Gã săn chim
Hấn thất thểu cò bợ về đến gốc đa đầu làng thì trông thấy thằng Bàng, con trai gã. Hấn ngồi thụp xuống và định lủi vào sau gốc cây xù xì để trốn thoát nhưng thằng Bàng đã nhìn thấy trước. Nhanh như cắt, nó lao đến và gọi: “Ố, ố, ưa im ây cho Àng ờ ột ái”.
Hấn loạng quạng vướng vào cái rễ đa, ngã uỵch xuống. Thằng Bàng lao đến, thọc tay vào giữa hai đùi rồi luồn qua cạp quần, qua cả quần lót bẩn thỉu của Hấn, bóp mạnh và cười hậc lên man rợ. Hấn chổng vó lên trời như con rùa bị lật ngửa, miệng vừa chửi vừa ú ớ kêu xin. Tổ sư cha thằng mất dạy, bố mày phải ăn ba đĩa sẻ đồng quay, mấy chục trứng cuốc lộn mới đúc ra mày.
Thằng Bàng càng khoái chí, nó rú lên những tiếng như lợn bị chọc tiết. Âm thanh chói gắt đó bật lên tận ngọn cây làm giật mình mấy con chim đang đậu. Chúng chao chát bay khỏi cành và thả xuống mấy bãi phân tươi như phản đối kẻ phá tan sự bình yên. Vài bãi thải rơi trúng mắt và mồm Hấn trông nhoe nhoét bắn sang cả mặt thằng Bàng. Thằng Bàng chửi thề, bóp mạnh một cái rồi hất bố nó ra. Hấn giật lên, giãy giãy mấy cái rồi nằm ật đầu bên rễ đa, trông như chết rồi…
*
Cũng tại gốc đa này và khắp cánh đồng, bụi cây, hang cùng ngõ hẻm của vùng này, đâu cũng có vết dấu của Hấn. Lũ trẻ cùng trà với Hấn từ thuở cởi truồng chăn trâu lớn dần lên. Mỗi kẻ một nghề mưu sinh, một khả năng thiên bẩm, một niềm đam mê ghê gớm như những sợi dây neo buộc vào thân phận để đi cho hết kiếp người.
Kẻ đi đào vàng, người đi làm cửu vạn, đứa lao vào ruộng đồng, ao chuôm, hang hốc để lần mò cho hết những sinh linh hoang dại: rắn rết, chạch lươn, ba ba, ốc ếch… Giờ ra đồng chỉ còn tịnh ốc bươu vàng là sẵn. Sinh nghề tử nghiệp quả không sai, đôi thằng nửa đêm đi soi rắn không về kịp bởi trên da in vết răng nhỏ xíu. Mặc cho mấy đứa úp mặt vào bùn đất, Hấn chỉ hay nhìn lên trời, lên cây.
Từ bé, gã chuyên leo trèo lấy trứng chim trong tổ, chế súng cao su, chế bẫy thành thần. Đang mơ ngủ, chỉ cần thoáng nghe tiếng kêu tiếng hót, gã biết ngay là giống gì, trống hay mái. Bé tí như con chim sâu, se sẻ, nhỉnh hơn như chim chào mào, sáo đá, cuốc, le le, ngói đồng, to như bọn diệc xám, bồ nông… thảy đều bỏ mạng dưới tay Hấn.
Gã có một bên mắt luôn nheo, hình như sinh ra là để ngắm bắn. Nhặt một viên sỏi bỏ vào giữa miếng da, kéo căng dây chun hướng về con chim, buông tay nghe “phịch” một tiếng rất chắc và chờ một giây nghe “bộp” một tiếng nữa, lững thững ra nhặt. Gã bỏ học sớm, lang thang qua những khu vườn, bờ mương, chân ruộng, đâu có bóng chim là gã đi…
*
Thằng Bàng con trai độc nhất của gã. Cái thằng sướng từ trong trứng sướng ra. Gã tẩm bổ cho con bao nhiêu thứ sơn hào hải vị, thế mà công toi. Nó ra đời, gã đã từng sung sướng mê ly. Đầy tháng thằng con, gã làm hai mươi mâm cỗ chim mời họ hàng, bè bạn. Gã đặt tên con là Đại Bàng để mơ làm chúa tể các loài chim. Bay cao và bay xa hơn hết, đời chỉ là lũ se sẻ, dẽ giun, chích chòe vớ vẩn.
