Sự thật cảm động đằng sau ca khúc nổi tiếng “Chị Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến
“Chị Tôi” là một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến được đông đảo người yêu nhạc Việt yêu thích bởi những lời ca da diết, trầm buồn, luyến thương đến thắt lòng.
Ca khúc gây được sự đồng cảm lớn với người nghe bởi nó kể về một người chị rất điển hình trong xã hội Việt Nam. Đó là người chị đẹp người đẹp nết, có bao chàng trai theo đuổi nhưng vẫn lần nữa mãi không chịu lấy chồng vì lo cho mẹ già đau bệnh và hai em còn nhỏ.
Nhà tôi trên bến sông có chiếc cầu nhỏ cong cong
Hàng cau dưới nắng trong lá trầu không
Chị tôi trông dễ thương bán rau chợ Cầu Ðông,
í a Chị tôi chưa lấy chồng.
Thời con gái lưng ong có bao người thầm mong theo
Mẹ giục con gái yêu lấy chồng đi
Chị thương hai đứa em thương mẹ già con đau, í a
Chị tôi chưa lấy chồng.
Chợ Cầu Đông ở Hoa Lư Mãi đến khi mẹ mất, các em trưởng thành, yên bề gia thất, chị mới nghĩ đến chuyện lấy chồng. Rồi mẹ tôi khuất xa, chúng tôi không còn thơ ngây Chị lại lo các em chuyện chồng con Ngày chia tay bến sông thấy chị buồn mà thương, í a Chị tôi chưa lấy chồng. Nhưng người đàn ông chị yêu lại như một cơn gió thoảng qua rồi bặt tin:
Rồi một đêm sáng trong có một người đàn ông qua
Họ về xây chiếc cầu nối bờ sông
Gặp chị tôi dễ thương mới xin lời cầu hôn, í a
Chị cũng muốn lấy chồng.
Cầu xây xong đã lâu không thấy người về đưa dâu
Để chị tôi ngóng chờ mắt lệ nhòa
Hàng cau đâu trái cau bao lá trầu buồn rơi theo
Chị tôi chưa lấy chồng.
Ca khúc kết lại bằng một bức tranh thật buồn, người em trở về thăm quê sau nhiều năm đi xa, tần ngần nhìn nấm mộ nhỏ xinh của chị bên cầu mà lòng đau xót:
Nhiều năm xa cách xa tôi trở về làng quê thăm
Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô
Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mêng mông
Chị ơi sao vẫn chưa lấy chồng.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, khi viết ca khúc “Chị Tôi”, nhạc sĩ Trần Tiến đã “đổ oan” cho anh kỹ sư tội phụ bạc chứ thực tế lại là một câu chuyện dài dòng, éo le khác trong chuyện tình của họ. Nguyên nhân là bởi ca khúc “Chị Tôi” được nhạc sĩ Trần Tiến viết vào năm 1980, lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của một cựu sinh viên trường xây dựng, cũng chính là em trai của người chị trong ca khúc.
Theo lời kể của những người lớn tuổi ở làng Yên Thành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nơi có địa danh Cầu Đông nổi tiếng, tác giả bài thơ này sinh năm 1947, là con trai út trong gia đình có 3 người con, trên anh là 2 người chị gái. Người bố không may qua đời sớm, người mẹ đau ốm liên miên, rồi nằm liệt giường đến năm anh con trai út 20 tuổi thì mất. Người chị kế sinh năm 1945, còn chị cả sinh năm 1940, lớn hơn em nhiều tuổi nên phải lo toan mọi việc trong nhà. Theo phong tục xưa, con gái chưa chồng phải để tang mẹ 3 năm mới được theo chồng. Người chị cả lớn hơn em trai út đến 7 tuổi, sau 3 năm tang mẹ thì đã tròn 30 tuổi. Ở cái thời mà con gái đã gả đi gần hết từ tuổi 17, 18, một cô gái 30 tuổi đã quá lứa lỡ thì khó có thể tìm được một cuộc hôn nhân. Chuyện tình của cô chị cả và anh kỹ sư càng éo le hơn khi anh phải đi làm xa theo các công trình.
