‘Vua phóng sự’ làm gì khi cuốn sách về gái điếm bị đá vào xó tường?

Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển “Lục Xì” vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.

Trong tác phẩm Văn thi sĩ tiền chiến (Công ty Thư Lâm xuất bản lần đầu 1970, NXB Văn học, 2007) nhà thơ, nhà văn, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) đã kể lại những kỷ niệm không thể nào quên của ông với nhà văn Vũ Trọng Phụng (1911-1939).

Nguyễn Vỹ cho biết, ngay trong lần đầu gặp mặt, “vua phóng sự Bắc kỳ”, ông đã đá tung cuốn Lục Xì (thiên phóng sự của Vũ Trọng Phụng viết về một phúc đường chuyên chữa bệnh hoa liễu cho gái điếm) vừa mới lấy từ nhà in về vào trong góc nhà.

Câu chuyện này diễn ra vào năm 1937. Hôm ấy, Minh Phượng (ông chủ Nhà xuất bản Minh Phượng, ở ngõ Văn Tân, phố Hàng Đẫy) mời Nguyễn Vỹ và Vũ Trọng Phụng (hai người chưa từng gặp nhau) đến dùng cơm nhân ngày giỗ kỵ thân mẫu.

Nguyễn Vỹ đến trước, xem cuốn Lục Xì mà Minh Phượng vừa cầm từ nhà in về. Nhưng chỉ đọc được 7 trang, ông đã vứt cuốn sách xuống đất. Nguyễn Vỹ nói: “Sao lại có thứ văn bẩn thỉu thế này?”. Minh Phượng cười:” Anh đã xem hết quyển sách chưa”. Nhà thơ trả lời : “Đọc 7 trang cũng như đọc hết rồi”. Minh Phượng cười bảo: “Thế anh lầm. Sách khác đọc 7 trang có thể nói là đọc hết, chứ sách của Vũ Trọng Phụng, đọc hết quyển sách rồi chưa chắc đã đọc được trang nào! Huống chi là 7 trang”.


Nhà văn, nhà báo Vũ Trọng Phụng (1912-1939). Ảnh tư liệu.

Nguyễn Vỹ lặng lẽ đưa mũi giày đá luôn quyển Lục Xì vào trong xó tường. Quyển sách vừa xuất bản, hãy còn mới tinh, nằm xơ xác bên chân tủ.

Minh Phượng cười: “Hôm nay, tôi chỉ mời có hai người bạn tôi quý nhất, nhưng có lẽ hai anh chưa quen nhau”. Nguyễn Vỹ thắc mắc: “Ai thế nhỉ?”. Ông chủ nhà Minh Phượng đáp: “Vũ Trọng Phụng, tác giả quyển sách vừa được hân hạnh nếm cái mùi đôi giày đã há mũi của anh đó. Hình như anh chưa gặp Phụng lần nào, phải không?”. Nguyễn Vỹ đáp cụt lủn: “Chưa!”.

Một lát sau Vũ Trọng Phụng đến. Nguyễn Vỹ mô tả: Ngoài sân, một chàng xô cổng sắt đi vào. Chàng mặc quần áo cũ mèm cũng như tôi, tóc rẽ một bên, người dong dỏng cao và gầy, mặt hình chữ nhật, hốc hác, trông tiều tụy.
Sau khi giới thiệu làm quen, Minh Phượng bảo: “Quyển Lục Xì đã in xong! “Moa” có lấy về một cuốn để “toa” xem”. Vũ Trọng Phụng hào hứng hỏi: “Đâu”?

Minh Phượng quay ngó xó tường tít đằng xa và nói: “Đấy!”.Tác giả của nó rất ngạc nhiên, hỏi: “Sao nó nằm đấy?”. Ông chủ NXB Minh Phương đủng đỉnh nói: “Vỹ vừa bảo văn chương Lục Xì bẩn hơn cả cái mũi giày há mõm của hắn. Hắn cho sách cậu nằm đấy đấy”.

