Những con chuột bị treo cổ
Một buổi sáng, khi những túi rác đã được xe tới lấy đi, tôi kéo cổng ra đi làm thì phát hiện cành cây bị tôi chặt đi còn chìa ra một đoạn đó, đang treo lủng lẳng xác một con chuột. Tôi khá bực mình, nếu nhà ai có chuột chết thì cứ bỏ túi rác rồi đem ra xe rác, tại sao lại giết nó bằng cách này?
Trước nhà tôi có một cây bàng, đúng ra là nó nằm trên vỉa hè, bên ngoài cổng nhà. Tuy nhiên tôi vẫn xem nó là “tài sản” của mình, vì có thể sử dụng bóng mát từ nó, chưa kể khi cắt đi một cành thấp, cành dư chìa ra chừng ba mươi phân, tôi dùng nó để tối tối đem túi rác ra treo, sáng xe rác lấy sớm mà không bị lũ chó hoang bới tung lên để tìm thức ăn. Nên chuyện cây bàng đứng trước nhà chẳng là hình ảnh thi vị gì, mùa thu lá đổi thành màu đỏ rồi rụng, tôi thường ra nhặt rồi ngồi xuống gốc của nó mà đốt lên, hít hà mùi khói lá khô một lát rồi cũng quên nó đi. Tôi dọn về đây, hình như cũng đã hai mùa thu qua.
Đến một buổi sáng, khi những túi rác đã được xe tới lấy đi, tôi kéo cổng ra đi làm thì phát hiện cành cây bị tôi chặt đi còn chìa ra một đoạn đó, đang treo lủng lẳng xác một con chuột. Tôi khá bực mình, nếu nhà ai có chuột chết thì cứ bỏ túi rác rồi đem ra xe rác, tại sao lại giết nó bằng cách này?
Con chuột không lớn lắm, bị một sợi dây màu đỏ siết chặt vào cổ, nằm thõng xuống, đong đưa. Tôi bị ám ảnh hình ảnh con chuột bị treo cổ suốt một buổi sáng, dù mình đã cắt sợi dây và cho nó vào túi rác. Rằng nó bị treo cổ khi nó còn sống hay khi đã chết?
Tôi từng nhìn chuột bị sập bẫy hoặc dính keo mà chết, nhưng chưa bao giờ nhìn nó bị chết vì treo cổ. Nếu nó còn sống, tại sao người ta không chọn cách giết nó dễ dàng hơn mà chọn treo cổ? Nếu nó chết rồi, sao người ta không đem vứt đi mà phải mất công ngồi cột sợi dây đỏ vào cổ nó làm gì?
Chiều đi làm về, túi rác đựng con chuột ban sáng vẫn còn trên chạc cây, xe rác chỉ đến một lần trong ngày. Vẫn không nén nổi sự tò mò, tôi lấy túi rác màu đen xuống và nhìn con chuột lần nữa, các chân của nó cong lại, sợi dây màu đỏ vẫn còn buộc vào cổ, tuy nhiên bây giờ vết hằn trên cổ không còn như ban sáng tôi nhìn thấy khi nó đang bị treo lủng lẳng trên cây, có lẽ vì thế mà thấy đỡ bi thương hơn. Tôi treo cái túi lên, sáng mai xe rác đến lấy sớm, mình sẽ quên nó thôi.
Đêm lên giường nằm ngủ, bỗng nhiên nhớ đến con chuột, nằm tự hỏi nó cảm thấy thế nào khi bị bắt và bị treo cổ? Tôi vốn chẳng bao giờ ưa gì lũ chuột, vẫn đặt bẫy mỗi khi bị chúng cắn phá đồ đạc, thỉnh thoảng nuôi con mèo để nó đuổi lũ chuột đi, hay mấy con chó cũng bắt được rồi cắn chết nhè xác ra đó.
Vậy mà lần này, do suy nghĩ nhiều quá, khi chạm vào giấc ngủ chưa kịp sâu, tôi bỗng thấy một đàn chuột bị những sợi dây đỏ thắt lấy cổ và treo quanh nhà, từ hàng rào đến các cửa sổ, thậm chí trong tủ quần áo cũng có. Đêm đó, tôi phải thức giấc mấy lần, mồ hôi vã ra, sự sợ hãi tăng dần lên khi nhắm mắt là giấc mơ cũ lại tiếp nối.