Thằng Bàng bốn tháng đã biết ăn bột nấu tiết chim. Tám tháng đã ăn cháo chim ngói. Vừa mọc răng đã gặm đùi vịt trời. Gã tần cho vợ gà ác, le le, sâm cầm cho lợi sữa. Thế mà thằng bé chỉ càng ngày càng béo ú, học hành thì ù ù cạc cạc, lưu ban mất hai lần. Nó ngồi bàn cuối chọc phá. Cô giáo trẻ làm Chủ nhiệm đỏ mặt nói với cô giáo già. Cô giáo già nói với cô Hiệu trưởng. Cô Hiệu trưởng hay dẫn khách đến ăn ở quán chim của gã. Chỗ thân quen, cô bảo Hấn:
– Nguy quá, anh ạ. Cháu Bàng đạo đức tư cách có vấn đề. Nguyên nhân sâu xa là do mặt trái của cơ chế thị trường. Chúng em dự đoán có thể do bùng nổ công nghệ thông tin kết hợp với “phooc môn” tăng trưởng trong cá thịt cộng với ô nhiễm môi trường…
– Chết chết. Có việc gì mà ghê vậy cô. Ở nhà, cháu ngoan lắm. Ăn ngoan, chơi ngoan, ngủ tốt… Chỉ phải cái nói ngọng một tí…
– Không. Ý em là… là… À, anh có thấy ở nhà cháu có xem những văn hóa phẩm đồi trụy xấu xa không?
Minh họa: Hà Trí Hiếu. |
Hấn nghe vừa thích vừa lo lo. Thằng Bàng dạo này lớn nhanh. Gã bảo:
– Cháu trót dại cái gì hở cô. Hay nó trêu chọc bạn gái. Để hôm nay về tôi tẩn cho nó một trận.
Cô Hiệu trưởng chốt luôn:
– Không, anh ạ. Nói thế nào nhỉ… Tóm lại là, trong giờ học, cháu toàn sờ chim các bạn trai. Các bạn vì thế không học được. Cô giáo Chủ nhiệm và phụ huynh các bạn trong lớp rất bức xúc về cháu. Anh cần có biện pháp giáo dục cháu. May hôm nọ, trên Phòng về không dự giờ lớp cháu, không thì xấu hổ. Nếu trường hợp của cháu không tiến bộ, trường sẽ bị mất danh hiệu tiên tiến rất chi là ảnh hưởng, anh ạ!
Gã nghe cô giáo nói mà ức lên cổ. Lâu rồi, gã để con ngủ một mình. Thằng bé đã mười ba, kể cũng dậy thì được rồi. Tắm cho Bàng, gã thắc mắc, bụng nó càng ngày càng to mà chim lại nhỏ hơn con tằm. Gay rồi. Con vợ gã béo lấp lỗ đẻ, béo như con trâu trương thế này thì hết biết. Cho thằng Bàng đi xét nghiệm trên thành phố, bác sĩ bảo nó bị lỗi nhiễm sắc thể, chẳng phải đàn ông cũng không ra đàn bà. Giời ơi, mãi mới đúc được nó, giờ lại “tám vía” thế này thì nước non gì. Vất vả kiếm tiền mà làm chi. Gã buồn khi nghĩ về tương lai. Nốc cốc rượu, chợt gã nghĩ đến Thủy Nương, cô gái không chồng mà gã mới gặp.
Hôm đó, gã vác súng săn đi hun hút vào con đường mòn ven hồ Lóc. Hồ này hồi bé gã nghe kể lắm chuyện ma quỷ hoang đường nhưng chẳng tin. Thế quái nào mà nhìn thấy con bồ nông mái, súng vừa giương lên đã cướp cò. Con chim bay mất, chỉ có mấy cánh lông rụng lại bay phất phơ. Tức khí, gã vén cây bên bờ hồ đuổi theo.
Mất dấu vết, gã mỏi chân, khát nước và tình cờ gặp một ngõ nhỏ. Rẽ vào, gã gặp một cô gái, nàng vừa gội đầu xong, tóc còn ướt. Ô hay, nhìn nàng nửa quen, nửa lạ. Nàng bảo tên em là Thủy Nương, ở một mình chết buồn, buôn bán nhì nhằng hoa quả, tôm cua cá ốc. Ở lại làm quen tán gẫu một lúc. Gã gạ nàng cung cấp chim cho quán, nàng cau mặt rồi lại gật gù, ra chiều tính toán.
Gã bảo: “Em đừng sợ thiệt, anh đảm bảo đầu ra, chỉ vài năm là em có nhà mới khang trang. Hi, mà có thể có cả chồng mới luôn” – Gã nháy mắt. Lần sau gã tới, buông ra lời trêu chọc và nàng như đã xuôi xuôi. Gã đã thấy dấu vết của lũ chim trong vườn quá rõ. Buổi tối mà mang súng săn với đèn soi thì nhặt chim mỏi tay. Gã tặc lưỡi, một công đôi việc. Chiếm được Thủy Nương rồi, lỡ có ễnh bụng mà sinh cho gã một thằng cu càng tốt chứ sao.
