Hai người tù
Tôi đang nằm trằn trọc trước những câu hỏi về hoàn cảnh bất hạnh của vợ con, thì một loạt đạn bỗng vang lên ở phía ngoài vòng rào trại. Tiếng kẻng báo động nổi lên dồn dập, tiếng chân người chạy rầm rập cùng với tiếng lách cách của vũ khí. Ánh đèn pin chiếu trên mái nhà, bờ rào kẽm gai, các ngóc ngách. Phạm nhân trong phòng đều thức giấc, nằm nhích vào nhau, nghe ngóng. Tiếng ồn ào mỗi lúc một nổi rõ ở phòng 4. Qua sự tra hỏi của quản giáo, đối đáp của phạm nhân, tôi biết có hai “đại bàng” đã vượt nhà giam bằng cách cưa cửa sắt. Trong hai kẻ liều lĩnh đó có thằng Long Ác quỉ. Tôi nhớ lại những cú đấm đá khủng khiếp của cái thằng cao lêu khêu như con hươu này đã dành cho tôi trong ngày đầu tiên nhập trại. Sau đó biết tôi là đàn anh ngoài đời của nhiều thằng đầu trộm đuôi cướp ở đây, Long Ác quỉ tỏ ý hối tiếc, đưa vị trí trong nhà lao của tôi lên trên hắn.
Cú đột phá của Long Ác quỉ đã gây ra hậu quả. Nhiều phạm nhân bị thanh lọc, số nào xét thấy cứng đầu và có lai lịch dữ dằn đều bị đưa ra khỏi cái trại tạm giam cấp quận ấy. Một số chuyển trại Chí Hòa, một số chuyển đi các trại lao động tập trung. Sau hai tháng “quá cảnh” Chí Hòa, tôi được đưa đến trại lao động ở Bình Thuận. Ở cái trại nằm ven chân núi này, “đại bàng” khó có điều kiện để giở những ngón trấn lột, đàn áp các phạm nhân khác. Mọi hành động vi phạm nội qui đều bị trừng phạt nghiêm khắc. Một hôm, trong lúc lao động tại xưởng mộc, tôi bất ngờ gặp lại Long Ác quỉ.
– Đại ca! Đại ca vào đây hồi nào? – Long vồn vã trước kẻ mà hắn đã từng tôn là đàn anh.
– Tao vào đây chiều hôm qua. Mày trốn không thoát à? – Tôi hỏi.
– Vừa về đến nhà, ở với bà già chưa hết buổi sáng, em bị công an truy lùng, tó đưa lên đây – Long thở dài.
Hắn kể, hôm gặp hắn về, bà mẹ khóc nức nở. Bà bảo: “Mày không biết thương mẹ. Ba mày chết, tao bệnh hoạn mà mày cứ đi cướp giựt, đâm chém để ở tù, nằm khám, tiền thì mày đem nướng vô mấy sòng bài, quán nhậu. Sống như vậy, mày về đây làm chi nữa…”. Bà mẹ đang bị suyễn, thở khò khè, căn nhà thì ướt nhẹp, nước đọng vũng do cơn mưa hồi khuya. Khóc một hồi, người mẹ nắm lấy tay thằng con, nhỏ nhẹ: “Đừng lao vào chốn u mê nữa con, khổ lắm! Từ lúc con bị bắt đến giờ, không đêm nào má ngủ yên. Bỏ hết đi con, về sống với má, làm ăn đàng hoàng. Má chỉ có mình con, con cũng chỉ một mẹ, ai mất, người còn lại sẽ đau khổ biết chừng nào. Ba mày chết còn để lại chiếc xe gắn máy, con lấy mà chạy kiếm tiền. Thương má nghen con, đừng bỏ má đi nữa…”. Long Ác quỉ không cầm được nước mắt, lòng mẹ bao la quá, có ai dò hết được. Trời sáng, bà mẹ đi mua hủ tiếu cho hắn ăn, bảo hắn tắm rửa rồi lấy bộ quần áo mới ra cho mặc. Đứa con đã 30 tuổi đời mà bà mẹ chăm sóc nó như mới sơ sinh. Gần trưa, bà cũng không đi bán, bỏ mặc gánh trái cây, ra chợ mua miếng thịt gà định xào sả ớt bồi dưỡng cho thằng con, thì công an tìm đến… Cuộc chia ly đầy nước mắt lại diễn ra.
– Má mày đáng thương quá! Nếu hồi nhỏ tao còn mẹ, thì có lẽ… – Tôi bùi ngùi, rồi lại nhớ gương mặt sầu lụy của người vợ hiền, nhớ giọng nũng nịu của đứa con gái, nhớ tiếng khóc của thằng con trai mới sinh. Những người thân ấy đã được gì trong cách sống của tôi, cả hiện tại lẫn tương lai, nhưng sao cứ chờ đợi tôi, cho dù sự chờ đợi đến mỏi mòn tuyệt vọng?
