Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở ngoài kia vui sướng biết bao nhiêu!
Đây âm u đôi ánh lạt ban chiều
Len nhè nhẹ qua rào ô cửa nhỏ
Đây lạnh lẽo bốn tường vôi khắc khổ
Đây sàn lim, manh ván ghép sầm u…
Cô đơn thay là cảnh thân tù!
Tai mở rộng và lòng sôi rạo rực
Tôi lắng nghe tiếng đời lăn náo nức
Ở kia vui sướng biết bao nhiêu!
Nghe chim reo trong gió mạnh lên triều
Nghe vội vã tiếng dơi chiều đập cánh
Nghe lạc ngựa rùng chân bên giếng lạnh
Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về…
Ôi! Hôm nay sao nhựa sống tràn trề
Trong những tiếng nghe chừng quen thuộc quá!
Nghe gió xối trên cành cây ngọn lá
Nghe mênh mang sức khoẻ của trăm loài
Tôi mơ hồ nghe tất cả bên ngoài
Đang ríu rít giữa một trời rộng rãi
Đang hút mật của đời sây hoa trái
Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày…
Ôi! Bao nhiêu ảo tưởng của hồn ngây
Tôi phút bỗng như quên đời thê thảm
Ở ngoài kia… biết bao thân tù hãm
Đoạ đầy trong những hố thẳm không cùng
Tôi chiều nay giam cấm hận trong lòng
Chỉ là một giữa loài người đau khổ
Tôi chỉ một con chim bé nhỏ
Vứt trong lồng con giữa một lồng to
Chuyển đời quay theo tiếng gọi tự do
Tôi chỉ một giữa muôn người chiến đấu
Vẫn đứng thẳng trên đường đầy lửa máu
Chân kiêu căng không thoái bộ bao giờ!
Tôi, hôm nay, dầu xa tạm ngọn cờ
Hồn tranh đấu vẫn còn thôi thúc não!
Nơi đày ải là Đắc Pao, Lao Bảo
Là Côn Lôn thế giới của ưu phiền?
Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin
Giữ trinh bạch linh hồn trong bụi bẩn:
Tôi chưa chết, nghĩa là chưa hết hận
Nghĩa là chưa hết nhục của muôn đời
Nghĩa là còn tranh đấu mãi không thôi
Còn trừ diệt cả một loài thú độc!
Có một tiếng còi xa trong gió rúc…
Xà lim số 1, lao Thừa Thiên, 29-4-1939
Bài thơ này được sử dụng trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006.
Nguồn:
1. Từ ấy, NXB Văn học, 1971
2. Tinh tuyển văn học Việt Nam (tập 7: Văn học giai đoạn 1900-1945), Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia, NXB Khoa học xã hội, 2004
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: