XUÂN QUỲNH – CÁNH CHUỒN TRONG GIÔNG BÃO

1. Khắc nghiệt và yên lành

Đúng là Xuân Quỳnh viết rất nhiều về cỏ, về hoa dại, về cát… Nói về những thứ nhỏ nhoi, trơ trọi và quên lãng ấy, với Xuân Quỳnh, âu cũng là tự hát về cái thân phận mình, cái kiếp mình. Vậy mà tôi cứ thấy hình ảnh chuồn chuồn báo bão ám vào thơ Xuân Quỳnh mới da diết làm sao! Cánh chuồn bé bỏng mỏng manh ấy bay ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, chơ vơ giữa cõi trần ai đầy bất trắc, trôi nổi vô định này. Nó quá nhạy cảm với bão tố, mang tin bão về, để rồi chẳng tìm đâu ra một chốn nương náu chở che:

Chặn bốn phía những cỏ cây tội nghiệp
Trái đất này sẽ nhận chìm trong mưa
Không tìm đâu một chốn nương nhờ
Mỏng manh thế làm sao chịu nổi
Chuồn chuồn ơi báo làm chi bão tới
Trời bão lên rồi mày ở đâu?

Có lẽ thế, thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời.

Mọi nhãn quan thơ ca thường có xu hướng phân lập cái thế giới sống động này thành các đối cực. Tùy thuộc từng tạng người, tạng thơ mà cặp đối cực nào sẽ nổi trội lên, giành lấy quyền quán xuyến. Và thế giới nghệ thuật được sáng tạo trong thơ, xét đến cùng, là sự tương sinh, tương khắc của các đối cực ấy. Thế giới thơ ca Xuân Quỳnh là sự tương tranh không ngừng giữa khắc nghiệt và yên lành với những biểu hiện sống động và biến hoá khôn cùng của chúng. Ở đó, trái tim thơ Xuân Quỳnh là cánh chuồn báo bão cứ chao đi chao về, mệt nhoài giữa biến động và yên định, bão tố và bình yên, chiến tranh và hòa bình, thác lũ và êm trôi, tình yêu và cách trở, ra đi và trở lại, chảy trôi phiêu dạt và trụ vững kiên gan, tổ ấm và dòng đời, sóng và bờ, thuyền và biển, nhà ga và con tàu, trời xanh và bom đạn, gió lào và cát trắng, cỏ dại và nắng lửa, thuỷ chung và trắc trở, xuân sắc và tàn phai, ngọn lửa cô đơn và đại ngàn tối sẫm…

Thư Lưu Quang Vũ viết cho Xuân Quỳnh

Cõi đời vốn đã đầy cay cực, xáo động, Xuân Quỳnh lại sinh đúng vào những năm tháng không yên, bản thân, ngay từ trứng nước đã đa mang một cõi lòng không yên định, đầy những lo sợ không đâu như một thứ nghiệp dĩ. Thế mà, người đàn bà ấy lại coi hạnh phúc là yên lành và suốt đời cứ cố kiếm tìm, vun trồng, gìn giữ cái yên trong một thế giới đầy nắng nôi dông bão, trong một thời buổi cơ hồ chẳng có chút nào yên. Có phải đó vừa là nguyên uỷ làm nảy sinh quan niệm và ước nguyện của hồn thơ này, lại vừa là thực tại mãi mãi lưu đày đời thơ này?


