Chuyện tình khó quên của nhà thơ Em đi chùa Hương

Chuyện tình khó quên của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp (1914 – 1938) được ông gửi gắm một cách thầm kín trong những câu thơ. Bởi lẽ, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp rời khỏi dương gian năm 24 tuổi, khi chưa có được mái ấm hạnh phúc riêng tư.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là một bậc tài hoa đoản mệnh. Lúc sinh thời, ông có hai tác phẩm được xuất bản là tập thơ “Ngày xưa” và tập kịch “Người học vẽ”. Năm 2018, kỷ niệm 80 năm ngày mất nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, Nhà xuất bản Phụ Nữ đã sưu tầm toàn bộ tác phẩm của ông để in thành tập “Hoa một mùa”, bao gồm 3 truyện ngắn, 6 vở kịch, 10 bài thơ và 10 bài phê bình.

Nhiều người đã biết, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936). Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp là con của người vợ nhỏ Phan Thị Lựu. Khi Nguyễn Nhược Pháp mới được 2 tuổi, thì bà Phan Thị Lựu qua đời. Người vợ lớn của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã đưa Nguyễn Nhược Pháp về nhà sống chung với những anh em cùng cha khác mẹ như Nguyễn Hải, Nguyễn Giang, Nguyễn Thị Loan, Nguyễn Thị Nội, Nguyễn Thị Vân, Nguyễn Dương, Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Kỳ, Nguyễn Thị Mười, Nguyễn Dực…

Sau khi có bằng Tú Tài, Nguyễn Nhược Pháp vào trường Luật, học chung khóa với thi sĩ Phạm Huy Thông – tác giả bài thơ “Tiếng địch sông Ô”. Ngoài giờ học, Nguyễn Nhược Pháp cộng tác với các tờ báo như Hà Nội báo, Đông Dương tạp chí, Ngày Nay, Tinh Hoa… Mỗi ngày, đến giảng đường hoặc đến tòa soạn, Nguyễn Nhược Pháp đều tìm cớ đi ngang ngôi nhà 37 Hàng Đẫy vì ở đó có mỹ nhân Đỗ Thị Bính.

Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính (mặc áo dài màu đen). Ảnh tư liệu

Nhỏ hơn Nguyễn Nhược Pháp một tuổi, Đỗ Thị Bính là con gái của nhà tư sản Đỗ Lợi, một nhân vật làm nghề thầu khoán giàu có nhất Hà Nội đầu thế kỷ 20. Nức tiếng xinh đẹp, Đỗ Thị Bính mà mọi người quen gọi cô Bính – Hàng Đẫy, cùng với cô Phượng – Hàng Ngang, cô Síu – Cột Cờ và cô Nga – Hàng Gai được xưng tụng là tứ đại mỹ nhân Hà Thành lúc bấy giờ.

Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp mặc cảm gia cảnh nghèo khó chưa bao giờ dám ngỏ lời công khai với tiểu thư khuê các Đỗ Thị Bính, nhưng “chuyện tình khó quên” của họ được nhiều người nhận ra.

Trong tác phẩm “Văn thi sĩ Tiền Chiến”, nhà thơ Nguyễn Vỹ với tư cách người cùng thời, đã hé lộ: “Nguyễn Nhược Pháp chuyên môn đi xe đạp, và chỉ có mình anh trong giới văn sĩ là đi xe đạp mà thôi. Chiếc xe đạp của anh cũng là một loại xe độc đáo: không có chuông, dây xích cứ tuột ra ngoài, mỗi lần anh đạp là nó kêu cụt kịt, cụt kịt như một con lợn sắt. Nguyễn Nhược Pháp có cái miệng hơi móm, chiếc xe đạp của anh cũng móm… Nguyễn Nhược Pháp đeo đuổi một cô nàng mà anh chỉ say mê vì một chiếc áo đen và đôi mắt đen như hai hạt huyền. Vì nàng mà anh đã viết những bài thơ tuyệt diệu”.

Khi tương tư mỹ nhân Đỗ Thị Bính, bối cảnh sống của Nguyễn Nhược Pháp cũng được chính ông tự thú: “Thường khách tài hoa mê nàng Đẹp/ Thay cơm bằng hai xu phở bò/ Có khi óc đầy nhưng bụng lép/ Thu chăn đành ngủ dài cho no”. Thế nhưng, mỗi ngày nấn ná trước cánh cổng của ngôi nhà 37 Hàng Đẫy, cảm hứng dạt dào trong lòng Nguyễn Nhược Pháp cũng giúp ông có được “chuyện tình khó quên” với những phút giây chiêm ngưỡng người đẹp: “Cúi đầu nàng tha thướt/ Yêu kiều như mây qua/ Mắt xanh nhìn man mác/ Mỉm cười vê cành hoa”.

Đặc biệt, bài thơ “Chùa Hương” dù ghi chú “Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa”, nhưng hình bóng “em tuy mới mười lăm” phảng phất dáng vẻ mỹ nhân Đỗ Thị Bính: “Hôm nay đi Chùa Hương/ Hoa cỏ mờ hơi sương/ Cùng thầy me em dậy/ Em vấn đầu soi gương/ Khăn nhỏ, đuôi gà cao/ Em đeo dải yếm đào/ Quần lĩnh, áo the mới/ Tay cầm nón quai thao”.

Tuy nói mông lung, nhưng Nguyễn Nhược Pháp cũng để bản thân xuất hiện trong không gian “Chùa Hương” khá lãng mạn: “Mơ xa lại nghĩ gần/ Đời mấy kẻ tri âm/ Thuyền nan vừa lẹ bước/ Em thấy một văn nhân/ Người đâu thanh lạ thường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai nhìn không thương…/ Dòng sông nước đục lờ/ Ngâm nga chàng đọc thơ/ Thầy khen: “Hay! Hay quá!”/ Em nghe rồi ngẩn ngơ”.

Bài thơ “Chùa Hương” được phổ nhạc và quen thuộc với công chúng khắp nơi. Đầu tiên, bài thơ “Chùa Hương” được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc thành ca khúc “Đi chơi chùa Hương” vào cuối thập niên 1950. Sau năm 1975, bài thơ “Chùa Hương” được nhạc sĩ Trung Đức phổ nhạc thành ca khúc “Em đi chùa Hương”.

“Chuyện tình khó quên” với mỹ nhân Đỗ Thị Bính không chỉ được nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp gửi gắm trong trong bài thơ “Chùa Hương” ở bốn câu kết “Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ màng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng”, mà còn thể hiện ở đoạn vĩ thanh “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”.

Đáng tiếc, đoạn kết ấy chỉ có trong sương khói tưởng tượng mà thôi!

Ngày 19/11/1938, nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp trút hơi thở cuối cùng, để lại một nỗi u hoài “Đi vui rồi vẩn vơ/ Hay đâu thức còn mơ/ Lạc vào trong vườn mộng/ Mồm vẫn còn ngâm thơ!”.

Mỹ nhân Đỗ Thị Bính về sau kết hôn với kỹ sư Bùi Tường Viên và có cuộc sống rất êm ấm. Mỹ nhân Đỗ Thị Bính theo gia đình đi kháng chiến, rồi từ sau năm 1954, công tác tại Phòng Giáo dục quận Hai Bà Trưng- Hà Nội. Mỹ nhân Đỗ Thị Bính qua đời năm 1992, hưởng thọ 77 tuổi.

sưu tầm

Bình luận Facebook