Đóa hoa rừng
Nhấc điện thoại lên, Hoa bấm số văn phòng tư vấn luật. Thoáng chút lưỡng lự, Hoa lại đặt máy xuống. Cứ sau khi bị Quyền hành hạ thân xác, Hoa nổi cơn hận rồi lại thôi. Hoa không nhớ mình từng do dự và tha thứ cho gã chồng vũ phu bao nhiêu lần…
Hơn tuần nay từ lúc có card visit của Danh, Hoa thề không mềm lòng thêm nữa. Từ lúc ở bệnh viện về, Hoa cả quyết nhấc điện thoại lên, đọc card visit rồi bấm số. Ngay sau đó, phía bên kia có tiếng đàn ông, thanh nhưng mạnh mẽ: “Tôi, Danh nghe đây!”. Sợ đổi ý, Hoa nói gấp gáp: “Chào anh! Em muốn li hôn, anh có giúp được không?”.
Thoáng chút im lặng, tiếng đàn ông vọng ra: “Tôi cần biết cụ thể vụ việc. Mời chị đến văn phòng trao đổi trực tiếp”. Hoa để mặt mộc chẳng bôi trát gì, chỉ choàng nhẹ chiếc khăn mỏng lên đầu rồi đi bộ ra bến taxi.
Văn phòng tư vấn luật là căn hộ trong tòa nhà cũ tại khu trung tâm Warszawa. Ra khỏi thang máy, Hoa đi dọc hành lang, tìm đúng số nhà ghi trong card visit, bấm chuông rồi đứng đợi. Có tiếng mở khóa lách cách bên trong. Một cô gái Ba Lan tóc vàng hiện ra sau cánh cửa, nhỏ nhẹ cất lời chào rồi dẫn Hoa vào phòng khách. Từ bên trong vọng ra tiếng đàn ông đang nói chuyện qua điện thoại. Ít phút sau, một người đàn ông Việt Nam dong dỏng cao, tóc xịt gôm rẽ ngôi lệch, mặc bộ complet đen, thắt cravat xanh dương trên nền sơ mi trắng bước ra, giới thiệu tên Danh rồi ngồi xuống ghế bọc vải xanh lá cây, đối diện với Hoa. Nhìn dáng vẻ đĩnh đạc cùng thần thái toát lên từ Danh, Hoa cảm thấy tin cậy.
Thấy Hoa khéo léo kéo nhẹ chiếc khăn mỏng choàng qua đầu xuống, để lộ gương mặt bầm dập tím tái, Danh bỗng thảng thốt: “Trời! Đã xảy ra chuyện gì vậy? Thật thế á? Không thể tin nổi! Thời nay vẫn còn gã chồng mông muội như thời trung cổ thế á? Tại sao chị có thể sống trong địa ngục ấy ngần đấy năm? Tôi sẽ giúp chị lôi con quỉ đội lốt người đó ra trước vành móng ngựa. Ôi, trời! Chị chỉ muốn li hôn thôi á? Không, không thể được! Nếu chị không khởi tố thì tôi sẽ làm” – Danh chồm người dậy, giọng đầy căm phẫn.
“Ngày mới lấy nhau, chồng em đâu có thế. Ba năm nay anh ấy mới đổi tính” – Hoa mếu máo. “Hay là chồng chị có bồ?” – Danh cau mày, nhìn thẳng vào mắt Hoa. “Chắc không có đâu! Em thấy anh ấy chẳng có gì khác lạ. Ban ngày anh ấy vẫn giúp em bán hàng. Ban đêm, anh ấy chỉ ở lì trong nhà, ôm chai bia, đánh vợ rồi lăn ra ngủ” – Hoa sụt sùi. “Quái lạ nhỉ! Thật, không thể hiểu nổi” – Danh đấm tay lên trán.
Thế rồi vừa dấm dứt khóc, Hoa vừa kể lể.
Học xong phổ thông, thi đại học không đỗ, Hoa làm công nhân may khu chế xuất gần làng. Một ngày tám tiếng cắm mặt vào máy khâu tới mờ cả mắt nhưng Hoa vẫn không kiếm đủ tiền nuôi thân, đỡ đần cha mẹ. Theo bạn bè, Hoa cầm nhà, vay lãi trả cho đường dây dịch vụ đưa người. Hoa sang Ba Lan mang theo niềm hi vọng đổi đời.