2. Anh chờ em cho em vịn bàn tay

Sinh ra đã chịu đựng nỗi chơ vơ, côi cút, rồi trên mỗi bước đường đời, mặc cảm côi cút cứ truy đuổi sát gót như một thứ bóng đè lên cuộc đời người phụ nữ này. Vì thế, có thể thấy rằng: cuộc đời và thơ Xuân Quỳnh là một nỗ lực vượt thoát nỗi chơ vơ định mệnh đó. Cũng vì thế, luôn thường trực ở hồn thơ này, một khao khát đến khắc khoải: khao khát được gắn bó và chở che. Dĩ nhiên, ở một người bản tính đôn hậu, chuyện ấy là song phương: vừa được gắn bó với đời, vừa được đời gắn bó; vừa che chở người, vừa được người che chở. Đó là nội dung hệ trọng của hạnh phúc theo quan niệm của Xuân Quỳnh. Và đời chị là hành trình kiếm tìm một hạnh phúc như thế. Chị phải trở thành thi sĩ của tình yêu, phải đặt kỳ vọng vào tình yêu, điều ấy dường như là tất yếu. Bởi vì tình yêu là cứu tinh và cũng là cứu cánh của thi sĩ. Lại cũng tất yếu: tình yêu với Xuân Quỳnh, trước nhất, cao nhất và sâu xa nhất, không thể là gì khác hơn một “sự gắn bó giữa hai người xa lạ”- “Rằng tình yêu không thể tách rời – khi đó em là máu thịt anh rồi – nếu cắt đi anh sẽ ngàn lần đau đớn”. Chị nghiệm ra bản chất gắn bó máu thịt ấy ở mọi chốn, mọi thứ trong thế giới này, ở cả sóng và bờ, đồi đá ong và cây bạch đàn, con đường và bàn chân, đường ray và con tàu, tình yêu và thơ ca… mà đậm nhất là ở thuyền và biển: “Nếu từ giã thuyền rồi – Biển chỉ còn sóng gió – Nếu phải cách xa anh – Em chỉ còn bão tố”… Thế nghĩa là, còn thiêng liêng hơn cả những thủy chung, những duy nhất, tình yêu với Xuân Quỳnh là niềm khát khao được gắn bó với con người và cõi sống này. Dĩ nhiên, trước tất cả là gắn bó với người thương, người thân.

“Chất keo” của mối gắn bó đó không có gì khác hơn trái tim và bàn tay. Đây là những hình ảnh trở đi trở lại đầy ám ảnh trong thơ chị. Nó là hiện thân sống động của quan niệm về tình yêu Xuân Quỳnh. Chị đặt niềm tin vào một trái tim thiết thực, biết khước từ mọi biến hoá cao sang hoa mỹ, dẫu có thành vàng, thành mặt trời… Điều ước duy nhất của trái tim kia là: được làm chính nó! Để “làm sống lại những hồng cầu đã chết – biết rút gần khoảng cách của yêu tin”, và thiêng liêng hơn là, để gắn bó trở thành vĩnh viễn – “biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Còn bàn tay sinh ra là để tuân theo ý nguyện của trái tim đó (Bàn tay em). Trong tình yêu, những nụ hôn ngây ngất, những vòng ôm ghì riết, những ánh nhìn đắm đuối… những cuồng nhiệt hưởng thụ ái tình và tuổi trẻ cứ việc mê hoặc những cây bút thơ tình nào khác. Còn chị, Xuân Quỳnh chỉ chọn cho mình một cử chỉ tay trong tay. Vì sao ư? Đó không hẳn là tình tự, đó là biểu tượng của gắn bó, nương tựa lẫn nhau của cái tôi Xuân Quỳnh với một cái tôi khác để mà vượt qua, để mà trụ vững trong cõi đời đầy bất trắc, đầy những chảy trôi, phiêu dạt sắc sắc không không này:

– Đường tít tắp không gian như bể
Anh chờ em cho em vịn bàn tay
– Bàn tay em trong tay anh xiết chặt
– Thấy anh về cuống quýt nắm tay nhau
Cỏ dưới chân gió thổi trên đầu
Trái tim đập sau lần áo mỏng
– Tay ấm trong tay – chồi non lại biếc
– Tay ta nắm lấy tay người
Dẫu qua trăm suối ngàn đồi cũng qua

