google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Xuân Quỳnh: Nhà thơ của phụ nữ và những trái tim yêu - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Xuân Quỳnh: Nhà thơ của phụ nữ và những trái tim yêu

Là một nhà thơ, Xuân Quỳnh rất tự nhiên khi bộc lộ quan niệm của bản thân về giá trị riêng của người phụ nữ.

“Chúng tôi chỉ là những người đàn bà bình thường không tên tuổi
Quen việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày
Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây
Gạo, bánh, củi dầu chia thế nào cho đủ
Đầu óc linh tinh toàn nghĩ về chợ búa.”

Xuân Quỳnh đã viết về những người phụ nữ trong “Thơ vui về phái yếu” như thế, những người phụ nữ nấu cơm, giặt giũ, chăm sóc gia đình,… những người phụ nữ bình thường đi đâu ta cũng gặp. Những người phụ nữ không tên nhưng tận tâm và tràn ngập tình yêu, những người phụ nữ là hậu phương vững chắc cho chồng cho con làm nên chuyện lớn.

Là một nhà thơ, Xuân Quỳnh rất tự nhiên khi bộc lộ quan niệm của bản thân về giá trị riêng của người phụ nữ. Không phải hình ảnh mạnh mẽ, to lớn, cứng cỏi,… hình tượng phụ nữ trong thơ Xuân Quỳnh hướng tới sự gần gũi, dịu dàng, khát khao hạnh phúc và đầy tình yêu thương. Những vần thơ của cô cho ta thấy sự mềm mại, nhẹ nhàng nhưng cũng để lại một lời tuyên bố mạnh mẽ về nữ quyền, về vẻ đẹp riêng tư sâu sắc của người phụ nữ Việt.

Đóa hoa Quỳnh xinh đẹp của mùa xuân


Xuân Quỳnh (1942 – 1988)

Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (1942- 1988) cô sinh vào đúng mùng một 1 Tết Âm lịch. Cái tên Xuân Quỳnh được cha cô đặt với mong muốn con gái sẽ giống đóa hoa Quỳnh trong mùa xuân tràn đầy sức sống và xinh đẹp. Tuổi thơ của nữ thi sĩ sớm thiếu vắng tình cảm cha mẹ, mẹ mất sớm, cha cô đi bước nữa. Tuy vậy, với sự đùm bọc yêu thương của bà cùng chị gái, Xuân Quỳnh lớn lên vẫn trở thành một người hiểu chuyện, vui vẻ, hòa đồng và đầy mạnh mẽ.

Trước khi đến với nghiệp cầm bút, Xuân Quỳnh từng là một diễn viên múa từ Đoàn văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, cô gặp người chồng đầu của mình là một nhạc sĩ trong đoàn văn công, người đã cho cô mái ấm gia đình – thứ mà cô hằng ao ước từ khi còn thơ bé. Thế nhưng hạnh phúc chóng tàn, cuộc hôn nhân ấy kéo dài chẳng được bao lâu.


Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ

Giữa lúc khổ đau và hụt hẫng, chàng thi sĩ Lưu Quang Vũ, cũng chính là người chồng thứ 2 của Xuân Quỳnh tới, xóa đi mọi “cơn giông” và đem đến những tia nắng lấp lánh hạnh phúc trong đời cô. Chia sẻ về mối tình của Quỳnh và Vũ, chị gái của nữ thi sĩ bộc bạch trong cuốn hồi ký “Xuân Quỳnh – Một Nửa Cuộc Đời Tôi” rằng: “Lưu Quang Vũ là một tâm hồn đồng điệu, một con người tài hoa, một tình yêu đích thực mà Quỳnh vẫn tìm kiếm bấy lâu nay. Quỳnh đón nhận tình yêu của Vũ như đón nhận cái phao giữa dòng nước xoáy.”

Phải chăng chính bởi những biến động của cuộc đời ấy mà trong những vần thơ của cô, ta thấy được tính nữ rất riêng, thấy được nhiều mạch cảm xúc dạt dào, thấy được hình ảnh của một người phụ nữ khao khát yêu thương và mong muốn được yêu thương.

“Em trở về đúng nghĩa trái tim

Biết làm sống những hồng cầu đã chết

Biết lấy lại những gì đã mất

Biết rút gần khoảng cách của yêu tin.

