Tôi mệt mỏi đứng dậy rời khỏi quầy. Quán lúc này bắt đầu đông khách, đôi người hiếu kỳ nhìn chúng tôi một cách tò mò. Tôi đặt vội lên bàn một tờ tiền lẻ vừa đủ cho phần nước mình gọi, quay đi được hai bước thì anh níu tay. Phải như trong cái khoảnh khắc ấy anh nói xin lỗi hay chỉ đơn thuần là ôm tôi vào lòng, thì có lẽ tôi sẽ mềm yếu mà xuôi theo. Nhưng anh níu tôi lại chỉ để hỏi: “Tại sao?”, cái câu hỏi khiến bản thân người nghe chán chường, đau buốt và cay xè mắt. Thì ra, đến cuối cùng, anh cũng chỉ muốn nghe một câu trả lời từ tôi là anh luôn đúng.
Ừ, anh luôn đúng, trong mọi chuyện, anh lúc nào cũng đúng.
Sài Gòn đêm nay, chông chênh những dư vị lạ lùng, như lạ, như quen, như thực cũng thật là xa xăm, ảo diệu…
***
Tôi tìm ra chỗ đông người nhất là phố đi bộ, người người náo nhiệt thế nhưng lòng tôi chẳng tìm ra được một chút vui vẻ nào len lỏi. Tôi bắt chiếc taxi, cho chạy lòng vòng thành phố, tìm lại những quán quen mà chúng tôi đã ngồi, những tiệm sách mà chúng tôi hay ghé, rồi cuối cùng, chẳng hiểu tại sao, tôi cho xe dừng ở dưới chung cư của anh, nhìn lên cánh cửa sổ nhỏ xíu đang sáng đèn rồi bật khóc.
Một giờ sáng, điện thoại lòe nhòe dòng tin nhắn đã xóa khỏi danh bạ, nhưng vẫn thuộc nằm lòng dòng số đó:
“Em ổn không?”
“Em ổn không?” là câu hỏi mà mọi chàng trai đều hỏi sau khi chia tay? Tôi ném điện thoại vào góc giường rồi mở toang cửa sổ cho dễ thở. Đột nhiên tôi bị bóp nghẹn lại, rồi dòng nước mắt bật ra trào khỏi mắt như được tự động hóa, không một điều gì có thể kiềm chế lại, gió thốc, trời về khuya lạnh buốt thổi tung tấm màn cửa lên, như hung hãn xô vào phòng chỉ để giết chết tôi lúc này.
“Em vẫn ổn.” Dòng tin nhắn gửi đi, đầu bên kia hiện “đã xem” không lời hồi đáp.
Thì ra, là một câu nói dối còn dễ dàng hơn là sự thật để người biết ta tệ hại thế nào sau chia tay.
Những ngày sau đó, tôi thơ thẩn làm những trò điên khùng, như chôn chặt chân mình trong quá khứ, không hề có ý niệm thoát khỏi.
Tôi lôi hết hình ảnh của chúng tôi trong điện thoại ra ngắm nghía mấy ngày, lôi hết những quyển sách anh tặng ra đọc đi đọc lại. Mười hai quyển nhật ký tôi viết cho những ngày có anh bên cạnh nằm im lìm trong hộp, rồi một ngọn lửa cũng mang đi tất cả…
Sau một lời nói dối ấy của tôi, anh chẳng bao giờ trả lời tin nhắn nữa.
Tôi vẫn đều đặn ngày làm từ tám giờ sáng đến năm giờ chiều, tan tầm là ghé chợ mua ít đồ ăn, khi lười nằm dài gọi pizza như cũ. Đôi lúc tôi cũng tò mò, anh vẫn còn làm ở công ty thiết kế ấy không? Anh còn thích trà đào pha chút chanh mùi vị lạ lẫm, còn thích đọc sách những ngày cuối tuần, còn muốn ôm tôi từ đằng sau tới như anh hay làm? Rồi tất cả tan biến ngay, tan biến ngay khi tôi nhớ ra rằng: ” À, là chính mình đã nói chia tay.”
Khi tôi xóa bỏ mối quan hệ của mình trên Facebook, con bạn thân chạy như bay sang nhà, hớt hải còn hơn là chính nó vừa chia tay, nhìn tôi ảo não ngồi một góc giường, liền đưa tay xoa đầu rồi lẳng lặng đi mua một mớ trà sữa để sẵn trong tủ lạnh. Toàn trà sữa chocolate, vì nó nói, chocolate tốt cho tâm trạng. Nó hoàn toàn ngạc nhiên vì chúng tôi không hề cãi vã, cũng không có bất kỳ tranh chấp nào, cứ thế mà chia tay, cứ thế mà rời xa.
