7 giờ 55 phút sáng 28 Tết, một người đàn ông gọi điện đến Công an khu Hải Định (Bắc Kinh), lo lắng nói: “Đồng chí cảnh sát, con trai tôi đã bị bắt cóc!”.
Trước đó, Dương Học Cương nhận được điện thoại của một người lạ: “Con trai anh đang ở trong tay tôi”.
“Đồ lừa đảo!” – Dương Học Cương tắt điện thoại.
Chỉ hai phút sau, lại có điện thoại, vẫn là: “Con anh đang ở trong tay tôi”. Dương Học Cương mắng: “Đồ thần kinh!” rồi tắt máy và quay sang nói với vợ là Lý Hiếu Bình: “Là kẻ lừa đảo. Đừng nghe chúng nói mò!”.
Lý Hiếu Bình vừa gật đầu thì điện thoại lại đổ chuông: “Con anh đang ở trong tay tôi, không tin, hãy gọi điện đến trường!”.
Dương Học Cương toát mồ hôi trán, đáp: “Chưa nghe thấy tiếng của con thì làm sao biết là có đúng như anh nói không?”. “Quá dễ! Hãy nghe tiếng nói của nó nhé!”. “Bố ơi, con bị bắt cóc rồi, bố hãy mau đi vay tiền để cứu con!”. Tiếp theo là một giọng cười độc ác: “Hãy chuẩn bị 68.000 tệ, chờ điện thoại của tôi. Nếu định báo cảnh sát, hãy nghĩ đến tính mạng của con anh!”. Lúc đó là 7 giờ 55 phút, hai vợ chồng quyết định gọi ngay cho 110.
Cảnh sát phân tích “Dương Học Cương ở nhà to, đắt tiền, lại là chủ nhà hàng cơm Tây, kinh doanh phát đạt, vốn liếng tới hàng chục triệu tệ, nếu kẻ bắt cóc là người quen thì ít ra phải đòi mấy chục vạn, thậm chí hàng trăm vạn tệ. Người này nói giọng Tứ Xuyên, lại chỉ đòi có 6,8 vạn tệ tiền chuộc nên rất có thể là người lạ”.
Binh Binh lúc đó đang ở đâu, tính mạng cậu bé ra sao?
Nguyên là, Binh Binh vừa đến ngã tư thì bất ngờ bị một người đội mũ, đeo khẩu trang dùng tay bịt miệng, cùng một người khác đẩy cậu lên chiếc xe ba bánh có mui che đang chờ sẵn. Một tên rút dao nhọn dọa: “Không được kêu, nếu kêu là tao giết!”. Chiếc xe rồ ga, chạy đi.
Một tên nói: “Tiểu Nghị, hỏi xem nhà nó làm gì”. Tên Tiểu Nghị quát khẽ: “Không được kêu!”. Binh Binh gật đầu thì hắn bỏ tay khỏi miệng cậu. Cậu vội nói: “Các chú đừng hại cháu”. Tên Tiểu Nghị đáp: “Nếu mày không kêu, tao sẽ không làm gì mày”.
Binh Binh tự nhủ “đừng chọc tức chúng”. Sau này được biết, Tiểu Nghị tên là Dương Nghị, 33 tuổi; tên kia là Trương Quân Ngạn, 37 tuổi, đều là người Tứ Xuyên, đến Bắc Kinh buôn bán hoa quả, ở trọ gần nhà Binh Binh, vì làm ăn thua lỗ đang tìm cách kiếm tiền để về quê ăn Tết. Trương Quân Ngạn bàn: “Chủ nhân những ngôi nhà to này đều là người có nhiều tiền. Hãy bắt một đứa trẻ con để đòi tiền chuộc!”. Dương Nghị đồng ý.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú. |
Qua theo dõi, chúng biết Binh Binh thường đi học một mình. Hôm đó, nhân lúc vắng người, hai tên liền ra tay. Trương Quân Ngạn bảo: “Nhóc con, muốn sống thì hãy nói ra số điện thoại của bố mày!”. Binh Binh vội nói số điện thoại của bố, hắn lại hỏi: “Thế bố mày làm gì?”. Lúc đó, Binh Binh đã bình tĩnh, tìm cách đối phó…
Binh Binh không được nuông chiều mà được rèn luyện năng lực độc lập, tự chủ và khả năng giao tiếp, tự mình đến trường và trở về nhà, được nhắc nhở chú ý an toàn, nếu gặp người xấu thì phải bình tĩnh, mưu trí chờ cảnh sát đến cứu. Cậu còn thường xuyên được bố mẹ đưa đến nhà hàng để giao lưu với nhân viên và khách hàng. Vì thế, cậu có vốn sống phong phú, hiểu biết về xã hội. Binh Binh nghĩ, nếu cho chúng biết là bố mẹ có cửa hàng lớn và có nhiều tiền thì chúng sẽ giống những con sư tử há to miệng.
