Xuân Quỳnh trong ký ức những người thân

Với công chúng hôm nay, cái tên Xuân Quỳnh thường xuất hiện cùng Lưu Quang Vũ như một huyền thoại, huyền thoại về tình yêu của văn nghệ sĩ, huyền thoại về tình thương của người phụ nữ vừa làm vợ, làm mẹ, huyền thoại về những vần thơ vừa đắm say vừa chất chứa suy tư… Nhưng vẫn còn đó một Xuân Quỳnh của đời sống thường nhật in đậm trong ký ức người thân. Đông Mai – chị gái của Xuân Quỳnh – là người gắn bó với nữ sĩ; giữa họ ngoài tình chị em còn là tình bạn, tình tri kỷ.

Tuổi thơ thiệt thòi và khát khao bữa cơm gia đình

Trong ký ức chị gái, Xuân Quỳnh lúc nào cũng là người nhận nhiều vất vả, thiệt thòi về mình. “Tên của chị em tôi được đặt theo tên hoa, Đông Mai là bông hoa mai mùa đông, còn Xuân Quỳnh có hàm ý là đóa quỳnh mùa xuân. Tên vậy, nhưng đóa quỳnh ấy ít khi được an nhàn trong cuộc sống”, bà Đông Mai nói.

Mẹ của Đông Mai, Xuân Quỳnh mất sớm, bố đi bước nữa, chị gái đi học ở cùng bố và dì, trong khi đó Xuân Quỳnh về với bà, được bà che chở. Dù rất thương cháu nhưng hoàn cảnh khó khăn nên Xuân Quỳnh chịu nhiều thiếu thốn. Bữa cơm của cô bé Xuân Quỳnh khi ấy chỉ là những đĩa rau hái vội, khi nào sang lắm thì có tấm đậu phụ; mùa đông cũng không đủ chăn ấm.

Những lần về thăm em, Đông Mai ứa nước mắt khi em phải chịu cảnh tằn tiện. Bà nhớ mãi một chiều hai chị em đi trên đường, nhìn thấy một gia đình ăn cơm, Xuân Quỳnh nói: “Ước gì mình cũng có một gia đình để ngồi ăn cơm với nhau như thế”.

Dù chỉ học hết tiểu học, nhưng tuổi thơ của Xuân Quỳnh đẹp nhất là khi được tới trường. “Quỳnh đi học từ làng ra trường ở Hà Đông là 3km với đôi chân đất, đội mưa nắng đi về một mình thui thủi”, Đông Mai kể.

Cuộc đời Xuân Quỳnh có lẽ sẽ mãi khuất sau lũy tre làng nếu không có sự kiện năm 1954. Năm ấy, quân giải phóng về làng, buổi tối, các anh giải phóng quân tập trung hát rất vui. Xuân Quỳnh nép sau cánh cửa nghe lẩm nhẩm hát theo. Năm sau, khi đoàn văn công về tuyển, Xuân Quỳnh mạnh dạn thi và trúng tuyển vào đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, được đào tạo thành diễn viên múa.

Cuộc đời Xuân Quỳnh sang trang khác từ khi vào đoàn văn công. Bà tự học tiếng Pháp, tự đọc sách để trau dồi kiến thức văn hóa, nhiều lần theo đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài. Đông Mai kể, thời thiếu nữ Xuân Quỳnh đẹp có tiếng, nhiều bạn trai học cùng tranh nhau đưa Đông Mai về để có thể tiếp cận cô em gái.

Hoạt động trong đoàn văn công, Xuân Quỳnh thích đọc sách văn học và làm thơ. Khóa học bồi dưỡng những người viết văn trẻ từ năm 1962 đến 1964 đưa cuộc đời Xuân Quỳnh rẽ về phía thi ca. Sau khi học xong, Xuân Quỳnh làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Từ một nghệ sĩ đi biểu diễn sôi nổi khắp nơi, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo lặng lẽ.

Luôn sống hết mình vì mọi người

Cuộc đời Xuân Quỳnh tươi vui nhất có lẽ là khoảng thời gian sinh hoạt trong đoàn văn công. Khi lập gia đình lần thứ nhất, chia tay, rồi đến với Lưu Quang Vũ, cuộc sống của nữ sĩ cũng chưa hết vất vả.

