SINH NHẬT BÁC NGHE KỂ CHUYỆN TỐ HỮU VIẾT THƠ

Tố Hữu có thời gian sống gần Bác Hồ khá lâu, từ sau Tổng khởi nghĩa mấy năm ông đã được ra công tác tại Việt Bắc rồi về Hà Nội cho đến ngày Bác Hồ đi xa. Nhân ngày sinh nhật BÁC, xin ghi lại câu chuyện Tố Hữu kể với nhà thơ Bế Kiến Quốc về những bài thơ ông viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh:

“Bế Kiến Quốc (B.K.Q.): – Thưa anh, bạn đọc chờ đợi trong dịp này được đọc một sáng tác mới của anh viết về Bác…

Tố Hữu (T.H): – Bấy nhiêu gan ruột, mình đã rút vào Theo chân Bác cả. Bây giờ ngồi nghĩ, có lẽ khó viết lại được như thế nữa…

B.K.Q: – Nhưng cũng không thể nói trước được. Biết đâu đấy, phải không anh?

T.H: – Đúng, cũng có thể. Làm thơ, làm nhạc không như người xây nhà, không có sẵn một bản thiết kế. Bỗng nhiên có một cái ý nào đó, nó gợi ra một cái tình nào đó, một cái nhạc nào đó, một cái khởi điểm mơ hồ… rồi do vận động của sự sáng tạo trong đầu anh, nó ngầm bảo anh rằng nên viết như thế như thế. Có thể không nhất định được ngay. Anh đi một chập, rồi anh quay lại, có thể câu đầu lại thành câu cuối, hoặc có thể bắt đầu bằng một câu nào đó ở giữa bài… Điều ấy rất bất ngờ đối với người sáng tạo. Mấy ai định nghĩa thơ là gì. Khó lắm… Viết về Bác lại có một cái khó khác nữa, ngoài cái khó chung của quy luật, sáng tạo. Bác là một nhân vật sống, một biểu tượng mà mọi người đều biết, nhất là những người đương thời. Người ta không chấp nhận một sự tùy tiện nào vượt ra ngoài sự hiểu biết của người ta. Cố nhiên nghệ thuật cho phép hư cấu, nhưng trong phạm vi nhất định, không cho phép anh bịa ra những điều không có thật. Và tất nhiên hiểu được thực chất Bác như thế nào, nhận thức một chân dung bên trong của Bác, quả không phải là điều đơn giản… Đối với tôi, viết về Bác là một quá trình. Mình đâu có biết Bác từ trước. Dĩ nhiên hồi nhỏ cũng đã nghe nói về Bác, qua mấy anh chính trị phạm như anh Phan Đăng Lưu, anh Nguyễn Chí Diễu, anh Lê Duẩn, cũng biết về hoạt động của Bác một chút. Nhưng chưa tiếp cận bao giờ. Mãi năm 45 mình mới được gặp Bác…

B.K.Q: – Có lẽ khi anh viết bài Hồ Chí Minh thì anh chưa gặp Bác?

T.H: – Chưa. Khi đó mình chưa gặp Bác. Nhưng lúc đó cách mạng có một nhu cầu làm cho mọi người biết về Bác. Nhất là một xã hội như ở Huế, có nhiều nhân sĩ, trí thức, quan lại, người ta không biết Bác là ai thì phiền lắm. Hồi đó, báo Quyết thắng của Xứ ủy Trung kỳ đóng ở Huế. Các anh bảo mình: “Cậu phải viết một cái gì ngay”. Thậm chí cũng chưa thấy ảnh Bác nữa kia. Hồi đó, công tác tuyên truyền của mình còn chậm lắm, chưa có phương tiện nữa. Bài đó viết trong tình hình là hồi đó nghĩ về Bác như thế. Một không khí hiệp sĩ, chevalier, có cả gươm dao, bừng bừng. Giờ mình đọc lại, hơi buồn cười, anh em nói không khí hơi tuồng…

B.K.Q: – Bài ấy cùng một không khí sôi nổi của những ngày đầu Cách mạng với bài Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt…


Bác Hồ làm việc với đồng chí Tố Hữu, tháng 4/1960.

