Vết chân tròn trên cát- Bài ca xúc động về người thương binh
Trong hàng trăm ca khúc viết về người lính, “Vết chân tròn trên cát” (nhạc sĩ Trần Tiến) có một giọng điệu rất riêng. Với những nốt nhạc trầm, ca từ gợi đầy hình ảnh, bài hát này không chỉ là sự tri ân những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, mà còn thể hiện sự cảm phục sâu sắc đối với sự vươn lên sau thương tật của người chiến sĩ để tiếp tục cống hiến vì tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau.
Ca khúc Vết chân tròn trên cát mở đầu bằng một câu hát gợi hình. Đây là hình ảnh đặc tả mở đầu cho một bộ phim tài liệu: Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/Anh thương binh vẫn đến trường làng, vẫn ôm đàn dạy các em thơ bài hát quê hương. Thật không có hình ảnh giản dị nào có sức lay động hơn thế. Sau chiến tranh, người lính trở về, tuy mang thương tật trên mình nhưng anh đã không gục ngã trước số phận mà vẫn tiếp tục cống hiến, truyền dạy cho các em thơ những bài hát nặng tình yêu quê hương. Đã nhiều lần nghe bài hát này, nhưng mỗi lần nghe, tôi đều thấy trước mắt mình hình ảnh người thầy một thời mặc áo lính với đôi nạng gỗ kẹp bên hông, bên cạnh là đám học trò miền đất nghèo hiếu học với tiếng cười trong trẻo, với những bước nhảy chân sáo hồn nhiên xung quanh chiếc nạng gỗ… Thật vậy, ca khúc Vết chân tròn trên cát xuất phát từ một câu chuyện có thật. Khi trả lời báo giới về hoàn cảnh ra đời bài hát này, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết: “Khoảng năm 1981, tôi lang thang ở Tiền Hải – Thái Bình và bắt gặp những dấu chân nạng trên bãi biển. Tôi hỏi, người dân cho biết đó là dấu chân của một anh thương binh vẫn dạy nhạc cho bọn trẻ trong làng. Tôi rất xúc động, đi từ bãi biển về nhà trọ thì hình thành nên bài hát Vết chân tròn trên cát. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa được diện kiến người thương binh ấy, nhưng những dấu chân tròn cứ ám ảnh tôi suốt đời…”.
Trong ca khúc của Trần Tiến, người lính – người thầy giáo thương binh đã “dạy các em thơ bài hát quê hương”. Đó cũng là những tình cảm, ký ức tươi xanh của anh với quê hương ruột thịt. Trong anh trỗi dậy tình yêu quê hương nồng ấm, nơi có những đồng lúa xanh mướt vẳng câu hò da diết… mà anh đã từng lìa xa, lên đường cầm súng để đem sự lại sự yên bình cho quê hương: Bài hát có ngọn núi quê anh xa vời/Bài hát có đồng lúa miên man câu hò/Bài hát có người lính đã hy sinh âm thầm. Cho hôm nay những gót chân son vui quanh vết chân tròn… Và trong miền cảm xúc ấy, tiếng lòng của anh thương binh ngập tràn ký ức về chiến trường, về những người đồng đội đã ngã xuống ở trận đánh oai hùng trong cuộc chiến thống nhất đất nước: Bài hát có trận đánh không quên bên đồi/Bài hát có người lính biên cương thương mẹ/ Bài hát có ngọn gió cuốn bay theo dấu chân tròn/Chỉ để lại một bài ca trên cát trắng bao la… Dường như, sau lời anh hát, nỗi nhớ day dứt vẫn không sao lắng xuống mà càng thấm sâu thêm vào lòng những giọt âm thầm nhớ thương. Những đêm bồng súng đứng gác trong nỗi nhớ quê hương, nỗi thương mẹ nơi quê nhà không ai chăm sóc… đã trở thành ký ức không thể phai mờ trong tâm hồn những người lính. Ai đã từng nghe giọng hát khàn đặc của Trần Tiến khi hát Vết chân tròn trên cát mới cảm nhận hết tâm sự của người lính. Trong giọng hát của người nhạc sĩ tài hoa ấy không chỉ có sự ngợi ca mà còn có cả sự chia sẻ sâu sắc.
Nhiều thế hệ khán giả yêu bài hát Vết chân tròn trên cát không chỉ vì ca từ, giai điệu, mà hơn thế còn bằng những rung cảm chân thật từ trái tim. Một bạn gái khi nghe bài hát này đã tự hỏi lòng mình: “Có đôi lần tôi nhìn xuống đôi chân mình, và tự hỏi đã đi được bao nhiêu chặng đường tình nguyện cùng bè bạn, tôi đã tới được đến đâu của lòng trắc ẩn muốn sẻ chia, tôi đã thực sự chỉ đi trong niềm vui ngày toàn thắng đất nước hay cần phải dừng lại nhiều hơn với những mất mát chiến tranh? Và khi lời hát ấy cất lên, sao tôi thấy muốn khóc cho nỗi nhớ da diết nơi anh, một người thầy giáo, một người chiến sĩ, nhưng cũng là người con của đất nước. Anh chỉ còn lại một chân để bước, những bước chân lẻ loi, rất đậm nỗi buồn, nhưng là những bước chân ý nghĩa cho cuộc sống, bước chân để vui những “gót chân son”…
Với Vết chân tròn trên cát, nhạc sĩ Trần Tiến đã rất thành công khi lồng bài hát của người thầy giáo thương binh vào trong bài hát của mình. Qua đó, tác giả gián tiếp ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn của những thương binh Việt Nam. Bài hát không chỉ thể hiện sự tri ân những người lính đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc, mà còn là sự cảm phục sâu sắc đối với sự vươn lên sau thương tật để tiếp tục cống hiến vì tương lai tươi sáng cho các thế hệ mai sau của người chiến sĩ. Vết chân tròn vẫn đi về trên con đường mòn cát trắng quê tôi/Như bài ca anh hát trong thầm lặng, như bài ca không lời. Cứ hát mãi trong tôi, hát mãi trong tôi… Ôi bài ca không lời, hát mãi trong tôi, hát mãi trong tôi. Vết chân tròn trên cát trắng không chỉ dừng ở bước chân của một người thương binh mà còn là những chấm son tô thắm quê hương, là bài học về sự cống hiến vì lớp trẻ hôm nay!
Nguồn: Xuân Thành