google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Sức sống, sức xuân trong thơ Nguyễn Bính - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Sức sống, sức xuân trong thơ Nguyễn Bính

Năm 1937, ông được giải thưởng của Tự lực văn đoàn với tác phẩm Tâm hồn tôi. Từ đó liên tiếp ông cho xuất bản các tập thơ Lỡ bước sang ngang (1940), Hương cố nhân (1941), Người con gái ở lầu hoa, Mười hai bến nước, Mây Tần (đều trong năm 1942)… được coi là hiện tượng độc đáo, nhà thơ “chân tài – chân quê” trong Phong trào Thơ mới.

Sau cách mạng, ông có các tác phẩm chính: Ông lão mài gươm (1947), Ðồng Tháp Mười, Gửi vợ miền nam (1955), Ðêm sao sáng (1962), Người lái đò sông Vị (Kịch bản chèo, 1964). Ông chính là tác giả phần lời ca bài hát Tiểu đoàn 307…

Ông mất năm 1966 tại quê nhà, ở tuổi 48, khép lại một cuộc đời long đong, ngắn ngủi, để lại những bài thơ không năm tháng, ngọt ngào yêu thương mãi trong lòng bạn đọc. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000.

Sinh thời, Nguyễn Bính từng tự gọi mình là “nhà thơ của yêu thương”. Còn Vũ Bằng thì thán phục: “Tôi có thể nói rằng, sau Truyện Kiều, sau Tản Ðà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất” (báo Văn số 189 năm 1969). Ðó là đánh giá của người cùng thời. Nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn, với độ lùi thời gian, vào những năm cuối của thế kỷ XX đã viết: “Chỉ trong phạm vi thế kỷ này, giữa không biết bao nhiêu thi sĩ mà nông thôn nước ta đã cung cấp cho văn học, trước sau, Nguyễn Bính vẫn là một tài năng bậc nhất, hơn nữa, một tài năng tự nhiên, nghĩa là vừa dồi dào, vừa độc đáo” (Nguyễn Bính – thi sĩ của thương yêu, NXB HNV, 1990).

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng luôn băn khoăn: “Ngay cả những người không biết chữ cũng thuộc thơ Nguyễn Bính như thuộc ca dao. Ma lực gì tạo nên sức phổ cập đó của thơ Nguyễn Bính?” (tựa tập Nguyễn Bính, Thơ với tuổi thơ, NXB Kim Ðồng, 2002).

Những cô cậu học trò mới lớn, chớm nghĩ đến yêu đương, không ai không mê, không thấy tiêu điều, tan nát cõi lòng với cái cảnh được Nguyễn Bính vẽ ra trong “Trường huyện”:

Em đi, phố huyện tiêu điều lắm
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi
Mà đến hôm nay anh mới biết
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!

Bài thơ được viết năm 1938, và theo tôi, nếu ai làm một tinh tuyển thơ học trò cho cả hai thế kỷ, cũng không thể không chọn bài này.

Nguyễn Bính là người có những câu thơ hay nhất về kẻ lữ thứ, về thân phận những kiếp người lỡ làng, đau khổ; Nguyễn Bính là người có những câu thơ hay nhất về mùa xuân, về hồn quê trong văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX.

Trên bước tha hương của mình, Nguyễn Bính đã có những câu thơ buồn tủi nhưng đầy tráng khí:

Chiều nay… thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái mấy cho say.

Thà cứ ở đây ngồi giữa chợ
Uống say mà gọi thế nhân ơi!

(Hành phương nam)

Ðọc Những bóng người trên sân ga, Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính, rất nhiều khi người ta không nghĩ là mình đang đọc thơ nữa mà đang sống và cần phải chia sẻ:

Ðêm qua mưa gió đầy giời
Trong hồn chị, có một người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Ðừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò…

(Lỡ bước sang ngang)

Thơ Nguyễn Bính làm cho người ta bớt lạnh lùng, nhẫn tâm.

Thơ Nguyễn Bính viết nhiều về mùa xuân. Có khi đó là một mùa xuân, một tin xuân, một ý xuân phấp phỏng, phơi phới trong lòng người con gái thôn quê :

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: Thôn Ðoài hát tối nay…

(Mưa xuân)

Và từ hy vọng đến thất vọng:

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
Ðể cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng

(Mưa xuân)

Có khi là một bức tranh thêu lên cả hình ảnh con người, cây cỏ, quê hương:

Tháng Giêng vừa Tết đầu xuân
Xanh um lá mạ, trắng ngần hoa cam
Mưa xuân rắc bụi quanh làng
Bà già sắm sửa hành trang đi chùa

(Cây đàn tỳ bà)

Mưa nhè nhẹ, nắng thanh thanh
Nên thơ, ôi cả xứ mình nên thơ!
Hội xuân gió loạn đuôi cờ
Làng xa vào đám nhặt thưa trống chèo…

(Xuân về nhớ quê hương).

Trở lại với câu hỏi vì sao Nguyễn Bính có ma lực, có sức sống lâu bền trong lòng nhân dân?

Trước hết là những chất liệu mà nhà thơ sử dụng là những biểu tượng, những hình ảnh thân thuộc của làng quê Việt Nam (bến nước, con đò…), là cách nói của nhân dân đã rất đúc kết, chọn lọc (Một con diều giấy không ăn gió, õng ẹo chao mình xuống vệ đê; Mồng một đêm qua, mạ đã ngồi…).