T.H: – Rứa đó. Tuy nhiên, có một điểm lý thú: hồi đó mình dùng mấy chữ Người lính già nghĩ lại cũng thật táo tợn. Cách dùng đó hơi Tây một chút (le soldat) (le vétéran), một cách nói mà. Sau này, không ai dám dùng mấy chữ ấy nữa. Vì càng về sau, càng hình dung Bác như một lãnh tụ, một người cha, chứ không dám nghĩ là một người lính. Có lẽ mình cũng bạo, mình là người đầu tiên và là người cuối cùng gọi Bác là người lính già.

B.K.Q: – Anh cũng là người đầu tiên trong thơ nhắc đến Sài Gòn với tên Thành phố Hồ Chí Minh trong bài Ta đi tới.

T.H: – Ấy, nhân tiện kể cho vui. Lúc mình viết như vậy, Bác đọc, Bác tủm tỉm cười: “Ai cho phép chú đặt tên như thế?”. Mình hoảng: “Dạ, thưa Bác, có ai cho phép đâu. Nhưng nguyện vọng của đồng bào ưng rứa, xin phép Bác cho gọi rứa, trong thơ mà, để đồng bào thỏa mãn”.

B.K.Q: – Như vậy, sau khi viết bài Hồ Chí Minh bao lâu thì anh được gặp Bác lần đầu tiên?

T.H: – Chừng sau mấy mươi ngày sao đó… Mình từ Huế ra Hà Nội. Lúc đó mình là Phó bí thư Xứ nhưng còn nhỏ con lắm, hăm lăm tuổi thôi mà, vào gặp Bác cũng như đụng phải quả núi, cũng ngại ngại chứ. Cảm giác đầu tiên thấy Bác nghiêm nghiêm, mình nghĩ cũng phải: lãnh tụ phải nghiêm thế. Bác lúc đó đúng như trong bức tranh Tô Ngọc Vân vẽ đấy. Rồi Bác bỗng hỏi như người nhà: “Chú ra bằng gì?” – “Thưa Bác, cháu ra bằng xe ô tô”. Lại hỏi: “Xe của ai?” – “Thưa, xe mình”. Thì cũng chỉ nói xe của đằng mình thôi. Ai dè Bác gặng lại: “Xe chú đấy à?”. Hoảng quá! (cười): – “Dạ không, thưa Bác, xe của Việt Minh”. Bác không nói gì. Đó, Bác chú ý cụ thể lắm. Bác luôn nhắc nhở đề phòng cán bộ trở thành những ông “quan cách mạng”. Hồi đó, Bác đi cái xe rất tàng. Rồi Bác hỏi: “Bây giờ mấy chú làm gì?” – “Dạ, thưa Bác, dân đói chúng cháu lo cái ăn cho dân, lo tuyển quân phục vụ Nam tiến…”. Bác hỏi lo cái ăn cho dân thế nào, mình nói chuyện trồng sắn cứu đói, kể tới khúc trồng sắn trong hoàng thành, bác nghe hơi sửng lại. Mình phải nói rõ là chỉ dám trồng ở mấy bãi cỏ thôi. Bác nhắc đừng trồng ẩu trong mấy vườn hoa, di tích… Nhân đó, mình mới hỏi Bác: “Bọn cháu ở bí mật ra, không hiểu chính quyền, xin Bác cho kinh nghiệm để về làm”. Bác nói: “Bác cũng mới làm. Bác có làm Chủ tịch bao giờ!” – “Dạ, nhưng xin Bác chỉ vẽ cho. Bác cho ý kiến như ở Huế thì nên làm thế nào?” – “Ờ, cứ hỏi dân. Dân ưng cái gì, không ưng cái gì. Người ta ưng cái gì thì làm, không ưng cái gì thì đừng có làm. Làm thế nào, cũng hỏi dân. Cử ai làm, cũng phải hỏi dân”. Tóm lại, chính quyền theo Bác chỉ có ba câu. Sau này ta nói: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra – theo tôi có lẽ không rõ bằng ba câu của Bác. Bác là vậy. Với văn học Bác cũng nói như vậy thôi: Viết để làm gì, viết cho ai, viết cái gì, viết như thế nào.