Nhưng nó nào hiểu, biển dù yên đến thế nào, thì trong lòng sóng vẫn động không ngưng…
Tôi muốn hỏi anh một điều sau chia tay,
Anh có hiểu tan vỡ là gì không?
Là khi chúng ta chứ chăm chú bới móc tội lỗi của đối phương, rồi một lúc nào đó, bàn tay chẳng còn có thể vá nổi những lỗ hổng ấy, chúng ta mới hiều ra, đối phương hoàn toàn không có lỗi, là ở chúng ta, cứ chấp niệm những lỗi lầm, mà chưa bao giờ học cách khoan dung, tha thứ.
Còn tôi, tôi quá mệt mỏi khi hết lần này đến lần khác im lặng cho những lần anh cố cho rằng là anh đúng, tôi chịu đựng không phải vì tôi sai, mà vì tôi cuồng dại yêu anh.
Rồi biển chẳng thể giữ nổi những con sóng hung hãn cuốn hết tâm can từ đáy biển trào lên mặt bờ…
Tôi nói lời chia tay mà lòng nặng trĩu. Tôi nhìn ánh mắt ngơ ngác của anh mà mọi nơ ron trong người như vỡ vụn ra, cố cắn môi để không phải khóc trước mặt anh. Tôi nằm đây, tự hỏi, những ngày qua liệu anh có suy nghĩ về những gì anh đã làm với tôi hay không? Hay chỉ toàn là trách cứ và ném tôi vào một góc gọi là thùng rác quá khứ?
Ngày thứ mười tám sau chia tay, đi làm về thấy tin nhắn của anh, chỉ muốn ra Bitexco để…
“Hôm nay thấy em, muốn gọi em, nhưng không biết gọi em bằng gì nữa. Em có ổn không?”
Tôi lao ra quán trà sữa, dồn sạch số tiền còn lại mua hai chục ly trà sữa chocolate, uống đến ly thứ tư, chỉ muốn sặc ngược ra mới hiểu được, tâm trạng tốt hay xấu, liên quan gì đến mày, đúng không, trà sữa?
Tối hôm ấy, bâng quơ kéo feeds, thấy ai đó treo lên dòng status ngẩn ngẩn ngơ ngơ: ” Chẳng sợ người không yêu, chỉ sợ mình không quên.”
Đúng thật.
Đóng máy tính, lao lên sân thượng bất chấp lời khuyên của chị hàng xóm là đêm nay lạnh lắm, lên đó gió to coi chừng ốm nặng. Mang theo bên người hai ly trà sữa nằm chỏng chơ trong túi ni lông, nhìn nó, nó cũng dường như nhìn mình, không buồn uống, chỉ để đó cạnh bên cho đỡ…cô đơn.
Ngoài kia, bây giờ đây, giữa hàng ngàn ngõ hẻm phố phường, hàng ngàn người đang đi ngược xuôi, có một lối đi nào cho tôi gặp anh, chỉ riêng anh ở thành phố này chỉ để bộc bạch và trách móc?
Thì ra, suốt hai năm yêu anh, tôi chưa một lần trách móc những lỗi lầm của anh, và anh cứ cho là anh làm đúng, suốt thời gian chịu đựng ấy, những trách móc cần nói cứ chất đầy cho đến lúc biến thành câu chia tay tự bao giờ. Thay vì trách móc anh, tôi chất chứa thành câu chia tay, để rồi một cơ hội trách móc còn không có, nói gì tha thứ và bao dung?
“Anh gọi em là gì cũng được. Vì có gọi gì cũng chỉ là một cách gọi, có ý nghĩa gì hả anh?” Tin nhắn gửi đi, đọc lại mới thấy thấm đẫm dư vị trách móc, lòng nhè nhẹ đi dần, rồi ngẩn người ngộ ra: Trách móc là như vậy sao?
Tôi ngồi soạn một tin nhắn dài như sớ “kể tội” người yêu cũ, nào là những chuyện từ thời sơ khai khẩn hoang tình cảm, cho đến khi gieo hạt giống đầu tiên, nảy nầm rồi chết queo ra sao. Rồi khựng tay lại, kéo lên trên đọc lại từ đầu. Những chuyện từ khi mới yêu nhau tôi còn để sâu trong lòng, không một giây nào quên, chợt thấy ngượng ngượng, thấy mình có khác gì anh, có biết tha thứ đâu mà đóng vai kẻ độ lượng?
Tin nhắn vẫn còn đó. Chỉ để trong bản nháp, không đủ can đảm gửi đi, vì sợ anh nghĩ con bé vừa xấu người lại xấu nết, được cái ham ăn.
