google.com, pub-4316186021854010, DIRECT, f08c47fec0942fa0

Sự thật về lai lịch bài thơ huyền thoại từng nằm trong sổ tay thanh niên 7X Chuyện tình mười năm trước - KẾT NỐI CẢM XÚC
KẾT NỐI CẢM XÚC

Sự thật về lai lịch bài thơ huyền thoại từng nằm trong sổ tay thanh niên 7X Chuyện tình mười năm trước

 Bí ẩn về tác giả bài thơ huyền thoại vẫn được cho là thơ Nga, nằm trong sổ tay bao người trẻ những năm 1970, gần đây mới được hé lộ.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Biết đi đâu về đâu,
Con thuyền không bến đợi?
Ôi cây xanh tình đời,
Có nghe lòng ta gọi?

Những mùa xuân đã qua,
Tiếng ve về thổn thức,
Gió thổi vào đêm hè,
Kể chuyện mười năm trước.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi anh im lặng,
Thế mà em hờn giận,
Để chúng mình xa nhau.

Nơi tình yêu bắt đầu,
Cũng là điều khó nhất!
Trái tim dù biết hát,
Nhưng tình đời dễ đâu!

Những đôi lứa yêu nhau,
Có nghe tôi kể lại,
Chỉ một lần trót dại,
Thế mà thành chia phôi.

Chỉ có một lần thôi,
Em hỏi, anh im lặng…

Nghiêm Thanh

Tôi dám chắc là trong các cuốn sổ thơ chép tay của người yêu thơ những năm 70 của thế kỷ trước đều có bài thơ trên đây. Tôi cũng có được bài thơ ấy nhưng chỉ mãi tới cuối năm 1977, khi tôi đang theo học dự bị tiếng Nga tại Trường ĐH Ngoại ngữ ở Thanh Xuân, Hà Nội. Bài thơ do một người bạn gái chép tặng có đầu đề “Chuyện mười năm trước” với lời chú thích trong ngoặc “Becxonov tặng Olga Becgon” (nữ sĩ Oolga Berggoltz). Phía dưới bài thơ có ghi: “Bằng Việt dịch”.

Tôi mê mẩn bài thơ này vì nó giản dị, dễ thuộc, dễ nhớ; cơ bản nhất là bài thơ nói về nỗi đau, nỗi mất mát của mối tình đầu một cách vô tình trong một giây lơ đãng đầy đau khổ và đầy trách cứ. Tôi lúc đó chưa có mối tình đầu nên bài thơ càng gây xúc cảm mạnh. Và tôi càng chiêm nghiệm nó nhiều hơn khi được người bạn gái chép thơ ấy giải thích, sau khi Becxonov tặng thơ, cô người yêu là Olga Becgon đã trả lời bằng bài thơ có tiêu đề “Gửi Becxonov” mở đầu bằng những câu:

“Em lại nhớ những ngày quá khứ
Khúc hát thơ ngây một thời thiếu nữ
Ngôi sao cháy bừng trên sóng Neva
Và tiếng chim kêu những buổi chiều tà…”

Tôi yêu Becxonov và yêu Olga Becgon từ đó. Những vần thơ của họ cứ lãng đãng trong tôi. Suốt trong 5 năm học ở Liên Xô, tôi đã không biết bao lần lên thư viện tự tay hoặc nhờ các cô thủ thư tìm kiếm, tôi đọc được rất nhiều bài thơ của Olga Becgon, thậm chí còn tập toạng dịch thơ bà nhưng những vần điệu trong bản dịch của Bằng Việt đã lấy đi sự can đảm của tôi.

Nhưng tuyệt nhiên, tôi không thể tìm thấy cái tên nhà thơ Becxonov và bài thơ “Chuyện mười năm trước”. Nhưng tôi biết mối tình bi thương của Olga với một nhà thơ tên là B. Kornilov. Tôi chợt nghĩ, hay người ta viết nhầm tên nhà thơ này thành Becxonov? Tuy nhiên, tôi cũng không thể tìm ra bài thơ “Chuyện mười năm trước” trong di cảo của nhà thơ, người tình, người chồng của Olga. Cái tên Becxonov và bài thơ “Chuyện mười năm trước” vốn đẹp một cách đầy đớn đau vẫn là huyền thoại trong tôi.

Cho đến những năm gần đây, tôi thật sự ngạc nhiên khi biết được sự thật đằng sau “bức màn thần thoại” này. Không hề tồn tại ngoài đời một Becxonov thất tình. Không hề có bản dịch tiếng Việt nào của bài thơ có tên gọi “Chuyện mười năm trước” đầy ám ảnh và trách cứ! Tất cả chỉ là huyền thoại!

Nghĩa là, “Chuyện mười năm trước” không phải thơ dịch từ tiếng Nga hay một thứ tiếng nước ngoài khác. Đơn giản đó là bài thơ bằng tiếng Việt và tác giả là người Việt 100%, một người từng là nhà báo. Anh viết bài thơ này lúc còn là sinh viên văn khoa. Bản tính e dè không cho phép anh dùng tên mình mà đành khoác cho nó tên một chàng trai Nga si tình là Becxonov, mặc dù ngay trong bài thơ anh đã để lộ “hình bóng Việt Nam” qua chi tiết “con đò, tiếng ve” vô cùng thân thuộc.

Nhưng rồi anh cũng không thể im lặng mãi. Năm 2008, sau 37 năm kể từ khi sáng tác, anh đã ghi đúng tên mình dưới bài thơ trong tập kỷ yếu “Dấu ấn một thời” xuất bản kỷ niệm 40 năm ngày tựu trường khóa 13 khoa Ngữ Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1968 – 2008). Người viết những câu thơ tài hoa, ngân nga trong trái tim của không biết bao chàng trai, cô gái ở cái tuổi “trái tim dù biết hát/ nhưng tình đời dễ đâu” và đã tạo ra dải mây mù huyền bí xung quanh mình ấy là Nghiêm Thanh. Anh là người chuyên trách mảng lý luận, phê bình văn hóa – văn nghệ của báo Nhân Dân.

Nhà thơ Tế Hanh từng viết một bài thơ kể chuyện ông vào quê Nguyễn Du và hỏi người dân nhưng không ai biết tên của đại thi hào. Tuy nhiên, khi ông nhắc đến Truyện Kiều thì người dân ồ lên, đọc cho ông nghe Truyện Kiều và chỉ nhà tác giả cho ông. Những bài học Tế Hanh rút ra đều đúng với trường hợp này, và rất nhiều trường hợp khác khi tác phẩm sống trong lòng nhân dân nhưng người dân không biết của ai!

Chắc nhiều người còn nhớ đến “huyền thoại” tương tự của bài thơ “Anh đi tìm em trên bán đảo Ban-căng” hay bài hát “Ngôi sao ban chiều” và nhiều tác phẩm khác nữa”… Cuộc gặp gỡ tình cờ đem cho tôi bài học:

“Như thể qua hai trăm năm, nhà thơ nhắn lại bây giờ
Hãy đi con đường vào trái tim bạn đọc
Người ta có thể quên tên người làm thơ nhưng đừng để quên thơ!”.

ĐẶNG ĐÌNH CUNG

Bình luận Facebook