Nhà thơ của một “tính nữ” rất riêng

“Tính nữ” là một cụm từ thường được sử dụng trong ngôn ngữ và phê bình văn học, dùng để phân biệt với “tính nam”. Trong cuộc sống, hầu hết những người phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu cũng đều sở hữu riêng trong mình ít nhiều chất nữ tính. Nó có thể biểu hiện qua ngoại hình, tính cách, cảm xúc, sở thích… Còn trong văn chương, khi các nhà thơ, nhà văn nữ sáng tác, yếu tố nữ tính cũng rất tự nhiên được đưa vào tác phẩm của họ. Điều này được thể hiện rất sống động qua những áng thơ ca của Xuân Quỳnh.

“Em thấy mình cũng thật vẩn vơ

Lại đi thương cây bàng trước cửa

Cây dù nhỏ, gió dù gió dữ

Hết mùa này cây lại lên xanh.”

Có thể thấy, thơ Xuân Quỳnh không viết về những điều to lớn mà thường chú ý đến những gì nhỏ bé và bình dị nhất của đời sống. Chất nữ tính của Xuân Quỳnh ẩn giấu trong mỗi bài thơ, thấm nhuần trong tư tưởng, tình cảm, hình ảnh, ngôn ngữ và giọng điệu. Chủ đề chính trong những bài thơ của cô hướng nhiều về nội tâm, mang nhiều tâm trạng dễ tạo đồng cảm ở mọi độc giả.

Không cần phải phô trương, phóng đại, tính nữ trong thơ Xuân Quỳnh thể hiện ở tình yêu dành cho gia đình, cho chồng cho con, cho cuộc đời. Có khi nó lại biểu hiện ở sự nhạy cảm, tinh tế rất đặc trưng của người nữ. Đôi khi nó lại là sự sôi nổi, sau đó lại là trạng thái phấp phỏng, lo âu, bất an trong tình yêu của một trái tim phụ nữ đa sầu đa cảm…

“Chúng tôi còn phải xếp hàng mua thịt

Sắm cho con đôi dép tới trường

Chúng tôi quan tâm đến xà phòng, đến thuốc đánh răng

Lo đan áo cho chồng con khỏi rét…

Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất.

Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày

Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay

Càng không có hạt nhân nguyên tử

Chúng tôi chỉ có chậu có nồi có lửa

Có tình yêu và có lời ru”

Trong “Thơ vui về phái yếu” Xuân Quỳnh tạo ra sự đối trọng giữa vai trò của đàn ông với phụ nữ. Nếu đàn ông làm những công việc nặng nhọc như lái tàu ngầm, tên lửa, chinh phục đại dương, phụ nữ cũng không kém cạnh khi đảm nhận việc giữ gìn tổ ấm. Người vợ lo vun vén nhà cửa, cơm nước, gạo tiền…. để người chồng yên tâm công tác. Những vần thơ cho thấy sự tận tâm và sống hết mình của Xuân Quỳnh. Cô nhìn cuộc đời với tất cả sự tràn đầy của một tấm lòng giàu thương yêu.

“Nếu từ giã biển rồi

Thuyền chỉ còn sóng gió

Nếu chỉ cách xa anh

Em chỉ còn nỗi nhớ.”

Xuân Quỳnh thường sử dụng hình ảnh ẩn dụ hơn là mô tả trực diện. Cô thể hiện tiếng lòng một cách nhẹ nhàng, tha thiết nhưng đầy tinh tế qua những vần thơ. Không vồ vập, ép buộc, cô để cho những tâm tình của người phụ nữ được tự nhiên bộc lộ một cách đầy dịu dàng.

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu.”

Giọng thơ nhiều xao động và trăn trở. Thơ Xuân Quỳnh giàu cung bậc cảm xúc, lúc say đắm hạnh phúc, lúc day dứt suy tư. Thế nhưng, xuyên suốt sáng tác của cô, ta thấy một hình ảnh người phụ nữ tinh tế, nhạy cảm đầy nữ tính. Có lúc yêu mãnh liệt nồng nàn, nhưng không tránh khỏi yếu đuối chơi vơi; có lúc tự tin kiêu hãnh, nhưng không phải không có lúc lo sợ; có lúc hạnh phúc tột cùng nhưng lại có lúc xót xa cay đắng… Dù ở bất kì trạng thái nào, người phụ nữ với những đặc tính nữ rất chân thật ấy cũng đều đẹp, đều đáng được yêu thương.

