TRIỆU ĐÓA HỒNG
Xưa một chàng hoạ sĩ
Có tranh và có nhà
Bỗng đem lòng yêu quý
Một nàng rất mê hoa
Và chiều lòng người đẹp
Để lấy tiền mua hoa
Chàng đã đem bán hết
Cả tranh và cả nhà
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy
Sáng hôm sau thức dậy
Nàng nhìn ra lặng người
Tưởng đang mơ vì thấy
Cả một rừng hoa tươi
Nàng ngạc nhiên, đang nghĩ
Ai đây chắc rất giàu
Thì thấy chàng hoạ sĩ
Đang tội nghiệp, cúi đầu
Họ gặp nhau chỉ vậy
Rồi đêm nàng đi xa
Nhưng đời nàng từ đấy
Có bài hát về hoa
Có chàng hoạ sĩ nọ
Vẫn vợ không, tiền không
Nhưng đời chàng từng có
Cả một triệu bông hồng
Chàng đã mua hàng triệu bông hồng
Ngoài cửa sổ cứ nhìn ta sẽ thấy
Rằng người yêu có yêu thật hay không
Khi bán nhà để mua hoa như vậy.
Andrey Andreevich Voznhesenski- Thái Bá Tân dịch
Đến với khán thính giả Liên Xô từ đầu thập niên 1980, giai điệu cùng câu chuyện tình đơn phương của họa sĩ nghèo trở thành khúc nhạc tình bất hủ, được nhiều người trên thế giới đồng cảm và đón nhận.
Trong tình yêu, sự lãng mạn vừa đủ làm duyên đôi lứa thêm nồng, tình thêm xanh thắm, ngọt ngào. Còn lãng mạn thái quá, không phù hợp với thực tế thì bị gọi là viển vông. Triệu đóa hồng là khúc ca buồn về sự lãng mạn nhưng có sức lay động lớn bởi sự chân thành, mộc mạc. Lời bài hát dựa theo câu chuyện tình yêu của chàng họa sĩ nghèo người Gruzia, Niko Pirosmani (1862-1918) và nàng ca sĩ người Pháp Magragita.
Chân dung họa sĩ Niko Pirosmani.
Niko Pirosmani sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Ông mồ côi từ bé và được hai người chị chăm sóc. Lớn lên, Pirosmani giúp việc cho các gia đình giàu có. Ngoài ra, ông từng làm nhân viên bến xe lửa, thợ sơn, người trông cửa tiệm… Pirosmani tự tìm hiểu về hội họa và tự học vẽ. Sau đó, ông kiếm sống bằng việc vẽ bảng hiệu, tranh chân dung… theo đơn đặt hàng.
Đến cuối đời, Niko Pirosmani vẫn là họa sĩ nghèo. Ông mất vào giữa năm 1918 vì thiếu dinh dưỡng và bệnh gan.
Niko Pirosmani cả cuộc đời cô đơn. Năm 25 tuổi, ông cầu hôn chị nuôi – một góa phụ tuổi 40 – và bị chối từ. Tháng 3/1909, các áp phích quảng cáo rầm rộ về bảy đêm diễn của cô ca sĩ phòng trà kiêm vũ nữ người Pháp Margarita. Niko ngay lập tức bị quyến rũ bởi nàng. Ông vẽ Margarita rồi điền ở dưới bức tranh dòng chữ “Anh yêu em”. Đó là tình yêu không được đáp lại, dù Pirosmani dùng tất cả những gì mình có để bày tỏ tình yêu với nàng.
Người đời lưu truyền chuyện tình giữa họa sĩ và ca sĩ rằng, Pirosmani đã bán tất cả gia sản – kể cả căn nhà anh sinh sống – để mua một biển hoa tặng người anh yêu. Rồi buổi sáng, khi thức giấc, trông ra quảng trường trước nơi ở, ca sĩ nhìn thấy cảnh tượng và nghĩ có lẽ triệu phú nào đã làm việc này. Khi biết là anh họa sĩ nghèo, nàng đến gặp họa sĩ và tặng anh một nụ hôn. Đó là nụ hôn đầu tiên và duy nhất trong cuộc tình đơn phương của chàng họa sĩ. Kết thúc chuyến lưu diễn, ca sĩ lên tàu rời đi, cùng một người giàu có.
Chuyện tình của Niko Pirosmani sau đó được ghi lại trong tiểu thuyết của K. G. Paustovsky. Andrei Voznesensky lấy cảm hứng từ câu chuyện đó sáng tác thơ, cũng chính Voznesensky từ bài thơ của mình, đặt lời cho nhạc của Raimonds Pauls, từ đó có bản Triệu đóa hồng.
Có anh họa sĩ sống một mình
Chỉ có một ngôi nhà nhỏ và những bức tranh
Anh mê đắm nàng ca sĩ yêu hoa.
