google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

TÔ HOÀI - NGƯỜI RA ĐI, CHỮ MÃI CÒN Ở LẠI - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

TÔ HOÀI – NGƯỜI RA ĐI, CHỮ MÃI CÒN Ở LẠI

Một đời cần cù đi và viết như chưa lúc nào ngơi nghỉ, nhà văn Tô Hoài đã ra đi nhưng, bạn đọc sẽ còn nhớ mãi nhà văn trong hình bóng “Dế mèn phiêu lưu ký”, trong câu chuyện của “Vợ chồng A Phủ” hay “Chuyện cũ Hà Nội”… ngay cả khi tác giả đã hóa thân thành “Cát bụi chân ai”…

Nhà văn Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, sinh ngày 27-9-1920, trong một gia đình làm nghề dệt lụa ở huyện Thanh Oai, Hà Đông

Học hết bậc tiểu học, Tô Hoài vừa tự học, vừa làm đủ các nghề để kiếm sống như dạy học, bán hàng, kế toán hiệu buôn… Sự nghiệp văn chương của Tô Hoài bắt đầu từ những tác phẩm in trên Hà Nội tân văn và Tiểu thuyết thứ bảy vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX.

Với các bút danh khác nhau, như: Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Duy Phương, Hồng Hoa… khi đến với văn chương, nhà văn Tô Hoài nhanh chóng gặt hái thành công và được nhiều người yêu mến. Qua hơn 75 năm lao động nghệ thuật không mệt mỏi, nhà văn Tô Hoài đã để lại khối di sản khổng lồ với hơn 170 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: Truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác… cho đối tượng bạn đọc là người lớn và thiếu nhi.

Trong số những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của nhà văn Tô Hoài, phải kể đến “Dế mèn phiêu lưu ký” – cuốn sách của tuổi thơ mà ông sáng tác năm 1942 – khi đó, ông mới 22 tuổi. Cuốn sách được tái bản nhiều lần, được dịch và xuất bản ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm đã trở thành truyện “gối đầu giường” của biết bao thế hệ độc giả Việt Nam.

Có lần, nhà văn Tô Hoài đã kể về tác phẩm để đời của mình như thế này: Khi tôi vừa bước khỏi tuổi thiếu niên, tất cả những trò chơi ở bãi sông đầu làng của tuổi thơ đã vào thẳng tác phẩm của tôi. Khi cầm bút, những nhân vật trong truyện không cần phải nghĩ mãi mới ra mà nó đã nằm giữa những say mê của mình.

Ra đời từ chính những ký ức một thời niên thiếu, “Dế mèn phiêu lưu ký” lập tức trở thành tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Với cách quan sát, cái nhìn tinh tế về loài vật, kết hợp với những nhận xét thông minh, hóm hỉnh, nhà văn đã đưa trẻ nhỏ đến với thế giới loài vật sinh động và cũng đầy yêu thương. Ai đã từng đọc “Dế mèn phiêu lưu ký” chắc chắn sẽ không thể quên tình bạn gắn bó của Dế Mèn, Dế Trũi, Xiến Tóc trầm lặng, chị Cào Cào ồn ào duyên dáng, Bọ Ngựa kiêu căng hay Cóc huênh hoang… Mỗi một loài vật, nhà văn lại dùng ngòi bút của mình để lột tả rõ nét tính cách và đời sống riêng của chúng, để từ đó, bày tỏ quan niệm của chính tác giả về nhân sinh, về khát vọng của người lao động, về một cuộc sống hòa bình, yên vui và sự đoàn kết.

Truyện ngắn xuất sắc “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài viết về đề tài miền núi Tây Bắc được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (năm 1953) là một tác phẩm nổi tiếng khác mà mỗi khi nhắc đến nhà văn, người đọc không thể không nhắc tới. Tác phẩm được giải Nhất về truyện, ký (đồng hạng với tác phẩm “Đất Nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc) – giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. “Vợ chồng A Phủ” cũng được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh.

Cùng với “Những ngõ phố”, “Mẹ Mìn bố Mìn”,… đọc “Chuyện cũ Hà Nội” – cuốn từ điển sống về văn hóa và từ ngữ dân gian của Hà Nội, độc giả có thể thấy được tình yêu đối với Hà Nội của nhà văn Tô Hoài. Đây là tập ký sự của ông kể về những câu chuyện gắn liền với con người, cảnh vật, phố phường Hà Nội của ngày xưa. Một điều khiến tập ký sự này hấp dẫn là vì những câu chuyện, con người trong cuốn sách đều hoàn toàn có thật, tạo cảm giác thân thuộc, đầy sức sống cho Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử. Qua tác phẩm này, người đọc dù đến từ miền đất nào hay được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này, đều cảm được cái tinh khôi, dịu dàng của một Hà thành xưa cũ, cổ điển. Nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ: “Cuộc đời này, tôi sống vắt mình suốt từ những thập niên đầu của thế kỷ XX cho đến tận bây giờ. Mọi ngã rẽ, bước ngoặt trong câu chuyện đời tôi đều gắn với những bước thăng trầm của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến này”. Có lẽ vì thế mà những ký ức về Hà Nội luôn đong đầy trong những trang văn và câu chuyện của nhà văn Tô Hoài.

Trích bài viết đăng trên: Tạp chí Cộng sản

Bình luận Facebook