Dưới đây là nguyên văn bài thơ “Chị Tôi” của người em trai út viết về cuộc đời và cuộc tình buồn của chị mình:
Năm chị mười tám đẹp nhất làng
Bao người dạm hỏi rước kiệu sang
Nhưng mà chị bảo: “còn chưa lớn,
Chẳng dám làm dâu, sợ bẽ bàng”
Anh ở đô thành mới về đây
Công trình thủy lợi chuẩn bị xây
Ngày kia bất chợt vô tình thấy
Chị cười duyên dáng – anh đắm say
Mùa Thu năm ấy mưa nhiều quá
Công trình tạm hoãn lại ít hôm
Anh đi thăm hỏi quanh làng xóm
Nhìn thấy cô nàng dưới hoàng hôn
Hôm ấy chiều mưa, nhuộm tím buồn
Anh về thơ thẩn, nhớ chị luôn
Đêm ngồi ôm đàn nghêu ngao hát
Có người con gái ngẩn ngơ hồn
Rồi trong một buổi sáng bình minh
Anh liều gặp chị để tỏ tình
E thẹn gật đầu, chị đồng ý
Mặt trời rạng rỡ mỉm cười xinh
Mấy bận thu rồi mà chưa thấy
Anh về thưa mẹ chuyện trầu cau
Ai hỏi chị đều bênh anh ấy
Chắc đợi xây xong mấy nhịp cầu
Công trình hoàn thiện đã từ lâu
Anh về ra mắt mẹ nàng dâu
Mẹ anh mỉm cười, ưng chị lắm
Chỉ đợi tới ngày họ bên nhau
Rồi lại công trình, lại đi xa
Chẳng được mấy khi về thăm nhà
Thời gian cho chị ngày thưa thớt
Chị ngóng mỏi mòn trong thiết tha
Một buổi chiều ấy – chiều mùa đông
Hẹn ước chị buông, chị lấy chồng
Lá thư chị viết cho người cũ
Dòng chữ lem hồng giọt tình vong
Anh trở về đây lúc chiều hôm
Chị gái ngày xưa đã không còn
Mộ chị nằm đó giờ xanh cỏ
Hôm ấy chiều mưa nhuộm tím buồn
Anh ghé nhà Chị, gặp đứa em
Nó kể chuyện xưa lệ ướt mèm “
Năm đó nước về đây lớn quá
Chị không chạy kịp bởi trời đêm”
Mới nói vài câu đã vỡ òa
“Chị dặn rằng anh đang ở xa
Chuyện này sẽ khiến anh buồn lắm
Đành dối anh, chị theo người ta”
Anh đứng lặng yên giữa hoàng hôn
Cũng buổi chiều mưa ướt mất hồn
Khóc người con gái năm mười tám
Anh về thơ thẩn nhớ chị luôn
Anh có buồn không?
Có buồn không?
Anh có buồn không?
Có buồn không?
Người ta quên rồi
Người ta bỏ
Bỏ con đò nhỏ
Bỏ dòng sông
Anh có buồn không?
Có buồn không?
Có thể thấy, bài thơ “Chị Tôi” của chàng kỹ sư xây dựng chỉ tập trung kể câu chuyện tình buồn éo le của chị mình. Còn nhạc sĩ Trần Tiến khi viết ca khúc “Chị Tôi” dường như không chỉ đọc bài thơ của chàng kỹ sư mà ông còn được nghe cả câu chuyện dài về người chị cả tảo tần ở Cầu Đông, đã hy sinh cả thanh xuân để lo cho mẹ già em nhỏ. Và đâu đó trong lời hát ông còn gửi gắm cả hình ảnh của người chị ruột của mình, và rất nhiều những người chị khác như một lần ông đã tâm sự: “Trong ca khúc Chị tôi, có một nửa là tôi viết về chị ruột của tôi, còn một nửa là về những người chị khác, những người phụ nữ khiến tôi vô cùng khâm phục. Họ đã chịu đựng, hi sinh để lo lắng cho các em mà quên đi hạnh phúc riêng của mình”.
Trong văn hoá Việt Nam nói chung và âm nhạc Việt Nam nói riêng, hình ảnh những người mẹ, những người chị, những người phụ nữ tảo tần, hết lòng hết dạ vì gia đình, cha mẹ, chồng con, em nhỏ,.. luôn gợi lên những cảm xúc đặc biệt. Nó không chỉ gợi lên sự cảm phục, mà còn gợi lên sự xót xa bởi những người người phụ nữ nhỏ bé đó hẳn đã phải rất mạnh mẽ, phải rất gai góc để có thể chăm sóc và bảo vệ những người mà họ yêu thương. Sự hy sinh, nhẫn nhịn, chịu đựng đó của những người phụ nữ không chỉ là một vài trường hợp cá biệt mà dường như là một thứ “dân tộc tính” của người Việt từ ngàn xưa. Ca khúc “Chị Tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến chính vì vậy không chỉ là một câu chuyện của riêng ai, mà trở thành câu chuyện, ca khúc, nỗi lòng của cả dân tộc, trở thành ca khúc “nằm lòng” đầy xúc động của nhiều thế hệ yêu nhạc.
Sưu tầm