Trải qua cuộc hôn nhân sau 19 năm, đã bao giờ chị Đào có những giây phút bình yên, hạnh phúc bên gia đình bé nhỏ của mình. Hay trong sâu thẳm chị luôn đau đáu một nỗi lo sợ mang tên “vết xe đổ của người chồng”.
***
Lấy chồng ở tuổi 18 – cái tuổi mà đáng lẽ ra chị đang chạy đua cùng với sắp bạn đến trường, cái tuổi đang được ăn, được chơi, được bên cạnh gia đình. Nhưng chị Đào đã chạy theo tiếng gọi của tình yêu, bỏ dở việc học hành, tuổi trẻ để đi đến hôn nhân.
Những ngày mới về làm vợ, làm dâu chị Đào luôn là một người vợ yêu chồng, là một người con dâu hiếu đạo lễ nghi, phép tắc. Chị luôn nhạy bén trong mọi công việc, để ý từng cử chỉ trong lời ăn tiếng nói của mình. Chưa bao giờ bộc phát ra những lời lẽ đi quá với bổn phận làm vợ, làm dâu. Điều này khiến mọi người ai cũng yêu quý và thân thiện khi tiếp xúc với chị. Trước khi cưới, chồng chị là một anh sửa chữa xe đạp, sau khi cưới chồng chị Đào đi học thêm nghề cắt tóc để có thêm đồng ra đồng vào thu nhập hàng tháng. Bản tính chồng chị là một người hiền lương, tốt bụng nhưng lại nhác trong công việc, nhiều lần chồng chị định bỏ nghề học cắt tóc nhưng nghe lời mẹ vợ ( mẹ đẻ chị Đào) nên cuối cùng cũng xong khóa học.
Vài tháng sau chị Đào có thai, mang thai ở độ tuổi còn quá sớm. Chị Đào chưa có kinh nghiệm trong việc chăm thai nhi, càng chưa sẵn sàng để làm mẹ của đứa bé trong bụng. Chính mẹ đẻ của chị là người chăm sóc, lặn lội sớm khuya để giúp chị trong công việc nhà. Mẹ chị nấu rượu, nuôi lợn giúp anh chị có thêm thu nhập để mai này đẻ con còn có cái để xoay.
Chồng chị thấy có nguồn thu nhập hàng tháng, việc nhà trong ngoài đã có mẹ vợ lo. Anh bắt đầu nhác dần với công việc, chạy theo con đường cờ bạc, lâu dần ngấm sâu không chịu thức tỉnh. Chị Đào chẳng biết khuyên răn chồng thế nào để anh quay lại chị xưa, chị khóc suốt, nhiều khi còn có những cuộc chiến tranh lạnh mãi không dừng. Trong suy nghĩ chị Đào, bấy giờ chị tự an ủi bản thân: “chắc sau này khi đứa con trong bụng chào đời chồng mình sẽ khác, sẽ có trách nhiệm với gia đình và vì con mình mà từ bỏ cờ bạc”.
Từ khi chồng chị dính vào con đường tăm tối đó giường như chị luôn cảm thấy lạnh lẽo trên chính chiếc giường mình đang nằm, nhiều hôm chị toàn ngủ một mình, hoặc có những ngày chồng chị đi chơi thâu suốt ngày suốt đêm. Chị buồn tủi, đứa con trong bụng thiếu hơi ấm của cha mỗi đêm, may sao chị còn có người mẹ ruột luôn động viên bên cạnh.
Rồi tháng 9 mùa Thu năm ấy, chị sinh ra một đứa con trai bụ bẫm, đáng yêu. Chị và gia đình vui mừng bồng bế đứa con bé nhỏ âu yếm vào lòng. Mọi người bảo: ” Mới hồi nào đang là trẻ con mà bây giờ đã là mẹ trẻ con rồi đấy”! Chị ôm con vào lòng, nhìn đứa con thơ chị vỡ òa lên niềm sung sướng quên đi mọi chuyện buồn của những tháng ngày qua. Đứa trẻ này đối với chị như thể là sinh mạng của chị vậy, chị Đào nâng niu, chăm sóc đứa bé từng ngày khôn lớn, đặt hết mọi khi vọng vào con trai mình. Chị hi vọng đứa bé luôn khỏe mạnh và sau này là một đứa trẻ ngoan ngoãn, giỏi giang. Còn về phía chồng chị, giường như chị đã bất lực hoàn toàn trong ngôi nhà đang sống với đứa con mới sinh ra cũng không thể nào hồi tâm chuyển ý được anh.
Lúc trước chị đã nghĩ sau này con mình sinh ra anh ấy sẽ khác, nhưng không càng ngày chồng chị càng lấn sâu hơn vào con đường tội lỗi. Anh ấy cờ bạc, anh ấy bắt đầu rượu chè say khướt mỗi ngày, liên tục có những lần phá phách đồ đạc trong nhà mỗi khi vợ chồng cãi vả. Chị bảo với mẹ chị:
– Anh ấy đã là con người khác rồi mẹ ơi, người đàn ông con tin tưởng đặt cả thanh xuân đời mình để giao cho anh ấy giờ đã hết hi vọng thực sự rồi!
