Nguyễn Nhật Ánh sinh ngày 7 tháng 5 năm 1955 tại làng Đo Đo, xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là 1 văn nhân được biết đến với nhiều tác phẩm văn học về đề tài tuổi mới lớn, các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh rất được độc giả ưa chuộng và nhiều tác phẩm đã được chuyển thể thành phim
Để viết nên những trang văn thơ sống dậy tuổi thơ của bạn đọc, chắc hẳn thưở thơ ấu của Nguyễn Nhật Ánh cũng muôn màu muôn vẻ. Qua bài viết này, bạn đọc sẽ khám phá một vài mẩu chuyện nhỏ về thưở còn teen của ông.
TỪNG LÀM THƠ “LUỘM THUỘM”
Trước năm 1975 tại miền Nam, học sinh phổ thông thích lập “bút nhóm”, “thi văn đoàn” để cùng động viên nhau trên bước đường sáng tác!
Ít ai biết trong công tác tư liệu, anh làm việc khá chỉnh chu và khoa học không khác gì một… quản thủ thư viện, nghĩa là anh rất ngăn nắp và bài bản. Điều này không lạ, bởi thời đi học, anh học rất giỏi môn Toán và đến bây giờ, anh vẫn còn say mê môn Toán và có thể nói chuyện hằng giờ nếu gặp người cùng sở thích.Các “mầm non văn nghệ” ít khi sử dụng tên thật, mỗi người đều tự đặt bút danh rất hoành tráng.
Nếu nhà thơ Nguyễn Thái Dương ký Nguyễn Mặt Trời, Huỳnh Như Phương ký Lê Hồ Phủ, Lê Minh Quốc ký Thiên Bất Hủ, Phạm Sỹ Sáu ký Ngy Xuân Sơn… thì Nguyễn Nhật Ánh ký bút danh mướt rượt Hoài Mộng Diễm Thư! Có thể hiểu là “mơ màng sách hay”. Bút danh này như “vận” vào cuộc đời của một nhà văn có sách bán chạy nhất hiện nay. Nếu sách không hay thì làm sao bán chạy?
Thời tiểu học, Nguyễn Nhật Ánh học ở Trường Tiểu La và sau đó tiếp tục học trường Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh tại Quảng Nam – Đà Nẵng. Lúc này, anh bắt đầu tập tành viết lách.
Vài chục năm sau, được đọc quyển sổ tay ghi chép những sáng tác này (do nhà thơ Nguyễn Thái Dương, lúc đó là thư ký tòa soạn báo Mực Tím, đưa cho xem và nhờ đánh giá, không nói là của ai), nhà thơ Đỗ Trung Quân có vài nhận xét khá hóm hỉnh, cam đoan đọc xong ta sẽ phì cười một cách vui vẻ:
“Bài thơ đầu tiên tôi đọc có tựa là Nhớ :
Sơn ơi mi đã xa ta
Sơn sang ngũ một, ta là ngũ hai
Trời ơi! Số kiếp chia hai
Sơn đi ta ở tuy hai một trường
Luộm thuộm không thể tưởng nổi. Đấy là ý nghĩ đầu tiên của tôi. Tuy vần lục bát chuẩn lắm nhưng “tuy hai một trường” thì thật không chịu được. Tôi nén lòng đọc tiếp:
Sơn đi như ngựa buông câu
Ta, Hoa ở lại biết đâu ngày về …
Ôi màn xa cách vẫn buông
Sơn đi nào khác con chuồn tung cao”.
Mất đến hai phút “tra cứu”, tôi mới tìm ra “con chuồn” của câu thơ không phải… con ách chuồn của bài 52 lá, cũng không phải… con cá chuồn ngoài biển, mà đích thực là con chuồn chuồn ngoài đồng nội. Thế là rõ! Tác giả mô tả cuộc “chia ly” đổi lớp dù vẫn chung một trường (vậy mà thống thiết bi ai quá xá cỡ) và không thể viết đầy đủ là con chuồn chuồn vì câu bát không thể có 9 từ!”.