3. Chất thơ từ tổ ấm

Tôi nhớ, trước câu thơ “Căn phòng con riêng của chúng mình – Nước trong phích hoa trong bình gốm cũ”, ai đó đã “cười nụ” xem nó như một thứ thơ “chưa sạch nước cản”. Cũng có phần nào ngộ thật! Nước lại chả trong phích, hoa lại chả trong bình! Ấy thế mà chỗ khác người, hơn người của Xuân Quỳnh, xem ra, lại chính là ở đấy! Những câu thơ rất không đâu kia, một người khác khó lòng viết nổi. Nó thuộc về một cảm nhận riêng đối với một chất thơ mà Xuân Quỳnh tỏ ra mẫn cảm và giàu có hơn ai hết: chất thơ từ tổ ấm! Gọn hơn, nó là cảm giác thơ về đời sống thường nhật của Xuân Quỳnh. Nếu định tìm ở các câu thơ như vậy những trau chuốt, hoa mỹ, sẽ vô tình đánh mất đi nhịp rưng rưng không chút mơ hồ của một trái tim đang bao bọc, quấn quýt với mọi đồ vật, thân thuộc đơn sơ thôi, nhưng mà thuộc về cái tổ ấm, thuộc về cái cõi bình yên có thật của mình, của riêng mình! Nhịp đập ấy là âm hưởng, là hơi thở đảm bảo sự sống cho cả những câu thơ rất đỗi… không đâu của thi sĩ này! Nó thuộc về cái tính linh của Xuân Quỳnh. Bởi vì, ai chẳng có tổ ấm, nhưng đã mấy ai phát hiện ra nguồn thơ từ tổ ấm như thế!

Ai đã đọc thơ Xuân Quỳnh không thể không thấy cứ thấp thoáng ẩn hiện suốt đời thơ của người đàn bà này hình ảnh một mái che với những biến thể khác nhau của nó. Khi là vòm cây, là mái phố, mái nhà, căn phòng, khi là căn hầm, nhà ga, bầu trời xanh… Thậm chí, hình ảnh người yêu qua thi cảm của chị, nếu có gì khác người, thì chính là nó đã được đồng nhất với bầu trời – “Bầu trời xanh hơn cả lúc nằm mơ – Và hạnh phúc trong bàn tay có thật – Chiếc áo mắc trên tường – Màu hoa sau cửa kính – Nồi cơm reo trên ngọn lửa bếp đèn – Anh trở về – Trời xanh của riêng em” (Bầu trời đã trở về)… Đó là những hiện thân khác nhau của cùng một hình hài chung nhất, thiêng liêng nhất: tổ ấm.

Hiện diện thường trực và phong phú trong cảm thức thơ ca Xuân Quỳnh, tổ ấm là biểu tượng sống động của gắn bó – chở che. Với người khác, yêu có khi chỉ cần được giao cảm với đời, chỉ cần ghì riết lấy sự sống trong vòng tay vồ vập ham hố cuống quýt của mình, dù chỉ trong khoảnh khắc. Còn với Xuân Quỳnh, hạnh phúc yêu đương nhất thiết phải thành hạnh phúc gia đình, phải kết thành tổ ấm. Tổ ấm mới là mối hàn bền chắc gắn kết từng cá nhân nhỏ nhoi riêng lẻ vào nhau và vào với cuộc đời mênh mông vô tận. Tổ ấm là con thuyền thả trên sự trôi chảy để mà chống chọi, vượt qua cái bấp bênh vô định của dòng đời, là chốn yên lành có thật giữa cõi đời đầy khắc nghiệt này.

Có phải tổ ấm nào cũng là con thuyền chắc chắn trên dòng chảy kia không? Cho dù không, Xuân Quỳnh vẫn khát khao, vẫn đặt vào đó kì vọng của mình. Đó không chỉ là sự lựa chọn của một ý thức. Đó còn là tiếng gọi da diết thường trực từ huyết quản của một thân phận từng chịu bất hạnh vì nỗi mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, gia đình bị phá vỡ và cái tổ ấm đầu đời do mình gây dựng cũng bị chia lìa. Đó là ẩn ức, là cơn khát vô hình khôn nguôi của một con chim không tổ. Vì thế, nhìn cuộc đời qua tiêu điểm tổ ấm, đã là cái nhìn rất Xuân Quỳnh. Cứ xem hình ảnh nhà trên mỗi chặng đường thơ Xuân Quỳnh, đủ thấy chị đang viết về chiến tranh hay hoà bình, hiện tại hay tương lại, nhọc nhằn hay sung sướng, khắc nghiệt hay yên lành… Cũng chỉ có Xuân Quỳnh mới lập nên sơ đồ và lịch sử một cõi sống mà nhà mình là trung tâm của thế giới, là kết quả cuối cùng của cuộc tiến hoá trên mặt đất trường cửu này: “Hàng trăm năm đã nên bãi sa bồi – Hàng ngàn năm đã nên làng nên xóm – Hàng vạn năm đã nên thành phố lớn – Qua bao đời thành phố có nhà tôi”. Và cũng chỉ có hồn thơ thiết tha với sự sống yên lành bình dị nơi tổ ấm, mới có cảm nhận về hoà bình kì thú thế này :”Cái nôi thôi mắc cửa hầm – trắng tinh cái tã xanh trong bầu trời”. Đúng thế, lẽ nào đó không phải là lá cờ đuôi nheo, lá cờ hiệu chân chính và tin cậy nhất của sự sống chúng ta?

