Lưu Tuấn Anh – con trai Xuân Quỳnh – nhớ kỷ niệm dượng Lưu Quang Vũ lĩnh nhuận bút, cho đi dã ngoại sông Hồng, ăn bánh mì.
Sáng 29/8, tròn 34 năm ngày Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh qua đời, trong căn nhà nhỏ ở phố Huế, Hà Nội, con trai cặp nghệ sĩ thắp nén hương cho mẹ, dượng và em Mí. Trước đó, gia đình làm giỗ theo ngày 18/7 âm lịch.
Năm 1988, Lưu Tuấn Anh, mới 22 tuổi, đang ở cơ quan thì bất ngờ được Hội Văn nghệ báo tin cha mẹ và em bị tai nạn. Họ chở anh xuống Hải Dương để nhận người thân. Sốc, không tin vào những điều đang xảy ra, thời gian dài, anh sống trong suy sụp, bi quan.
Lưu Tuấn Anh cho biết thời trẻ bay bổng, anh mải mê với những thú vui riêng, gần như không đọc thơ của mẹ và dượng – dù họ là hai tên tuổi lớn. Đến khi họ qua đời, ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, anh giở những tác phẩm. Mỗi bài thơ gợi lại những ký ức, anh vừa đọc vừa khóc. Lúc đó, anh mới biết ngoài tài viết kịch, dượng còn có thiên phú sáng tác thơ. Tác phẩm Bài hát ấy vẫn còn dang dởnhư lời tiên đoán về mất mát, khi đã hoàn thành sứ mệnh đời này.”Đến lúc đó tôi mới có nhu cầu là cần phải hiểu mẹ và dượng mình. Tôi thực sự hối hận vì đã vô tâm với mọi người”, anh nói.
Nghèo mà vui là ký ức về những năm tháng gia đình bên nhau của Lưu Tuấn Anh. Khi mẹ ly hôn rồi tái hôn, anh chưa hiểu chuyện, chỉ thấy lạ lẫm khi mẹ sống với người khác ở tầng dưới, bố vẫn ở ngay tầng trên. Hàng xóm thi thoảng bàn ra tán vào chuyện gia đình. Vì thế, anh có chút khoảng cách với dượng.
Đến khi Lưu Minh Vũ – con riêng của Lưu Quang Vũ – chuyển đến sống chung, Lưu Tuấn Anh có người chơi cùng, dần trở nên thân thiết với dượng. Trong ấn tượng của anh, ông hiền, ít nói nhưng chiều các con. Ông thường kể cho hai anh em về chuyện đời sống, công việc. Có lần, Lưu Quang Vũ được lĩnh nhuận bút, cả gia đình chở nhau ra bến Phà Đen dã ngoại, ăn bánh mì. Những khoảnh khắc đó được Xuân Quỳnh đưa vào trong truyện ngắn Chuyến tàu trong thành phố, nhân vật Trung Hà và Hưng là Tuấn Anh và Minh Vũ. Cuối tuần, anh được ra nhà hát xem kịch của dượng. Lưu Tuấn Anh tự nhủ: “Gia đình mới cũng rất tuyệt”.
Thời đó, Lưu Quang Vũ bận rộn với các vở diễn, việc nội trợ trong gia đình chủ yếu do Xuân Quỳnh quán xuyến. Nhà tập thể bốn tầng chỉ có một vòi nước ở tầng trệt lại thường xuyên mất nước, sau 22h mới có. Lưu Tuấn Anh và Lưu Minh Vũ được mẹ giao nhiệm vụ mang xô đi hứng, xách nước lên nhà để sinh hoạt. Nhiều khi cả hai mải chơi, không chịu xếp hàng, mẹ tự đi xách. Nhìn mẹ vất vả, hai anh em lúi húi xin lỗi, rồi phụ đưa nước lên tầng ba.
Căn phòng gia đình mấy mét vuông, toàn sách, chỉ có đủ chỗ kê một tấm phản nhỏ làm nơi ngủ. Thế nhưng, trong ký ức Tuấn Anh, nhà lúc nào cũng đông khách tới chơi, đa phần là bạn bè văn nghệ sĩ. Họ cùng nhau ăn uống, trao đổi về nghệ thuật, thoải mái như ở nhà. Họa sĩ Bùi Xuân Phái thường ngồi vẽ lên những miếng bìa ngay tại đó.
Nhà báo Lưu Minh Vũ gọi Xuân Quỳnh là má, để phân biệt với mẹ đẻ – nghệ sĩ Tố Uyên. Anh cho biết chưa bao giờ có cảm giác là con riêng bởi má luôn yêu thương và đối xử công bằng. Thời đó, mỗi lần anh thay răng sữa, má pha nước muối, chuẩn bị bông để nhổ, chẳng cần đến nha sĩ. Má cũng là người cắt tóc cho anh, từ khi về sống cùng đến lúc vào đại học. Có lần Lưu Minh Vũ mổ ruột thừa bị nhiễm trùng, phải mổ lại lần hai. Suốt hơn một tháng nằm viện, Xuân Quỳnh luôn kề cạnh chăm sóc. Mỗi khi bác sĩ tiêm xong, má lấy nước nóng chườm cho anh đỡ đau, nguội lại thay.
Xuân Quỳnh thường làm thơ, viết truyện tặng con. Trong bài Cắt nghĩa tặng Lưu Minh Vũ thuộc Chùm thơ xuân cho ba con nhỏ, nữ sĩ viết: “Con làm bằng yêu thương/ Của cha và của mẹ / Của bà và của ông/ Của má nữa – biết không/ Con làm bằng tất cả”.
Tổng biên tập báo Dân Việt – ông Lưu Quang Định, em trai Lưu Quang Vũ – cho biết ngày gia đình anh trai đi Hải Phòng, ông cũng chuẩn bị quay lại Liên Xô học sau kỳ nghỉ hè. Trước khi đi, Lưu Quang Vũ cho em ít tiền, nói mua đồ dùng đi học. Xuân Quỳnh thì hẹn thời gian nữa sang chơi với em. Thế nhưng, lời hẹn đó không bao giờ trở thành hiện thực.
Thời Lưu Quang Vũ “đắt show”, nhiều đoàn nghệ thuật tìm đến tận nhà để đặt kịch bản. Nhiều người cho rằng gia đình ông phải giàu lắm. Tuy nhiên, lúc cả hai qua đời, trong căn phòng 6m2, ngoài sách vở, chỉ có bảy chỉ vàng – đó là toàn bộ tài sản họ có được.
Vợ chồng nghệ sĩ cùng con trai Lưu Quỳnh Thơ (bé Mí) qua đời ngày 29/8/1988 trong một vụ tai nạn giao thông tại Hải Dương. Hàng chục năm qua, cặp nghệ sĩ luôn được đồng nghiệp, khán giả nhớ đến với hàng loạt sự kiện tưởng nhớ như: Đêm nhạc, thơ, kịch, triển lãm tranh, chiếu phim, trò chuyện liên quan đến di sản nghệ thuật của cả hai. Năm nay, chương trình Hoa cúc xanh dự kiến được tổ chức vào tháng 10, dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh.
Nữ sĩ sinh năm 1942 nổi tiếng với bài Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa…, tập thơ Hoa dọc chiến hào, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Hoa cỏ may, Tự hát… Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2017.
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948, là nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch tài hoa. Tên tuổi của ông gắn với nhiều tác phẩm sân khấu giá trị như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Tôi và chúng ta, Mãi mãi tuổi 17, Nàng Sita… Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000.
sưu tầm