Xuân Diệu để viết văn cũng cần ăn khoẻ
Nếu như ai đó trong chúng ta từng có lúc nhịn ăn vì… giữ ý, chịu uống do… cả nể, thì Xuân Diệu thực sự là một tấm gương – một tấm gương không dễ noi theo. Bởi, khác với các nhà văn, nhà thơ, trong việc này Xuân Diệu không hề “sĩ diện”.
Với ông, có ăn thì mới có sức khỏe, mà có sức khỏe mới đủ sức “đương đầu” với công việc sáng tạo vốn dĩ được coi là rất nhọc nhằn, khổ ải. Nhà văn Tô Hoài quả là tinh tế khi nhận xét: “Tôi có cảm tưởng Xuân Diệu ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng ăn cố. Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khỏe lắm gắp hộ, nhai hộ”.
Nhà phê bình văn học Nguyên An từng kể lại kỷ niệm lần đầu ông được diện kiến Xuân Diệu. Hôm ấy, ông “bám càng” nhà thơ Hồ Khải Đại. Mấy thầy trò ngồi hàn huyên được một lúc thì đến giờ ăn trưa.
Hẳn vì cuộc gặp không hẹn trước nên Xuân Diệu cứ điềm nhiên sinh hoạt theo lịch trình thường nhật của mình. Nhà phê bình Nguyên An nhớ lại: “Đã trưa, Xuân Diệu bê ra một cái khay có hai cốc nước lọc trong suốt, mát lạnh với hai cái bánh xốp mời chúng tôi.
Còn ông, ông xin phép ngồi ăn riêng ở góc phòng: một cốc sữa, một lát giò, một cái bánh mì, và hình như còn một quả trứng luộc với vài quả dưa chuột nữa thì phải. Ông ăn và uống, hối hả, hì hụp như không còn có chúng tôi đang có ở trong phòng”.
Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (trong sách “Cây bút đời người”- NXB Trẻ, 2002) cũng phát hiện ra thái độ khác thường trước bữa ăn của Xuân Diệu: “Giả sử ngồi bên mâm cơm cạnh tác giả, ta sẽ thấy ở Xuân Diệu vừa có cái sung sướng của trẻ nhỏ, thấy cái gì cũng ngon cũng bổ, cũng muốn ăn thêm một chút, để cho khỏe cho lớn thêm” và Xuân Diệu “biết ăn như thế nào thì đủ chất và có lợi cho mình nhất”.
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh (trong sách “Xuân Diệu thơ và đời”- NXB Văn học, 1995) thì thuật lại lời trần tình của Xuân Diệu: “Có tài không đủ, phải có sức nữa. Đêm nào mình định viết một cái gì đấy, buổi chiều thế nào cũng phải mua vài lạng thịt”. Cũng theo Nguyễn Đăng Mạnh, Xuân Diệu là người luôn “tính toán ăn cái gì bổ hơn mà rẻ hơn”.
Nhà thơ Vũ Quần Phương thì kể với tôi: Trước đây, anh thường được nghe chuyện Xuân Diệu về các địa phương bình thơ, ông hay hỏi người mời đã chuẩn bị cho bữa ăn của ông như thế nào, có những món ăn gì? Thấy lạ, Vũ Quần Phương đem chuyện hỏi bậc đàn anh, thì được Xuân Diệu thừa nhận là có thật.
Và Xuân Diệu lý giải, đại ý, lương của ông không phải nuôi ai, nên ở nhà ông rất chăm chút cho bữa ăn. Bây giờ, đi công tác xa, dài ngày, mệt mỏi, nếu người ta không chuẩn bị cho ông ăn uống chu đáo, thì ông đi làm gì cho… hại người.
Vả chăng, họ chuẩn bị bữa ăn thế nào, cứ nói thẳng, để ông còn liệu. Cần thiết thì ông đưa thêm tiền cho họ đi chợ. Theo Vũ Quần Phương, về việc ăn uống, khác với Nguyễn Tuân nặng về yếu tố văn hóa (ăn để thưởng thức), Xuân Diệu chủ yếu ăn là để “nạp năng lượng”.
Có nghĩa là ông không chú trọng ăn cho… ngon mà là ăn cho “đủ chất”. Ví như với trứng gà, mặc dù tanh đến mấy ông cũng húp sống chứ không thích luộc chín, vì ông quan niệm rằng ăn như thế nhiều prôtit hơn.
So với nhiều người, Xuân Diệu thiệt thòi là không có được một gia đình riêng. Việc ăn uống, nội trợ hết thảy đều do ông phải tự lo. Thành thử trong đời, ông đã mất khá nhiều thời gian cho việc suy tính “rẻ mà bổ” này.
Sinh thời, Xuân Diệu từng tiết lộ: “Muốn viết được đều đặn phải có vật chất bồi dưỡng”. Về việc này, nhà thơ Vũ Quần Phương đã kể một chuyện vui: Một lần, Xuân Diệu vẩy bút mãi mà không ra thơ.
Ông bèn đạp xe đến chợ Hàng Bè mua thịt chó. Có được món ăn “giàu đạm” này rồi thì cũng là lúc thi nhân… làm thơ được. Ông cười hà hà, bình phẩm: “Đấy, có phải “bí” thơ gì đâu mà là do mình ăn uống… thiếu chất”.
Nhân nhắc đến thịt chó – món “khoái khẩu” của Xuân Diệu, nhà thơ Chử Văn Long cũng cho biết: Một lần, Xuân Diệu mua một đĩa tú ụ thịt chó luộc và buộc anh phải ăn hết vì “thịt chó không để lại được mai, mất ngon…”.
Sợ ông anh quở trách, nhân lúc Xuân Diệu bận nghe điện thoại, Chử Văn Long đã bí mật san vợi đĩa thịt ra tờ giấy báo, cất để dành cho một người bạn. Khi quay trở vào, trông thấy đĩa thịt vơi nhiều, Xuân Diệu mừng lắm.
Và Chử Văn Long kết luận: “Dưới cái nhìn của Xuân Diệu ai cũng vêu vao ai cũng thiếu đói, nhất là những cây bút trẻ mà anh từng gặp” và vì thế mà “anh thường khuyên họ hãy lo lắng đến bữa cơm, manh áo cụ thể rồi hãy làm thơ”.
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Chẳng phải tác giả của hai câu thơ trứ danh: “Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” là Xuân Diệu đó sao?
sưu tầm