Chúng ta vẫn luôn mong muốn rằng tình yêu vĩnh cửu, trong khi chúng ta lại biết rõ sự thật không là như thế…
Khoảng thời gian để tình yêu phai nhạt là sau bao lâu đắm say?
Khi tham gia một số cuộc trò chuyện, tôi nhận thấy rất rõ ràng chị em phụ nữ thường hay kêu ca dạo gần đây chồng mình/bạn trai mình tệ bạc quá, vô tâm và hờ hững quá. Chẳng giống như cái khoảng thời gian đầu lúc mới yêu.
Lúc mới yêu ấy mà, đợi cô ấy trang điểm một vài tiếng vẫn vui lòng. Một tuần gặp hai – ba lần thì thấy vẫn còn ít, muốn ngày ngày được nhìn thấy nhau mới thỏa nhớ nhung. Lúc mới yêu nhắn tin chậm một tí thì hỡi ôi réo rắt điện thoại hỏi han xem em đi đâu thế, em có làm sao không? Và hiển nhiên, khi nàng gặp trục trặc một xíu sẽ quáng quàng phi thân như siêu anh hùng đi giải cứu thế giới. Bởi thế cho nên người ta mới nói “lúc mới yêu thật vui biết bao nhiêu…”
Để giờ đây, sau khi cuộc tình đã đi qua vài cơn chếnh choáng, sau khi đã dốc cạn cả đắm say và những triền miên nhung nhớ, thì người ta lại thấy cuộc tình cứ ơ hờ trôi qua theo thời gian. Thời gian càng lâu, tình cảm càng nhạt, cách thể hiện cũng chẳng còn nồng nhiệt như xưa.
Dẫu biết là tình cảm sẽ nhạt đi, nhưng có con số cụ thể tháng ngày nào để đong đếm hay không? Xin thưa rằng không. Có người yêu nhau chín năm, kết hôn và sống với nhau sau đó hai năm, tình vẫn còn nguyên như mới. Lại cũng có người yêu nhau chưa đi hết mười hai tháng tròn mà đã thấy đối phương có dấu hiệu bỏ mặc mình với cô đơn … Cho nên, tiếng than vãn trong tình yêu khi tình cảm dần phai nhạt gần như không có một cột mốc hay số đo cụ thể. Nếu có đo, chỉ là đo lòng người.
Khi lòng người ta còn hướng tới bạn, trái tim người ta còn yêu bạn, thì người ta sẽ thấy những tháng năm đã qua chẳng bõ bèn gì cả. Những tháng năm sắp tới vẫn đang xanh tươi và cái cây tình yêu thì vẫn còn đang khát khao nắng, gió, nước và chất dưỡng để vươn mình lớn dậy. Cho nên, người ta mới cần mẫn chăm chút và vun trồng, hệt như một người làm vườn thực thụ: tỉ mỉ và cẩn thận từng ly từng tí. Những người yêu ấy của bạn đến với bạn không phải bởi vì bạn có phước, mà bởi người ta có lòng.
Còn một số trường hợp, yêu nhau ngày tháng ngắn, đắm say nhau như thể yêu từ cái nhìn đầu tiên, kiếm tìm nhau chớp nhoáng và thấy tim bay rộn ràng tung tóe. Hóa ra lại chỉ mật ngọt được một thời gian đầu, dần về sau, dần phai nhạt. Có người hỏi tôi liệu đó có phải là hết yêu không? Cũng có thể lắm chứ, nhưng tôi lại nghi ngại rằng người ta không hết yêu – bởi hết yêu sẽ tìm cách chấm dứt cơn mộng mị trong nhau bằng một lời chia tay quân tử – mà tôi cho rằng đó là dấu hiệu của cái sự “chán yêu” rồi. Tại sao người ta lại chán yêu, dù rằng vẫn bên nhau như danh nghĩa người yêu thương nhất?
Có nhiều nguyên do đến dẫn tới việc cảm xúc dần phai nhạt, cách thể hiện quan tâm chẳng còn nồng nàn như trước, và như bên trên tôi dẫn tới là sự chán yêu đơn thuần. Nhưng lại thêm một câu hỏi tại sao nữa được đặt ra. Là tại sao người ta chán yêu? Tại sao người ta lười thể hiện tình cảm và cảm xúc của mình, thông qua cả hành động lẫn ngôn từ?
