Nếu những đứa trẻ lướt tay mình trên sách…

Cựu Tổng thống Mỹ – Barack Obama từng nói: “Vào khoảnh khắc chúng ta thuyết phục đứa trẻ, bất cứ đứa trẻ nào, bước qua bậc thềm ấy, bậc thềm màu nhiệm dẫn vào thư viện, ta thay đổi cuộc sống của nó mãi mãi, theo cách tốt đẹp hơn”.

Hẳn, nhiều bậc cha mẹ sau khi đọc được câu danh ngôn này sẽ lấy làm kim chỉ nam cho công cuộc giáo dục con cái. Và rằng, mọi đứa trẻ đều xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp nhất, ấy là những cuốn sách. Thế nhưng cách đây vài năm, một người dùng mạng xã hội – anh Jean Louis Constanza đã đăng một video ngắn về việc đứa con gái hơn một tuổi của anh lướt ngón tay rất nhịp nhàng trên chiếc máy tính bảng.

Điều đáng nói ở chỗ, sau khi được đưa cho một cuốn tạp chí thì cô bé cũng gạt ngón tay như thể đó là chiếc máy tính bảng vậy. Có vẻ như cô bé cho rằng, cả thế giới thu bé vừa bằng chiếc máy tính bảng, còn cuốn tạp chí chỉ là một chiếc máy tính bảng không hoạt động. Bình luận về điều này, cha cô bé viết: “…Video này cho thấy rằng các loại tạp chí ngày nay đã trở nên vô dụng và không thể hiểu nổi đối với những tín đồ công nghệ…”.


Những người lớn, những bậc làm cha làm mẹ đều hiểu tầm quan trọng của sách đối với sự trưởng thành của những đứa trẻ. Nhưng có vẻ như những đứa trẻ lại không nghĩ như vậy. Ta không khó bắt gặp cảnh giữa nơi công cộng, cha mẹ mải mê với công việc cá nhân, và để nhận được sự trật tự của trẻ, vật trao đổi luôn là máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh.

Điều này có vẻ hơi mâu thuẫn với mong muốn của các bậc phụ huynh: vừa muốn con yêu sách, vừa muốn con nghe lời, còn bản thân lại có nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội. Và những đứa trẻ, bằng một cách nào đó đã không thể sống thiếu điện thoại và thậm chí dành thời gian cho điện thoại nhiều hơn giao tiếp với mọi người xung quanh.

Công bố của Bộ Giáo dục – Đào tạo cho biết trung bình một người dân Việt Nam đọc 4 cuốn sách/ năm, gồm 2,8 cuốn là sách giáo khoa và 1,2 cuốn là sách khác. Điều này quả là một nghịch lí bởi số sách xuất bản hàng năm vẫn tăng cao (không phải sách giáo khoa), nhưng số đầu sách người Việt đọc trung bình một năm vẫn là rất thấp. Nó cho thấy, chỉ có một bộ phận những người có nhu cầu đọc sách tiêu thụ lượng sách được in ra. Trong khi con số ấy ở Nhật Bản là 40 cuốn/năm.

Và đặc biệt hơn cả là Phần Lan, chỉ với 5,5 triệu dân nhưng mỗi năm trung bình họ mượn 68 triệu cuốn sách ở thư viện công cộng. Không phải không có ý nghĩa gì khi chúng ta thấy ở công viên, trạm xe buýt, sân bay… những lúc phải chờ đợi, thứ đồng hành với người phương Tây thường là một cuốn sách, thì với người dân châu Á đa phần là smart phone.

Lí giải cho điều này, nhiều người nói rằng họ vẫn đọc sách trên điện thoại, máy đọc sách, hoặc các công cụ hỗ trợ thông minh. Và nội dung đó nằm trên sách hay trên máy móc công nghệ không có gì khác biệt. Thậm chí, có hẳn một phần mềm đọc sách. Nghĩa là người ta chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, một đôi tai nghe là người ta vừa có thể chạy bộ, ăn uống, làm việc nhà vừa có thể đọc (nghe) sách. Tuy nhiên, có những giá trị mà các thiết bị công nghệ không thể thay thế được cho sách.

