google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

TẢN ĐÀ - CHÂN DUNG MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

TẢN ĐÀ – CHÂN DUNG MỘT ĐỜI LẬN ĐẬN

Tản Đà được nhìn nhận là người mở đầu của nền thơ ca Việt Nam hiện đại, làm chủ bút nhiều tờ báo với những bút ký, tiểu phẩm, thơ trào phúng… thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những khổ nhục của đồng bào, bản thân trong kiếp sống nô lệ lầm than thời thực dân phong kiến. Bằng lối hành văn mới lạ, khác với lối học hành cử nghiệp khoa bảng, văn xuôi Tản Đà mang màu sắc sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn đầy bản sắc, đề cập đến nhiều góc cạnh xã hội đương thời.

Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội).

Ông thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Tổ tiên ông xưa kia có nhiều đời làm quan dưới triều Lê. Sau Gia Long lên ngôi, dòng họ này thề không đi thi, không làm quan với tân triều. Đến thời cha ông là Nguyễn Danh Kế, do hoàn cảnh gia đình cực khổ, lại phải nuôi mẹ già, đành lỗi ước với tổ tiên. Nguyễn Danh Kế thi đỗ cử nhân, làm quan cho triều Nguyễn đến chức Ngự sử trong kinh, giữ việc án lý, nổi tiếng là người có tài văn án trong triều.

Bà Lưu Thị Hiền có nghệ danh Nhữ Thị Nhiêm, là một đào hát tài sắc ở Hàng Thao – Nam Định, bà lấy lẽ ông Nguyễn Danh Kế khi ông làm tri phủ Xuân Trường (Nam Định). Bà là người hát hay, có tài làm thơ chữ Nôm. Tản Đà là con trai út của cuộc lương duyên giữa tài tử và giai nhân này.

Thời niên thiếu của Tản Đà trải nhiều gian truân; năm lên 3 tuổi, bố mất, cuộc sống gia đình trở nên cùng túng. Năm sau, vì bất hòa với nhà chồng, bà Nghiêm bỏ đi, trở lại nghề ca xướng. 8 năm sau, xảy ra chuyện chị ruột ông cũng theo mẹ làm nghề đó (năm Tản Đà 13 tuổi). Những sự kiện đã để lại nhiều dấu ấn khó phai trong tâm hồn. Tản Đà hấp thụ nền Nho giáo từ nhỏ, được người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Tái Tích nhiệt tình hướng vào con đường cử nghiệp, 10 tuổi biết làm câu đối, 11 tuổi làm thơ văn. Ông rất thích làm văn, lại được anh hết lòng chỉ dẫn, nên 14 tuổi đã thạo các lối từ, chương, thi, phú. Năm 15 tuổi, ông đã nổi tiếng là thần đồng của tỉnh Sơn Tây.

Năm 1909 (Kỷ Dậu), ông tham dự kỳ thi hương ở Nam Định, rồi trượt trong lần đi thi đầu tiên này. Ông về lại nhà ở Phủ Vĩnh Tường ôn tập. Trong thời gian này, ông say mê một cô gái bán tạp hóa ở phố hàng Bồ. Vì nhà nghèo, không có tiền hỏi cưới, ông đành nuôi hy vọng bằng cách tiếp tục đường khoa cử. Kỳ thi đến, ông dùng bằng Ấm sinh để thi hậu bổ, nhưng bị rớt vì môn vấn đáp bằng tiếng Pháp. Mùa thu năm ấy, ông lại đi thi hương, nhưng lại trượt. Chuyện tình với cô gái tan vỡ, cô đi lấy chồng.

Ông chán nản bỏ về Hòa Bình tìm khuây lãng. Tại đây nhờ sự giới thiệu của anh rể là nhà thơ trào phúng Nguyễn Thiện Kế, Tản Đà kết giao với nhà tư sản Bạch Thái Bưởi. Hai người bạn mới gặp đã như quen, cùng vào dãy Hương Sơn, ngọn Chùa Tiên, đêm ngày uống rượu, làm thơ, đọc sách, thưởng trăng, sống theo lối “tịch cốc”. Năm 1913, anh cả Nguyễn Tài Tích mất. Tản Đà về Vĩnh Yên làm nghề báo, tờ báo ông cộng tác đầu tiên là “Đông Dương tạp chí” của Nguyễn Văn Vĩnh, phụ trách mục “Một lối văn nôm”.