Đúng thời dễ làm ăn, Hoa xách túi đi chợ bán lẻ. Sau hai năm, Hoa đủ tiền mua một quầy bán hàng tại Trung tâm Thương mại EACC. Hoa mua áo len, áo phông Thổ Nhĩ Kỳ đổ buôn cho khách tỉnh xa và các nước lân cận. Là khách quen, Quyền hay đến quầy Hoa mua hàng. Dần dà, hai người thắm duyên nhau, yêu rồi lấy. Tám năm, vợ chồng Hoa sinh ba con, một bề, toàn gái. Hoa không nhớ nổi số trận bị chồng đánh. Đang kể lể trong khí thế bừng bừng oán hận, Hoa bỗng dưng dừng lại, hai tay ôm mặt, hai vai rung lên.
Quyền là chàng trai ngoài ba mươi, quê vùng trùng điệp núi đá Ninh Bình. Bởi thế, Hoa thường ví, tim Quyền bạc như đá nung vôi. Nhìn bề ngoài, ai cũng nghĩ vợ chồng Hoa – Quyền xứng đôi, vừa lứa, kẻ kháu trai, người xinh gái, lại cùng tuổi. Hoa nghe các cụ dạy: “Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn”.
Thực ra Quyền không lười, thậm chí còn chăm chỉ và tháo vát. Thời trai tân, Quyền rất chịu khó kiếm tiền, nên dành dụm được kha khá. Sau khi cưới, có bao nhiêu tiền, Quyền đưa hết cho vợ. Bây giờ, Quyền vẫn không chểnh mảng việc kinh doanh.
Hằng ngày, từ sáu giờ sáng đến ba giờ chiều, Quyền quần quật giúp vợ bán hàng. Nhưng như người máy được lập trình trước, cứ đóng cửa quầy, Quyền về nhà là ngửa cổ tu bia. Uống được hai chai, Quyền bắt đầu lải nhải chửi vợ. Thế rồi cung bậc phấn khích của Quyền từ từ tăng dần đều cùng với nhịp bia rót vào cổ họng. Tới lúc cơn thịnh nộ bùng nổ thì Quyền thượng cẳng chân hạ cẳng tay, tung quyền cước đầy uy lực lên tấm thân mềm mại của vợ.
Cứ mỗi tuần một trận to, hai ngày một trận nhỏ, đều như vắt chanh. Hoa từng bị chồng đánh đến tràn dịch màng phổi, rạn cả xương sườn. Mấy bận phải vào bệnh viện điều trị nhưng Hoa vẫn cố giấu, chỉ khi bị tra vấn quá thì khai do ngã, do tai nạn.
Minh họa: Lê Tiến Vượng. |
Càng nghe Hoa kể về những khổ ải khi phải sống với gã chồng có trái tim hóa đá, Danh càng tức giận. Danh thẳng tính, nóng nảy nên cơn thịnh nộ dữ dội hơn người thường. Với thằng chồng đánh vợ rất đều tay, hằng ngày sau mỗi cơn say thì hòa giải làm gì cho phí đời gái ba con, rặt một bề đái ngồi. Liếc Hoa, Danh trộm nghĩ, gương mặt này nếu không biến dạng phù nề thì trông cũng duyên, thế mà thằng chồng nỡ phũ phàng.
– Biết bản tính chồng hung hãn thế, sao chị vẫn lấy?
– Đâu có! Quyền trước hiền khô. Chỉ sau khi con gái thứ ba ra đời, anh ấy mới đánh em.
Nhà Quyền ba đời độc đinh. Thấy vợ sinh một bề toàn gái, Quyền lo đứt đường hương hỏa nối dõi nên mới đổi tính đổi nết. Một lần đi nhậu về, Quyền bấm chuông cửa, Hoa ra mở chỉ muộn một chút, thế là gã lao vào nhà, đấm đá vợ như trút đòn thù. Mỗi lần dừng tay, Quyền lại đay nghiến: “Tiên sư con nái sề chỉ biết đẻ một bề toàn gái, đái không qua ngọn cỏ! Đêm nay tao bị lũ bạn nhậu chọc quê, bắt lê gối trên chiếu rót rượu hầu từng đứa. Nhục!”.