Một đêm mưa tháng 8, gió rít gào ngoài không gian như tạt thêm vào lòng tôi nỗi nhớ nhung, dày vò. Lẽ nào cam chịu khoanh tay, mặc số phận đẩy đưa theo dòng đời nghiệt ngã? Mấy lần suy tính, tôi nhoài người sang giường bên cạnh, thì thầm vào tai Long ác quỉ:
– Dậy đi!
Thằng bạn tù dụi mắt, ngơ ngác.
– Chuồn! – Tôi nói.
– Sao không bàn tính trước? – Long tỏ vẻ phân vân.
– Không cần, tao đã tìm được lối trốn và ý định đã nảy sinh từ tuần trước. Mày chỉ việc đi theo tao, nép theo mấy liếp mì, đi khoảng 2 cây số là ra tới quốc lộ.
– Không được. Mới đây có một thằng trốn theo lối đó bị bắn què giò rồi.
– Chỉ có lối đó là gần nhất. Lối phía chân núi khó bị phát giác, nhưng lại có những nguy hiểm khác và cách quốc lộ đến gần 6 cây số.
Long Ác quỉ nín lặng.
– Nhanh lên, đây là thời cơ tốt nhất, mưa đang lớn… – Tôi giục.
Long Ác quỉ vẫn nằm im lặng.
– Sao vậy? – Tôi lay mạnh vai hắn – Mày điếc à?
Long Ác quỉ chợt thở dài:
– Em không trốn đâu!
– Mày sợ?
– Đã dám lấy máu để đổi cuộc sống trong tù thì có việc gì làm Long này phải khiếp sợ? Nhưng lần này, em không thể theo đại ca.
Tôi thấy lòng tê buốt trước lời từ chối của kẻ mà tôi đặt nhiều kỳ vọng.
– Em sẽ từ giã giang hồ! Mấy hôm nay em không chợp mắt được, vì tiếng khóc vật vã của má em cứ văng vẳng bên tai. Em chỉ thức mấy đêm thôi, còn má em đã thao thức bao nhiêu năm nay rồi. Má em nói đúng, má chỉ có mình con, con cũng chỉ một mẹ, ai mất, người còn lại đau khổ không gì bù đắp được. Em sẽ lao động đàng hoàng, hy vọng người ta nhìn thấy sự thay đổi ở em mà ân xá cho em ra trại sớm để về sống gần gũi với bà già.
Tôi không ngờ Long Ác quỉ thốt ra những lời chân thật ấy. Chỉ có tấm lòng bao la của người mẹ mới bắt được trái tim của hắn thổn thức.
– Tâm trạng tao cũng như mày, nhưng vì quá lo lắng, tao không thể giam chân ở đây được.
– Chúc đại ca đi may mắn! Em còn một ít tiền, đại ca cầm lấy xoay xở dọc đường, từ đây về thành phố xa lắm.
Long Ác quỉ lần tay xuống tấm vạt tre, rồi ấn mấy tờ giấy bạc vào tay tôi.
– Cám ơn! Tạm biệt mày! – Tôi cầm tay gã bạn tù siết chặt.
– Lúc về, đi qua chợ Bến Thành, đại ca nói giùm với bất cứ thằng nào đó ở bùng binh, biểu nó chạy về nhắn má em, ráng chờ một thời gian nữa em sẽ về chạy xe ba gác nuôi má… Ráng chờ em lần nữa thôi…
Thằng Long chợt hít hít mũi.
Tôi cố nhấc đôi chân nặng nề lên, lặng lẽ leo mình qua cửa sổ, băng dưới cơn mưa.
Khi về đến nhà, tôi hết sức bất ngờ, điều lo lắng của tôi đã không xảy ra. Vợ con tôi không lê lết ở đầu đường xó chợ, mà tất cả đều sống an lành. Tuy không ưa gì tôi, nhưng chính quyền địa phương cũng nhiều lần đến giúp đỡ, trợ cấp cho vợ tôi một ít vốn liếng để buôn bán, đứa con gái lớn của tôi cũng được đến trường mẫu giáo.
Xúc động, tôi xin ra đầu thú và nói rõ động cơ trốn về là do lo lắng, thương nhớ gia đình. Công an quận quyết định cho tôi được cải tạo tại địa phương với thời gian thử thách 18 tháng.
“Long ơi, tao đã sang quận 4 tìm được nhà mày. Má mày khóc, buồn vui lẫn lộn. Bà già xẻ dưa hấu cho tao ăn, rồi nói mong Tết này mày sẽ có mặt ở nhà. Mấy cái Tết rồi, bà già cứ nằm khóc thui thủi. Vài hôm nữa, làm ăn có tiền, tao sẽ gởi quà thăm mày và sẽ giúp đỡ má mày. Năm chục ngàn mày cho tao vào đêm mưa ấy, là món nợ tình người mà suốt đời tao phải nhớ. Ráng về sớm nghe Long!
Hải Cầu Hàn”
Tôi ngồi viết lá thư gởi lên trại ngay tại nhà Long. Viết xong, tôi đọc lại cho má Long nghe. Bà già mím môi, kéo chiếc khăn vắt trên vai che ngang đôi mắt.
(Theo lời kể của L.T. Hải – một giang hồ hoàn lương)
Trần Tử Văn
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 485