GIẤC DU MIÊN ĐI TÌM CHIẾC LÁ DIÊU BÔNG
Kinh Bắc là nôi thơ của Hoàng Cầm. Điều đó không còn gì bàn cãi. Về xứ Kinh Bắc, lang thang bên kia sông Đuống, khách thơ hoài bắt gặp cậu bé luôn miết mải đầu non cuối bể tìm chiếc lá diêu bông với tất cả niềm say sưa lẫn tuyệt vọng. Cậu đã mãi lạc trong một vết nứt không-thời gian với lá diêu bông, với đồng hoang lẫn cỏ dại, với tất cả lòng mê si, mà không muốn quay trở ra.
Mặc cho lá diêu bông là thực hay hư, là chân hay mộng; chuyện tình lá diêu bông là một câu chuyện có thật được tâm sự bởi chính Hoàng Cầm. Thuở bé, Hoàng Cầm lúc 8 tuổi đã thầm thương người con gái hơn mình 12 tuổi – chị Vinh. Cậu bé cứ lẽo đẽo theo chị đi bất cứ đâu, cả lúc chị ra bờ sông giặt đồ. Một hôm, chị bảo Hoàng Cầm tìm giúp chị một loại lá mà đến mãi mai sau chính ông cũng không thể nhớ tên. Và mối tình lá diêu bông đã mãi phong kín ở miền tuổi thơ ấy của chính nhà thơ với nỗi ám ảnh về chiếc lá vô danh, ảo danh: lá Diêu Bông. Lá diêu bông và “chị” đã một đi không về như một khoảng trắng trong trí nhớ non dại của chủ thể trữ tình. Bài thơ, một mặt là sự gùi gắng tìm lại chiếc lá thuở ấy (tìm lá diêu bông chính là tìm lại cả mình lẫn “chị” trong vùng ký ức), mặt khác là sự mắc kẹt thời-không của chủ thể giữa cái đã qua và cái chưa tới. Cái cũ đã đi rồi nhưng cái hiện thời vẫn tù đọng, đó là một dạng bi kịch.
“Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
Cuống rạ
Chị bảo
– Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng
Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị chau mày
– Đâu phải lá Diêu Bông
Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
trông nắng vãn bên sông”
Váy Đình Bảng dựng lập một không gian của quá khứ, lời hứa hôn của chị là lời nói của quá khứ, trí nhớ về lá diêu bông mắc kẹt giữa kí ức và thực tại, giữa quá khứ và hiện thời. Dường như, tất thảy cả lá diêu bông, váy Đình Bảng, “chị”, đều bị phong kín vào một chiếc hộp và nhà thơ đã ném chiếc chìa khóa vào hư vô. Khi tìm ra chiếc lá diêu bông, chị phủ định. Khi tìm ra chiếc lá diêu bông, chị lắc đầu. Chị không thể phủ định bởi chính chị cũng không biết nó có phải lá diêu bông không hoặc chị không dám thừa nhận đó là lá diêu bông. Nắng vãn hay chính lòng chị cũng vãn như chợ chiều? Sau khi miết mải đi tìm, em lại hồn nhiên khoe với chị chiếc lá diêu bông:
“Ngày cưới Chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn”
Lá diêu bông đã mắc kẹt ở đó cùng quá khứ vào chính ngày cưới của chị. “Chị cười xe chỉ ấm trôn kim” là cái cười thở dài, cười cho qua chuyện, cười cho phận mình như chiếc lá diêu bông – không biết rằng có hay không, nếu có thì không biết chốn nào. Đến khi chị ba con, em lại khoe lá, chị không nhìn. Hành động “xòe tay phủ mặt” phải chăng là ôm mặt khóc nên mới không thể nhìn chiếc lá diêu bông, không dám xác minh đó là chiếc là diêu bông?
Từ chau mày phủ nhận đến “xòe tay phủ mặt” dường như là hai bi kịch song song: bi kịch của em và bi kịch của chị. Bi kịch của chị là hôn nhân không được chọn người mình yêu. Lá diêu bông chỉ là một là hứa suông của chị, cũng là một khao khát. Bi kịch của em chính là hồn nhiên và mù quáng tin yêu. Dẫu chị đã có gia đình, đã có con, em vẫn quyết đi tìm chiếc lá diêu bông. Hành trình đi tìm này đã biến thành hành trình đi lạc giữa hiện tại và quá khứ, giữa kí ức thật và kí ức giả:
“Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu Bông hời!…
…ới Diêu Bông!…”
Hành trình đi đầu non cuối bể này không còn là hành trình đi tìm lá diêu bông, mà là tìm bóng hình người chị đã biến mất, đi tìm thuở ấu thì ngây dại. “Gió quê vi vút gọi”, gọi ai? Dường như, gió quê gọi lên cả những Xúy Vân, Thị Mầu, những Thúy Kiều, Thúy Vân, Đạm Tiên, những cô thôn nữ, người hàng xóm trong thơ Nguyễn Bính. Gió quê thổi dậy cả một vùng thơ:
“Điệu chèo hát ngược xuôi vạn lý
Xúy Vân ơi! Du hý cõi nào?
Dưới đất thấp, trên trời cao
Sông sâu dẫn lối nàng chào Diêm Vương”
(Chèo “Xúy Vân giả dại”)
Hỡi ơi! Bướm trắng tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Đêm qua nàng đã chết rồi,
Nghẹn ngào tôi khóc… Quả tôi yêu nàng.
(Người hàng xóm, Nguyễn Bính)
Gió quê đã ở đấy, mấy trăm năm, để chứng kiến những chiếc lá diêu bông, những mộng và thực, những tình yêu và bi kịch. Hành trình đi đầu non cuối bể của cậu bé tựa hồ như một giấc du miên. Đó là hành trình bõ công đi tìm thứ thuộc về quá vãng, nguyên lai; thậm chí thứ chưa từng tồn tại: chiếc lá diêu bông.
sưu tầm