B.K.Q: – Giữa bài viết năm 45 và bài Sáng tháng năm, anh có viết bài thơ nào về Bác mà chưa công bố không?

T.H: – Không. Lúc đó rất bận, nhiều việc quá. Mà mình chỉ là anh làm thơ nghiệp dư thôi. Nhân tiện nói, anh em hay la mình viết những chuyện đời thường. Thật ra không phải không ưng viết, nhưng việc nó búi quá. Suốt ngày làm ba cái chuyện… hơi sức đâu nữa! Hai thứ hoạt động, đích thì giống nhau, nhưng cách thức đâu có giống nhau. Một đằng thì phải nói hơi lơ mơ một tý, một đằng thì rất cụ thể. Làm chính trị hằng ngày mà lơ mơ thì chết! Gần như có hai con người khác nhau trong mình, mà mình không điều hòa được hai con người đó. Nhiều khi, đêm phải trốn để viết, phải thành một con người khác…

B.K.Q: – Tất nhiên, thơ cần những cái cụ thể, những cái đời thường – tạm gọi như thế. Nhưng nếu chỉ có cái đời thường…

T.H: – Anh nêu vấn đề rất đúng. Thơ lâu nay chẳng hạn, tôi thấy hơi thiên đi vào khi chuyện đời thường, chuyện riêng tư mà thiếu mặt civique, công dân. Nghệ thuật lớn không phải ở tâm tình riêng, mà ở tính civique. Nghệ thuật engagé, phải nhập thế. Thời nào cũng vậy thôi.

B.K.Q: – Nhưng thưa anh, có cái khó là: tâm huyết về cuộc đời của người làm thơ dấn thân không phải không gặp những cản trở.

T.H: – Phải vượt mà đi thôi. Như tôi, cũng là một nhà thơ được đóng dấu, vậy mà viết nhiều khi còn bị la này nọ. Nhưng tôi không sửa, in được thì tốt, không thì để lại, vậy thôi. Chắc anh em khác cũng vậy. Nhưng thôi, chúng ta trở lại câu chuyện chính. Sau Cách mạng, trước ngày Toàn quốc kháng chiến tôi được cử về làm Bí thư Thanh Hóa, rồi 47 lên Việt Bắc. Hồi đầu ở Việt Bắc, cũng không dám nghĩ viết về Bác. Lúc đầu viết những Cá nước, Bà mẹ Việt Bắc, Bà bủ, Bầm ơi, Voi, Lên Tây Bắc… Anh em cũng cho là khá. Không hào hoa phong nhã như Văn Cao trong Phường Dạ Lạc… hay hảo hớn một chút như Quang Dũng, mà có một giọng riêng. Chính cái giọng quê quê của mình lúc đó lại có vẻ mới. Thực ra, mình trở lại cái vốn cũ của mình, cái tủ của mình từ hồi còn bí mật. Ca dao, lục bát, hò vè thì mình có vốn khá. Nếu ở thành phố có khi không dám lục ra đâu, nhưng ở nông thôn thì món này nghe được… Rồi, một hôm, Bác cho anh Vũ Kỳ gọi mình vào. Mình tưởng Bác gọi vào bảo làm gì cơ. Thực ra, mình làm thơ, chắc Bác có đọc, nhưng không bao giờ Bác nói chú làm thơ được hay không được, Bác giữ ý sao đó. Hôm ấy, Bác hỏi: “Chú có biết chữ Hán không?” – “Thưa Bác, chữ Hán thì cháu mít đặc” – “Vậy thì chú ngồi đấy. Bác đọc cho nghe. Thế là Bác đọc cho nghe mấy bài thơ của Bác, chữ Hán có, chữ quốc ngữ có. Đọc thơ chữ Hán Bác bảo: “Chú dốt thì Bác cắt nghĩa cho mà nghe”. Thế! Bác làm thơ cũng cần có người để đọc cho nghe chứ. Hôm đó, một sáng tháng 5, không khí núi rừng Việt Bắc đẹp lắm. Trong không khí thân mật nữa, mình thấy “Ông Cụ” có cốt cách thật đẹp. Mình cảm thụ được đây mới chính là cái đẹp đích thực của Bác. Và, cảm giác này là cảm giác lần đầu: Ta bên người, Người tỏa sáng trong ta, Ta bỗng lớn ở bên Người một chút. Đó chính là phẩm chất của Bác: không bao giờ Bác tạo ra cho người khác cảm giác bị đè xuống dưới cái bóng của mình.