Từ lần phá rào đánh vợ ấy, Quyền cứ uống hai chai bia là bắt đầu giải sầu không có con trai nối dõi lên người vợ. Một lần gần đây, trong lúc thượng cẳng chân hạ cẳng tay, Quyền gầm lên đòi có bằng được thằng “chống gậy” lo hương khói cúng giỗ tổ tông.
– Tôi không hiểu nổi, bị chồng hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần từng đấy năm mà chị vẫn cam tâm chịu đựng. Sao không tố cáo?
Lần bị đánh lê lết trên sàn, tràn dịch màng phổi, Hoa phẫn uất định nhảy qua ban công cho xong cái nợ đời, nhưng nghĩ đến ba con còn phải nuôi, Hoa lại buông xuôi. Lần bị đánh rạn mấy xương sườn, Hoa đã nhấc điện thoại định gọi cảnh sát, đúng lúc đó nhìn chồng ôm chăn ngủ lăn trên giường, mặt mũi hiền khô, Hoa lại đặt máy xuống. Có đêm sau khi bị hành hung, Hoa nung nấu ý định phải giải thoát dứt khoát khỏi gã chồng vũ phu, nhưng sáng hôm sau thấy Quyền chăm chỉ lo toan, ngoan như cún, Hoa lại động lòng thương cảm.
Đã bao lần Hoa lưỡng lự, cân nhắc rồi lại tiếp tục chịu đựng. Quyền thì ngày hiền, đêm dữ cứ như người hai mặt sống ở hai cõi, mỗi khi đảo cực âm dương lại biến thành người khác.
Đã bao nhiêu lần Hoa cúi đầu, giấu mặt, len lén bước vội vào sảnh hala, thế mà các chị “hàng xóm” vẫn nhận ra sự bất thường ấy. Lần nào các chị cũng chặn Hoa lại, xúm quanh, tranh nhau nói. Lần nào cũng chừng đó cung bậc cảm xúc, từ tức giận, phẫn nộ đến xót xa, vỗ về. Chị thì sốt sắng đòi gọi ngay cho cảnh sát, chị thì điềm tĩnh giơ tay ra ngăn lại. Chị thì khuyên Hoa tống ngay chồng vào tù cho chừa. Chị thì khuyên Hoa li dị nhanh để giải thoát. Chị thì sốt sắng xức dầu. Chị thì vuốt ve nhẹ nhàng.
Cơn phẫn uất sau lúc lên đến đỉnh cao là bước vào giai đoạn hạ nhiệt. Trước khi kết thúc bao giờ cũng là màn phận đàn bà tha hương nơi đất khách, ai cũng có bi kịch gia đình, rồi ngậm ngùi điệp khúc “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, phải tìm cách vượt qua bất đồng để sống chu toàn trách nhiệm. Chỉ đến khi có đám khách ghé vào xem hàng thì các chị mới chịu tản ra, chạy về quầy để “chăn”.
Lần nào cũng vậy, chị “hàng xóm” quầy chung vách với Hoa, có gương mặt đẹp đượm buồn luôn lặng lẽ lắng nghe. Chờ đến khi mọi người về hết, chị mới sang xoa dịu nỗi đau cho Hoa. Trong lúc bày hàng, treo mẫu giúp Hoa, chị thủ thỉ tâm sự như người nhà. Chị chân tình khuyên Hoa bình tĩnh, tránh “già néo đứt dây”.
Hoa chột dạ nghĩ, có khi đúng thế thật. Hoa không thể xử sự bằng lí với chồng giống người Ba Lan được. Khi thì chị rót vào tai Hoa về “đất lề quê thói”. Khi thì chị giảng giải cho Hoa nghe bài “đức hi sinh vì gia đình” là nét đẹp riêng có của phụ nữ Việt Nam. Hoa đang còn phân vân, tại sao vợ phải hi sinh cho chồng? Thế đâu phải là bình quyền? Giờ nhờ chị soi sáng, Hoa đã ngộ ra danh phận mình trong một gia đình được gọi là nền nếp.