Không chỉ mang một tính nữ gần gũi, đơn giản mà ta có thể thấy ở bất kỳ người phụ nữ nào, thơ Xuân Quỳnh còn ẩn chứa những “tính nữ” rất riêng, hay nói cách khác chính là ý thức về nữ quyền. Dù là một người phụ nữ dịu dàng, nhưng trong cô cũng có sự mạnh mẽ, đó là khát khao khẳng định mình, khẳng định vị thế của mình, của giới mình:

“Dẫu là nguyên thủ quốc gia hay là những anh hùng

Là bác học… hay là ai đi nữa

Vẫn là con của một người phụ nữ

Một người đàn bà bình thường, không ai biết tuổi tên.”

Trong sáng tác, Xuân Quỳnh không chỉ nói lên tiếng nói của nữ giới, cô còn xác xác định một mĩ quan riêng cho phái nữ, cân bằng lại “tính nam”. Cô không phủ nhận những công lao, vị thế của đàn ông, khi họ đứng ngoài chiến trường, chế tạo tàu, chinh phục đại dương… Thế nhưng, tất cả những con người ấy, những phát minh ấy của nhân loại sẽ không có nếu như không có người phụ nữ.

Và cũng giống như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Lâm Vỹ Dạ,…. Xuân Quỳnh đã tiếp nối tính nữ, gọi dậy ý thức nữ quyền từ những nhà thơ đi trước và nhà thơ cùng thời theo cách như thế. Dù là ở cuộc đời hay thơ ca, cô đều dấn thân quyết liệt để kiếm tìm giá trị của đời sống và của cả tình yêu. Và cũng thật không ngoa khi nói rằng, những tác phẩm của Xuân Quỳnh đã mở đường cho dòng thơ nữ của văn học Việt Nam sau này, như nhà phê bình Phạm Xuân Thạch khẳng định:

“Xuân Quỳnh là sự báo trước của những nhà thơ nữ Đổi mới. Bà báo hiệu khuynh hướng đưa thơ về với cái đời thường, là tiếng nói của người phụ nữ đòi quyền yêu, quyền sống tại trần thế, ngay bây giờ, trong những hạnh phúc thường nhật”

Nữ thi sĩ của những vần tình ca

“Mây trắng bay đi cùng với gió

Lòng như trời biếc lúc nguyên sơ

Đắng cay gửi lại bao mùa cũ

Thơ viết đôi dòng theo gió xa”

Sống thiếu tình thương của bố mẹ từ nhỏ, đổ vỡ trong lần hôn nhân đầu tiên, thế nhưng chúng đều không thể ngăn Xuân Quỳnh bộc lộ những yêu thương mãnh liệt, những tình cảm đẹp đẽ trong các vần thơ của cô

Em sẽ kể anh nghe

Chuyện con thuyền và biển:

Từ ngày nào chẳng biết

Thuyền nghe lời biển khơi

Cánh hải âu, sóng biếc

Đưa thuyền đi muôn nơi

Lòng thuyền nhiều khát vọng

Và tình biển bao la

Thuyền đi hoài không mỏi

Biển vẫn xa… còn xa…”

Giọng thơ nhẹ nhàng như tiếng thủ thỉ, tâm tình, Xuân Quỳnh đã bộc lộ tình yêu của người con gái, thứ tình yêu tượng trưng cho cái đẹp, niềm khát khao tự hoàn thiện bản thân. Nhà phê bình văn học Vũ Nho đánh giá: “Với Xuân Quỳnh, thơ không có chỗ cho tình cảm nửa vời mà luôn đầy ắp yêu thương. Thơ bà luôn dồi dào năng lượng trong từng câu chữ”. Đối với Xuân Quỳnh, tình yêu là một thứ gì đó đặc biệt, là điểm tựa. Cô từng thổ lộ bản chất si mê, dám khổ lụy vì tình yêu của mình rằng:

“Không sĩ diện đâu nhưng nếu tôi yêu được một người

Tôi sẽ yêu anh ta hơn anh ta yêu tôi nhiều lắm

Tôi yêu anh dẫu ngàn lần cay đắng…”

Ở những vần thơ của Xuân Quỳnh, ta nhận thấy tiếng lòng của một người phụ nữ thời đại mới, với biết bao cảm nhận về cuộc đời. Đó là một cuộc đời phong phú, bề bộn, ngổn ngang với bao sự kiện thời sự cực kỳ quan trọng, và những suy tư, cảm xúc không kém phức tạp về thế sự. Cô giống một tâm hồn hồn nhiên, tươi mát, chân thành mà đằm thắm, da diết yêu thương, nhưng cũng đầy mãnh liệt với bao khát vọng về tình yêu và hạnh phúc vừa sáng đẹp, cao cả:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ…”