Thế là, cậu sụt sịt: “Bố mẹ cháu đến Bắc Kinh làm thuê cho hàng ăn, làm gì có tiền!”. Trương Quân Ngạn hoài nghi: “Không thể nào! Làm thuê mà ở căn nhà to thế sao?”. Binh Binh nghĩ “hỏng rồi, hóa ra là chúng biết nhà mình ở đâu” nên nói ngay: “Đấy là nhà của ông chủ nhà hàng cho nhà cháu ở tạm, nhân thể trông nom cho ông ấy luôn”.
Dương Nghị chán nản nói: “Thật mất công vì gặp phải cái loại nghèo mạt, cứ tưởng là người ở tiểu khu ấy phải có nhiều tiền, hóa ra chẳng hơn gì chúng ta”. “Đằng nào cũng bắt nó rồi, cứ gọi cho nhà nó là mình cần tiền. Nhưng là bao nhiêu tiền thì được? Thôi thì cứ nói sáu vạn tám nghìn tệ đi, số đẹp: sáu thuận, tám phát, rồi thì bao nhiêu cũng được, kể cả ba vạn, để cho nhà nó mặc cả…”.
Dương Nghị gọi điện cho Dương Học Cương, nhưng cả ba lần đều bị cự tuyệt, còn bị mắng là “đồ thần kinh”. Người khác mà nghe tin con mình bị bắt cóc thì sợ vãi linh hồn, còn thái độ của bố thằng nhóc này như thế là sao chứ? Trương Quân Ngạn suy nghĩ giây lát rồi nói: “Chắc là bố nó không tin, nên gọi lại để cho bố nó tin là đã có chuyện với con mình, rồi cho nó nói mấy câu xem bố nó còn dám tắt điện thọai nữa không!”. Nhờ đó, Binh Binh có cơ hội nói chuyện và nhanh trí bảo bố “hãy đi vay tiền”.
Dương Học Cương nghi hoặc: “Binh Binh cũng biết là nhà thường có một số tiền khá lớn, tại sao cháu lại bảo tôi “đi vay tiền?”. Cảnh sát phán đoán: “Có khả năng Binh Binh dối chúng là nhà nghèo, gián tiếp nhắc bố đừng để lộ là nhà có nhiều tiền” và nếu chúng tiếp tục gọi điện thì phải giả bộ “đang xoay xở, rất là khó khăn”.
Tắt điện thoại, hai tên dùng khăn bịt mắt, bịt miệng và lấy băng keo quấn chặt chân tay rồi đem Binh Binh đến căn phòng chúng mới thuê ở chợ cũ Thụ Thôn, quăng cậu lên giường rồi một tên đi mua đồ ăn, một tên ở lại canh chừng.
Thấy cậu bé lăn lộn trên giường, Dương Nghị nới khăn bịt miệng cho Binh Binh, hỏi cậu muốn gì. Binh Binh nói: “Cháu rất khát, cháu hứa sẽ không kêu nhưng chú đừng bịt miệng cháu, khó thở lắm!”. Dương Nghị thấy Binh Binh tỏ ra thành thật thì bỏ khăn bịt miệng, lấy cho cậu chai nước.
Binh Binh nói: “Cảm ơn chú!”. Thấy cậu nói năng chững chạc, Dương Nghị hỏi: “Thế bao giờ bố mày mới đem tiền đến cho chúng tao?”. Binh Binh linh hoạt: “Cháu cũng không biết liệu bố có vì cháu mà đi vay tiền không nữa”. Dương Nghị ngạc nhiên: “Thế bố mày làm sao vậy?”. “Bố mẹ cháu sắp ly hôn rồi, chẳng ai muốn nuôi cháu cả…”- Binh Binh òa khóc.
Sợ có người nghe thấy, Dương Nghị ra lệnh cho Binh Binh “không được khóc”. Trương Quân Ngạn mang về mấy chai nước và ba hộp cơm, nghe đồng bọn phàn nàn “Vớ phải một đứa nghèo rớt, bố mẹ không ai muốn nuôi. Cứ chờ họ mang tiền đến chuộc thì xem ra hỏng việc rồi!”. Hắn làu bàu: “Hèn chi mà bố nó ba lần cúp điện thoại. Để tao hỏi xem bố nó đã vay được bao nhiêu tiền rồi!”. Nói xong, hắn gọi điện cho Dương Học Cương, Dương Học Cương nói muốn nghe tiếng nói của con thì hắn gằn giọng: “Tiền chưa có, lại muốn nghe tiếng nói của con sao? Nếu dám lừa chúng ta thì đừng có mà mong gặp nó nữa, nghe chưa?”.
Người cảnh sát đứng cạnh ra hiệu cho Dương Học Cương, anh vội đáp: “Tôi hiện mới có một vạn tệ, đang còn chạy thêm, nhưng anh không được làm hại con tôi đấy!”.
Trương Quân Ngạn dặn bố Binh Binh chuẩn bị tiền, chờ điện thoại của hắn rồi nhăn nhó: “Làm thế nào bây giờ? Bố nó nói mới vay được có một vạn tệ thôi”. Dương Nghị đáp: “Hãy cố chờ xem có thêm được ít nào không!”.