B.K.Q: – Sáng tháng 5 có nhiều câu thơ mang tính chất là những phát hiện đầu tiên xây dựng một chân dung tinh thần của Bác Hồ mà càng về sau này chúng ta càng thấy Bác đúng như thế.

T.H: – Tuy nhiên, bài đó cũng có đôi chỗ trở lại cái mùi khô khô, lý trí, lẽ ra không nên có. Chẳng hạn cái đoạn bôn tập, diệt đồn… lạc so với không khí toàn bài. Rồi còn phải cho đủ, có cả anh thợ, chị dân công… Ngồi nghĩ lại cũng buồn cười, cứ tương ba cái câu ba lăng nhăng ấy vào, tưởng như thế là gắn với thực tế. Sau, không thấy mấy ông giảng bài chê chỗ đó, hình như thấy có thế mới phải. Không, động cơ viết thì tốt thôi, nhưng cách nói thế nào cho hay! À, còn mấy câu cuối, có lẽ thôi, anh em la quá! (cười).

B.K.Q: Với bài Cánh chim không mỏi, anh lại phát hiện một nét mới, bổ sung vào chân dung của Bác trong thơ: Bác về, tóc có bạc thêm? – Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều?

T.H: Thực Bác là như vậy. Năm đó, 1960, Bác đi dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và công nhân thế giới. Bác hoạt động rất tích cực, đúng là một cánh chim không mỏi. Tình cảm quốc tế của Bác là tự nhiên, Bác là người của năm châu bốn biển. Cả đời Bác nói đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Nhân tiện nói rõ, không phải Bác dùng điệp từ điệp ngữ gì đâu, mà là Bác nói; đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết quốc tế (đoàn kết quốc tế là đại đoàn kết). Nói cho cùng, mọi thắng lợi đều do ba cái đoàn kết đó. Mười lăm năm qua, những cái mình làm được và những cái mình làm không được cũng do ba cái đoàn kết đó. Bây giờ đang làm Cương lĩnh chiến lược, tôi cũng nhấn mạnh vào ba cái đoàn kết này. Năm canh, bốn biển, có đêm nghĩ nhiều – câu này mình ưng ý đấy. Bác vất vả lắm, nói hết lời…

B.K.Q: – Sau này, bóng dáng câu thơ đó đã được anh nhắc lại và nâng lên: Ôi phải chi lòng được thảnh thơi – Năm canh bớt nặng nỗi thương đời…

T.H: – Hôm hội nghị quốc tế về Bác vừa rồi, mình cũng đọc bài Bác ơi! bắt đầu từ câu đó. Nhân anh nhắc, mình mới kể: Bữa ấy, mấy ông ấy bỏ bom mình. Ai đời hội nghị như thế, không có một nhà văn, nhà thơ Việt Nam nào đọc tham luận. Đến cuối chầu rồi, mới phát hiện điều đó. Mấy ông bảo mình có ý gì thì nói. Trời ơi, hội nghị trong nước các ông bảo vậy tôi cũng không dám nói, huống hồ giữa ba quân thiên hạ! Rồi, mình bảo, vậy tôi đọc thơ, thơ mà cũng coi như tham luận về Bác nhé! Rứa, rứa là mình chọn từ đoạn ấy. May lại thuộc!