Qua hình tượng sóng, cô diễn tả tiếng nói của thiếu nữ đang yêu, khát khao hạnh phúc và vượt lên sự hữu hạn đời người. “Sóng” và “em” sóng đôi, soi chiếu lẫn nhau. Cảm xúc thơ vừa sôi nổi, vừa có chiều sâu của triết lý. Từ đó, ta nhận ra, nữ thi sĩ coi tình yêu là sự sống, sự sống sinh sôi, nảy nở, tuần hoàn và vĩnh cửu, Xuân Quỳnh viết thơ tình, không chỉ để giãi bày cảm xúc yêu đương. Tình yêu cũng là lĩnh vực để cô suy tư, day dứt, kiếm tìm những giá trị của bản thân và thông qua đó hướng tới giá trị của cuộc đời cũng như sự sống. Tình yêu với giới nữ được chọn làm nơi biểu lộ chữ tín và cái đẹp lý tưởng hoá.


Nhắc đến Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ người ta luôn nghĩ đến một tình yêu đẹp.

Là người báo trước khuynh hướng nữ tính, Xuân Quỳnh cũng đi trọn vẹn với xu hướng này suốt đời sáng tác của mình. Nếu như những tháng năm tuổi trẻ Xuân Quỳnh tìm ra biển lớn, thì đến khi cập bến tình yêu, nhà thơ lặng lẽ trở về:

“Em trở về đúng nghĩa trái tim em

Biết khao khát những điều anh mơ ước

Biết xúc động qua nhiều nhận thức

Biết yêu anh và biết được anh yêu.”

“Nỗi khát vọng tình yêu” bồi hồi ngực trẻ ngày nào giờ nhường chỗ cho tình thương và lòng tận tụy trong thiên chức người vợ, người mẹ của gia đình. Cuộc tìm kiếm tình yêu tuyệt đích của cô cuối cùng dừng lại ở nhà thơ, nhà viết kịch tài năng Lưu Quang Vũ. Vượt qua bao thử thách, trắc trở, cuối cùng họ đã tìm thấy nhau và trở về chung sống trong một mái ấm nhỏ bé. Dù có đổ vỡ, đắng cay, nhưng Xuân Quỳnh chưa bao giờ nao núng tâm thế mà lại tự mình đón nhận, đối mặt với mọi đắng cay, nghịch lý của cuộc đời, cô vẫn không ngừng yêu, khao khát được yêu và hạnh phúc vì tình yêu.

Đọc thơ của cô chúng ta hình dung được nữ thi sĩ sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì. Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo, thơ Xuân Quỳnh chính là đời sống, tâm trạng thật của cô trong mỗi bước vui buồn của đời sống vợ chồng. Và với một trái tim lấp lánh yêu thương, một tâm hồn đẹp không ngại trao đi, tình yêu đã giúp không chỉ Xuân Quỳnh mà cả người bạn đời của cô – nhà thơ/ nhà viết kịch Lưu Quang Vũ có một cuộc sống cân bằng, ấm áp, tin cậy trong giai đoạn phía sau của cuộc đời, để là chỗ dựa giúp họ thành công thực hiện hành trình thơ ca của bản thân.

“Tình ta như hàng cây

Đã qua mùa gió bão

Tình ta như dòng sông

Đã yên ngày thác lũ

Thời gian như là gió

Mùa đi cùng tháng năm

Tuổi theo mùa đi mãi

Chỉ còn anh và em.”

Dù từng không thích con dâu, nhưng mẹ của nhà thơ Lưu Quang Vũ sau này cũng phải thừa nhận:
“Quỳnh là người phụ nữ tài năng, thông minh và yêu thương chồng con hết mực. Quỳnh đã có mặt trong đời Vũ vào những năm gian nan, lận đận nhất. Tôi chưa từng thấy một người phụ nữ nào yêu chồng và chiều chồng như Xuân Quỳnh. Yêu đến đam mê, đến quên cả bản thân mình”.