Đến năm 1915, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Tùng, con ông Nguyễn Mạnh Hương tri huyện ở tỉnh Hà Đông. Ông Hương là thân sinh của nhà văn Nguyễn Tiến Lãng. Cũng năm này ông có tác phẩm hay, đăng trên “Đông Dương tạp chí”, nhanh chóng có được tiếng vang trên văn đàn. Năm 1916, ông lấy bút danh Tản Đà là tên ghép giữa núi Tản, sông Đà, và chính thức chọn con đường của một người viết văn, làm báo chuyên nghiệp.

Thời kỳ này ông quen với một nhà tư sản nữa là ông Bùi Huy Tín, cùng nhau du lịch khắp Bắc, Trung kỳ và làm chủ bút tờ “Hữu thanh tạp chí”. Năm 1922, Tản Đà thành lập “Tản Đà thư điếm”, đây là nhà xuất bản riêng đầu tiên của ông. Tại đây đã xuất và tái bản hết những sách quan trọng trong sự nghiệp của Tản Đà.

Năm 38 tuổi, Tản Đà cho ra đời “An Nam tạp chí” số đầu tiên với tòa soạn ở phố Hàng Lọng. Sự ra đời của “An Nam tạp chí”, tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết, đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông.

Thời kỳ đầu làm chủ “An Nam tạp chí”, Tản Đà chưa thiếu thốn nhiều, thường đi du lịch: khi thì lên đề thơ ở núi Non Nước – Ninh Bình (bài Vịnh hòn đá), khi thì vào Trung kỳ thăm Phan Sào Nam, khi thì ở Sài Gòn gặp Diệp Văn Kỳ, ra Bình Định thăm mộ cũ nhà Tây Sơn, về Hải Phòng sống với con tướng Cần Vương đô thống Thuật. Vì thế tạp chí cũng ra rải rác, thất thường. Dần dần, ông túng quẫn, mang nợ nần, cuộc sống bế tắc.

Cộng với việc “An Nam tạp chí” đình bản vĩnh viễn, cuộc sống của Tản Đà vốn nghèo túng lại càng trở nên thiếu thốn hơn, phải chạy ngược chạy xuôi để kiếm sống. Có khi người ta thấy ông ở khu Bạch Mai dạy chữ Nho. Có lúc ở Hà Đông, đăng quảng cáo lên mấy tờ báo: “Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội – Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu”. Năm 1938, ông còn mở cả một phòng đoán số Hà Lạc để xem bói.

Ngày 7-6-1939, ông mất (50 tuổi) sau một thời gian chống chọi với bệnh gan, trên cái giường nát tại nhà riêng số 71 ngã tư Sở, Hà Nội, để lại 7 đứa con.

Trong cuộc đời của Tản Đà, người ta đếm được có 4 mối tình đã mang lại cho ông nhiều cảm xúc.

Đầu tiên là mối tình tuyệt vọng với cô gái họ Đỗ ở phố hàng Bồ. Đây là mối tình trong trắng và say đắm, nhưng không có kết cuộc tốt đẹp. Mối tình này đã làm ông đau khổ và tạo nên nhiều thi hứng, để làm nên những câu thơ đặc sắc. Trong cuốn “Giấc mộng con”, ông đã viết một bài văn để tả mối tình này. Ông mô tả: “Ở phố Hàng Bồ số nhà hơn hai mươi về dãy bên lẻ có một người con gái ngồi bán hàng tạp hóa, không biết có phải là tuyệt sắc hay không mà tự con mắt mình khi bấy giờ thì như ngoài người ấy không có ai là con gái…”.

Do không có tiền cưới hỏi mà chuyện thi cử lại bất thành, Tản Đà đành chấm dứt cuộc tình thơ mộng. Theo các nhà nghiên cứu thì đây là chuyện tình đã gây ảnh hưởng nhiều nhất tới Tản Đà.

Sau khi chia tay với mối duyên đầu, ông trở nên chán nản, buồn bã. Để tìm khuây khỏa, ông đi nhiều nơi. Những câu thơ làm trong giai đoạn đau khổ này của Tản Đà đã vô tình mở đầu cho một trào lưu về văn học lãng mạn ở Việt Nam.

Nhưng ngoài cô gái hàng Bồ mà người ta thường nhắc còn có ít nhất 3 mối tình thực nữa Tản Đà đã ghi lại trong thơ. Xem những câu chuyện trên, người ta tin Tản Đà không nói ngoa khi ông thường nhận mình là “giống đa tình”. Những mối tình đa dạng đã chắp cánh cho thi tài của ông, khiến ông trở thành một nhà thơ mở màn cho trào lưu lãng mạn sau này.

sưu tầm

Bình luận Facebook