Tối ấy, ực cút rượu ngâm bìm bịp với ba kích, gã râm ran. Gã nhắm đẫy đồ mồi lấy năng lượng. Những cái đầu giòn tan, cái phao câu béo ngậy trôi theo từng nhịp rượu và nhịp hình dung về cơ thể người đàn bà ấy. Gã cợt nhả, nàng nước đôi. Gã thừa hiểu phụ nữ.
Thế rồi chân nam, chân chiêu, gã mò đến. Len lén vào buồng Thủy Nương, mùi hương da thịt, mùi tóc ma mị của nàng làm gã như xây xẩm, lâng lâng. Máu và rượu cùng bốc lên hừng hực. Thủy Nương mặc bộ đồ ngủ màu da nằm trên giường trong ánh đèn mỡ gà càng làm gã háo. Vào đi anh, giọng nàng thanh như chim khướu. Chẳng chờ thêm được phút nào nữa, gã cởi phăng quần áo, leo lên tấm ga. Khẩu đại bác của gã đã vươn nòng nóng hổi. Nàng đưa ánh mắt trong veo như mắt bồ câu mơn man. Gã sà xuống thân thể nàng gấp gáp…
Gã vuốt vào da thịt nàng mạnh bạo. Ô, gì thế này, không phải làn da mịn màng như em bé mà là lớp lông vũ dày dặn. Gã hốt hoảng nhìn nàng. Mắt Thủy Nương giờ không phải bồ câu mà vằn lên những tia máu sắc lạnh như mắt diều hâu. Đôi môi đỏ bỗng mọc ra một cái mỏ như mỏ bồ nông.
Gã bật ngửa ra sau vì sợ hãi trong khi chiếc mỏ bồ nông mổ vào mắt gã nảy đom đóm rồi cúi xuống nhìn chăm chú khẩu súng của gã đang từ từ xỉu như bong bóng xì hơi. Cái mỏ kêu quác một tiếng rồi lấy đà mổ thêm một phát chí tử vào cái dụng cụ vừa tưởng bở kia. Gã thấy một luồng điện dội thẳng vào óc, một cơn đau xé rách ruột gan, máu tóe ra tanh tưởi. Gã kinh hồn táng đởm ôm bụng chạy khỏi ngôi nhà kinh dị. Lần đầu tiên trong đời, gã có cảm giác như thụt “cái đó” lên tận cổ…
Sương đêm lạnh làm gã tỉnh rượu hơn còn của quý thì vẫn đau buốt, may là máu đã đông. Gần sáng gã mới lần về tới nhà, vợ gã trông thấy bộ dạng thảm hại và máu ở đũng quần, nên nổi cơn tam bành mặc cho gã phân bua. Vợ vẫn choe chóe: “Đi ngủ lang với con nào bị chồng nó cắt dái phải không? Đẹp mặt chưa, đồ khốn nạn…”.
*
Hơn mười năm trước, gã hay chở chim ngói đi chợ bán. Gã đang độ thanh niên, da đen bóng như tượng đồng, chân tay chắc nịch. Tóc rễ tre hanh vàng. Vai khoác khẩu súng hơi chín cân của Đức. Trông gã như nổi bật giữa đám phụ nữ buôn gà. Lúc đó, Loàn bán hàng cơm. Hai sáu tuổi, chồng ốm chết mới một năm. Má Loàn hây hây, môi mọng, mắt lúng liếng.
Bán hàng, lời ong bướm nhiều, “ma ăn cỗ” cũng có nhưng Loàn thích Hấn. Gã trai tân, rắn chắc, giỏi săn chim. Có ngày bán mấy chục con. Loàn mua của Hấn chim ngói, cu gáy để bồi dưỡng. Hấn ngồi quán gọi suất cơm của Loàn, không rượu mà say. Loàn cạ người vào gã, gắp cho gã miếng thịt gà. “Ôi dào! Không chim gì bằng gà, không quà gì bằng cơm, hí hí”. Gã đáp lại luôn: “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà/ Cả ba thứ ấy phải là dùng tay”. Gã bán chim mà hay nói những câu dê mồm. Còn chơi chữ nữa chứ, như câu: “Chị mua chim em đừng thịt, để nuôi, nó chóng lớn lắm”. “Chim với chả cò, bà thịt tất” – Loàn cười tít. Trêu chòng nhau mà thành thật. Gã ở lại với Loàn. Gã đi kiếm chim về chế biến cho Loàn bán. Hai đứa treo cái biển gợi cảm là quán “Chim lớn dần”. Người đi qua lắc đầu, lè lưỡi. Dân nhậu thì khoái chí ra mặt, cuối tuần còn hay có khách từ thành phố về. Nhắm và rỉ tai nhau, “ăn gì bổ nấy, các bố ạ”.