Qua những vần thơ cô sáng tác khi ở cùng người bạn đời của mình, độc giả hẳn cũng nhận ra rằng, tính nữ của Xuân Quỳnh cũng không đặt ngoài sức ảnh hưởng của phái mạnh. Nữ thi sĩ cũng cần tới tình yêu và sự nâng đỡ của người yêu, người bạn đời trong hành trình dài của tồn tại và thi ca. Khi đặt mình trong ánh nhìn nam giới, Xuân Quỳnh cũng nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cô đơn, nhỏ bé, yếu đuối như vạn vật trên cuộc đời. Và điều cô mong mỏi đau đáu ở đây là sự tương trợ, chia sẻ, yêu thương giữa hai cá thể độc lập, giữa người với người trong tự tôn và kiêu hãnh với giá trị riêng, chứ không phải ban phát.

“Lấy thời gian em viết những dòng thơ

Để thấy được chúng mình không cách trở.

Bàn tay em, gia tài bé nhỏ,

Em trao anh cùng với cuộc đời em.”

Yêu thương và hy sinh quên mình cho tổ ấm, cho chồng cho con, Xuân Quỳnh sống nồng nàn và mãnh liệt cả trong thơ lẫn trong đời. Cuộc sống vất vả, lam lũ thường ngày không gặm nhấm được tâm hồn nữ sĩ. Xuân Quỳnh vẫn tha thiết yêu, “yêu cả khi chết đi rồi”. Dấn thân quyết liệt để kiếm tìm giá trị của đời sống, của tình yêu, cũng là giá trị cá nhân khi khám phá những “chân lý” rộng lớn hơn tồn tại của một con người đơn lẻ, Xuân Quỳnh đã luôn trung thực với những gì riêng cô nhận thức và tin theo.

“Đấy tình yêu, em muốn nói cùng anh

Nguồn gốc của muôn ngàn khát vọng

Lòng tốt để duy trì sự sống

Cho con người thực sự

Người hơn”

Đối với cô, tình yêu trong bản chất sâu xa của nó là nhân tính, cao thượng và vị tha, nhưng cũng bao hàm cả khía cạnh vị kỷ. Khi mỗi người đều tự nguyện hy sinh và cũng đồng thời được thoả mãn cao nhất cá nhân mình. Sau tất cả, đọc thơ Xuân Quỳnh, độc giả không chỉ nhìn thấy một người phụ nữ dịu dàng, hồn nhiên khao khát tình yêu và cống hiến hết mình cho tình yêu mà ta còn thấy một con người luôn trong tâm thế chủ động, vượt qua mọi khuôn mẫu, sống hết mình, tự tin vào bản thân và định hình được tính nữ rất riêng của chính mình.

“Điều đáng quý nhất ở Xuân Quỳnh và thơ Xuân Quỳnh là sự thành thật, rất thành thật, thành thật trong quan hệ bạn bè, với xã hội và cả trong tình yêu. Chị không quanh co, không giấu diếm một điều gì. Mỗi dòng thơ, mỗi trang thơ đều phơi bày một tình cảm, một suy nghĩ của chị. Chỉ cần qua thơ ta biết khá kĩ đời tư của chị. Thành thật, đây là cốt lõi thơ trong Xuân Quỳnh”

Nhà thơ Võ Văn Trực đã nhận xét về Xuân Quỳnh như thế, và khi đọc thơ cô, hẳn mỗi độc giả cũng đều hình dung được một Xuân Quỳnh bằng xương bằng thịt với những hiện diện hết sức chân thật, gần gũi. Một người phụ nữ sống trọn vẹn với phẩm giá của mình, trung thực với khát vọng, ham muốn hay bản tính tự nhiên mà không mấy bận tâm đến các hình mẫu, khuôn thước từ bên ngoài. Cho dù đó có là những tiêu chí về “nữ quyền” hay về “tình yêu”, Xuân Quỳnh cũng đã đều thành công.

Sống một đời vất vả với nhiều thiếu thốn và đổ vỡ về mặt tình cảm, song Xuân Quỳnh đã tìm thấy một tình yêu xứng đáng để thanh thản nhắm mắt lúc cuối đời. Ngày 29.8.1988, nữ thi sĩ đã ra đi trong một tai nạn cùng người bạn đời Lưu Quang Vũ và người con trai út Lưu Quỳnh Thơ. Dù vậy, các sáng tác và giá trị mà cô để lại vẫn luôn tồn tại mãi về sau, giống như trong tác phẩm “Chồi biếc” cô viết:

“Lá vàng rụng xuống

Cho đất thêm màu

Có mất đi đâu

Nhựa lên chồi biếc…”

sưu tầm

Bình luận Facebook