VÀI CHUYỆN VUI VỀ CÁI NẾT ĂN CỦA LÊ LỰU
Lê Lựu là nhà văn đương đại có rất nhiều giai thoại. Những câu chuyện về anh được bè bạn, anh em kể liên tu bất tận trong các cuộc nhậu. Họ bàn về anh với đủ mọi góc độ, từ đi đứng, trang phục cho đến cả việc sinh hoạt thường ngày. Đặc biệt là cái “nết ăn” của ông nhà văn nổi tiếng đã từng chu du nhiều nước trên thế giới này.
Nhà văn Lê Lựu qua nét vẽ của Nguyễn Hữu Khoa
Phi đậu phụ bất thành… Lê Lựu
Món Lê Lựu khoái khẩu nhất phải kể đến đậu phụ luộc hoặc lướt ván chấm mắm tôm. Không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trong giới anh em văn chương đã truyền nhau câu “thành ngữ”: “Phi đậu phụ bất thành… Lê Lựu”.
Dù đi ăn ở bất cứ đâu, quán cơm bụi vỉa hè, khách sạn 5 sao hay nhà bè bạn, anh em, Lê Lựu thường chăm chắm vào đĩa đậu phụ. Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: “Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa”.
Có lần tôi về quê anh, nơi có món đậu phụ phủ Khoái khá nổi tiếng, anh gắp cho tôi đầy bát khiến tôi nhìn các món khác mà tiếc ngẩn, tiếc ngơ.
Tuy là người dễ ăn nhưng Lê Lựu không thích những món thuộc hàng cao lương mỹ vị, đặc biệt là bơ sữa và các kiểu ăn tây. Một lần tháp tùng Chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đi công tác, được bố trí ở khách sạn 5 sao, ăn ở mấy trăm USD/ngày, Lê Lựu rất chán và… tiếc: “Giá nó cứ cho mình ăn cơm canh cua, đậu phụ rồi… đưa cho ít tiền tiêu vặt thì có phải tốt không. Đằng này…”.
Lần ấy về, anh gầy đi mấy ký. Và vừa về đến Hà Nội, anh đã gọi tôi đi ăn bún mắm tôm, đậu phụ. Anh ăn một cách miệt mài, cần mẫn và say mê. Ăn xong, buông bát, vớ tờ giấy ăn lau xoẹt hai bên mép rồi ngửa mặt kêu lên: “Ngon, ngon thật. Sao bọn khách sạn nó ngu thế, không đưa món này vào thực đơn nhỉ ?”
Gần đây, khi đã là ông Tổng Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân, nghĩa là đã có ô tô riêng, trụ sở riêng và cả đoàn người giúp việc, Lê Lựu vẫn không bỏ được cái cách ăn đã ngấm vào máu thịt.
Một lần đến thăm anh, vẫn thấy trên mặt bàn vị Tổng Giám đốc bát thịt nấu lõm bõm, màu sền sệt vàng nổi lều bều bên trên vài miếng mỡ. Và cạnh đó là một bát mắm tôm chấm dở vẫn còn vương vài sợi bún, mấy hạt chanh, dăm miếng ớt cùng với mấy chiếc lá kinh giới, tía tô.
Bữa cơm mắm tép với người đẹp không thành
Lê Lựu rất thích món mắm tép kho khế ớt. Có lần tôi hứng chí định viết một bài về người đẹp T.H. Cái cô Hoa khôi đẹp nghi ngút, cặp đùi như hai chiếc ngà voi vắt nghiêng nghiêng trên ghế làm nhà văn bị hút hồn.
Chẳng biết cái cô Hương trong Thời xa vắng có đẹp được như cô T.H. hoa hậu này không nhưng thấy anh nhìn mê đắm lắm. Để “trả công” cho những cái nhìn “đã mắt”, Lê Lựu quyết định mời người đẹp đi ăn cơm… mắm tép. Khổ, ông nhà văn ơi, người đẹp thế phải sữa bơ, pho mát hoặc nhà hàng sang trọng chứ ai người ta ăn mắm tép ở quán cơm bụi mà mời.
Quả nhiên, người đẹp T.H. từ chối. Thế rồi tôi với Lê Lựu ra cái hàng cơm bụi ở dốc Hoàng Cầu. Cái con dốc vừa nhỏ, vừa gồ ghề ấy tưng bừng là bụi. Bụi bay mù mịt mặt đường. Bụi tràn vào cửa chính, cửa sổ của những căn nhà hai bên phố. Và cái quán cơm ở ngay dưới chân dốc, nồi canh bụi nổi váng lên như váng mỡ.
Hai anh em gọi hai cốc bia cỏ, những hạt tăm to như hạt lạc nổ lép nhép trên miệng cốc. Còn bát mắm tép thì vàng đỏng đảnh như được đổ một lớp phẩm vecni dùng để đánh bóng giường tủ. Thế mà Lê Lựu cứ tức tưởi: “Cái con bé, mắm tép ngon thế mà lại từ chối”.
Rồi ông trầm ngâm triết lý: “Đấy, bi kịch của cuộc đời là thế. Vẻ đẹp bên ngoài bao giờ cũng tỷ lệ nghịch với tri thức. Mắm tép ngon thế mà lại đi từ chối. Dốt. Dốt thật. Thế mà cũng là… hoa hậu?”.
Tôi chợt nhớ khi hỏi chuyện, người đẹp T.H. có tâm sự rằng mình đã từng viết truyện ngắn. May mà em đẹp, em thành hoa hậu suốt ngày được đón rước nơi nọ nơi kia nên em không có thời gian viết lách chứ cái giống văn chương nó kị người đẹp lắm. Hình như chỉ có vài ba người được giời cho cái diễm phúc của nữ sĩ Xuân Quỳnh, người cũng đẹp mà văn cũng đẹp. Còn lại thì, giời ạ!
(sưu tầm)