*
Nếu ngôi nhà là trụ sở của sự sống, thì con cái là trái tim của tổ ấm. Trở thành thi sĩ của tình yêu là một tất yếu, Xuân Quỳnh cũng tất yếu thành nhà thơ viết cho con trẻ. Chị sẽ viết bằng sự bao bọc chở che: “Con thức ban ngày mẹ chở che con – Đêm con mơ mẹ làm sao che chở – Trong giấc mơ chỉ mình con bé nhỏ – Chỉ mình con chống chọi với quân thù”. Chị sẽ viết Cổ tích về loài người và giải thích lại về nguồn gốc thế giới mà trong đó, ra đời đầu tiên trên thế gian là lũ trẻ, kế đó mới là cha mẹ, ông bà… tất tật đều sinh sau, và vì lũ trẻ mà sinh ra, chị sẽ viết bằng cái lôgic riêng của tình mẫu tử “Con yêu mẹ bằng con dế” sâu sắc mà ngộ nghĩnh…

*
Ấy thế mà cứ y như tự mâu thuẫn, chính con người ấy còn đa mang một khát vọng khác cũng không kém phần ám ảnh: “Nỗi khát vọng những phương trời chưa tới”. Tuy không phải máu xê dịch giang hồ, nhưng Xuân Quỳnh cũng đã sáng tạo ra một loạt hình tượng để kí thác vào đó cái khát vọng đi xa của mình. Có thể thấy biết bao thiết tha của thi sĩ đã gửi vào những con đường, biển, sóng, gió, mây… mà đặc biệt là con tàu: “Em khác chi con tàu – chạy về xa tít tắp”… Đến miền đất nào cũng chân thành gắn bó cũng cứ “vơ vào”: “Bốn phương đâu cũng quê nhà – Như con tàu với những ga dọc đường”. Đến đâu cũng miệt mài gia đình hóa con người, quê hương hoá cảnh vật để mong biến tất cả thành Dải đất thuộc về tôi… Tuy nhiên, mỗi khi cất bước ra đi, cũng lập tức bị lo âu dày vò. Bởi rời tổ ấm cũng là rời “nơi che chở những người thương mến nhất”, là dấn thân vào cái bấp bênh, diệu vợi, khắc nghiệt, là phải kiếm tìm gắn bó, chở che. Vì thế, con tàu nhằm phía trước lao đi, còn nỗi nhớ cứ ngược chiều quay lại… Cứ thế, nếu đời người có thể qui vào cái dòng kế tiếp tuần hoàn giữa ra đi và trở lại, thì một phần lớn thơ Xuân Quỳnh đã được viết bằng cái tâm thế bất định “Khát khao đi hồi hộp mỗi khi về” của cánh chuồn mỏng manh và mệt nhoài này. Và tất nhiên, người đàn bà ấy chỉ tìm thấy yên ổn thật sự khi bước chân vào tổ ấm của mình. Nói thơ Xuân Quỳnh nhất quán một nữ tính là vì lẽ đó. Nữ tính ấy luôn dẫn dắt chị đến với chất thơ của tổ ấm như là sự mách bảo bên trong, như sự sắp đặt tự nhiên thành một số phận thơ, một cá tính thơ vậy.