Chị “hàng xóm” nói nhiều điều chí lí lắm. Chị bảo, ở nơi xa xứ nếu không có bờ vai đàn ông để dựa vào thì cuộc sống phụ nữ rất dễ rơi vào thảm họa. Thế rồi chị kể. Mấy năm trước, gia đình chị đang yên ấm, vợ chồng đồng lòng chung sức làm ăn, tiền vào như nước mùa lũ. Bỗng dưng có kẻ thứ ba xen vào. Chồng chị lén lút phiêu diêu tình mới, bỏ bê việc nhà và ba mẹ con chị. Chuyện vỡ lở, chị cả giận mất khôn, đuổi cả đôi gian phu dâm phụ.
Ngỡ vắng chồng, chị tự tin có thể một mình chèo chống nổi mọi việc. Ai dè từ khi biết gia đình chị tan vỡ, các mối quan hệ làm ăn dần xa lánh vì thiếu niềm tin, các đối thủ cạnh tranh o ép mạnh tay hơn. Tuy chị cố gắng rất nhiều nhưng hiệu quả ngày càng sa sút. Đứng trước bờ vực phá sản, chị đành bắn tiếng gọi chồng về để đoàn tụ, mọi tội lỗi trước đó chị bỏ qua hết. Bây giờ gia đình chị lại đầm ấm, lại ăn nên làm ra, là tấm gương sáng cho Hoa học hỏi.
Chị luôn miệng xuýt xoa thương Hoa. Chị lo cho Hoa, li dị chồng rồi, liệu một mình có nuôi nổi ba con thơ dại không? Chị còn nhắc nhở Hoa về bổn phận phụ nữ phải bảo vệ mái ấm, phải duy trì nền nếp gia phong truyền thống. Hoa càng nghĩ càng thấy chị có lí. Mỗi khi hình dung cảnh phải cắp bọn trẻ về Việt Nam bám bố mẹ già, đến đất cạp ra mà ăn cũng chẳng có nổi một tấc, Hoa lại hoang mang lo sợ.
Chị đặt ra cho Hoa bao lời cảnh báo. Nào là bỏ Quyền chắc gì Hoa lấy được người đàn ông tử tế hơn, nào là ở đời mấy ai thương con mình hơn cha đẻ ra chúng nó, nào là chẳng nhẽ cứ mỗi lần dẫm cứt lại một lần chặt chân, nào là sướng khổ tại số và ông Trời đã lập trình đời mình phúc phận thế rồi có muốn cưỡng lại cũng chẳng được. Chị nói đâu có sai.
Đúng là tối say thì Quyền quá tay đánh vợ, nhưng ban ngày Quyền lại hết lòng chăm lo cho tổ ấm gia đình. Ba đứa con gái của Hoa chả có tội tình gì, thậm chí đều xinh xắn, ngoan ngoãn, học giỏi. Lần nào chị cũng đưa ra lời chốt hạ là “cứ hi sinh đi, cứ sống hết lòng vì chồng đi, thì ông Trời thương mà được hưởng phúc”. Ôi chao! Chị nói sao mà thấm thế chứ.
Nghe Hoa trình bày, lúc thì có vẻ cương quyết đến cùng, lúc lại tỏ ra do dự nhu nhược, Danh mặt hầm hầm, đấm mạnh tay xuống bàn: “Nếu chị không tố cáo thì tôi sẽ lôi hắn ra trước vành móng ngựa để đòi lại công lí cho chị”. Hoa di chân trên nền sàn, mặt cúi gằm, miệng lí nhí: “Hay là thôi anh ạ! Em sống thế quen rồi, với lại lỡ ra…”.
Danh chồm dậy, ngắt lời: “Không, không thể thế được! Tôi tự thấy có trách nhiệm phải giải thoát chị khỏi ác quỷ. Nói dại, lỡ chị có bị làm sao thì con chị ai nuôi? Với lại phải nhờ pháp luật nghiêm minh thì mới cứu chị thoát khỏi đòn dữ. Sáng mai, tôi cùng chị ra đồn cảnh sát tố cáo chồng chị tội bạo hành, ngược đãi vợ. Tôi giúp chị hoàn toàn miễn phí. Nếu chị không đồng ý thì tôi vẫn làm tới cùng. Tôi mà bỏ qua thì vợ tôi cũng chẳng tha cho hắn đâu”.
Danh học khoa Luật, đại học Tổng hợp Wroclaw. Vợ Danh người Ba Lan, học cùng lớp với Danh. Ngay sau khi thi tốt nghiệp, hai người tổ chức cưới. Lấy nhau hơn một năm, loay hoay mãi Danh vẫn không xin được việc, vợ Danh phải làm tạm tại một cơ quan hành chính quận để có lương nuôi chồng. Không đành lòng sống nhờ ở đậu, Danh bàn với vợ bỏ Wroclaw chuyển lên thủ đô Warszawa, nơi người Việt sống đông đảo tập trung.