Thử tưởng tượng, khi ta đọc sách trên internet, không phải chỉ có một mình ta với nội dung trong sách mà là ta đang ở giữa thế giới, một thế giới phẳng và đại đồng. Thỉnh thoảng lại có một tin nhắn hiện lên thôi thúc ta đọc, hoặc một email công việc vừa tới là phải mở ra ngay để trả lời.

Cũng có thể chỉ đơn giản là đọc trên màn hình khiến ta nhanh mỏi mắt hơn, và trong khi nghỉ ngơi “giải lao”, ta bâng quơ mở vài trang mạng để lướt web, rồi khi nhìn lại đồng hồ thì thời gian đã trôi qua vài ba tiếng. Ngược lại, khi ta tắt điện thoại để cầm cuốn sách lên. Chỉ có mình ta với cuốn sách ấy. Không phòng phạm. Không dụ khị. Không hối thúc. Ta được toàn tâm toàn ý tri giao với người bạn là sách. Đó chính là lúc ta được sống chậm lại nhưng sắc, nghĩ chậm lại nhưng sâu.

Con người nguyên thủy không sinh ra với não bộ dành riêng cho việc đọc. Bằng chứng là chúng ta mới chỉ phát minh ra chữ viết 4000 năm trước công nguyên. Và khi phát minh ra chữ viết thì đó là lúc con người có thể trò chuyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỉ đã trôi qua (Rene Descartes). Ngoài việc coi chữ với công năng thuần túy là ghi chép thì chữ – đặc biệt là chữ in trên giấy có khả năng thiết lập sự tượng trưng cho não trạng con người.

Như khi ta huy động trí nhớ để tìm kiếm một mẩu thông tin từng đọc trong sách, trí nhớ sẽ khái quát cho chúng ta rằng mẩu thông tin đó nằm ở vị trí nào của cuốn sách, có thể là ở đầu trang bên phải gần cuối cuốn sách đó. Điều này giống như khi ta đi tìm nhà người quen từng đến chơi, rất lâu sau quay lại ta vẫn có thể nhớ được đường bởi những đặc điểm nhận dạng dấu hiệu đã thành vết đọng lại trong ý thức.

Cũng có thể coi những lần ta giở sách như đặt những dấu chân trên một bãi cát, hoàn toàn là một hiện tượng vật lí để đánh dấu những chặng ta đã đi qua. Và như vậy, đọc xong một cuốn sách, ta dễ dàng định hướng và tổng hợp thành một bản đồ trong não.

Điều này không thể tìm kiếm được khi ta đọc sách trên công cụ hỗ trợ thông minh, bởi những máy đọc sách không thể tái hiện một cách trực quan toàn bộ cuốn sách, nó chỉ có thể đọc được trang này và khi qua trang rồi sẽ biến mất ngay không chút dấu vết.

Nghĩa là nếu coi cuốn sách trên tay như một tấm bản đồ toàn cảnh thì máy đọc sách sẽ chỉ cho ta nhìn thấy một con phố, hoàn toàn mông lung trái, phải, trước, sau. Và có lẽ ta đều hiểu, một người lữ khách đang trên lộ trình sẽ rơi vào trạng thái tồi tệ như thế nào nếu bị… lạc đường.

Quay trở lại câu chuyện của người bố và cô con gái nhỏ cùng “chiếc máy tính bảng không hoạt động”. Kết lại phần mô tả cho video của mình, anh viết: “Xin gửi đến Steve Jobs một lời chào trân trọng, từ người quan trọng nhất: một đứa trẻ”.

Có lẽ, người bố đăng video kèm đôi dòng cũng chỉ muốn “mua vui một vài trống canh” cho cộng đồng mạng. Nhưng anh hoàn toàn có lí khi cho rằng con gái mình, nói rộng ra là những đứa trẻ – những người trưởng thành trong tương lai chính là những nhân tố quan trọng nhất cho sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng 4.0. Những đứa trẻ trở nên xa lạ với sách nghĩa là chúng đang dần xa lạ với sự nhẫn nại, sự tưởng tượng và sự trung thực.

Cũng có những bậc phụ huynh thắc mắc, vậy làm thế nào để trẻ có thể coi sách là sự lựa chọn đầu tiên giữa hằng hà sa số những phương án tiếp cận thông tin rộng lớn của đời sống hiện đại. Câu trả lời vô cùng đơn giản: chính là các vị, những bậc cha mẹ đáng kính. Đừng bao giờ nghĩ rằng quá sớm để mua cho con trẻ một cuốn sách, hoặc mua sách đắt tiền cho trẻ con là phí phạm. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, một đứa trẻ hoàn toàn có khả năng cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh.

