Mùa đông trong tình khúc Phú Quang
“Nỗi nhớ mùa đông” được nhạc sĩ Phú Quang sáng tác trong những ngày hè nóng nực của Sài Gòn.
“Dường như ai đi ngang cửa
Gió mùa đông bắc se lòng
Chút lá thu vàng đã rụng
Chiều nay cũng bỏ ta đi…”
Mùa đông từng là cảm hứng trong nhiều sáng tác của Phú Quang, không ít trong số đó trở thành kinh điển.
Nỗi nhớ mùa đông ra đời trong một ngày hè của Sài Gòn, khi nhạc sĩ nhớ da diết cái lạnh xứ Bắc, nhớ người thân và bạn bè. Khi đọc bài thơ ngắn Không đề gửi mùa đông của Thảo Phương, ông xúc động và đồng cảm rồi viết thêm ca từ tạo nên nhạc phẩm hoàn chỉnh. Nhạc sĩ dùng “gió mùa đông bắc se lòng”, “tiếng chuông chùa xa vắng”… gợi cảm giác lạnh lẽo và nỗi nhớ bất tận. Một Hà Nội hoài cổ, cũ kỹ, buồn nhưng bình yên đến lạ lùng. Câu hát “Làm sao về được mùa đông” như lời Phú Quang thúc giục những gì đẹp đẽ trong quá khứ quay trở lại, để rồi cuối cùng phải “thôi đành ru lòng mình vậy, vờ như mùa đông đã về”.
Thu Phương cho biết với một người sống xa quê hương và trải qua nhiều thăng trầm trên đường đời như chị, nhạc phẩm mang màu sắc đặc biệt. Chị hát bằng nỗi buồn sâu thẳm, chất chứa và cả những khổ đau không gì tả xiết. Thập niên 2000, khi sang nước ngoài, chị thực hiện CD Nỗi nhớ mùa đông. Một lần, chị nhận được điện thoại của Tấn Minh, anh nói đưa CD của chị cho nhạc sĩ nghe. Ông nhận xét: “Lần đầu, tôi thấy câu ‘làm sao về được mùa đông’ buồn và tha thiết đến thế”. Khoảnh khắc đó, chị rơi nước mắt vì hạnh phúc.
Ở bài Em ơi, Hà Nội phố, mùa đông gói trọn trong năm câu hát:
“Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông
Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”
Ca khúc do Phú Quang phổ nhạc năm 1986, dựa lời thơ Phan Vũ. Nhạc sĩ kể khi vào Sài Gòn sống được nửa năm, ông nhớ Hà Nội. Khi nghe Phan Vũ đọc thơ, ông xúc động, nói chắc chắn có một bài hát hay. Ca từ được nhạc sĩ chuyển hóa từ kỷ niệm của nhà thơ với cô gái tên Trịnh Thị Nhàn – người ông thầm thương. Nhà Nhàn ở phố Chân Cầm, Phan Vũ si mê khúc dương cầm réo rắt và dành sự cảm mến cho cô.
Khung cảnh Hà Nội mùa đông năm 1972 tang tóc sau khi Mỹ ném bom hiện lên với căn nhà đổ, tiếng chuông ngân vọng buồn. Nhạc sĩ chọn từ ngữ giản dị để khắc họa những trơ trụi, đau thương, cô đơn, trống vắng.
Lãng đãng chiều đông Hà Nội là sự kết hợp giữa tứ thơ của Tạ Quốc Chương và ca từ, giai điệu của Phú Quang. Ông vẽ nên hình ảnh người nghệ sĩ lang thang trong một chiều đông “sương giăng phố vắng”, đi tìm “giấc mơ xưa”. Hà Nội trong cái lạnh của mùa đông hiện lên qua hàng cây, tháp cổ và từng con phố, gợi nỗi cô đơn.
Hà Nội và em khi thu chớm đông sang là chuyện đời của Chu Hoạch – một họa sĩ yêu thơ. Cuộc sống của họa sĩ khó khăn: vợ ra nước ngoài làm việc, ông ở nhà xin đi kéo xe thuê để nuôi con nhưng bị từ chối vì cơ thể quá gầy gò. Không còn cách nào khác, ông phải xin làm công nhân móc cống. Sau một thời gian, vợ của họa sĩ về nước. Niềm vui chưa kịp dứt, ông đã phải nghe lời chia tay từ người thương yêu nhất. Trong lúc buồn bã, Chu Hoạch đã viết thành bài thơ. Đến khi ông mất, Phú Quang phát hiện tác phẩm và đem phổ nhạc.
Tên ca khúc do nhạc sĩ đặt, dài hơn bất kỳ tựa đề bài hát nào của ông trước đó. Trong buổi họp báo liveshow cùng tên năm 2014, Phú Quang cho biết tên hay ở chỗ không thể nào ngắn hơn, lột tả sự dùng dằng lúc chuyển mùa và thời khắc “anh” quyết định buông tay.
“Thu rất thật thu là khi chớm đông sang
Em rất thật em là lúc em hoang mang lựa chọn
Anh rất thật anh là lúc anh biết ra đi nhẹ gọn
Để tránh cho em bớt một lời chào
Và bớt cho đời một chút gió lao xao…”
Chiều đông Matxcơva là món quà Phú Quang dành tặng những người Việt xa xứ. Trong chương trình Ký ức vui vẻ năm 2019, nhạc sĩ cho biết nhạc phẩm ra đời trong chuyến lưu diễn ở Nga khoảng thập niên 1990. Một lần, ông lang thang mua đồ tại quầy hàng của người Việt ở chợ Vòm. Khi nhạc sĩ rút ví trả tiền, chủ cửa hàng từ chối. Người này nói tặng ông với lý do “anh ở Việt Nam sang mà em lại rất nhớ Việt Nam”. Những món đồ không quá đắt nhưng khiến ông xúc động vì tình cảm của đồng bào xa xứ.
Vài ngày sau, ông quay trở lại, mang theo một đĩa hát để tặng ông chủ thì nghe tin người này vừa qua đời vì lạnh. Nhạc sĩ sững sờ, đứng chôn chân trong tuyết trắng, giữa chiều đông âm 40 độ C. Ông gửi gắm nỗi xót xa, thương cảm cho người đã khuất và cả những người Việt xa quê vào trong từng ca từ bài hát.
“Từng bông tuyết nhẹ rơi
Một chiều đông giá trắng trong lòng tôi
Niềm cô đơn lẻ loi
Khi chiều trùm lên bóng em nhỏ nhoi
Về đâu hỡi người ơi
Để hàng bạch dương xót xa chờ mong…”
Phần lời thể hiện sự biệt ly khiến nhiều người lầm tưởng đây là khúc ca buồn về chuyện tình dở dang của đôi trai gái. Khi Phú Quang sang Nga lưu diễn, kiều bào thường yêu cầu ông thể hiện nhạc phẩm này.
sưu tầm