Nhà văn Nguyễn Tuân sinh năm 1910, so với nhà văn Ngô Tất Tố (sinh năm 1894) thì thuộc thế hệ “đàn em”, nhưng sinh thời, hai ông đã từng có những kỷ niệm rất mật thiết với nhau, như bạn bè đồng trang lứa.
Tác giả Vang bóng một thời có lần nhớ lại: Hồi ấy (quãng những năm ba mươi), nhiều đêm Ngô Tất Tố thường ngồi ở toà soạn một báo nọ trong góc phố Hàng Da để viết bài. Nguyễn Tuân trẻ trai thường hay đi chơi về khuya nên thỉnh thoảng lại tạt qua đây ngủ nhờ. Bao giờ cũng vậy, trông thấy bộ dạng Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố lại vui vẻ hỏi: “Thế nào, có vui và đông lắm không? Thôi bác thức, tôi đi ngủ đây”. Và Nguyễn Tuân tâm sự: “Nhiều đêm về oi ả quá, tôi chỉ muốn ngủ, còn viết gì thì viết, mai hãy hay. Nhìn những trang viết dở của bác Tố trên bàn, tự nhiên trong người thấy đứng đắn trở lại. Và ngồi vào trước tờ giấy trắng, vừa ngáp vừa nhìn ông bạn vong niên ngon giấc sau khi đã viết một số trang kia”.
Đấy là một kỷ niệm với Ngô Tất Tố lúc ông còn sống, trong đó Nguyễn Tuân không hề phủ nhận vai trò “động viên” tinh thần của bậc đàn anh trong quá trình sáng tác.
Sau khi Ngô Tất Tố mất (1954), năm 1962, Nguyễn Tuân có viết lời giới thiệu cho cuốn Tắt đèntái bản, ông được trả nhuận bút tới… 500 đồng. Giới xuất bản cho đấy là mức “tuyệt trần cao của loại văn đề tựa” (vì theo Nguyễn Tuân cho biết, phở lúc bấy giờ chỉ ba hào một bát). Chưa hết, khi vào vai Chánh tổng trong phim Chị Dậu(chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt đèn), ngoài thù lao vai diễn, Nguyễn Tuân càng có thêm nhiều quần chúng biết đến. Ông kể lại: “Đi trên hè phố, nhiều người tôi không quen nhưng nhìn tôi với nụ cười cảm tình với một nhân vật màn ảnh họ vừa nhận ra”.
Đối với Nguyễn Tuân, ông có niềm vui thật trọn vẹn khi nhớ về tình bạn giữa ông và Ngô Tất Tố: Một tình bạn buổi ban đầu đến với văn chương, một tình bạn trong những năm kháng chiến gian khổ, một tình bạn trên trang sách mà ông viết lời giới thiệu và một tình bạn trên những thước phim mà ông tham gia một cách tâm huyết.
sưu tầm