B.K.Q: – Đúng, cả phần ấy của bài thơ cũng có tính chất một bản tham luận về chân dung tinh thần của Bác Hồ. Những câu như: Bác để tình thương cho chúng con – Một đời thanh bạch chẳng vàng son – Mênh mông áo vải hồn muôn trượng – Hơn tượng đồng phơi những lối mòn… đến hôm nay đọc vẫn rất thời sự, càng thời sự.

T.H: – Hồi mới viết ra, cũng có ông cũng không ưng mấy câu đó đâu! Còn cái câu: Bác đã lên đường theo tổ tiên, vốn mình viết: Bác đã lên đường nhẹ bước tiên kia. Nhưng có ông mô nói: Sao lại thần thánh hóa lãnh tụ như vậy? Chữa theo tổ tiên nó cộc lốc thế nào đó. Có lẽ sau mình phải khôi phục lại theo câu đầu tiên viết. Rồi có ông còn không ưng cái câu: Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn nữa. Sao lại tắt ánh đèn? Bác thì phải tỏa sáng chứ! Khổ vậy! Bài Bác ơi! mình viết trong một đêm là xong…

B.K.Q: – Còn Theo chân Bác thì anh viết trong bao lâu tất cả?

T.H: – Gần một tháng, đúng ra là 20 ngày. Sau khi viết Bác ơi!, người ta không ưng, thấy ngắn ngủi có mấy khúc, mà trong lòng người ta lúc ấy muốn nói dài, kể tỉ mỉ kia. Mình đã tính phải viết một cái gì hơn nữa. Thì hồi đó, mình lại bị sốt liên miên, cứ 38 – 40 độ, nghi máu trắng. Trung ương mới đưa qua Liên Xô, để bác sĩ xem là cái gì. Bác sĩ xác định không phải máu trắng, nhưng lại bảo: Đồng chí phải kiên nhẫn. Mình nghĩ bụng: Thế là gay rồi. Hỏi: Đại thể mình ở đây mấy ngày? Họ bảo: Ít nhất là một tháng. Gay, như vậy là có thể chỉ còn một tháng nữa. Vậy, phải sống gấp, tranh thủ mà viết thôi. Nhưng bệnh viện của người ta nghiêm lắm. Mình phải nói dối là ra vườn chơi, rồi trốn vào cái phòng để chổi và dạ lau sàn nhà, khóa trái lại, viết. Viết liền một mạch, 20 ngày, coi như xong. Rồi, họ thấy không sốt, dịu đi, cho sang chỗ an dưỡng. Ở đây không nghiêm như bệnh viện, mình ngồi thong thả chuốt lại.

B.K.Q: – Nhưng trước hết, anh đã nghĩ sao mà lại chọn cách viết đó, thể thơ đó?

T.H: – Mình có nhớ tới trường ca Lênin của Maiakốpxki. Nhưng tạng mình không phải thế. Mình thiên về kiểu Hikmét hơn là Maiakốpxki với Nêruda. Rồi mình nhớ lại cách viết như Ba mươi năm đời ta có Đảng. Đó là một loại cải tiến, dân gian phổ cập thì được. Cũng có chỗ xúc động, nhưng có ông khen quá đáng. Mình nghĩ: Thôi, cứ theo kiểu viết tiểu sử, từ nhỏ đến lớn. Cũng phải gửi gắm suy nghĩ, lý giải xem tại sao có con người như Bác? Phải thử đoán nghĩ xem Bác cảm xúc gì, suy nghĩ gì? May cũng có quyển của Trần Dân Tiên nói ra hộ một phần. Rồi hình thức như thế nào? Lục bát không ổn, mặc dù món này mình sử dụng không đến nỗi nào. Nhưng lục bát thì hơi nhẽo. Lối mới lên lên xuống xuống cũng không ổn. Ngụ ngôn không ổn. Thất ngôn tứ tuyệt có cái lợi là đằm, buộc suy nghĩ, và bốn câu một thì uyển chuyển hơn. Mình cố giữ nghiêm niêm luật, nghiêm cách một chút. Như vậy, hình thức này vừa trầm tĩnh, nghiêm túc, vừa lắng đọng. Lại có phong vị Đường thi. Cốt cách của Bác là Đường thi mà! Thế là viết. Bây giờ, ngồi nghĩ lại, cũng khó viết lại được như thế. Nói về cuộc đời Bác, ngắn hơn thì không đủ, mà nhiều hơn cũng không cần. Bấy nhiêu, đủ rõ một cuộc đời, trong bối cảnh một dân tộc, quốc tế, rõ được tư tưởng, phẩm chất, phong cách.

