Nhạc sĩ Trần Tiến tiết lộ “nàng thơ” của ca khúc “Mặt trời bé con”, những giấc mơ và câu chuyện về lá diêu bông…

Trần Tiến kể ông viết ca khúc “Mặt trời bé con” do lá thư của một cô bé gửi đến mình. Một hôm, nhạc sĩ đang ngồi hàn huyên cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu thì cô gái ấy đã chạy đến và thỏ thẻ ngày nào đi học ngang đây cũng cùng chúng bạn đâm hàng rào, nghe lén các nghệ sĩ hát vì không có tiền nghe hòa nhạc.

“Bức thư viết chữ mực tím, nói chú Tiến ơi, ngày nào chúng cháu đi học về cũng ghé qua đây, lấy cái đinh chọc chọc qua lỗ hàng rào tôn, ghé qua khe nghe chú hát. Chúng cháu nghèo lắm, làm gì có tiền mua vé vào nghe. Chú cứ lên tivi mà hát như bài “Vết chân tròn trên cát” ấy, cháu khỏi mất tiền mua vé để xem.

Tôi thấy ý tưởng ngồ ngộ, nhưng rồi tôi nhớ đến chính thời nghèo khó của mình. Trước đó 20 năm, tôi cũng như cô bé đó, cũng không có tiền để đi xem ca nhạc. Và tôi từng trèo ống máng của Nhà hát Lớn Hà Nội để đi xem và mấy lần… bị bắt”, Trần Tiến xúc động nhớ lại.

Cái nghèo và sự hồn nhiên hòa lẫn bất giác đánh động đến tâm tư của Trần Tiến – người cũng trải qua bao khốn khó thuở nhỏ. Từ đó, ông đã viết nên ca khúc “Hát cho cô bé không có tiền mua vé xem hát” – tên nguyên thủy của nhạc phẩm “Mặt trời bé con”.

Những giấc mơ và câu chuyện về lá diêu bông…

Với Trần Tiến trong những giấc mơ luôn có những nỗi buồn và trong những nỗi buồn luôn ẩn chứa những giấc mơ. Tác giả ca khúc “Giấc mơ Chapi” bảo đôi khi tiếng bom đạn vẫn đeo đẳng theo anh. Nó đi cả vào giấc mơ khiến anh vừa ám ảnh vừa thảng thốt mỗi khi tỉnh dậy, sờ người thấy toát cả mồ hôi.

Nhạc sĩ bùi ngùi: “Sau nhiều năm chiến tranh đôi khi tôi vẫn mơ thấy mình bị bom dội vào giường, vẫn thấy một chiếc võng đầy lá khô bới lên thấy một đồng đội nằm đó với chiếc đài gỉ sét, có lẽ là chết vì sốt rét…”.

Với bài hát “Sao em nỡ vội lấy chồng” nổi tiếng, Trần Tiến bảo ông từng tự nhủ rằng “lá diêu bông” được nhắc tới trong bài này là do người ta tự “bịa ra” nhưng tình cờ một lần đi diễn ở Quảng Ninh, trong một buổi nhậu có một ông bạn gọi Trần Tiến ra rồi nói: Có lá diêu bông. “Lúc đó tôi nói có mà đó là lá mơ lông để các ông ăn với thịt chó thì có” – Trần Tiến nói.

Một lần nữa khi lên Điện Biên diễn, lại có một bà cụ nói với Trần Tiến rằng trong dòng họ nhà bà có một người đã tìm được lá riêu bông. Trần Tiến hỏi đi tìm ở đâu thì bà cụ nói phải vào hang sâu và lưỡng lự buông câu: “Liệu anh có đủ sức để đi tìm chiếc lá ấy không?”…

Nhạc sĩ Trần Tiến cũng kể câu chuyện về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Mặt trời bé con”. Đó là hồi anh cùng bố mẹ, các anh chị còn ở phố Ga (phố Lê Duẩn – PV), một ngày có một anh người Quảng Ngãi ghé nhà Trần Tiến mang theo cây đàn phong cầm và xin ngủ nhờ.

“Thấy anh mang đàn tôi hỏi: Anh đi đâu?, anh nói đi thi vào trường nhạc,… rồi tôi viết bài “Mặt trời bé con”. Sau mấy mươi năm tình cờ đi diễn, có một anh lên vỗ vai tôi hỏi: Tiến phải không?, giọng Quảng Ngãi nên tôi nhớ ngay ra người anh thủa nào. Chúng tôi gặp nhau khi hai người tóc đã bạc và chỉ biết ôm lấy nhau mà khóc” – nhạc sĩ Trần Tiến kể lại.

sưu tầm

Bình luận Facebook