Ở Ba Lan, thi đỗ khoa Luật không hề dễ, để có chứng chỉ hành nghề luật sư càng khó hơn. Người Việt tại Ba Lan ít hiểu biết về luật pháp nhưng lại có quá nhiều điều liên quan tới pháp luật. Nhu cầu thì rất nhiều, nguồn cung lại rất thiếu. Hiểu rõ điều đó nên Danh bàn với vợ mở văn phòng tư vấn luật, phần kiếm kế sinh nhai, phần thỏa chí trai giúp đời, nhất là với người yếu thế.
Nhìn Danh dáng đầy đặn, mặt đôn hậu, dái tai dài, tóc húi cua, miệng lúc nào cũng đọng nụ cười tươi, có người đùa: “Lẽ ra cậu phải vào chùa làm sư”. Tâm thiện, lòng luôn muốn giúp người nghèo khó nhưng Danh nóng tính, lại thích tranh luận đến cùng, có người bảo: “Cậu sinh ra để làm thầy cãi”.
Nghiêm túc mà nói, cả hai ý ám chỉ về Danh đều đúng, vì con người Danh đậm cả chất thầy chùa lẫn thầy cãi, nghĩa là 2 trong 1. Hôm nào không thực hiện được ít nhất một bổn phận là Danh khật khừ. Hôm sau vẫn thế, Danh sẽ lăn ra ốm. Chưa khỏi mà cãi lí thành công với đồng nghiệp để bảo vệ được người yếu thế, thì như được thần dược trợ giúp, Danh dứt bệnh ngay. Từ thiện giúp đời và tranh luận giúp người vừa là trách nhiệm vừa là sở thích trời sinh của Danh.
Không có vợ tác động và chống lưng thì y chang bọn du học sinh Việt Nam khác, Danh bây giờ cũng quay như chong chóng trong vòng xoáy tiền-hàng. Vợ Danh mắt xanh, da trắng, tóc vàng. Nàng mê nghề cãi hơn đếm tiền. Sinh ra như thể để theo ngành luật, vợ Danh nói nhanh, nói nhiều không thua máy khâu làm hàng xuất khẩu.
Chính nhờ vợ thúc đẩy, hỗ trợ mà Danh dành hết tâm huyết cho nghề tư vấn luật. Vì đối tượng phục vụ chủ yếu là người Việt nên nhìn bề ngoài ai cũng tưởng Danh là chủ, nhưng thực ra vợ Danh mới là sếp bà, đóng vai trò nhà tư tưởng vạch đường chỉ lối. Hôm nghe chồng kể về Hoa, vợ Danh đanh giọng dọa, nếu Hoa cam chịu, Danh bỏ qua thì cô ấy thề sẽ làm đến cùng.
*
Đợi Danh khép chặt cánh cửa phòng trực ban cơ quan cảnh sát, Hoa mới gỡ chiếc khoăn voan che đầu rồi ngồi xuống ghế. Nhìn gương mặt Hoa, viên sĩ quan cảnh sát Ba Lan sửng sốt thốt lên: “Ôi, lạy Chúa tôi! Chị bị cướp tấn công à?”. Danh lắc đầu: “Không! Bị chồng đánh đấy”. Viên sĩ quan cảnh sát trợn mắt: “Có chuyện đó thật sao? Chắc chồng cô có vấn đề về thần kinh?”. Danh vẫn lắc đầu: “Không! Ông ta hoàn toàn bình thường. Ông ta chỉ xuống tay sau khi uống vài chai bia”.
Viên sĩ quan cảnh sát nhìn Hoa ngờ vực: “Rượu mới kích động mạnh chứ bia thì nhằm nhò gì. Chị bị chồng đánh mấy lần rồi?”. Dường như xấu hổ, Hoa cúi gằm mặt, tay mân mê vạt áo. Danh nhanh miệng đỡ lời: “Tuần nào cũng có một trận to, vài trận nhỏ. Đây, ông xem đi!”.