À, đơn giản lắm. Là bởi vì thứ đã có được thường giảm dần sức hút. Thậm chí khi bạn quá ngoan, bạn quá hiền, bạn quá đơn giản, bạn cũng vô tình biến mình thành một người không còn chút sức hút nào. Tình yêu không bất biến, tình yêu rõ ràng sẽ có lúc tăng và lúc giảm, tùy thuộc vào người mà ta sẽ yêu và những việc mà chúng ta cùng làm.
Vậy thì tại sao bạn vẫn luôn yêu đương đối phương da diết, đối phương lại đối với bạn hững hờ? Đơn giản vì bạn vẫn còn cảm thấy đối phương có sự thu hút nhất định, và bạn chấp nhận đồng thuận với sự an yên trong tình yêu. Bạn không thích kiếm tìm cái mới lạ, bạn không thích sự thay đổi, bạn cần sự bình ổn theo thời gian. Trong khi đối tác của bạn, có thể lắm chứ, không hoàn toàn như thế!
Người ta cần những thử thách được giăng ra tiếp theo, để người ta có cảm hứng được chinh phục. Người ta cần những điều mới mẻ để hâm nóng tình cảm, để những sục sôi trong trái tim được nảy nở hệt như thời gian đầu gặp gỡ. Và việc để cho mọi thứ trượt xuống cái hố cảm xúc nguội lạnh cũng một phần do bạn, nên khó trách người ta thờ ơ hay không còn nồng nhiệt như lúc trước. Đừng bao giờ có ý nghĩ vun trồng cây tình yêu một mình!
Tôi chỉ lấy ví dụ đơn giản như thế này. Trước đây khi muốn hẹn hò với bạn thì phải tìm cớ tìm cách, phải lân la dò hỏi thời gian bạn rảnh, lúc bạn cao hứng muốn đi, và điều đó làm cho người ta dâng lên cái ham muốn được chinh phục tột đỉnh. Càng khó nắm giữ thì món đồ càng đắt giá, càng có giá trị. Về sau, khi bạn tìm mọi cách để tạo cho người ta cơ hội được gặp gỡ, bạn sẵn sàng thỏa hiệp để sắp xếp thời gian rảnh của mình và ở bên người ta mọi lúc, người ta lại thấy việc gặp bạn thường xuyên quá dễ dàng, và người ta chẳng cần phải khao khát nữa.
Tốt hơn hết, hãy cứ tin rằng tình yêu là một vòng tròn không ngừng nghỉ của sự đuổi bắt. Mà trong đó, nhất định phải có người khởi xướng để chơi trò chơi chạy đi, cho người còn lại kiếm tìm. Chỉ có như thế, công cuộc yêu đương của bạn mới không sợ hãi một ngày nào đó một trong hai (hoặc cả hai) trật ra ngoài đường ray.
Và quay lại về câu chuyện yêu nhau chín năm, kết hôn và sống với nhau hai năm nhưng tình vẫn còn như mới trên kia, hay như bao nhiêu cặp đôi khác có thể ăn đời ở kiếp với nhau… Là bởi vì họ luôn biết cách làm mới mình, làm mới mối quan hệ của mình, tự trân trọng bản thân và không quá nuông chiều đối phương – đó chính là chiếc chìa khóa mấu chốt!
Bạn thân mến, đôi khi yêu một người quá nhiều, quá cam chịu, quá hy sinh, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi chưa chắc đã là một điều hay. Vì rất có thể người ta sẽ trở nên thừa thãi những cái đã “quá” ấy mà trở nên chán nản, họ sẽ quay đầu để đi tìm những thứ mà họ thấy thiếu thốn hơn nhưng lại khiến họ hưng phấn hơn.
Nên nhớ nhé, tình yêu là cuộc hành trình của hai người, khi bạn cố gắng không ngừng thì cũng hãy yêu cầu sự nỗ lực cố gắng tương tự từ đối phương. Tuyệt đối, đừng chỉ vun trồng cây tình yêu một-mình!
ST