Ba mươi sáu ngày trôi qua, chúng tôi im lìm và thực sự chia tay, không hỏi han hay quan tâm đến đối phương nữa. Tôi chìm mình vào các dự án, các bản thảo và hạn deadline lúc nào cũng dí sát chân, hụt một bước là coi như ăn bản kiểm điểm. Lúc nào về nhà cũng mò mò mẫm mẫm làm việc cho đến tận một, hai giờ sáng, ngã ra là như chết “lâm sàng”, sáng lại ba chân bốn cẳng bò ra bến xe buýt, ngày qua ngày tiếp diễn cái vòng tuần hoàn ấy.
Ngày thứ bốn mươi tám, bị sếp mắng xối xả vào mặt vì cái lỗi không thuộc về mình, trên đùn dưới, dưới đùn thấp, thấp đùn hạng nhân viên bét nhẹt như tôi, rồi như con rối thế thân, tôi cúi mặt nghe bản tình ca súng đạn. Đột nhiên nhớ về những lần anh khuyên tôi phải cam chịu, phải cố gắng nín lặng để bò lên vị trí cao hơn, đỡ cực thân mình là đột nhiên bất bình, tôi đùng đùng đi về phía bàn, in ngay cái đơn thôi việc ( Tôi soạn sẵn khi tôi vừa làm được hai tháng). Sếp tìm cây bút trên bàn, ký không thương tiếc.
Thế là tôi mất việc.
Trên cuộc đời này không có cái đen đủi nào hơn vừa chia tay lại mất việc. Thời gian bắt đầu để tôi suy nghĩ lại những ngày mà tôi muốn chôn vùi, cả ngày thơ thẩn đi lòng vòng thành phố trên những chuyến xe buýt lạ lẫm, không một người quen, không một tay vịn để bám víu, một cú thắng nhẹ cũng ngã nhào. Thế mới ngẫm ra, trưởng thành là bài học thương đau đến nhường nào, đến mức bản thân cô gái hai mươi ba này muốn quay lưng chạy trốn, hèn nhát cũng được, thiếu bản lĩnh cũng được, đừng làm cho những vết thương thêm đau là được.
Ấy vậy mà đời vẫn tìm và giết ta dù cho ta có trốn tận trong phòng ngủ sau nhiều lớp chăn và ba lớp khóa cửa, nó vẫn đến gõ như ông thu tiền điện, đúng hạn, không lằng nhằng, không đôi co, đều đặn. Tôi chán nản xuống xe buýt, tối muộn, gần tám giờ, chỉ thấy xung quanh là ruộng lúa, cứ như tôi đã đi rất xa khỏi nội thành. Tôi ngơ ngẩn nghe điện thoại con bạn, nó lo lắng đến sắp điên, quát to trong điện thoại:
– Mày đang ở đâu? Cả ngày làm gì không nghe máy? Không nói nhiều, đang đâu?
– Tao không biết. Ở đây chỉ có lúa và bò, giống như là đi rất xa vậy.
– Tóm lại là mày đang ở đâu? Tao đến ngay!
– Đã nói là không biết.
Tôi cúp điện thoại, ngồi xuống bên vệ đường như một gã ăn xin lang thang đi tìm điểm trú cho tâm hồn rách nát tối hôm nay. Mùi cỏ, mùi đồng nội, mùi hoa lạ phảng phất quanh mũi khiến tôi chỉ muốn nằm dài rồi nghe má vừa lựa đậu, vừa trách móc bằng giọng điệu giận hờn xen chút bất an. Tôi nhớ mùi trầu mà nội nhai như say, như nồng, như an nhiên, như bình thản. Đã rất lâu tôi chưa về nhà. Đã rất lâu tôi quên mình là ai, đã rất lâu tôi cố im lặng mà chịu đựng cuộc đời trêu tôi hết lần này đến lần khác.
Không một chút ngượng ngùng, tôi buông ba lô và nằm dài trên những thảm cỏ ướt đẫm sương đêm. Vài con cào cào bị đánh động nhảy loạn xạ, có con đánh bạo nhảy lên tay tôi, chìa đôi chân cứng cáp của nó như thách thức kẻ vừa xâm phạm lãnh thổ. Tôi nghĩ về anh. Đêm nay là đêm đầu tiên sau chia tay tôi mới đặt mình vào anh mà suy nghĩ. Câu hỏi mà tôi ghét cay đắng lại hiện về trong đầu: ” Anh có sai không?”