Danh mở cặp rút ra tập hồ sơ bệnh án, kèm phim chụp. Viên sĩ quan cảnh sát xem xong, giọng đầy phẫn nộ: “Ôi trời! Thời nay vẫn còn ác quỷ đội lốt người à? Ai lại nhẫn tâm đánh vợ đến rạn xương sườn, tràn dịch màng phổi thế này? Phải cách li ngay gã chồng lòng lang dạ thú ra khỏi cộng đồng, không thì xảy ra đại họa”.
Mỗi tuần hai lần, khi thì Danh, khi thì vợ Danh gọi điện cho viên sĩ quan cảnh sát, rồi công tố viên thụ lí vụ án. “Các anh có trách nhiệm không chỉ là giải thoát mà cả cứu mạng nữa đấy”. Dọa thế, thúc thế, ai mà chẳng sợ. Các cơ quan pháp luật rất khẩn trương tiến hành điều tra, khởi tố, xác định mức án và ra phán quyết. Chồng Hoa bị tòa phạt một năm tù giam, thêm một năm thử thách phải sống cách li vợ con.
Từ khi Quyền thụ án, nửa cuối mùa xuân đã trôi qua, Warszawa bừng dậy đầy sức sống, cây xanh mướt lá, hoa khoe sắc thắm, chim hót líu lo. Tại Trung tâm Thương mại EACC, khách hàng tấp nập hơn, không khí buôn bán náo nhiệt hơn. Chuyện nhà Hoa như băng tan chảy ra sông, không ai thèm để ý nữa.
Một ngày làm việc mới bắt đầu. Danh bước tới kéo rèm, mở toang cửa sổ cho nắng ban mai ùa vào tràn ngập căn phòng. Đúng lúc đó có tiếng chuông reo vang. Danh đến bên bàn, nhấc điện thoại lên. Từ trong máy vọng ra giọng Hoa khỏe khoắn, mạch lạc đề nghị hẹn gặp. Lật tra sổ, Danh hồ hởi đáp lời hẹn gặp Hoa tại văn phòng ngay sáng hôm sau.
Trong lúc chờ Hoa, Danh tranh thủ vào toilet soi gương. Rút lược từ túi áo vét màu xanh dương, Danh đánh luống, rẽ ngôi rồi xịt gôm lên mái tóc. Đang sửa lại cái cravat đỏ trên nền sơ mi trắng, nghe tiếng chuông, Danh vội ra mở cửa. Trong chiếc váy cộc tay, thả dài quá gối, rực rỡ sắc màu hoa lá trông Hoa thay da đổi thịt, tươi tắn hơn, trẻ trung hơn. Kéo ghế mời Hoa ngồi, Danh phấn chấn buông lơi: “Mới hơn một tháng mà trông chị khác quá, như trẻ ra cả chục tuổi vậy”.
Hoa vẫn đứng, mặt không hề biểu cảm, giọng sắc lạnh: “Em không muốn li hôn nữa. Em ân hận vì đã đẩy anh ấy vào tù. Bây giờ anh phải giúp em làm lại án để anh ấy được về với vợ con sớm nhất”. Nụ cười đang vương trên đôi môi tắt lịm, Danh gắt: “Chị điên à! Pháp luật đâu có thể sớm nắng chiều mưa thế. Chị tưởng, cứ đổi ý là thay ngay được án à”.
Hoa đanh mặt: “Em không biết! Anh muốn làm thế nào thì làm, miễn là đừng đang tâm phá hoại hạnh phúc gia đình em. Ai khiến anh nhanh nhảu thế, làm em thì mất chồng, con em thì mất bố, nhà cửa thì tan hoang. Chồng em có gây thù chuốc oán với anh đâu cơ chứ. Nhẽ phải khuyên giải em thì anh lại ra đòn “đánh” chồng em nhanh thế, tàn độc thế. Anh mà không đưa chồng em về đoàn tụ thì em thề sẽ làm tanh bành sự nghiệp của anh. Em không dọa đâu!”.
Một tháng xa chồng, trông Hoa da hồng hào, má đào, môi thắm, người phây phây như trẻ ra cả chục tuổi. Nhiều chị trong lòng thầm ghen tị nhưng ngoài miệng đãi bôi, chúc mừng Hoa đã vứt bỏ được cục nợ đời.
