu sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống đấy.
Một tuần sau, ban đêm chó sói vào chuồng tha mất con dê nhà Xiraze. Những ngày sau, nhà ai đó bị mất gà, mất lúa, nhà Dnhelaze bị mất con bò sữa, nhà Matitasvili bị mất con bò giống, nhà Titmeri bị mất 8 pud ngô giống…
Dân làng như phát điên. Những tiếng la hét, mắng nhiếc nổi lên, người ta bắt đầu bóng gió nghi kị lẫn nhau, kể cả chửi bới.
Sự náo loạn của làng đã lên đến đỉnh điểm.
Ngày 27 -10, ông gọi tôi lại và giao chìa khóa nhà cho tôi.
Ngày 28 – 10, ông bảo tôi ngồi trên chiếc ghế thấp trước mặt và nói:
– Tất cả mọi thứ ở trên đời này đều có mở đầu và kết thúc, cháu ạ… Không ngày hôm nay thì này mai cái kết thúc của ta cũng sẽ đến… Ta sẽ trở về với thế giới bên kia, trở về dưới một hình hài khác – trong cỏ cây, chim muông, súc vật… nhưng ta vẫn luôn ở bên cháu!… Ta chỉ yêu cầu cháu một điều, không được rời bỏ ngôi nhà của chúng ta, không được để lửa tắt trong bếp lò!… Cha cháu sẽ trở về, cha cháu sẽ phải tìm thấy ở nơi đây ngọn lửa, miếng bánh mỳ và ly rượu. Những việc còn lại cha cháu sẽ tự giải quyết…
Ngày 1-11, vào lúc nửa đêm, ông nội lần ra khỏi giường và đứng giữa phòng.
– Cháu ơi, ta đã nhìn thấy nó rồi! – Ông thốt lên bằng một giọng vô cùng đau đớn.
– Thấy cái gì hả ông? – Tôi bật khỏi giường và hỏi.
Ông nội đổ gục xuống chiếc bàn, rồi từ từ tuột xuống và ngã vật ra.
– Ông ơi! Ông ơi! – Tôi hét lên.
Ông nội đã ra đi.
Tôi mặc quần áo, mở tất cả cửa sổ, cửa chính rồi bước ra ban công, chậm rãi, bình thản mở cổng, đi về phía hàng rào nhà láng giềng và gọi:
– Cô Margalita ơi!
Dân làng đến viếng sau buổi trưa. Với chiếc băng đen trên cánh tay áo, tôi đứng bên cửa bắt tay những người đến viếng, không khóc lóc, rên rỉ.
– Cháu hãy khóc lên một tiếng, một tiếng thôi, rồi sẽ thấy nhẹ hõm hơn cháu ạ! – Cô Margalita nói nhỏ vào tai tôi. Tôi lặng lẽ gật đầu.
Bỗng nhiên trong đám đông có một chuyện gì đó đã xảy ra. Thoạt đầu mọi người la lên, sau đó là một sự im lặng như tờ. Mọi người dãn ra và tôi nhìn thấy con chó, lông lá bù xù, bẩn thỉu, bám đầy những chùm gai. Nó không nhìn ai, không để ý đến bất cứ người nào, băng qua sân, leo lên ban công và đi vào phòng của ông nội. Không tìm thấy ai ở đó, Chó chạy ra phòng khách, đến chỗ quan tài, đứng trên hai chân sau, hai chân trước bám vào mép quan tài, rồi vươn cổ ra… và đứng lặng đi, nhìn mãi vào khuôn mặt bình thản, phúc hậu của ông nội. Sau đó nó quay lại, đi về phía tôi và lặng lẽ phủ phục dưới chân tôi.
– Chúa phù hộ cho nó! – Ai đó thốt lên.
Đến lúc ấy tôi không thể kìm lòng được nữa, liền ôm mặt và khóc rống lên.