Thức dậy rất mệt mỏi như mình chưa hề được ngủ, an tâm rằng con chuột hôm qua xe rác đã lấy đi rồi, tôi dắt xe đi làm. Theo quán tính, tôi ngó thử trên chạc cây còn cái túi hay không? Nhưng thứ làm tôi ngạc nhiên hơn cả, cái túi đen đã được lấy đi, thay vào đó vẫn là một con chuột bị thắt cổ bằng sợi dây đỏ, con hôm nay lớn hơn con hôm qua một chút.
Minh họa: Tô Chiêm |
Tôi tức tối nhìn những nhà hàng xóm, xem thử ai có khả năng chơi trò không giống ai thế này? Nhưng tất cả đều đóng cổng im ỉm để đi làm. Tôi lại làm công việc cũ, lấy con chuột bỏ trong túi nilon đen để treo lên chạc cây. Tự dặn mình khỏi quên, vào công ty nhớ in một tờ giấy “không thắt cổ chuột” để về dán ngay gốc cây.
Hôm sau và những hôm sau nữa, tờ giấy tôi dán lên gốc cây bị lột xuống, thay vào đó vẫn là những con chuột bị treo cổ bằng những sợi dây đỏ. Vì không chịu nổi được sự tức giận của mình khi ai đó liên tục treo cổ những con chuột trước cây bàng nhà tôi như một cách thách thức, đêm đó tôi quyết định thức trắng để xem ai đã treo cổ những con chuột.
Mười một giờ, mười hai giờ… không thấy bóng ai đi ngang ngõ nhà tôi. Đường sá vắng tanh. Tôi tắt điện và vào trong nhà, kéo một bên rèm để nhìn ra ngoài, thật sự, tôi thấy sợ. Bởi một người có thể nhiều đêm liền treo xác những con chuột lên cây thì cũng thuộc dạng thần kinh không bình thường.
Mà công nhận, khu tôi ở chuột nhiều thật, nhà tôi nuôi ba con chó, cứ vài hôm là tụi nó cắn chết một con chuột, sáng thức dậy thấy xác dưới sân. Nhưng một người mà có thể bắt được chuột sống rồi treo nó lên hằng đêm thì quả là chẳng còn gì bình thường nữa. Gần hai giờ sáng, người tôi đợi xuất hiện, một người đàn bà mặc bộ đồ bà ba đen, đội chiếc nón lá, tay cầm cái giỏ, đi bộ như người ta đi chợ. Rồi dừng lại trước cây bàng, lôi cái gì từ chiếc giỏ màu đỏ ấy, treo lên cây bàng rồi đi tiếp như không có chuyện gì xảy ra.
Mấy con chó của tôi nằm đó, không đứa nào sủa, tôi không rõ chúng không nhìn thấy người đàn bà ấy hay là vì chúng đã quen với lịch trình của bà mà không sủa nữa? Tôi bật điện, mở cửa và chạy ra ngoài, bầy chó của tôi đang ngủ giật mình đứng bật dậy, tôi mở cổng định chạy theo người đàn bà đó để hỏi lý do tại sao bà treo những con chuột đó lên cổng nhà tôi, nhưng khi tôi chạy ra đến cổng thì con đường vẫn vắng ngắt, bóng người đàn bà đội nón lá, tay cầm cái giỏ đi chợ không thấy đâu nữa.
Tôi quay vào nhà, sợ hãi. Tôi thức gần như trắng đêm để lục tìm trong trí nhớ của mình xem mình có từng gây thù oán hay oán ghét ai như thế hay không? Tại sao bà ấy không chọn một cái cây khác mà cứ phải là cây bàng trước ngõ nhà tôi, trong khi con đường này có rất nhiều cây bàng?
– Sáng hôm sau là cuối tuần, thức một đêm rất mệt mỏi, nhưng tôi phải dậy sớm và mang giày chạy thể dục, hôm nay tôi phải chạy ra đường chứ không chỉ chạy trong sân nhà mình và đùa giỡn với ba con chó như mọi khi. Hàng xóm nhà tôi đều dậy quét tước sân nhà, hoặc làm việc gì đó quanh sân mình.