Trước khi đến với Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh gặp nhiều phản đối từ gia đình, bạn bè. “Khi Quỳnh đến với Vũ tôi cũng không ủng hộ. Lúc ấy tư tưởng phong kiến, nghĩ tới cháu mình không sống cùng đủ bố mẹ thì thương. Thời điểm ấy Vũ lại thất thểu lắm, không có công ăn việc làm, bất cần đời, quan trọng nhất là Vũ ít tuổi hơn. Quỳnh cái gì cũng nghe tôi, riêng chuyện lấy Vũ là Quỳnh không nghe. Tôi không có mắt tinh đời như Quỳnh nên không nhìn ra những phẩm chất ở Vũ lúc ấy”, bà Đông Mai kể.

“Khi sống cùng Lưu Quang Vũ là lúc hạnh phúc nhưng hạnh phúc trong nhọc nhằn”, Đông Mai nói. Khi ấy, Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ sống cùng ba người con: Tuấn Anh (con của Xuân Quỳnh với người chồng trước là nghệ sĩ Lưu Tuấn), Kít (Lưu Minh Vũ – con riêng của Lưu Quang Vũ với vợ đầu Tố Uyên), Mí (Lưu Quỳnh Thơ – con chung của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ).

Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh và 3 con.

Trong thời buổi thiếu thốn chung của toàn xã hội, Xuân Quỳnh luôn phải gói ghém, chu toàn cho gia đình. Nữ sĩ chăm lo, nhường nhịn mọi điều. “Khi ngồi vào mâm, Quỳnh luôn uống nước canh trước cho no, trong bữa cơm cứ giả bộ chăm lo cho Mí mà không ăn, thật ra là để nhường cho chồng con”, Đông Mai kể.

Cả gia đình 5 người sống trong căn phòng 6 m2. Tối tối, Xuân Quỳnh nhường chồng chiếc bàn, còn bản thân thì trải giấy ra sàn mà viết. Buổi tối, cả nhà cùng ngủ trên sàn. Vì vậy, mong ước của Xuân Quỳnh là được ngủ trên giường. Về sau này, khi công việc của Lưu Quang Vũ khởi sắc, đời sống của gia đình dần tốt hơn, họ được phân một căn hộ mới ở Ngọc Khánh. Nhưng về nhà mới chưa được bao lâu thì tai nạn khốc liệt ập đến. Mong mỏi được ngủ trên giường mà Xuân Quỳnh tâm sự với chị gái vì thế vẫn chưa thành hiện thực.

Tuy vất vả, song đời sống tinh thần của Xuân Quỳnh với gia đình, người thân và bạn bè lúc nào cũng đầy ắp tình cảm. Ly hôn với chồng đầu, song họ vẫn sống cùng một khu tập thể, người tầng trên, người tầng dưới. Ông Lưu Tuấn (chồng đầu của Xuân Quỳnh) rất quý Mí. Khi đi biểu diễn về, được bồi dưỡng đường sữa, ông Tuấn đều mang về cho Kít và Mí.

Xuân Quỳnh cũng quan tâm tới chồng cũ theo cách nhân văn. Nữ sĩ vài lần nhờ chị gái làm cầu nối để chồng cũ tìm hiểu những người phụ nữ khác. “Quỳnh đưa tiền cho tôi bảo chị ơi chị mời cô này đi uống nước, xong mời anh Tuấn đi uống nước cùng. Quỳnh có ý tìm vợ cho chồng cũ như thế”, Đông Mai kể.

Suốt tuổi thơ mồ côi mẹ, không được ở cạnh cha nên Xuân Quỳnh luôn khát khao tình cảm gia đình. Vì thế khi có con, Xuân Quỳnh luôn hết mực yêu thương, chăm sóc. Anh Tuấn Anh kể mẹ không bao giờ đánh phạt các con. MC Lưu Minh Vũ (Kít, con riêng của Lưu Quang Vũ) luôn yêu quý và gọi Xuân Quỳnh là “má”. Anh lưu giữ nhiều tình cảm, sự yêu thương, chăm sóc ân cần mà “má Quỳnh” dành cho mình.

Không chỉ sống hết mình với mọi người, Xuân Quỳnh còn gửi gắm tâm sự qua những vần thơ dạt dào tình cảm. Người phụ nữ ấy để lại cho hậu thế những bài thơ tình đầy hạnh phúc đắm say, khi ưu tư trăn trở, những vần thơ thiếu nhi trong trẻo tươi sáng.

sưu tầm

 

Bình luận Facebook