Nhưng điều quan trọng hơn là: Vẽ về cảnh quê thì Ðoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ… đều có những nét đặc sắc, rất gợi, nhưng không bay lên được vì quá gắn vào sự cụ thể. Thơ Nguyễn Bính khái quát hơn. Tên làng là thôn Ðoài, thôn Ðông ở đâu cũng có. Cái rất cụ thể về thời gian như viết cho chị lá thơ này, giữa đêm hai bốn rạng ngày hai lăm thì đó cũng là cái cụ thể rất tượng trưng. Bữa ấy mưa xuân của Nguyễn Bính cũng có thể là bữa ấy mưa xuân của chúng ta.

Thực và ảo, và dường như cái ảo, cái tượng trưng nhiều hơn làm cho hình ảnh thơ của Nguyễn Bính không chỉ diễn tả chân xác sự vật mà còn diễn tả được các mối liên hệ. Nhờ đó, tính thích nghi cao hơn, sức sống lâu bền hơn.

Nguyễn Bính không thi vị hóa bức tranh quê của mình nhưng ông nhận ra vẻ đẹp trong sự giản dị, hài hòa đến không biên giới với thiên nhiên, với tình người: Giếng thơi mưa ngập nắng tràn, Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

Những vẻ đẹp chân quê trong con người và phong cảnh đã đang và sẽ có nguy cơ mất đi, xóa đi trong sự biến đổi mạnh mẽ, ào ạt của thời cuộc “Hôm qua em đi tỉnh về, Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Không chỉ nói về một câu chuyện cụ thể, mà lớn hơn một câu chuyện cụ thể. Thơ Nguyễn Bính thường bỏ lửng và xét bề ngoài dường như không có “cá tính”. Ông nhập hồn mình vào hồn quê, hồn dân tộc.

Ðối tượng của ông không phải là cô lái đò, cô hái mơ… mà là tâm thế, tâm thức. Và vì thế, độ hòa nhập, sức lan tỏa ngoài văn bản thơ Nguyễn Bính thật sự rộng lớn, sâu xa. Có cái đẹp đang mất, như cô gái kia chỉ sau một ngày đi tỉnh, điều đó nhà thơ phải chấp nhận. Nhưng sự day dứt lớn nhất, sự “kháng cự” mạnh mẽ nhất, diễn ra ở trong lòng nhà thơ, nhà thơ muốn mỗi người đọc thơ mình phải tự vấn rằng: liệu cái chân, cái thiện, cái mỹ mang tính dân tộc trong lòng ta có thể mất đi?

Từ ca dao, từ Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, cho thấy sức sống của thể thơ lục bát vẫn là vô tận, là một trong những con đường thành công của sáng tạo thơ ca ngay cả thời công nghiệp.

Với Nguyễn Bính, có sâu sắc thêm bài học về sự học tập lời ăn tiếng nói của nhân dân; khám phá, bám sát vào nguồn sâu của những cảm xúc và khát vọng của nhân dân, những con người vô danh trong cuộc sống và làm nên cuộc sống. Nguyễn Bính là một thiên tài trong việc sử dụng ngôn ngữ (Hôm nay có một người du khách, Ở Ngự Viên mà nhớ Ngự Viên; Xót xa một buổi soi gương cũ, Thấy lệch bao nhiêu mặt chữ điền).

Ấy vậy mà khi viết về một người vợ ở miền nam có chồng tập kết: Thương con càng nhớ lời chồng/ Lấy thân làm bức thành đồng cho con; người thợ in sửa thành Thương con càng nhớ lời chồng, Lấy thân làm bức thành đồng che con.

Một chữ che hay hơn hẳn, khiến nhà thơ của chúng ta phải vô cùng thán phục! Ông tự thú: “Cái từ cho nó yếu ớt, bị động, tầm thường bao nhiêu; thì cái từ che nó năng nổ, dũng cảm, chủ động, quyết liệt bấy nhiêu. Ha! Quần chúng sáng tạo. Quần chúng làm thầy của nhà thơ, có khi dù chỉ một chữ”.

Tết năm Bính Ngọ 1966, Nguyễn Bính vô cùng tâm đắc khi viết được bài thơ tập Kiều Kính tặng Nguyễn Du và Truyện Kiều, cho số tết tạp chí văn nghệ địa phương. Máu giang hồ lại nổi lên. Không đi xa được thì đi sang nhà Ðỗ Văn Hứa (tức Tân Thanh, hội viên Hội Văn nghệ Nam Hà), một thầy thuốc đông y, là người ngưỡng mộ thơ Nguyễn Bính, để ăn Tết. Và thật là một Xuân tha hương, tha hương mãi mãi. Vào sáng 30 Tết năm ấy, gặp cơn gió lạnh trong khi đang ngắm vườn xuân ở nhà bạn, nhà thơ Nguyễn Bính đã trút hơi thở cuối cùng sau 20 năm tha hương, sau hai năm được sống đằm mình trong quê nhà, để lại nguyên vẹn cả một mùa xuân, đúng như câu thơ ông từng viết:

Năm mới tháng giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân

Mỗi mùa xuân về, vẫn nguyên vẹn Nguyễn Bính với những tác phẩm đặc sắc, với những bài thơ xuân đậm đà cảnh vật và tình người nước Việt.

Nguyễn Sĩ Đại

Bình luận Facebook