Thơ tình người lính biển
Anh ra khơi
Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng
Phút chia tay, anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên.
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu, lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trôi, nhưng anh không cô độc
Biển một bên và em một bên.
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên
Bão thổi chưa ngừng trong những vành tang trắng
Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng
Biển một bên và em một bên.
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không hiểu nữa. Chỉ còn anh với cỏ
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên.
Trần Đăng Khoa
(Trong “Trần Đăng Khoa – Thơ chọn lọc”
Nxb Văn hoá – Thông tin 2002)
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nổi tiếng là “thần đồng thơ” trong làng thơ Việt Nam từ thời thơ ấu. Trần Đăng Khoa từng nhập ngũ làm một chiến sĩ hải quân, theo học ở Nga, khi về nước thì làm báo, biên tập viên. Với bài thơ Thơ tình người lính biển ông đã ghi dấu tên tuổi của mình trong lòng độc giả. Bài thơ ra đời cách đây đã hơn 30 năm nhưng sức lan tỏa của nó chưa hề mất đi. Hình ảnh người lính nơi hải đảo đã được khắc họa rõ nét và gây ấn tượng mạnh trong lòng bao thế hệ bởi sự lãng mạn trong tình yêu lứa đôi kết hợp hài hòa với tình yêu Tổ quốc, giữa ham muốn cá nhân và trách nhiệm công dân lồng vào nhau làm một.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự: “Không có hình ảnh nào lãng mạn như hình ảnh người lính hải quân trước sóng gió nhưng cũng không có hình ảnh dữ dội như sự hi sinh của người lính trên biển”. Bản thân ông từng là lính hải quân nên ông viết về họ cũng là viết cho chính mình, nếu không có một tình yêu sâu sắc với người lính biển thì sẽ không thể viết được những câu thơ được xem như “bản tình ca”của người lính hải quân đẹp đến như vậy. Bài thơ là cuộc chia tay giữa anh lính hải quân với người yêu để xuống tàu làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thương yêu của Tổ quốc. Chia tay nhưng không hề bi lụy, bi thương mà vẫn ánh lên niềm tin, lạc quan và vẻ đẹp của tình yêu son sắt thủy chung. Bởi có lẽ người lính ở đây hiểu rõ hơn ai hết trong mối quan hệ giữa tình yêu cá nhân và tình yêu Tổ quốc chỉ có thể hài hòa và đẹp đẽ khi anh làm tròn được trách nhiệm của mình đối với quê hương. Bảo vệ Tổ quốc cũng chính là anh đang bảo vệ tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.
Thơ hay là thơ hàm súc, “ý tại ngôn ngoại”, bài thơ có năm khổ thơ nhưng có tới năm lần câu thơ “Biển một bên và em một bên” được lặp lại ở cuối mỗi khổ thơ. Đây là một dụng ý nghệ thuật của người viết. Biển là một phần máu thịt của Tổ quốc, là trách nhiệm anh phải giữ gìn. Em là tình yêu, là hạnh phúc của anh. Với anh điều gì cũng quan trọng và thiêng liêng, nhưng anh cũng ý thức rất rõ tình yêu cá nhân chỉ thực sự đến khi chính anh làm tròn bổn phận của một người thanh niên đối với Tổ quốc. Tình yêu chỉ đẹp khi biết đặt nó giữa cuộc đời chung chứ không phải là nghĩ cho riêng mình. Chính vì thế cho nên dù ở bất cứ đâu em cũng kề sát ở bên anh. “Phút chia tay anh dạo trên bến cảng/ Biển một bên và em một bên…”, dấu chấm lửng đặt sau câu thơ như bao tâm tình còn chưa nói hết. Anh sánh bước bên em nơi bến cảng xôn xao và nhận ra “Biển ồn ào, em lại dịu êm”, cả hai hình ảnh biển và em là phần bổ khuyết cho nhau trong tình yêu người lính. Tình yêu Biển hay nói rộng ra là tình yêu Tổ quốc luôn sục sôi mãnh liệt trong trái tim anh. Còn tình yêu em lại đằm thắm ngọt ngào để nâng đỡ anh qua những ngày xa cách. Rồi “Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn/ Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc/ Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc/ Biển một bên và em một bên…”, ý thơ toát lên một điều giản dị mà xúc động, “anh không cô độc” bao giờ bởi trong anh luôn có tình yêu Tổ quốc, có hậu phương và có hình bóng của em. Và cho dù : “Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên/ Bão thổi chưa ngưng trong những vành tang trắng/ Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng/ Biển một bên và em một bên”. Một bên biển, một bên em, một bên là Tổ quốc, một bên riêng, một bên là trách nhiệm, một bên là tình yêu. Và anh luôn xứng đáng với tình yêu của em khi vẫn hiên ngang nơi đầu sóng ngọn gió, “anh đứng gác” đã hóa thân thành cột mốc kiên định chủ quyền lãnh hải, là biểu tượng của lòng yêu nước và sự kiêu hãnh của dân tộc Việt Nam.
Kết lại bài thơ vẫn là điệp khúc: “Biển một bên và em một bên…” như một lời khẳng định anh luôn trung thành, luôn chung thủy với tình yêu đất nước, tình yêu lứa đôi dẫu bao giả định, bao bất trắc có thể xảy ra. Đó là tình yêu vĩnh hằng thiêng liêng của người lính biển. Bài thơ có nhịp điệu dào dạt như những nhịp sóng vỗ bờ da diết, dìu dặt, khi được nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc nó nhanh chóng được người nghe đón nhận và trở thành ca khúc vượt thời gian.
sưu tầm