4. Phấp phỏng và lo âu

Càng ngày tôi càng tin rằng: nỗi day dứt vào bậc nhất trong suy cảm trữ tình của con người bao đời nay là day dứt về chuyện còn – mất của những gì với mình là quí giá thiêng liêng. Người càng giàu tiên cảm, giàu dự cảm lo âu về mất mát rủi ro, thì day dứt càng ám ảnh hơn, dày vò hơn. Càng hy vọng nắn nót gìn giữ bao nhiêu, càng nơm nớp lo âu bấy nhiêu. Vì thế, trong nhiều hình dung về một thi sĩ, tôi vẫn muốn đinh ninh rằng: một nhà thơ trữ tình từ trong máu là người gắng gỏi đến hao mòn, kiệt sức để cố níu giữ cái mình hằng tôn thờ mà đang có nguy cơ bị tuột mất, bị huỷ diệt. Đó là nhà thơ của cái đẹp lâm nguy.

Và, lắm khi nhìn một mẹ gà xòe cánh ấp ủ bầy con bé bỏng trong ổ rơm, cái đầu chẳng chịu yên, cứ nghiêng ngó mọi phía, đôi tai và đôi mắt mải lắng những tiếng dữ vọng từ xa đến như bóng diều quạ đang rình rập đâu đây, tôi cứ nghĩ đến Xuân Quỳnh. Bởi cứ thấy đây là hình ảnh của lo âu. Phải, lo âu phải là bản năng, phải là phẩm chất hàng đầu của một người mẹ, lo âu là mẫu tính. Mà Xuân Quỳnh cả lo quá, nó như một thứ “giời đày”. Suốt một đời rặt những lo toan: lo bom đạn, lo bão giông, mưa nắng, lo tổ ấm chẳng được yên lành, lo cách trở diệu vợi, lo không được gắn bó, không được chở che, lo mất tình yêu, lo mất tuổi trẻ và nhan sắc… Chả nhẽ, phải khi chẳng còn gì để mất, người đàn bà này mới chấm dứt lo âu?

Nhưng còn gì kinh khủng hơn, khi một người đàn bà tuyên bố: chẳng còn gì để mất! Không chỉ vì thế tức là đã mất tất, mà còn vì tất cả đã trở nên vô nghĩa, trở nên đê tiện, đểu giả… Thật may, thơ Xuân Quỳnh chưa bao giờ là tiếng lòng của người đàn bà không còn gì để mất. Mọi phá phách, cay nghiệt, mọi bất mãn, bất cần… đều xa lạ với thơ chị. Xuân Quỳnh thực sự là một người đàn bà suốt đời kiếm tìm vun trồng và gìn giữ. Gìn giữ cẩn trọng đến mức nơm nớp, khắc khoải. Từ thời Chồi biếc(1963), khi tiếng thơ vừa mới dậy thì, đầy sôi nổi cũng đầy nông nổi, ngỡ chỉ đắm say và tin tưởng, nào ngờ đã gợn lên rồi cái bóng lo âu. Cứ tưởng lời cả quyết “Nếu phải cách xa anh – Em chỉ còn bão tố” là quá tự tin, ai dè đó chỉ là giọng cả tin của một người cả lo, của một cõi lòng chỉ chợt nghĩ đến bão tố thôi là đã run lên, hoang mang, nơm nớp rồi! Càng về sau lại càng quá! Đến nỗi mọi biến động nhỡn tiền, dù vô tình thôi, hư thoảng thôi cũng khiến chị động lòng: “Vừa thoáng tiếng còi tàu – Lòng đã Nam đã Bắc”, “Em lo âu trước xa tắp đường mình – Trái tim đập những điều không thể nói”. Ngay như trước một cảnh rất thường: “Cuối trời mây trắng bay – Lá vàng thưa thớt quá”, mà câu thơ cứ như một tiếng kêu bất giác rên lên, như một niềm thảng thốt. Là chiếc bóng không thể nắm giữ, cũng không thể lìa bỏ, lo âu cứ phơ phất một điệu hồn ở ngay trong những câu thơ không đâu nhất, hay ấn tượng nhất của thi sĩ này:

Cát vắng sông đầy cây ngẩn ngơ
Không gian xao xuyến chuyển sang mùa
Tên mình ai gọi sau vòm lá
Lối cũ em về nay đã thu