VÀ “VĂN VỤNG, Ý NGHÈO”
Mới học chừng lớp đệ ngũ (tức lớp 8 hiện nay), nhưng Nguyễn Nhật Ánh gieo vần thơ lục bát như thế đã là chỉn chu lắm chứ! Có điều nội dung thì… đúng như nhà thơ họ Đỗ nhận xét. Không chỉ thơ, Nguyễn Nhật Ánh còn sáng tác cả văn xuôi. Ta hãy đọc tiếp lời bình của nhà thơ họ Đỗ:
“Và đây truyện ngắn Kiếp sống không tình thương mở đầu thật hứa hẹn: Đêm ba mươi tết! Cả đại lộ Lê Lợi của thành phố Sài Gòn bật đèn sáng choang làm chóa mắt hành khách. Và mạch truyện dẫn đến một “nhân vật” thằng bé được mô tả như sau: Không ai chú ý đến hắn 1 thằng bé thu mình trong ngõ hẻm tranh tối, tranh sáng, người hắn đen đúa vàng khè như màu đất, hắn mặc một chiếc quần độc nhất trước kia màu xanh lơ nhưng đã ngả sang màu vàng vì lớp gió bụi của thời gian, và 01 chiếc áo ngắn tay tiệp màu vàng rách te tua tuy có vá nhiều chỗ nhưng thô sơ, vụng về không che nổi cái bụng xanh lè của hắn…”.
Bạn đọc đủ “đổ mồ hôi hột” và tóe đom đóm mắt vì sự mô tả một nhân vật có “đủ thứ màu” nhưng chẳng rõ màu nào là màu chủ đạo? Xanh lè? Đen đúa? Vàng khè? Nếu là thầy dạy văn, chắc chắn tôi chỉ có thể hạ bút đỏ với lời phê “văn vụng, ý nghèo”.
Phê như thế không sai, nhưng Đỗ Trung Quân không hề biết những sáng tác đó đã “dự báo” đầy hứa hẹn về một “mầm non văn nghệ” có tên Nguyễn Nhật Ánh. Thật vậy, khi lên lớp 10 Nguyễn Nhật Ánh đã có bài thơ Nẻo hồi sinh, in trên tập san văn nghệ của nhà trường. Sau này nhớ lại, nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ, thầy dạy văn lớp 10 của Nguyễn Nhật Ánh, cho rằng ngay từ lúc đó Nguyễn Nhật Ánh “đã có dấu hiệu của một tài năng”.
TÀI NĂNG NỞ RỘ TỰ LÚC THƠ BÉ
Suốt thời gian trung học, Nguyễn Nhật Ánh đã có thơ, truyện in lai rai trên các báo Tuổi Ngọc, Hoa Tình Thương, Phổ Thông… và nhất là tạp chí Văn. Thời đó, tạp chí Văn – số đầu tiên phát hành ngày 1.1.1964, tòa soạn ở 38 Phạm Ngũ Lão (Sài Gòn) được đánh giá là sân chơi sáng giá nhất trong giới hoạt động văn học nghệ thuật tại miền Nam. Sự xuất hiện của anh trên tạp chí Văn đã được nhiều người biết đến.
Hầu hết những bài thơ in trên tạp chí Văn, Nguyễn Nhật Ánh vẫn lưu giữ được. Nếu ai cần tham khảo, chỉ trong nháy mắt, anh có thể cung cấp đầy đủ. Ngay từ thời đi học, anh đã mê đọc sách. Hầu như ở lãnh vực nào anh cũng ghé mắt đến. Nhà anh nhiều sách lắm và cũng nhiều thư của độc giả ái mộ gửi đến và anh gìn giữ cẩn thận.
Có lần anh tâm sự: “Thuở bé, tôi rất mê đọc sách. Tôi bị quyến rũ bởi các tác phẩm của Thạch Lam, Khái Hưng, Tô Hoài, Thế Lữ, đắm chìm trong những trang sách của Edmond de Amicis (Tâm hồn cao thượng), Victor Hugo (Những người khốn khổ), Hertor Malot (Không gia đình), và tôi mơ ước sau này mình sẽ trở thành nhà văn.
Lớn lên, qua nhiều khúc quanh của cuộc đời, cuối cùng tôi cũng trở thành nhà văn và sống được bằng chính cái nghề mình yêu thích từ thuở ấu thơ, đó là hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Nếu bây giờ tôi kiếm được rất nhiều tiền mà không phải bằng nghề mình yêu thích, có lẽ tôi không cảm thấy hạnh phúc thực sự”.
Theo Dòng Đời