Nhận hộp cơm từ tay Dương Nghị, Binh Binh đặt lên chiếc bàn nhỏ sát cửa sổ, bắt đầu ăn. Nhân lúc hai tên không để ý, cậu nhòm qua khe hở rèm cửa sổ, thấy bên kia đường có một quán net, trên có tấm biển bằng tiếng Anh “FLY”. Binh Binh không biết đây là đâu nhưng trong những phim hành động đã được xem, cậu thấy cảnh sát có biện pháp kỹ thuật để dò và nghe được điện thoại của bọn tội phạm. Nếu báo được tên của quán net này cho cảnh sát thì nhất định họ sẽ tìm được tới đây! Một ý nghĩ chợt lóe lên, Binh Binh nói: “Tuy nhà cháu không có tiền nhưng cháu có bạn thân tên là Vương Kiện, ở nhà biệt thự rất to và có rất nhiều tiền. Với cậu ấy thì đừng nói một vạn, mà một trăm vạn tệ bố cậu ấy cũng sẵn sàng đem tới”.
Hai kẻ bắt cóc sáng mắt lên, hỏi: “Có thật không? Nhà nó ở đâu?”. “Đương nhiên là thật ạ! Cậu ấy ở ngay gần nhà cháu mà. Đúng rồi, để cháu gọi điện cho nó tới thì các chú sẽ hết buồn vì không có tiền”. Binh Binh nghiêm túc nói, tự nhiên như thật. Trương Quân Ngạn không nghi ngờ gì nhưng có vẻ do dự. Binh Binh tiếp tục: “Bố cháu chỉ vay được một vạn đồng; số tiền ấy chưa đủ cho Vương Kiện tiêu vặt mỗi tháng!”.
Trương Quân Ngạn quẳng cái đầu mẩu thuốc lá: “Thôi được!”.
Sau đó, chiếc điện thoại được đưa cho Binh Binh, đầu dây bên kia vang lên một giọng trẻ con: “Ai đấy nhỉ?”. “Vương Kiện, Binh Binh đây, tớ đang ở quán net FLY, cậu mau tới nhé và đừng nói cho thầy Ngô biết đấy!”.
Sở dĩ Binh Binh chọn Vương Kiện vì cậu ta thông minh, phản ứng nhanh nhạy nhất. Binh Binh nghĩ, bọn bắt cóc đã giục bố cậu đến trường thì ắt là thầy giáo và bạn học đều đã biết chuyện gì xảy ra rồi, sau nghe cú điện thoại này, Vương Kiện sẽ nói với thầy giáo hoặc báo cho cảnh sát. Cả hai đều chưa bao giờ ra quán net chơi, Vương Kiện cũng không biết quán net FLY ở chỗ nào, nhưng Binh Binh hy vọng cảnh sát nghe được cuộc điện thoại này.
Quả nhiên, Vương Kiện lập tức đi tìm thày giáo Ngô. Thầy Ngô gọi điện ngay cho bố mẹ Binh Binh, và nhanh chóng báo cho cảnh sát. Họ nhận định đây là điện thoại báo cảnh sát của Binh Binh, cho biết vị trí cậu đang ở. Thực ra cảnh sát cũng đã bắt được tín hiệu điện thoại của bọn bắt cóc, biết Binh Binh đang ở khu Đại Trí, nhưng do địa giới rộng, địa hình phức tạp nên chưa thể xác định vị trí cụ thể. Nhờ thông tin quý báu này, cảnh sát đã nhanh chóng tìm đến quán net FLY và xác định được vị trí căn phòng mà Binh Binh đang bị giam giữ.
Ở trong, Trương Quân Ngạn hỏi Binh Binh: “Mày có chắc là thằng bạn ấy sẽ đến không?”. Cậu khẳng định: “Chú yên tâm đi, nhất định cậu ấy sẽ đến!”. Ngay lúc đó, một tiếng “bình” bỗng vang lên, cánh cửa phòng bị đạp tung, năm cảnh sát ập vào như một cơn lốc. Cả hai tên chưa kịp phản ứng gì thì còng đã bập vào cổ tay, lúc đó là hai giờ chiều ngày 28 Tết.
Trương Quân Ngạn và Dương Nghị không ngờ, chỉ trong sáu tiếng đồng hồ, giấc mộng làm giàu cùng hy vọng “có nhiều tiền để về quê ăn Tết” của chúng đã tan thành mây khói bởi con tin Binh Binh – cậu bé chín tuổi đã không sợ hiểm nguy, dũng cảm cơ trí, bình tĩnh hành động có lợi cho mình, tìm cách báo tin cho cảnh sát …
Sau Tết, Trương Quân Ngạn và Dương Nghị bị Tòa án nhân dân khu Hải Định kết tội “bắt cóc” và tuyên phạt mười năm sáu tháng và mười năm tù giam. Cả hai đều chấp hành hình phạt, không kháng án.