Có thể nói, nếu mỗi thi sĩ đích thực bao giờ cũng có một điệu hồn riêng, thì lo âu, đó mới thực là điệu hồn Xuân Quỳnh. Điệu hồn ấy, Xuân Quỳnh đã phổ trọn vẹn vào những tiếng thơ da diết nhất của mình. Nó là phần tinh chất nhất của giọng điệu thơ Xuân Quỳnh. Nó đã ngân lên đây đó ngay từ những tiếng thơ đầu đời, càng về sau càng rõ nét, nổi trội.
*
Hóa ra, hạnh phúc của một người đàn bà phụ thuộc rất nhiều vào hai yếu tố: nhan sắc và tình yêu. Kẻ thù truyền đời của họ, vì thế, là sự lạnh nhạt của “đối phương” và của thời gian. Trong mọi điều khắc nghiệt, đây là điều khiến người đàn bà Xuân Quỳnh bận lòng nhất. Tình yêu là sức mạnh chở che, gắn bó, nhưng cũng mỏng manh như cách chuồn báo bão, mỏng mảnh như màu khói, dễ vỡ như một thứ bình pha lê. Và nhan sắc cũng mong manh, cũng bạc vô cùng. Làm sao một người đa mang cái cõi lòng không yên đó chẳng phấp phỏng lo âu cho đặng! Sợ nhất là vì một lý do nào đấy, đôi tay trong tay kia bỗng buông lỏng, bỗng rời nhau ra, mọi dấu hiệu “trở chứng” đều khiến chị hoang mang nghi ngại: “Mùa thu nay sao bão mưa nhiều – Những cửa sổ con tàu chẳng đóng – Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm – Em lạc loài trước sâu thẳm rừng anh”. Đã day dứt về còn – mất, dứt khoát không tránh khỏi sự dày vò của thời gian. Nhưng khi người đàn bà nghe “Những năm tháng đi về trên mái tóc”, và kêu lên “Như không hề biết đến tàn phai” thì đó không còn là cảm giác thời gian nữa. Se xót hơn, đó chính là ám ảnh tàn phai. Lo âu về sự lạt phai của ái tình và tàn phai của nhan sắc, có lẽ là nỗi niềm trăn trở nhất, day dứt nhất, khiến thi sĩ phấp phỏng lo âu nhất trong hai tập thơ cuối đời – Tự hát (1984) và Hoa cỏ may (1989). Với nỗi niềm ấy, Xuân Quỳnh là người đàn bà của muôn thuở!
*
Điều đáng quý ở con người ấy là càng cả lo, cả nghĩ bao nhiêu, càng gắn bó với con người và cuộc đời bấy nhiêu. Chừng như chị đã thấy trước được rằng đời sống thật khắc nghiệt, bất ổn, số phận con người thật ngắn ngủi, tất cả chỉ là thoáng chốc, tấc gang. Cho nên chị đã lẳng lặng hi sinh để mong đem lại cho người thân, người thương của mình một chút bình yên, một chút ngọt ngào mà mình chắt chiu dành dụm được trong cuộc sống nhọc nhằn này. Với bản tính ấy, làm sao Xuân Qùnh có thể quẳng gánh lo đi mà vui sống được. Những ngày nằm chữa bệnh tim sau tai nạn đổ xe, cả thầy thuốc và người thân đều khuyên chị đừng xúc động lo âu làm gì. Không phải Xuân Quỳnh không biết như thế là có lợi. Và có lẽ chị đã thử đôi lần. Nhưng khốn nỗi, lo âu trở thành cái tôi Xuân Quỳnh mất rồi, làm sao có thể lìa bỏ được cái tính linh trời định đó của mình. Và, phải khi tai hoạ phũ phàng ập xuống quá bất ngờ, người đời mới thấy rằng những dự cảm lo âu suốt một đời người, một đời thơ ấy sao mà linh nghiệm, trớ trêu. Xuân Quỳnh nào có lo xa, lo hão gì đâu!

(Quy Nhơn, 1985
Hà Nội, 1993)

(Chu Văn Sơn)

Bình luận Facebook