XUÂN QUỲNH: nhà thơ lơ mơ chính tả

Trong các cây bút nữ, Xuân Quỳnh (1942-1988), nổi tiếng là người viết chữ xấu và hay… sai chính tả. Không dưng mà mới chân ướt chân ráo vào làng thơ, Xuân Quỳnh đã để lại một giai thoại vui: “Tập Tơ tằm – Chồi biếc của Cẩm Lai và Xuân Quỳnh cũng có nét xơ bút.

Lúc đầu Xuân Quỳnh viết là Trời biếc nhưng viết sai chính tả, nhà in sắp Chời biếc thành Chồi biếc. Nữ sĩ tài năng thấy hay hẳn lên nên để thế” (Theo sách “Vừa làm vừa nghĩ” – NXB Văn học, 2003).

Những ai đã đọc “Chồi biếc” của Xuân Quỳnh hẳn đều nhận thấy bài thơ không thể lấy tên là “Trời biếc” được. Trong bài, có tới mấy lần tác giả nhắc tới hai chữ chồi biếc mà nếu đổi chữ chồi thành chữ trời thì câu thơ trở nên vô nghĩa (ví như hai câu Có mất đi đâu/ Nhựa lên chồi biếc).

Chợt nhớ, nhà thơ Ngô Văn Phú cũng từng nhắc tới chuyện viết sai chính tả của Xuân Quỳnh, tôi đã liên hệ với ông để tìm hiểu thêm.

– Đọc bài thơ của Xuân Quỳnh, ai cũng thấy cái tên “Chồi biếc” là hoàn toàn hợp lí. Vậy tại sao lại có thông tin: Ban đầu Xuân Quỳnh đặt tên bài là “Trời biếc”, nhưng vì viết sai chính tả nên nhà in in nhầm là “Chồi biếc” và Xuân Quỳnh thấy như vậy “hay” hơn?

Nhà thơ Ngô Văn Phú (NVP): Chuyện Xuân Quỳnh viết sai chính tả là có thật. Quỳnh mồ côi mẹ từ nhỏ, phải ở với bà nội, lại vào văn công từ rất sớm nên việc học hành có được đến đầu đến đũa đâu. Nhưng, chuyện xảy ra trong lần Quỳnh cho in bài thơ “Chồi biếc” trên Báo Văn học chứ không phải khi in sách sau này. Tôi nhớ, khi thông báo với tôi bài thơ được in, Quỳnh còn làm toáng lên: “Tức quá anh Phú ạ. Họ in đầu đề là Trời biếc. Chồi biếc chứ Trời biếc thì còn ra quái gì nữa”.

Tôi nghe và đoán ra ngay: “Thế hai chữ Chồi biếc, Quỳnh viết Tr hay Ch?”. Quỳnh bảo Quỳnh viết Tr. Tôi cười: “Thế thì họ in sai là Trời biếc là phải rồi. Nếu Quỳnh viết đúng chính tả thì chắc họ không thể nhầm được”. Hồi ấy báo còn sắp chữ bằng tay, người soát lỗi và người in đều làm rất kỹ. Không hiểu sao lại xảy chuyện như thế. Bởi nếu đọc nội dung thì phát hiện ra ngay. Nên Quỳnh “nó” mới làm ầm lên.

– Nhà văn Nguyễn Phan Hách kể, trong một cuộc họp giao ban của Báo Văn nghệ, khi vị họa sĩ trình bày báo phàn nàn về hiện tượng cán bộ, phóng viên viết chữ quá xấu, ảnh hưởng tới công việc, Xuân Quỳnh đã nhảy thách lên mà rằng: “Viết hay mới quan trọng chứ chữ viết đẹp hay xấu thì quan trọng gì”. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

NVP: Chữ xấu thì có thể châm chước, chứ đã là nhà văn mà viết sai chính tả thì không nên. Vừa rồi, tôi có đọc đâu đó, thấy nói ông Tô Hoài khi viết vẫn phải kè kè cuốn “Từ điển tiếng Việt” để soát lỗi chính tả. Gần chín mươi rồi còn thế nữa là. Theo tôi, không phải Xuân Quỳnh không ý thức tu chỉnh. Thời kì Quỳnh làm văn thư ở Báo Văn nghệ, chính tôi đã giúp Quỳnh luyện chữ. Lúc ấy chữ Quỳnh có khá lên. Còn sau này thế nào, phải hỏi những người thân của Quỳnh mới rõ.

Từ gợi ý của ông Ngô Văn Phú, tôi liên lạc với nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ, em chồng của Xuân Quỳnh.

– Là chỗ chị em trong nhà, chị có thấy sau này chị Quỳnh viết bớt sai chính tả hơn không?

Lưu Khánh Thơ (LKT): Quả là chị Quỳnh hay viết sai chính tả. Như đợt chị đi Liên Xô năm 1987, tức là chỉ một năm trước khi mất, trong thư gửi cho mình, chị Quỳnh vẫn viết là dong chơi chứ không phải rong chơi, hoặc kể chuyện mua dây may so chị lại viết là rây. Đã thế, chữ chị Quỳnh lại xấu, như rắc thuốc lào, đến bản thân người viết còn có lúc chẳng luận ra được. Chị Quỳnh từng bảo, nếu có học tới đại học thì chị cũng vẫn viết sai chính tả như thế. Chị còn đùa: “Trong bộ não của tao, dây thần kinh chính tả đã bị hỏng”.

– Thật ra, viết cho hay mới khó, chứ viết cho dễ đọc thì luyện mãi cũng làm được. Chị có nhận thấy như vậy?

LKT: Trong các nhà văn tôi biết, cũng không hiếm người chữ xấu đâu. Có điều, họ chữ xấu nhưng không nguệch ngoạc như Xuân Quỳnh. Chị Quỳnh cũng xấu hổ về việc này lắm. Cũng có lúc chị cố viết thật chậm, thật nắn nót, nhưng thấy nó “giả tạo”, chị bảo “trông ghê chết” nên lại thôi.

– Chị có nhớ kỷ niệm nào về chuyện “chữ tác thành chữ tộ” của Xuân Quỳnh?

LKT: Có lần, chị Quỳnh cùng chị Phan Thị Thanh Nhàn đi cơ sở để viết bút ký. Về nhà, đọc câu “Chị Mùi là kiện tướng phân xanh” ghi trong sổ, vì chữ Mùi viết quá xấu, chữ M lại không viết hoa, nên chị Quỳnh “luận” ra là “Chị mù là kiện tướng phân xanh”, và cứ thế viết tán ra là: Người phụ nữ ấy tuy mắt bị mù song vẫn vươn lên, trở thành kiện tướng phân xanh. Khi đọc cho chị Nhàn nghe, chị Nhàn giãy nảy lên, nói chị ta có mù đâu, tên chị ta là Mùi đấy chứ. May mà bài mới lên khuôn, chị Quỳnh phải hớt hải xin lấy về để sửa.

– Trong một bức thư gửi nhà thơ Vân Long, Xuân Quỳnh đùa rằng mình là con ông Phạm Cao Củng (tên một nhà văn trinh thám), ý nói chị viết thư câu cú rất lủng củng?

LKT: Ấy, tiếng vậy song thư chị Quỳnh viết rất mạch lạc, sắc sảo mà vẫn không kém phần lãng mạn đấy nhé

sưu tầm

Bình luận Facebook