Đến với bài thơ hay “Đò xuôi Thạch Hãn” của tác giả Lê Bá Dương
Ai đã từng một lần được đặt chân đến Quảng Trị, nơi có bến thả hoa bờ bắc và bờ nam sông Thạch Hãn sẽ được đọc bài thơ này trên bia đá:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm
Thành cổ Quảng Trị là minh chứng rõ nét nhất cho sự đấu tranh kiên cường và lịch sử vẻ vang của quân dân Việt Nam, gợi nhớ về ký ức của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước tại Thành cổ Quảng Trị.
Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị.
Tác giả bài thơ “Đò xuôi Thạch Hãn” là phóng viên thường trú báo Văn hóa khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nguyên chiến sĩ quân đội trực tiếp chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong trận chiến rực lửa mùa hè năm 1972.
Bài thơ lúc đầu có tên là “Tiếng gọi bên sông”, được tác giả trực tiếp đọc trong lễ kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7-1987 tại tỉnh Quảng Trị. Thời gian trước đó, Lê Bá Dương về thăm chiến trường cũ, anh từng ngủ qua đêm cùng vong hồn đồng đội ngay trong nghĩa trang Thành cổ, lòng trào dâng bao xúc động sâu sắc và thương cảm vô hạn. Trong bối cảnh đó, anh đã ứng tác bài thơ, coi đây như một nén tâm nhang thắp cho các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Bài thơ thấm đẫm nghĩa tình đồng đội, đã chạm đến nỗi đau tận cùng của sự hy sinh, mất mát trong chiến tranh, làm rung động lòng người.
Tác phẩm vẻn vẹn có 4 câu thơ, nhưng nội lực tinh thần thì rất lớn. Tác giả không phản ánh toàn cảnh trận chiến khốc liệt 81 ngày đêm quân ta đã chiến đấu trong Thành cổ Quảng Trị, dưới bom đạn của kẻ thù như thế nào, mà chỉ hướng về một góc nhỏ, nơi hàng trăm chiến sĩ ta đã bị súng đạn quân thù giết hại khi họ hành quân qua sông Thạch Hãn.
Mở đầu bài thơ, tác giả viết:
Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Câu thơ như một lời nhắc nhở những con thuyền trên sông Thạch Hãn khi qua chiến trường xưa, hãy nhẹ tay chèo, kẻo làm thức giấc các “bạn tôi nằm”, những người bạn ấy đang yên nghỉ dưới đáy nước. Ý thơ gợi bao điều xót xa trong lòng bạn đọc, từ cảnh huống hy sinh đau đớn đến nơi hy sinh của các liệt sĩ. Các anh vĩnh viễn nằm lại đây, không danh tính, không còn cơ may được quy tập hài cốt để trở về làng quê đất mẹ. Các anh đã hy sinh tuổi trẻ để dành lại hoà bình và thống nhất toàn vẹn non sông. Họ hy sinh, nhưng tinh thần yêu nước vẫn không ngừng nghỉ, tiếp tục “vỗ yên bờ bãi” quê hương, làng xóm… tiếp thêm sức mạnh cho lớp trẻ thế hệ sau này.
Năm tháng qua đi, thời gian có thể xoá nhoà nhiều cảnh vật nhưng cũng có những thứ nó sẽ mãi mãi lắng sâu trong kí ức mỗi người, đó chính là bài thơ này và hình ảnh các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập. Cảm ơn tác giả Lê Bá Dương đã mang đến cho mọi người một áng thơ hay. Đó chính là nén tâm nhang tưởng nhớ linh hồn các liệt sĩ đã hoá thân vào đất mẹ.
sưu tầm