Tháng tư về, nhớ vị nhót tuổi thơ

Tháng tư về chạm ngõ lại thấy lòng mình xốn xang, dư vị quả nhót chua chua đầu lưỡi vẫn còn đọng mãi trong tiềm thức nhắc nhở về kí ức tuổi thơ đã từng đi qua đầy nhọc nhằn vất vả. Trong những lúc gian khó ấy, vẫn biết yêu những gì mình có, trân trọng và nâng niu thức quà thanh nhã của tuổi thơ.

***

Khi gió và nắng hanh hao, mùa nồm ẩm kéo về, đi dọc con phố Hà Nội vào sáng sớm, lòng người có chút khó chịu trong tiết trời chuyển giao, ướt át và lâm thâm mưa phùn. Thế rồi chợt bừng tỉnh khi bắt gặp những mẹt nhót đỏ au theo các bà, các cô trên đôi quang gánh chào mùa về. Đã tháng Tư rồi đấy, mùa nhót về thấy lòng mình rạo rực, đánh thức cả một kí ức tuổi thơ bình dị.

Quê tôi mùa này – nơi có những con ngõ nhỏ lát gạch, phủ mịn rêu xanh, đâu đó khắp những vườn cây, từng chùm nhót chín rực cả góc vườn, đỏ mọng, kết thành từng chùm như những chùm đèn điện nhỏ xinh thắp sáng trong tiết trời âm u. Nhót mọc từng chùm sai lúc lỉu, rung rinh nhức nhối trong cái nắng mới. Từng quả chín đỏ au, mọng nước, phủ đầy phấn trắng lóng lánh như kim tuyến. Tháng Tư, trong cái vất vả nhọc nhằn của đồng ruộng, nỗi lo âu trông chờ lúa vào vụ, từng chùm nhót chín căng tròn đầy như một âm thanh tươi mới và rạo rực nhất.

Mùa nhót về – gợi nhớ một góc tuổi thơ thật dữ dội sâu thẳm trong trái tim cô học trò thôn quê. Thuở còn thơ bé, cũng độ này, lũ học trò chúng tôi cắp sách đến trường vẫn thường rủ nhau đi học sớm, trốn ba mẹ trèo tường vào giàn nhót góc vườn nhà hàng xóm, vặt lấy vặt để cả mẻ nhót rồi tống vội vào bụng áo đã sơvin. Có lần, lũ con trai bị vướng quần vào hàng rào rách toạc cái quần phăng cũ kĩ, lại có lần, bọn chúng tôi bị chó nhà hàng xóm rượt đuổi bở hơi tai. Ấy thế, mà sau mỗi lần thu được “chiến lợi phẩm”, cả lũ lại hí hửng mang vào lớp chia cho lũ bạn, lôi cả gói muối ớt chuẩn bị sẵn ở nhà ra chấm ăn. Từng quả nhót nhỏ xinh hình bầu dục, chín mọng nước, cùi dày luôn là thức quà tuổi thơ khoái khẩu của tuổi học trò.

Cầm trái nhót trên tay khẽ mài vào chiếc quần tối màu cho ra hết phấn, vừa mài vừa ứa cả nước miếng, nhanh nhanh cho đến lúc trái nhót bay hết phấn trắng, lộ vỏ đỏ ửng mịn màng rồi chấm vội chút muối ớt, vị thấm đầu lưỡi tê tê, ngòn ngọt, chua dôn dốt. Lũ chúng tôi, có đứa thích ăn chua thì chỉ mài qua trái nhót, có đứa lại thích ăn ngọt hơn nó sẽ mài nhót cho thật mềm khi ăn sẽ ngọt hơn. Ăn xong lại chát xít cổ họng, mặt nhăn nhó vì vị chua nhéo cả mắt nhưng đứa nào cũng thèm.

Mùa nhót tuổi thơ có cả trong từng bát canh chua mẹ nấu. Mỗi buổi đi làm đồng về trong giỏ của mẹ lúc nào cũng có mấy mớ tôm, mớ cá vẫn còn tanh mùi bùn. Thường thì mẹ sẽ cho cả mẻ vào nồi kho trên bếp, chỉ lựa ra vài con cá diếc, cá rói để nấu canh chua. Món này có một ít rau nấu với cá, lọc một chút mẻ và thả vài quả nhót là ngon tuyệt vời. Nhót làm cho bát canh có vị thơm dịu, chua chua, thanh thanh.

Hà Nội sầm uất là thế mà cũng có lúc bình dị như vậy với những quang gánh đầy ắp hai nong nhót chín, rong ruổi khắp các con phố, làm thổn thức biết bao người con của thôn quê. Tháng Tư về chạm ngõ lại thấy lòng mình xốn xang, dư vị quả nhót chua chua đầu lưỡi vẫn còn đọng mãi trong tiềm thức nhắc nhở về kí ức tuổi thơ đã từng đi qua đầy nhọc nhằn vất vả. Trong những lúc gian khó ấy, vẫn biết yêu những gì mình có, trân trọng và nâng niu thức quà thanh nhã của tuổi thơ.

Tháng Tư Hà Nội, cô sinh viên vội vàng xà vào hàng nhót mua vài quả ăn cho vơi đi nỗi khát khao….

Trần Tuyết

Bình luận Facebook