Theo suất, thực khách vào sẽ được ăn từ chim bé đến chim nhỡ, rồi chim to. Nào chim rán, chim quay, chim hấp, chim hầm, chim nhồi, chim xào sả ớt, cháo chim, xôi chim… Có đưa cay là rượu ngâm chim cùng thuốc bổ, tiết canh chim đỏ chót trong cái bát sứ trắng be bé, xinh xinh. Bổ và lạ miệng, quán gã chẳng bao giờ có thể ế, trừ khi hết nguyên liệu hoặc chính quyền người ta cấm bán. Mặc kệ, còn đánh bắt và thu mua được, gã còn nấu nướng, còn bán, cần đếch gì biết chúng nó tuyệt chủng hay không…
Giờ gã nằm mê man sốt. Quán đóng cửa. Vài ngày, một tuần vẫn có người hỏi chứ lâu hơn là thôi. Biết bao quán nhậu sẽ đông đúc hơn, bao quán mới ra đời. Anh tài dao thớt, băm chặt trong dân chẳng bao giờ thiếu. Mở quán nhậu vẫn là cách làm kinh tế phù hợp nhất vùng này. Ngày quay vòng vốn đôi lần, lãi suất cao trông thấy. Không có chim thì còn thú rừng, thủy đặc sản hay vô thiên lủng các loài bò sát, côn trùng đó sao. Mắt gã mờ đi sau vết thương và những cú tiêm kháng sinh hạng nặng.
Mắt mờ thì bắn chim lên giời à. Gã có biểu hiện lẩn thẩn rồi. Loàn thở dài thườn thượt. Loàn ở với Hấn vì Hấn biết kiếm tiền và mạnh cái khoản kia. Giờ cả hai cái việc ấy đều hỏng cả. Thế là hết. Loàn âm thầm thu vén vốn liếng rồi tếch trong một buổi trưa vắng ngắt, bỏ lại Hấn trong cái quán thuê trống huơ trống hoác. Thằng Bàng thì lấy quán nét làm nhà. Nó vẫn hay chui xuống gầm bàn vục chim bọn trẻ con. Cuối cùng, bị người ta đuổi, nó lại tìm quán khác…
*
…Hấn nằm như thế không biết bao lâu. Thằng Bàng sờ soạng chán cũng bỏ đi đâu mất. Mắt Hấn thấy sầm sầm tối. Người gã như không còn sức lực, gã đã nhịn đói không biết mấy ngày. Mấy quả đa rơi bên cạnh. Gã gắng sức nhặt, định bỏ vào mồm. Mấy con sáo sậu từ đâu lao đến mổ vào tay gã. Quả đa lại rơi. Ngày trước, chỉ cần một viên đá, gã chọi một phát chết cả con quạ ngay.
Giờ mấy con sáo sậu cũng không coi gã ra gì. Rùng mình, trong ký ức hiện lên bao xác chim máu bầm nơi ức vì súng cao su, hàng ngàn con máu chảy ròng ròng do súng săn, bao con giẫy rần rật khi gã bóp cổ hoặc cắt tiết rỏ vào bát rượu. Bao miếng xương, miếng thịt nhỏ nhoi nát nhừ dưới hai hàm răng sắc nhọn của gã. Linh hồn chúng đan vào nhau như một đám mây ùa về gốc đa này kết tội gã. Những bộ mặt gớm ghiếc của cú mèo gí sát gã. Chúng đập cánh cùng nhau thành trận cuồng phong đầy cát bụi, gió ớn lành lạnh, rợn tóc gáy.
Tiếng thóc mách của se sẻ, tiếng lanh lảnh của chèo pheo, chí chóe của chào mào, tiếng cuốc kêu rát họng, tiếng não nề của quạ khoang, tiếng tang tóc lạnh lẽo của chim lợn… như một bản hợp ca khủng khiếp dồn vai tai gã. Cái đầu bồ nông to vật vã lại xuất hiện, nghiêng nghiêng nhìn gã trân trối. Hấn kêu thất thanh: “Ối giời ơi…”.
*
Những ngày sau người ta đưa gã vào bệnh viện tâm thần. Mắt gã kém nhưng tai còn khá. Mỗi khi nghe thấy có tiếng chim ngoài sân là gã co rúm người lại, có khi tiểu ướt hết quần.
Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Hòa/Văn Nghệ C.A