Một tháng xa chồng, Hoa đã thấm trải nỗi cô đơn ngập lòng. Những điều giản dị quen thuộc hằng ngày bỗng dưng trống vắng khiến Hoa hụt hẫng, mất thăng bằng.
Ban đêm, Hoa vật vã trong nỗi khắc khoải nhớ chồng. Hoa hối hận, giận mình bạc tình bạc nghĩa đã đẩy chồng vào tù. Mỗi khi nằm ngắm bầu trời đêm qua cửa sổ phòng ngủ, Hoa lại tưởng tượng cảnh chồng khốn khổ trong “cỗ quan tài” xi măng lạnh lẽo. Nhưng khi quay sang các thiên thần bé bỏng đang nằm cạnh, nghe tiếng chúng thở đều đều, nhìn chúng nhoẻn miệng cười trong mơ, Hoa lại thấy thanh thản lạ lùng. Cơ thể Hoa phục hồi nhanh chóng. Không bị những cơn đau nhức hành hạ, hằng đêm Hoa chìm nhanh vào giấc ngủ sâu.
Ban ngày, Hoa luôn thèm ăn. Hoa ăn mọi lúc mọi nơi. Trong khi ăn Hoa lại tự dằn vặt rằng, không biết trong tù chồng có được ăn đủ no, mặc đủ ấm không? Trong tù chồng có bị ngược đãi, đánh đập không? Dù gì thì vợ chồng Hoa từng sướng khổ, mặn nồng sống bên nhau ngần đấy năm. Ngoài cái tật uống bia rồi động thủ tập quyền lên cơ thể vợ, thì chồng cũng chăm chỉ làm việc, biết lo toan mọi bề đấy chứ. Càng nghĩ, Hoa càng nhớ chồng da diết.
Theo thời gian, sự thay đổi đối nghịch giữa tinh thần và thân xác Hoa càng lúc càng trở nên trầm trọng.
Nghe Hoa đanh giọng: “Em không dọa đâu!”. Danh lặng người, ngồi phịch xuống ghế. Trong nỗi thất vọng ngập lòng, ứ lên tận cổ, Danh bỗng thấy giận mình. Khi nghe Hoa kể về cuộc sống địa ngục, Danh thương cảm. Khi thấy người Hoa bầm dập, Danh xót xa. Thật tâm, Danh muốn giúp Hoa đòi lại công lí. Vậy mà kết quả ngược lại, Danh muốn gia ân lại nhận được báo oán.
Nghe Hoa vừa đay vừa giục: “Anh nói gì đi chứ! Sao cứ lặng thinh mãi thế?”, Danh ngước gương mặt méo xệch lên, nhìn Hoa với ánh mắt buồn bã đầy thất vọng. Bao nhiêu ý định trong đầu, giờ tứ tán mông lung, Danh không thể tập trung suy nghĩ được nữa. Chẳng biết nói gì lúc này, Danh đành lặng thinh. Mấy phút im ắng trôi qua, Hoa bỗng đứng phắt dậy gay gắt: “Không lôi thôi gì nữa. Anh đã tống chồng tôi vào tù thì phải có trách nhiệm trả chồng lại cho tôi. Ngay ngày mai, anh phải lên tòa án rút hồ sơ và đơn đề nghị li hôn của tôi về!”.
Nhìn Hoa với ánh mắt lạ lẫm, Danh cất giọng thiểu não: “Tôi tưởng đã đưa được chị ra khỏi địa ngục tăm tối, nào ngờ chị lại tình nguyện rúc vào”. Mặt lộ rõ vẻ phấn chấn, Hoa ngẩng đầu lên nhìn chòng chọc vào chùm đèn treo dưới trần nhà, giọng quả quyết: “Tôi đã thấy vầng ánh sáng chói lòa cuối đường hầm. Tất cả chỉ vì mụn con trai nối dõi tông đường. Tôi thề sẽ giúp chồng thỏa lòng ước nguyện!”.
Đầu Danh tê dại, tai Danh ù đặc. Danh ngỡ những điều mình giải thích, mình giúp đã lôi Hoa ra khỏi mông muội. Nhưng thực tế còn tệ hơn thế, Hoa mãi là một Đóa Hoa Rừng lạc giữa công viên thời 4.0. Nghe tiếng cánh cửa dập mạnh, Danh bàng hoàng ngẩng đầu lên thì Hoa đã bước ra khỏi văn phòng.