Họa sĩ bán ngôi nhà của mình
Bán luôn những bức tranh
Rồi dùng trọn số tiền mua cả biển hoa.
Triệu, triệu, triệu bông hồng đỏ
Từ khung cửa sổ em có thấy
Người đang yêu, người yêu em thật lòng
Người đã biến cả cuộc sống của mình thành hoa để tặng em.
Buổi sáng khi em thức dậy đến bên khung cửa
Có lẽ em không ngờ tới
Ngỡ mình đang trong mơ
Quảng trường nhà em hoa lấp đầy.
Lòng em bối rối
Triệu phú nào làm một cách lạ lùng vậy?
Nhưng bên dưới cửa sổ chỉ có một hơi thở lẻ loi
Anh họa sĩ nghèo đứng đó.
Cuộc gặp gỡ thật ngắn ngủi
Chuyến tàu đêm mang nàng đi
Nhưng trong đời nàng có bài hát điên rồ về hoa hồng.
Họa sĩ vẫn sống một mình
Vất vả và đau đớn
Nhưng trong đời anh từng có một quảng trường đầy hoa.
Triệu, triệu, triệu bông hồng đỏ
Từ khung cửa sổ em có thấy
Người đang yêu, người yêu em thật lòng
Người đã biến cả cuộc sống của mình thành hoa để tặng em (*)
Sở dĩ nói Voznesensky đặt lời cho nhạc của Pauls bởi trước đó, Pauls sáng tác giai điệu và được Leons Briedis viết lời bằng ngôn ngữ Latvia, với tên gọi Marina tặng cho con (xem video). Bài hát nói về cô bé thuở ấu thơ được nghe mẹ hát một ca khúc, sau này khi lớn lên, cô hát tặng con gái giai điệu này. Nhưng chỉ khi Voznesensky viết lời bằng tiếng Nga với câu chuyện tình buồn, giai điệu như được thổi hồn mới, được chắp cánh để vượt ra khỏi biên giới một quốc gia.
Triệu đóa hồng gắn liền tên tuổi của nữ ca sĩ Alla Pugacheva. Năm 1983, với ca khúc này, Alla Pugacheva đoạt giải Bài hát của năm tại Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn Liên Xô (cũ). Đây trở thành một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất Liên Xô trong suốt thập niên 1980. Tại rất nhiều buổi biểu diễn của mình, khán giả cùng Pugacheva cất lời hát về chuyện tình chàng họa sĩ.
Trong giai thoại được kể lại, họa sĩ Niko Pirosmani tặng Margarita không chỉ có hoa hồng đủ sắc màu mà còn có cả kim ngân, huệ, anh túc, thược dược… Lời bài hát nhắc tới hoa hồng đỏ thắm – mang tính ước lệ để chỉ tình yêu. Bởi từ lâu, hoa hồng được ví là sứ giả của tình yêu, được nhiều dân tộc coi là quốc hoa. Hoa hồng cũng là đề tài thường thấy trong hoạt động sáng tác của nghệ sĩ. Họa sĩ Nga Alexei Antonov từng làm người xem mê đắm bởi những bức tranh đơn sơ, thanh tao và tinh khôi về hoa hồng, cho người xem cảm nhận được hương thơm ngát.
Hay trong nhạc Hoa ngữ, ca khúc 999 đóa hồng (ca sĩ Đài Chính Tiêu, xem video) cũng là tượng đài của những bản tình ca. Bài hát nói về sự cô đơn, buồn tiếc của chàng trai khi chia tay. Anh vốn trồng 999 cây hoa hồng cho người yêu. Chia tay rồi, hoa héo úa còn chàng trai tiều tụy. Con số 999 đóa hồng có ý nghĩa rằng tình yêu trao cho em là vĩnh cửu. Ngày nay, vẫn có không ít gã si tình dùng 999 đóa hồng bày tỏ tình yêu với người trong mộng.
Có lẽ cũng chính nhờ hoa hồng, nhờ lòng yêu mến của con người trên thế giới với hoa hồng, bài hát Nga gần gũi hơn, dễ đi vào lòng người hơn. Phải chăng vì thế mà sự lãng mạn, si tình tới mức bán nhà mua hoa của chàng họa sĩ lại nhận được đồng cảm của người nghe đến vậy? Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc , Trung… và cả tiếng Việt. Ở Nhật Bản, đây được coi là biểu tượng của tình ca.
Triệu đóa hồng vang lên trong nhiều trường học, công trường… ở Việt Nam những năm 1980-90. Bài hát được nhiều chàng trai chọn là sứ giả, giúp họ thổ lộ tình cảm với người yêu. Triệu đóa hồng đến nay vẫn có sức lay động người nghe, dù vật đổi sao dời.
sưu tầm