Tôi sực nhớ ra, từ ngày dọn về đây, cũng đã hơn hai năm, tôi chưa có dịp nào nói chuyện hoặc làm quen với hàng xóm của mình. Tôi cảm giác như việc không giao du với ai cũng làm cho những người xung quanh của tôi khó chịu,. Tôi gật đầu chào những người hàng xóm, họ đều cười gượng hoặc nhìn tôi như nhìn người lạ. Mà ở khu phố vắng vẻ nhỏ bé này, người lạ không mấy. Không nén được sự tò mò, tôi bắt chuyện với người phụ nữ ở sát vách nhà mình, bà ấy vừa châm lửa đốt đống lá khô vừa quét xong vừa trả lời tôi:
– Chẳng biết sao cái xóm này nhiều chuột, nhiều tới mức mà nuôi bao nhiêu con mèo cũng bỏ xứ mà đi hết, lần đầu trong đời tôi thấy lũ chuột không hề biết sợ mèo!
– Tôi cười ậm ừ:
– Cô có biết ai có sở thích bắt chuột rồi… rồi… treo cổ nó lên không?
– Điên hả? Chắc ai đó điên!
Đúng vậy, ai đó bị điên, và người đàn bà đội nón lá lúc hai giờ sáng treo con chuột lên cây bàng là một người đàn bà điên? Khi hỏi câu hỏi đó xong, bà hàng xóm cứ nhìn tôi một cách đầy nghi hoặc, như kiểu tôi có những ý tưởng điên khùng nào đó mà bà không lý giải nổi. Mà cũng phải, một đứa đang sống tách biệt với thế giới xung quanh, một ngày bỗng hỏi một điều ngớ ngẩn thậm chí là kinh dị, dẫu chỉ là với những con chuột, nhưng tôi đang trở thành một đứa không bình thường.
– Tôi biết điều đó khi hôm sau ra đường, hàng xóm đều dừng lại để nhìn theo tôi với ánh mắt rất tò mò kỳ lạ. Nhưng trong đầu tôi cái thắc mắc lớn gấp ngàn lần, rằng người đàn bà đó là ai trong số họ? Nửa tò mò, nửa hoang mang, tôi đem câu chuyện của mình đến cơ quan công quyền. Ánh mắt của anh công an khu vực nhìn tôi chẳng khác nào những người trong xóm. Một lát, anh hỏi tôi:
– Rốt cuộc, cô muốn tôi điều tra ai là người treo cổ những con chuột?
– Tôi gật đầu, anh ta bỗng cười lớn: – Ở đây đâu phải Ủy ban chăm sóc động vật! Mà nếu vậy, cũng không ai bảo vệ những con chuột, thưa cô!
Tôi thất vọng ra về, hóa ra chuyện con chuột không đáng để bất cứ ai quan tâm ngoài tôi. Tự dưng tôi thấy mình cũng trở thành đứa ngớ ngẩn khi sáng sáng cắt đứt những sợi dây đỏ cho những con chuột không may kia rớt vào bịch nilon rồi chờ xe rác đến lấy.
Ngay hôm đó, tôi quyết định mình không cắt sợi dây đó nữa, để con chuột chết nằm nguyên trên chạc cây bàng, để nó phơi nắng sớm nắng trưa và cả phơi sương buổi tối, tôi quyết tâm không nhìn đến nó dù đi ra đi vào mấy lần. Ruột gan như có ai cào cấu, khó chịu vô cùng. Điều kỳ lạ là khi con chuột còn treo lủng lẳng ở chạc cây bàng, sáng hôm sau không có con chuột mới thay thế, nó vẫn là con chuột hôm qua.
Tôi không còn sức để thức đêm để xem hai giờ sáng người đàn bà đó có đi ngang nhà tôi hay không, nhưng sau bốn ngày bị phơi nắng, xác con chuột khô lại và tự rơi xuống đất. Trên chạc cây còn sợi dây đỏ với cái thòng lọng tròn lớn hơn ngón tay cái một chút. Tôi vẫn cố gắng kìm nén sự khó chịu của mình mà không nhặt con chuột để cho vào bịch rác. Mỗi ngày đi ngang cây bàng cứ thấy rờn rợn, như kiểu sau lưng mình đang có một án mạng mà mình đành tâm quay bước.