Vừa nói vừa ôm con chị khóc trong nỗi đau hằn xé. Bởi lâu nay chỉ đã phải chịu đựng quá nhiều, chị phải chịu đựng cảnh chồng chị bê tha đến bao lâu nữa, liệu cuộc sống của chị và con mình sẽ ra sao khi một người chồng, người cha mãi rơi vào con đường sa đọa. Trong sâu thẳm chị, chị có bao giờ bắt chồng mình phải đi đánh bạc để về làm giàu cho gia đình, chị có bắt anh ấy phải xây nhà to cửa rộng, mà chị chỉ cần một người chồng, người cha yêu vợ, thương con, hằng ngày cơm cháo nuôi nhau, kinh tế ổn định là chị thấy ấm lòng rồi. Nhưng chồng chị chưa bao giờ nghe chị nói, chưa bao giờ anh ấy tôn trọng những yêu cầu mà chị đưa ra để có một gia đình hạnh phúc.
Anh ấy thường mang về một ” khoản lớn” sau những hôm đi đánh bạc, những khoản này anh đều lo cho chị Đào và con trai anh, anh sắm sanh vào đồ dùng gia đình. Chị Đào luôn được đầy đủ mọi vật chất, gia đình chị bấy giờ cũng đứng thứ hạng khá giả trong thôn. Nhưng nào đâu chị muốn, có ai biết sau những đồng bạc mà chồng chị kiếm được là những nỗi đau, buồn tủi mà chị phải chịu đựng suốt những năm qua. Trên đời có ai cho không ai bất kì thứ gì…, ông bà ta ví ” cờ bạc là bác thằng bần”, anh nhận được những khoản tiền lớn không tên rồi những đồng tiền đó vào túi ấm chưa bao lâu cũng cất cánh mà bay. Nhiều hôm chơi anh mất trắng không còn một đồng, rồi lại phải cầm xe máy mà đánh tiếp, cơn đen cứ rong ruổi theo anh đến khi anh chơi hết số tiền cầm xe. Nửa đêm là lúc mọi người chìm sâu vào giấc ngủ, là lúc chúng ta bỏ qua mọi mệt nhọc lo âu để đắm chìm vào giấc ngủ say. Ấy vậy mà tiếng chồng chị từ ngoài cổng thốt lên vài tiếng gọi chị mở cửa. Vui vì chồng về nhưng lại hụt hẫng, lại đau ” một cái đau điến rùng mình” khi anh lại cắm xe. Nhiều hôm chị sốc ngã ngửa ra vì cơn tức, nhiều hôm chị tức quá mà nổi khùng lên, vợ chồng anh chị lại bắt đầu những cuộc cãi vã, đồ dùng cốc chén tan nát sau một đêm. Tiếng khóc của chị lại nức nở cả đêm, chả khác như tiếng ai oán của Thúy Kiều, hay là nỗi khổ bán con của chị Dậu. Tất cả đều thoát ra từ những tiếng nói, nỗi lòng khổ tâm của người phụ nữ.
Con trai chị Đào ngày càng lớn, được cái con ngoan ngoãn, nghe lời, học cũng giỏi nên chị có nguồn động lực để phấn chấn đứng lên. Chị đi học thêm nghề may mặc quần áo rồi về mở tiệm may, rồi bán thêm cả hàng tạp hóa nữa để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, với chị “làm được đồng nào chắc đồng ấy”, mẹ con sớm tối dựa vào nhau để phấn đấu. Thương chị, nên thằng cu đỡ đần chị rất nhiều việc trong nhà , mới lớp 2 thôi nhưng nó đã biết nấu cơm phụ chị. Anh cu chịu khó học hành chẳng chơi bời, nghịch ngợm. Trưa đến hai mẹ con lại nằm xem phim, kể chuyện, có hôm chị với con lại mang mang cửu chương hay thơ ra để đọc. Tối đến hôm nào anh không có nhà mẹ con lại ôm nhau ngủ.
Lâu dần, chị Đào cũng quen cảm giác không có chồng bên cạnh mỗi khi sớm tối tắt đèn, chị ngày càng mạnh mẽ và không buồn bã như trước nữa. Nhưng người phụ nữ mà, dù có những giây phút cứng rắn nhưng đôi khi vẫn yếu lòng. Chị “thèm” cảm giác gia đình đông trong mỗi bữa ăn, chị ước gì chồng chị như chồng người ta, chăm lo gia đình, yêu vợ thương con. Tất cả những điều đó có khó gì đâu! Nhưng chị nghĩ đời mình sao khổ như thế! Còn phải mất bao lâu phải chịu đựng tháng này đau khổ, mệt mỏi này. Nếu không vì con chắc chị đã suy sụp từ lâu rồi, chắc gì chị đã chịu đựng mãi đến hôm nay thay vì đó chị ly hôn rồi sống cuộc sống đọc thân cho nhàn hạ.
Năm nay chị đã ngoài 40, thanh xuân của chị một nửa đã trôi qua chỉ toàn là nỗi đau và mất mát. Bởi hạnh phúc không như mong đợi, lấy chồng để được yêu thương, chăm sóc, chiều chuộng, để gánh vác phần nhọc nhằn trong cuộc sống, nhưng chị đã nhận được gì sau cuộc hôn nhân quá vội vã này, ngoài đứa con là niềm hạnh phúc, là sự sống của chị. Hạnh phúc không phải là toàn màu hồng, hay mộng mơ như những cuốn tiểu thuyết ngôn tình. Cái giá mà chị phải chịu đựng đó là tuổi trẻ bồng bột, một tình yêu chớm nở rồi chợt dập tắt trong vô vọng.
Trần Long