B.K.Q: – Nhìn lại, từ bài thơ đầu tiên anh viết về Bác, cho tới trường ca Theo chân Bác, thật đúng là cả một quá trình. Ở giữa hai bài đó, có một thời gian là 25 năm (1945 – 1970). Nhưng từ 1970 tới nay, đã một thời gian cũng 20 năm rồi, anh có nghĩ rằng mình sẽ viết một cái gì nữa về Bác không?

T.H: – Cũng có đấy. Bây giờ viết về Bác, mình sẽ viết khác những cái đã viết rồi. Cũng có thể chưa in ra ngay được. Nhưng thôi, để rồi mình viết đã… đừng nói trước… Hôm nay, từ câu chuyện về Bác, tôi muốn nói với anh làm văn nghệ rằng phải thương nhau. Tôi hiểu rằng thương nhau là một động lực sáng tác, một động lực vô giá. Hai chữ tình thương cũng là hai chữ căn bản của cuộc đời Bác đấy mà!”…

Ngày 1-5-1990
(In trong báo Văn nghệ, số 19-20, 19-5-1990
Rút từ sách “Tố Hữu, về tác giả và tác phẩm”, NXB Giáo Dục, tháng 4-1999, tr. 144-150)

Xin có vài lời về nhà thơ Tố Hữu:
Không chỉ hầu hết người trai trẻ may mắn ngồi dưới mái trường phổ thông ở miền Bắc XHCN, mà còn rất nhiều chàng trai, cô gái học dưới mái trường ở miền Nam thời sau năm 1954, dù bị chính quyền Sài Gòn nghiêm cấm nhưng đã bí mật truyền tay nhau đọc thơ cách mạng trong đó có Tố Hữu; thơ ông chứa sức mạnh lay chuyển lòng người, giúp họ chọn con đường đúng đắn đi theo. Tôi cũng nằm trong số thanh niên miền Nam những năm 1960, say mê thơ Tố Hữu. “Hỡi những con khôn của giống nòi/ Những chàng trai quý gái yêu ơi/Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/Chọn một dòng hay để nước trôi?” (Dậy lên thanh niên – Tố Hữu). “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/Mặt trời chân lý chói qua tim” (Từ ấy – Tố Hữu)… Tố Hữu đã dẫn dắt biết bao thanh niên tìm được lý tưởng cao cả: Vì đất nước, độc lập dân tộc mà hiến dâng tuổi xuân…

Tố Hữu lại giúp hiểu biết, xây dựng kính yêu Bác Hồ cho mọi người, qua những bài thơ của ông. Tình yêu lãnh tụ trong hàng triệu trái tim được nuôi dưỡng, ngày càng sâu đậm từ những bài thơ, lời ca mà các nhạc sĩ, nhà thơ có Tố Hữu truyền cho, góp phần tạo nên sức mạnh giành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ 30 năm gian khổ, đem vinh quang về cho dân tộc. Tình yêu đó vẫn sâu đậm tận ngày nay và mai sau.

Xin thành kính tưởng nhớ ông của một người yêu quý thơ và con người ông!…

 (sưu tầm)

Bình luận Facebook