Rồi, vì mất vệ sinh quá đáng, tôi buộc phải quét dọn vỉa hè, nhất là dưới gốc bàng, con chuột khô queo lông rớt từng mảng. Nhìn thấy nó khiến tôi phát nôn. Tuy nhiên, tôi biết chuyện gì sẽ đến tiếp theo, rằng đêm ấy, một con chuột khác sẽ bị treo lên chạc cây bàng.
– Tôi tắt hết điện nhà mình, nhốt hết lũ chó trong nhà, tôi ngồi một mình sau cánh cổng sắt không khóa. Tôi đợi đến hai giờ sáng để đứng trước mặt người đàn bà sẽ treo con chuột lên cổng nhà tôi. Đúng như tôi dự tính, đúng hai giờ, cũng người đàn bà đó đi tới cổng nhà tôi, bước chân lên vỉa hè và lấy con chuột treo lên cây bàng. Tôi đẩy cửa và bấm đèn pin ngay mặt bà, tay kia cầm điện thoại quay chính diện gương mặt bà, sau đó với tay bấm luôn công tắc điện cổng.
– Bà làm gì với những con chuột?
Người đàn bà sau cái giật mình hoảng hốt thì tức giận nhìn tôi.
– Tôi treo cổ chúng!
– Tại sao bà treo lên cây nhà tôi?
– Lũ chuột phá hoại đồ đạc con người, con người phá hoại tài sản và hạnh phúc người khác, đều đáng bị treo cổ như nhau!
Tôi chưa kịp hiểu câu nói ấy có ý nghĩa gì, thì bà băng qua bên kia đường, khuất vào đám cỏ lau trong bãi đất hoang, đi mất. Tôi nhớ lại, có lẽ lần trước bà cũng về bằng con đường đó nên tôi chạy theo không kịp.
Tôi lại bị thức trắng đêm về câu nói của người đàn bà đó! Câu hỏi đầu tiên “bà là ai?”. Tôi ngồi nhìn qua bên kia đám lau sậy đối diện nhà mình, phía ấy có một căn nhà lớn. Có lẽ lớn nhất ở khu tôi đang sống, bây giờ, tôi mới để ý thấy nó. Nhà ấy có cái sân thượng khá rộng để phơi quần áo và sinh hoạt gia đình, buổi sáng, nắng sớm chiếu vào sân thượng đó rất đẹp, rất ấm áp. Nhưng rồi con chuột kéo tôi về thực tại. Tôi cắt sợi dây, cầm một đầu dây với con chuột đã chết băng qua bên kia đám lau sậy, tôi tìm người đàn bà tôi đã quay phim được đêm qua.
Khi tôi rời khỏi đám lau sậy, bước lên con đường mòn thì gặp ngôi nhà cao nhất đó. Tôi nhìn vào, chỉ thấy một người phụ nữ trạc tuổi tôi đang cho con ăn trước sân. Người đó nhìn tôi giật mình, còn thằng bé nhìn thấy chuột trên tay tôi thì khóc thét. Tôi không muốn thằng nhỏ hoảng sợ nên ném con chuột xuống đám sậy.
Tôi đưa điện thoại lên, mở đoạn video đêm qua tôi quay cho người phụ nữ ấy:
– Tôi xin lỗi, tôi muốn tìm người đàn bà này!
Người phụ nữ trẻ sợ hãi nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi khẽ gật đầu:
– Dạ, là… mẹ chồng tôi!
Tự nhiên tôi nghe cơn giận của mình trào lên tới ngực, tôi tìm đúng nhà rồi đó, tôi sẽ phải nói gì với người đàn bà đó bây giờ? Khi chính đêm qua bà đã nói câu nói mà đến giờ đứng đây rồi, tôi vẫn chưa hiểu bà ấy muốn gì khi treo những con chuột chết lên cây bàng trước nhà mình. Người phụ nữ trẻ gọi khẽ:
– Mẹ à, có người tìm mẹ!
Bà già bước ra, nhìn thấy tôi, bà lùi lại một chút rồi quắc mắt nhìn tôi:
– Cô còn dám mò sang tận đây sao?
Người trẻ vội ngăn mẹ mình lại:
– Mẹ à! Mẹ đừng làm vậy! Mẹ!