Vũ Trọng Phụng điềm nhiên ngó Nguyễn Vỹ: “Anh Vỹ nói thế thì tôi phục. Hôm nọ, tôi đưa bản thảo cho Lan Khai (Nguyễn Lan Khai 1906-1946) đọc, nó chỉ biết khen nịnh tôi là hay, là kiệt tác. Tôi bảo với Lan Khai là hắn không biết thưởng thức Lục Xì. Bảo như Nguyễn Vỹ, là văn chương Lục Xì bẩn, thế mới là thưởng thức Lục Xì. Thằng Phụng viết Lục Xì để tả cái bẩn, mà đứa nào bảo Lục Xì thơm là đứa ấy ngốc. Thế là nó chửi ngòi bút của tôi đấy. Tôi tả cái bẩn mà anh ghê tởm được cái bẩn ấy, thế mới là anh nhận được cái giá trị văn chương của Lục Xì”.

Nguyễn Vỹ ngập ngừng nói: “Tôi mới đọc được 7 trang…”. Nghe thấy thế Vũ Trọng Phụng liền phân trần: “Cái xã hội này bẩn quá, Vỹ ơi! Tôi biết đem những cái bẩn đó mà dồn vào một trăm trang sách thì chưa hết được cái bẩn của xã hội hiện giờ. Nhưng với tụi mình 7 trang như thế còn đủ chán. Anh không cần đọc thêm nữa”.

Nói xong, Vũ Trọng Phụng đi lượm cuốn sách ở xó nhà, biên mấy chữ tặng Nguyễn Vỹ. Sau buổi gặp đầu tiên ấy, Nguyễn Vỹ thi thoảng qua nhà chật hẹp ở phố Hàng Bạc của Vũ Trọng Phụng để ngồi chơi, hàn huyên.

Có lần, Nguyễn Vỹ đến, thấy Vũ Trọng Phụng ốm, người nóng như lửa, nhưng vẫn cố gượng dậy để viết bài lấy tiền mua đèn con cá cho con nhân dịp Trung thu.

Năm 1939, hay tin Vũ Trọng Phụng mất. Nguyễn Vỹ cùng Lan Khai, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Sơn, Nguyễn Tuân đi tàu điện ra ngoại thành Hà Nội để tiễn biệt bạn. Trên hành trình ấy, Nguyễn Vỹ đã thay mặt cho cả nhóm viết điếu văn Vũ Trọng Phụng.


Nhà văn Nguyễn Vỹ bên bàn làm việc ở Sài Gòn, năm 1965. Ảnh tư liệu.

Nguyễn Vỹ cho biết, vì tàu chạy, đảo qua, đảo lại, lắc lư…, nên nhà thơ Mộng Sơn đã “cho mượn” tấm lưng của mình ra để làm “bàn viết”. Tàu chạy được khoảng được khoảng 10 cây số, ông đã viết xong 4 trang.

Khi quan tài hạ huyệt, anh em làng văn cử Nguyễn Vỹ ra đọc lời điếu vĩnh biệt. Nhưng Nguyễn Vỹ chỉ nói ấm ức được mấy tiếng rồi nghẹn ngào, nước mắt cứ trào ra. Ông Vũ Đình Long, chủ nhiệm Tiểu thuyết thứ Bảy phải lấy xấp giấy trên tay Nguyễn Vỹ, đọc tiếp.

“Vũ Trọng Phụng ơi!
Chúng tôi, tất cả những nhà văn đứng xung quanh mả anh đây, chúng tôi thề rằng linh hồn của Vũ Trọng Phụng và linh hồn của các bạn đã qua đời, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Văn Vĩnh… sẽ được tôn sùng xứng đáng. Thế hệ các văn nhân còn sống sót lại đây sẽ tạc cho các anh một pho tượng. Chúng tôi sẽ lập lên, để thờ các anh, một ngôi đền. Chúng tôi sẽ gây lên một phong trào cho quốc dân được biết, và yêu, và kính trọng tất cả những người thợ có chân tài đã đắp một viên gạch cho nền Văn học Quốc gia…”.

Nguyên văn bài điếu này sau đó được đăng lại đầy đủ trong Tạp chí Tao Đàn số 14, trang 11, 1939, số đặc biệt về Vũ Trọng Phụng, do ông Vũ Đình Long là chủ bút. Tác giả Văn thi sĩ tiền chiến cho biết thêm.

Theo Zing

Bình luận Facebook