Hết lần này đến lần khác, tôi chịu đựng khi anh nói về cái tính ương bướng không mềm mỏng trong công việc. Anh bảo cây roi dẻo dễ uốn cong là cây khó gãy và đánh đau nhất, con người cũng vậy. Vậy mà sau chia tay, chính câu nói ấy đánh vào tim tôi một vết thương dài, nhất là sau khi ngang ngạnh trong bản tính làm tôi mất việc.
Rồi tôi chợt nhớ cái đêm kinh khủng nhất cuộc đời khi vừa bị sếp mắng, vừa làm mất chìa khóa nhà khiến tôi chỉ đứng trước cửa mà khóc tu tu. Anh đến, nhẹ nhàng giải quyết mọi chuyện êm thỏa mà trong khi đó tôi chỉ đứng và khóc, không biết làm gì hơn. Anh mượn được chìa khóa của bảo vệ, mở cửa rồi chạy đi mua ổ khóa mới, kéo tôi vào ngồi trên ghế, anh loay hoay nấu ăn, gần như nài nỉ tôi để tôi nuốt chén cơm, đợi tôi ngủ mới yên tâm ra về. Ấy vậy mà thời gian sau này, hai năm, hai năm yêu nhau không ngờ câu chia tay trên môi tôi dễ nói như vậy.
Là tôi sai, hay là anh quá đúng?
Vì anh luôn đúng, cho nên điều đó khiến tôi ghen tỵ, mặc dù anh là người đàn ông của tôi, nhưng cái bản tính ương bướng khó khuất phục cũng làm anh nhiều phen lao đao. Anh mềm mỏng, hay nói hay khuyên, đâm ra tôi nghĩ anh dạy đời. Tôi trẻ con quá, trẻ con đến nỗi đi so đo với người yêu của mình.
Và tôi hiểu, anh đã làm tất cả những gì có thể, những gì tốt nhất cho cả hai. Mãi đến khi mất anh, tôi mới hiểu ra điều quý giá đó.
Muộn. Đã quá muộn.
Tôi lại ngồi dậy, lao ra đường, thất thiểu đi như một gã điên.
Tôi thật sự phát điên rồi.
– Em!
Anh ném chiếc xe mô tô ngã chỏng chơ bên kia đường, cởi nón bảo hiểm mặc kệ nguy hiểm nhảy qua dãy phân cách. Tôi mụ mị nhìn anh rồi bật khóc, to đến nỗi anh phải bật đèn pin điện thoại soi xem tôi có bị thương ở đâu không.
– Anh đây rồi.
“Anh đây rồi”, khi tôi đi về nhà trong một đêm tối và trễ tàu, lạc đường sang tuốt Hậu Giang, anh đã lái xe bốn tiếng chỉ để tìm tôi, con nhỏ hai mươi hai lớn người nhưng không khôn lanh tẹo nào đang đứng mắt đỏ hoe trên bến phà, anh cũng đã nói câu “anh đây rồi”, hầu như mọi khó khăn trong cuộc đời tôi, anh đều ở đó chỉ để nói câu “anh đây rồi”. Tôi níu lấy chiếc áo khoác da của anh mà khóc tức tưởi, như xấu hổ, như cảm ơn, như mọi phiền muộn tuôn theo nước mắt mà đi ra.
– Em…xin lỗi.
Anh nhìn tôi, qua ánh đèn đường mờ ảo ấy, tôi còn thấy trên khuôn mặt ấy ánh lên nụ cười nhẹ, anh đưa tay xoa đầu tôi, trong đêm tối tĩnh mịch ấy, lũ cào cào được dịp nhảy loạn xạ lên trên đường, như tức tối, cái con nhỏ vừa nằm bẹp cả đoạn cỏ đẹp của chúng đang được ôm ấp, che chở, vỗ về.
– Mùi lúa dễ chịu quá.- Anh nói lảng sang chuyện khác.
– Giống ở nhà em. Mùi lúa, mùi cỏ ngọt, mùi sương.
– Em nhớ nhà lắm, đúng không?
Tôi gật đầu.
– Vậy mình đi thôi.
– Đi đâu?
– Về miền tây. Về nhà.
Anh nói câu “về nhà” khiến tôi suýt chút nữa là xúc động đến ngạt thở. Thì ra, có bị cuộc đời đến trêu chọc đúng hạn như tiền điện, điền nước, thì sau lưng anh đó chính là bình yên, là cả một khoảng trời dịu êm mà anh dành để bảo bọc, để làm một nhân vật “phản diện hiền lành còn yêu cả nhân vật chính” trong cuốn phim cuộc đời tôi.
“Cảm ơn anh, vì đã mang đến cho em những tháng ngày đúng nghĩa bình yên.”
T/g – Nguyễn Duy