Bà già nạt:
– Mày sắp mất chồng đến nơi mà bênh cho nó hay sao?
Cơn giận đến làm tôi run cả người, hình như bà già này đang cố gán ghép tôi vào một cái tội gì đó, và việc treo những con chuột như một cách để hăm dọa tôi. Tới phút này thì tôi hiểu câu chuyện là vậy. Nhưng tôi đã làm gì nhỉ? Hai năm qua, tôi chưa hề kết bạn với ai ở khu mình sống kia mà! Tôi bước ra ngoài, con chuột tôi ném vào đám sậy vẫn còn nằm đó nổi bật với sợi chỉ đỏ, tôi nhặt lên và tức giận nói với người đàn bà ấy.
– Tôi sẽ báo công an về chuyện này, về chuyện bà làm phiền cuộc sống của tôi và hăm dọa tôi!
Tiếng xe đỗ xịch bên ngoài, tôi nhìn thấy một người đàn ông bước vào.
– Chuyện gì vậy mẹ?
– Con còn hỏi sao, cái con hồ ly này qua tới nhà mình tìm con rồi mà còn hỏi vậy sao?
Người phụ nữ trẻ ôm con lánh vào trong nhà, còn anh ta và mẹ mình đứng đối diện tôi.
– Anh biết tôi là ai không?
Anh ngỡ ngàng nhìn tôi rồi gật đầu:
– Hình như, nhà cô bên kia đường!
– Phải! Tôi có nói chuyện với anh lần nào hoặc đã từng dụ dỗ anh chưa?
– Xin lỗi cô, chắc mẹ tôi hiểu nhầm!
Tôi tức giận ném con chuột bị treo cổ bằng sợi chỉ đỏ vào người anh ta:
– Đừng làm phiền tôi bằng những con chuột nữa! Tôi không để yên đâu!
Tôi quay lưng bỏ về, còn kịp nghe sau lưng mình tiếng của mẹ con họ cãi nhau. Về đến cổng nhà mình, cô hàng xóm đứng đợi sẵn cùng vài người nữa nhìn tôi lo lắng.
– Câu chuyện được kể mà tôi không biết mình nên tin bao nhiêu phần trăm. Bà ấy từng bị chồng phản bội bởi một người hàng xóm, sau đó ly hôn và bà phải nuôi con một mình cho đến bây giờ. Khi con trai bà có vợ, bà luôn sợ những người hàng xóm, nhất là phụ nữ có thể cướp con trai bà ra khỏi gia đình. Nghe đâu bà ấy đi coi thầy, ông thầy nào đó cho bà một cuộn chỉ đỏ, nói cuộn chỉ đã được ếm bùa ngải gì đó, nếu treo xác những con chuột đã chết bằng sợi chỉ đó trước ngôi nhà mà bà xem là nguy cơ với con trai bà trong suốt một tháng, thì bà sẽ diệt được hậu họa. Trong xóm này, từng có hai người đã bị bà dùng loại “bùa” đó mà đến sợ hãi bán nhà đi nơi khác sống, nhưng chưa có ai dám qua nhà bà ấy để đối mặt như tôi. Tôi nhìn cô hàng xóm của mình:
– Sao hôm con hỏi thăm cô, cô không kể con nghe?
– Thì tao cũng muốn kể, mà tao sợ mày với bả gây chuyện gì, bả qua chửi tao sao, dù gì cũng hàng xóm… Nhưng mà… ai biểu mày vừa đẹp vừa sống một mình làm chi!
Những tức giận của tôi từ từ xẹp xuống, tôi nhìn qua bên kia đám sậy, căn nhà cao nhất sừng sững ở đó, cảm thấy thương những người đàn bà đến vậy. Nhận ra, mình sống độc thân, đúng hơn là đơn độc, cũng là một mối hiểm nguy cho những người đàn bà khác.
Tôi vẫn tập thể dục vào mỗi buổi sáng với ba con chó của mình, thỉnh thoảng cũng vì tò mò nhìn qua sân thượng bên đó, chỉ thấy phất phơ những chiếc áo trong gió. Họ, tôi và cả những con chuột, đều đáng thương như nhau.
Truyện ngắn của Nguyễn Anh Đào/VNCA