Mới đây, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã công bố danh sách đề cử Giải Nobel Văn học năm 1972. Trong danh sách này có tên một nhà thơ Việt Nam: thi sĩ Vũ Hoàng Chương
…Danh sách được Ủy Ban Nobel công bố trong tháng 2, năm 2023, sau 50 năm giữ kín theo quy định của giải này. Theo đó, Vũ Hoàng Chương là một trong 100 tác giả tên tuổi được đề cử giải Nobel Văn Chương (The Nobel Prize in Literature) năm 1972…
Vũ Hoàng Chương (1915 – 1976), quê quán ở Hưng Yên. Trước 1945, ông có hai thi phẩm nổi tiếng là Thơ say và Mây. Thơ ông có phong vị riêng biệt so với nhiều nhà thơ xuất hiện trong phong trào Thơ Mới.
Thi bá Vũ Hoàng Chương
Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã nhận xét: “Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào-xưa của Đông Á: cái nghiệp say” nhưng “say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc”.
Khi đất nước chia cắt, ông di cư vào Nam, định cư Sài Gòn, tiếp tục sáng tác. Ông được người đương thời ở miền Nam xưng tụng là thi bá.
Vũ Hoàng Chương có thời gian giữ vị trí chủ tịch Hội Văn bút của miền Nam Việt Nam.
Theo tài liệu của Viện Hàn lâm Thụy Điển, “Thang Lang” là người đã tiến cử Vũ Hoàng Chương. Đây có thể là linh mục Thanh Lãng (1924 – 1978), ông từng lấy học vị tiến sĩ văn chương ở Thụy Sĩ, từng giảng dạy đại học ở Sài Gòn, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu.
Tuy vậy, chủ nhân Giải Nobel Văn học năm 1972 là nhà văn người Đức, Heinrich Böll (1917 – 1985). Một số tác phẩm của Heinrich Böll đã được xuất bản ở Việt Nam.
Heinrich Böll được đề cử nhận giải Nobel liên tục từ năm 1960 đến lúc đoạt giải. Trong lịch sử giải Nobel Văn học, có ít tác giả đoạt giải ngay từ lần đầu được đề cử. Và cũng có nhiều tác giả dù được đề cử nhiều lần nhưng không đoạt giải.
Cũng có nhiều nhà văn xuất hiện trong danh sách năm 1972, sau này trở thành chủ nhân giải Nobel Văn học như Patrick White (ông đoạt giải năm kế tiếp, 1973), Nadine Gordimer, V. S. Naipaul, Doris Lessing (mãi đến năm 2007 bà mới đoạt giải)…
Chờ đợi tên một nhà văn Việt Nam khác sau Hồ Hữu Tường, Vũ Hoàng Chương
Trong năm 1972, một nhà văn châu Á khác cũng được đề cử là Lâm Ngữ Đường và cũng giống như Vũ Hoàng Chương, ông không bao giờ được trao giải.
Năm 1974, Vũ Hoàng Chương xuất bản Ta đã làm chi đời ta, ghi lại những kỷ niệm về một thời văn chương. Sau 44 năm, cuốn sách được Domino Books và Nhà xuất bản Văn Hóa Văn Nghệ phát hành ấn bản mới vào năm 2018.
“Hà Nội (tức Thăng Long), Thuận Hóa (tức Phượng Thành), Saigon (tức Bến Nghé)… Chặng đường lui xuống phương Nam ấy, biết có khơi dậy cảm xúc cho ai chăng, riêng Vũ Hoàng Chương thì chỉ biết ghi nhận một nét tâm tư thời đại:
Long thành đâu nhỉ? Phượng Thành mô?
Lê, Nguyễn: Hai giòng lệ cố đô
Lệ chảy, chảy xuôi tràn Bến Nghé
Giựt mình… Nam Hải sóng lô xô”
(trích tập bút ký Ta đã làm chi đời ta)
Theo quy định, sau 50 năm kể từ khi trao giải, Viện Hàn lâm Thụy Điển mới công bố danh sách đề cử Giải Nobel Văn chương của năm đó.
Với việc công khai tài liệu, biết đâu trong tương lai chúng ta sẽ có cơ hội để biết nhà văn Việt Nam nào sau Hồ Hữu Tường (được đề cử giải Nobel Văn học năm 1969) và Vũ Hoàng Chương đã được đề cử giải thưởng văn chương lâu đời này.
