‘Tình khúc 24’ – hoài niệm về mối tình thời trẻ của Phú Quang
Tình khúc 24
24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau
Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về
Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt
Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm
Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá
Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ
Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng
anh giữ
Dương Tường
1967
Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên.
Nguồn: Dương Tường, Mea culpa và những bài khác, NXB Hải Phòng, 2005
Ca khúc phổ thơ Dương Tường được nhạc sĩ viết tặng cô gái ông từng cảm mến.
Phú Quang kể ông thích một cô bạn học dương cầm từ năm 17 tuổi tới năm 24 tuổi. Tình cảm chỉ dừng ở mức đôi bên quý mến nhau. Cô gái sau này sang Pháp, họ vẫn coi nhau như bạn bè. Năm 1986, nhạc sĩ Phú Quang – khi đó ngoài 30 tuổi – bắt gặp bài thơ Tình khúc 24 của nhà thơ Dương Tường. Bài thơ cũng được tác giả viết tặng một cô gái 24 tuổi mà ông thích. Nhớ lại chuyện xưa, trùng nhịp cảm xúc, Phú Quang liền phổ nhạc. Ông nói mình “viết chơi ôn lại kỷ niệm” về một câu chuyện đẹp thời đôi mươi.
“24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu
Đại lộ tháng tư”
Con số 24 trở thành tín hiệu của cảm xúc. Khi ta còn trẻ và thích một người, cả thế giới dường như vận hành theo người đó. Cô gái 24 tuổi nên vạn vật xung quanh đều dừng ở hệ số đếm 24. Từ những câu thơ tự do của Dương Tường, Phú Quang biến nó thành những giai điệu rung ngân. Đoạn đầu ca khúc nghe như ai đó vừa chạm vào từng phím đàn, mở ra cả khoảng trời lãng mạn, tinh khôi, rộn ràng, phóng khoáng. Màu sắc, hình ảnh, thanh âm của tuổi trẻ, tình yêu đều hiện diện trong con số 24.
Với nhiều cô gái, 24 là tuổi đẹp nhất của đời người. Họ đã đi qua những năm đầu tuổi 20 chênh vênh để nhận ra mình là ai. Sự lãng mạn đã đủ đầy và đằm hơn. Họ vẫn mơ mộng nhưng trong mơ mộng đã có thêm nhiều nỗi buồn của những lần tan vỡ, thất bại. Họ vẫn trẻ trung, yêu đời nhưng cũng bắt đầu ngẫm ngợi về tương lai. Tuổi 24, nhiều cô gái đã bỏ lại sau lưng vài cuộc tình thời đại học, có người bước vào cuộc sống hôn nhân, có người còn hoang mang với lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường. Những điều đẹp đẽ nhất, gửi lại cho tuổi 24. Với Dương Tường hay Phú Quang, họ gửi cả cuộc tình thời trẻ ở lại cùng tuổi 24 của cô gái.
“Gửi lại em
Tờ thư 24 gác mưa
Mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
Cơn mơ
Chợt hiện chợt tan”
Giai điệu như nhịp đếm của đoạn đầu nhanh chóng chuyển sang sự dàn trải, miên man. Mọi thứ trước mắt bỗng hóa thành vùng kỷ niệm mơ hồ, khó nắm bắt. Khi cuộc tình kết thúc, người con trai để lại tất cả điều đẹp nhất của một cuộc tình và ra đi. Cả kỷ vật, mùi hương, con đường quen đều gói ghém trả lại cho cô gái. Còn cô góa bụa cuộc tình.
“Gửi lại em
24 lối công viên
24 vầng trăng góa
Anh gửi lại em tất cả
Riêng đêm em xòa
24 quầng bóng xuống đời
Anh giữ lại cho anh”
Trong bài thơ của Dương Tường, ông viết: “Riêng đêm em xòa bóng nốt ruồi/ 24 quầng/ anh giữ”. Khó cắt nghĩa được hình ảnh “xòa bóng nốt ruồi”. Có thể đó là hình ảnh thân thuộc nhất của người con gái mà Dương Tường giữ lại trong tâm trí sau khi chia tay. Hình ảnh đó tưởng hiện thực, cụ thể nhưng lại trừu tượng. Phú Quang chia sẻ ông đã thay đổi lời thơ để ca từ mềm mại hơn, hình ảnh cũng vẫn trừu tượng nhưng bay bổng, dễ hiểu hơn. “24 quầng bóng xuống đời” có thể là tuổi của cô gái, có thể là nỗi buồn của cô gái, là cái bóng của cô. Hay như Phú Quang lý giải, nó có thể là thân hình của người nữ trong đêm thân mật mà người đàn ông không thể quên. Đó là những gì còn vương vấn lại của một mối tình.
Nhạc sĩ kể năm 1986, khi Dương Tường hay tin ông phổ nhạc bài Tình khúc 24, nhà thơ từ Hà Nội vào Sài Gòn, mang cả ba lô đến thẳng nhà Phú Quang. “Thơ anh vốn rất khó phổ, nên nghe tin Quang làm, anh rất tò mò”, Phú Quang nhớ Dương Tường nói. Trong căn phòng ở Sài Gòn, Phú Quang đệm piano hát Tình khúc 24 cho Dương Tường nghe. Theo lời nhạc sĩ, bản nhạc đó được Dương Tường rất thích và cảm động.
Đầu thập niên 1990, Hồng Nhung là ca sĩ đầu tiên thu âm Tình khúc 24. Nữ ca sĩ từng kể năm đó chị 22 tuổi, thích một người con trai 24 tuổi, cao lớn, đẹp trai. Được nhạc sĩ Phú Quang cho thu âm ca khúc, chị hát cho chính người con trai đó. Từ mối duyên với con số 24 của Dương Tường đến Phú Quang và Hồng Nhung, ca khúc đi vào lòng người nghe. Thuở ban đầu, Hồng Nhung hát với chất giọng lanh lảnh, khiến nỗi buồn trong Tình khúc 24 trong trẻo, vang vọng. Qua thời gian, tiếng hát có độ dày khiến nỗi buồn kéo dài miên man trước khi kết thúc trong nốt lặng của cảm xúc: “Riêng đêm em xòa/ 24 quầng bóng xuống đời/ Anh giữ lại cho anh”.
sưu tầm