Ví như khi người mẹ đọc sách, bào thai trong bụng chắc chắn sẽ được lan tỏa năng lượng tích cực, an lành. Rồi ngay từ khi sinh ra đời, trẻ có thể tiếp cận ngay với những loại sách an toàn cho sức khỏe được làm từ những chất liệu như vải hoặc bìa cứng. Thay vì những thứ đồ chơi bằng nhựa độc hại, không rõ nguồn gốc xuất xứ thì việc tạo lập thói quen chà chạm với sách khi xúc giác và thị giác trẻ lần đầu được tiếp xúc thực tiễn với cuộc sống cũng góp phần không nhỏ trong việc hình thành bản năng trong trẻ. Lớn hơn chút nữa, khi đã có những nhận thức và ý thức nhất định về thế giới quan, cha mẹ lại càng phải trở thành những người định hướng văn hóa đọc cho trẻ.

Đọc trở thành văn hóa bởi thứ văn hóa ấy phải được vun đắp thủ công từ những hoạt động tưởng chừng như nhỏ nhặt là đọc truyện cho con trước giờ đi ngủ, dắt con đi thư viện mỗi tuần (tối thiểu là mỗi tháng) hay kì công hơn là đàm đạo (coi con như tri kỉ) một vấn đề gì đó trong sách, có thể vấn đề đó mình đã biết nhưng đóng giả là chưa biết để cùng con mở sách ra tìm câu trả lời, như thể cha mẹ đang cùng con chơi trò tìm kiếm kho báu vậy.

Hệ thống như vậy có lẽ rất nhiều người cho rằng quá kì công khi thời gian còn phải để kiếm tiền lo cho cuộc sống, nhưng nếu nhìn từ khía cạnh khác, nếu coi quãng thời gian đọc sách cùng con là ta đang sống cho ta và ta chỉ chia sẻ điều đó với sự hiện diện của con cái thì sẽ không còn phải cố gắng, phải nhọc công trì nhẫn vì con nữa.

Quan trọng hơn cả, để trẻ trân quý sách, cha mẹ còn cần tạo một không gian sách trong gia đình. Có thể chỉ là một giá sách nhỏ đóng đơn sơ, nhưng giá sách ấy phải được đặt ở một vị trí trang trọng trong ngôi nhà để trẻ hiểu được đây thực sự là những vật có giá trị.

Nếu như ta hạn chế trẻ tiếp xúc với những sản phẩm công nghệ, đến một lúc nào đó rảnh rỗi, khi những ngóc ngách trong căn nhà đều đã bị khám phá thì nơi còn lại sau cuối chắc hẳn sẽ là giá sách, nơi cất chứa biết bao cánh cửa bí mật dẫn lối tới những chân trời. Tôi có một cô bạn, khi cô ấy mang thai đứa con gái đầu lòng, tôi đã trông thấy cô ấy đọc cuốn Những tấm lòng cao cả của Edmondo De Amicis. Sau này tôi đến thăm cô ấy mới sinh, tôi lại thấy cô ấy đọc cuốn sách đó cho con gái nhỏ nằm trong nôi của mình.

Và mới gần đây, khi con gái cô bạn tôi được sáu tuổi, cháu đã vanh vách kể lại suốt dọc hành trình năm lớp ba của cậu bé Enrico Bottini cùng bạn bè (nhân vật chính trong tiểu thuyết Những tấm lòng cao cả) cho tôi nghe với đầy sự say sưa. Tôi hoàn toàn không lấy làm lạ nếu sau này con gái của bạn tôi lại đọc cuốn sách ý nghĩa ấy cho con cái của cháu nghe. Văn hóa của một gia đình xét cho cùng là sự kế thừa và tiếp nối. Văn hóa đọc hẳn nhiên cũng không ngoại lệ. Nói như tiểu thuyết gia người Canada, Robertson Davies: “Một cuốn sách thực sự hay nên đọc trong tuổi trẻ, rồi đọc lại khi trưởng thành, và một lúc nữa tuổi già, giống như một tòa nhà đẹp nên được chiêm ngưỡng trong ánh bình minh, nắng trưa và ánh trăng”.

Phan Chân

Bình luận Facebook