Đọc thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương:
Say đi em
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng.
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương.
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương.
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo,
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương.
Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm, não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ.
Âm ba gờn gợn nhỏ,
Ánh sáng phai phai dần…
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân,
Lui đôi vai, tiến đôi chân;
Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió.
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa,
Tay mềm mại, bước còn chưa chuếnh choáng.
Chưa cuối xứ Mê ly, chưa cùng trời Phóng đãng
Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn,
Cho cung bực ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt
Rượu, rượu nữa! và quên quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả mầu trôi…
Gian phòng không đứng vững,
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa,
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa,
Say không còn biết chi đời.
Nhưng em ơi,
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.
Đất trời nghiêng ngửa,
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Nguồn: Tập Thơ say (1940)
Lửa từ bi
Kính dâng lên BỒ-TÁT QUẢNG-ĐỨC
Lửa! Lửa cháy ngất Tòa Sen!
Tám chín phương nhục thể trần tâm
hiện thành Thơ, quỳ cả xuống.
Hai Vầng Sáng rưng rưng
Đông Tây nhòa lệ ngọc
Chắp tay đón một Mặt Trời Mới Mọc,
Ánh Đạo Vàng phơi phới
đang bừng lên, dâng lên…
Ôi, đích thực hôm nay Trời có Mặt!
Giờ là giờ Hoàng-Đạo nguy nga.
Muôn vạn khối sân-si vừa mở mắt
Nhìn nhau: tình huynh-đệ bao la.
Nam mô ĐỨC PHẬT DI ĐÀ
Sông Hằng kia bởi đâu mà cát bay?
Thương chúng sinh trầm luân bể khổ,
NGƯỜI rẽ phăng đêm tối đất dày
Bước ra, ngồi nhập định, hướng về Tây
Gọi hết LỬA vào xương da bỏ ngỏ
PHẬT-PHÁP chẳng rời tay…
Sáu ngả luân hồi đâu đó
Mang mang cùng nín thở
Tiếng nấc lên ngừng nhịp Bánh Xe Quay.
Không khí vặn mình theo
khóc oà lên nổi gió
NGƯỜI siêu thăng…
giông bão lắng từ đây.
Bóng NGƯỜI vượt chín tầng mây
Nhân gian mát rợi bóng cây Bồ-Đề.
Ngọc hay đá, tượng chẳng cần ai tạc!
Lụa hay tre, nào khiến bút ai ghi!
Chỗ NGƯỜI ngồi: một thiên thu tuyệt tác
Trong vô-hình sáng chói nét TỪ-BI.
Rồi đây, rồi mai sau, còn chi?
Ngọc đá cũng thành tro
lụa tre dần mục nát
Với Thời-Gian lê vết máu qua đi.
Còn mãi chứ! còn TRÁI TIM BỒ TÁT
Gội hào quang xuống tận ngục A-tỳ.
Ôi ngọn LỬA huyền vi!
Thế giới ba nghìn phút giây ngơ ngác
Từ cõi Vô-Minh
Hướng về Cực-Lạc.
Vần điệu của thi-nhân chỉ còn là rơm rác
và chỉ nguyện được là rơm rác
Thơ cháy lên theo với lời Kinh;
Tụng cho nhân loại hòa bình
Trước sau bền vững tình huynh-đệ này.
Thổn thức nghe lòng Trái Đất
Mong thành Quả Phúc về Cây.
Nam-mô THÍCH CA MẦU NI PHẬT
Đồng loại chúng con
nắm tay nhau tràn nước mắt
tình thương hiện Tháp Chín Tầng xây.
(Khởi viết từ ngày 11-6-63, xong ngày 15-7-63 tại SAIGON)
Nguồn: Lửa từ bi, Đoàn thanh niên tăng ni xuất bản, Sài Gòn, 1963
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nhắc về Lửa từ bi: “Và cũng như mọi người dân trên thế giới, tôi bị rúng động trước cảnh tự thiêu của Thượng tọa Thích Quảng Đức. Thấy cái chết đó đẹp quá nhưng vì tài hèn sức mọn nên không đưa được vào tác phẩm lớn như bài thơ LỬA TỪ BI của anh Vũ Hoàng Chương. Tuy nhiên, ngọn lửa thiêng này tôi đã ghi lại trong đoản khúc Việt Nam-Việt Nam”.
sưu tầm