Sự thật bài ‘thơ tình’ làm thổn thức trái tim thế hệ 7X Việt

Bài thơ của Olga Becgon với những câu “Anh hãy trở về trong giấc mơ em…” vẫn được coi là thơ tình, nhưng nếu xét bối cảnh ra đời sẽ thấy sự thật hoàn toàn khác.

Trong sổ chép tay của các thế hệ yêu thơ, bài thơ Ты приснись мне…của nữ thi sĩ Nga Olga Becgon thường góp mặt với bản dịch được cho là của Bằng Việt (nhưng trên mạng thì đề là do Ngân Xuyên dịch).

Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh chỉ là hư ảnh
Anh một thuở như cuộc đời, như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ
Anh bây giờ đã ở rất xa
Khoảng cách bao la xóa nhòa hình bóng
Chỉ còn lại trong tim nắm tro tàn ảm đạm
Chẳng thể nào cháy lửa nữa trong em
Chỉ mình em có lỗi, chỉ mình em
Vì đã vội buông anh ra quá sớm
Vì đã sống trái tim đầy kiêu hãnh
Ôi lòng khát thèm chẳng thể nào nguôi
Anh hãy trở về trong giấc mơ em
Dẫu trong mơ anh không còn hư ảnh
Anh một thuở như cuộc đời, như chim, như nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ…


Nữ thi sĩ Olga Becgon.

Bạn đọc tiếp nhận bài thơ này bằng những lời chú giải rằng đây là thơ Olga Becgon tặng Bexonop hoặc B. Kornilop. Và rõ ràng âm hưởng tình yêu nam nữ tràn ngập trong bài thơ qua các đại từ anh/em (bản dịch). Rõ ràng đây là bài thơ tình rất đẹp, rất ám ảnh, đầy chất Becgon nhờ người dịch diễn đạt bằng các vần điệu và ngôn từ giàu tính nhạc. Phần đóng góp còn lại chính là huyền thoại của mối tình Becgon – Bexonop rồi sau này người đọc suy luận ra là Becgon – Kornilop.

Nhưng cần phải xem xét bài thơ trong bối cảnh ra đời của nó. Theo tài liệu, Olga Becgon viết bài thơ này năm 1937, quãng thời gian đầy đau đớn của bà. Sau khi chia tay người chồng đầu là thi sĩ B.Kornilop, Becgon lấy người chồng thứ hai là Nikolai Molchanov (1909-1942). Nhưng liên tiếp trong năm 1933 và năm 1936, Olga mất 2 đứa con gái mà bà rất yêu thương, đầu tiên là con út Maia và sau là con gái đầu lòng Irina.

Đầu năm 1937, bà bị vu cáo hèn hạ trong vụ việc liên quan tới lãnh đạo Hội Nhà văn Liên Xô Averbakh, rồi sau đó bị đuổi khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, bị mất việc và bị đưa về dạy tiếng Nga tại một trường phổ thông. Năm 1938, bà bị buộc tội phản động liên quan đến người chồng cũ B.Kornilop vừa bị bắt giam và sau đó bị hành hình. Nữ sĩ bị tống giam nửa năm và chính trong thời gian ấy, bà lại mất đứa con còn trong bụng.

Việc bài thơ Ты приснись мне.. được bà viết ra trong hoàn cảnh đau thương như thế buộc chúng ta phải cân nhắc, liệu đây có phải bài thơ bà viết tặng người yêu cũ hay không? Chúng ta đều biết rằng nhân vật Bexonop chỉ là nhân vật “tưởng tượng” được gắn vào các bài thơ có liên quan đến Olga Becgon, tạo nên một màn sương huyền bí. Nay màn sương đó đã được vén lên và sự nghi ngờ lại được vận vào B.Kornilop. Quả thật nhà thơ này có liên quan đến Becgon không chỉ với tư cách người cũ. Chàng và nàng đã có thơ qua lại tặng nhau, yêu thương và trách cứ nhau đằm thắm vì đây là mối tình đầu của Olga và họ cưới nhau khi nữ sĩ mới 16 tuổi.

Hai người chia tay năm 1928 vì không hợp nhau. Liệu sau khi lấy chồng mới, đã “hát điều khác và khóc vì điều/người khác” (пою другое, плачу о другом…) như bà từng viết trong một bài thơ, và liệu ở thời điểm như bà nói “tôi sống cùng nỗi đau và viết cùng nỗi đau (я живу через боль, пишу через боль…) do mất hai đứa con gái, Olga Becgon có còn tâm trí làm thơ nói về mối tình với chồng cũ B.Kornilop hay không?

Vả lại, bà và người chồng thứ hai vốn học cùng trường đại học, có mối tình hết sức lãng mạn và đẹp như mơ cho đến khi ông qua đời khi thành phố Leningrad bị phong tỏa. Một người vợ yêu thương chồng như thế, một người mẹ đầy nhạy cảm và đau đớn như Olga Becgon chắc chắn không viết thơ tình tặng người yêu cũ trong bối cảnh như vậy. Thế thì một câu hỏi được đặt ra: Bài thơ ấy viết cho ai?

Theo chúng tôi, đây là bài thơ bà viết cho con gái yêu thương của mình với một tâm trạng đớn đau, xót xa tận cùng. Các đại từ trung tính của tiếng Nga Я-Ты đã làm người dịch nghĩ rằng tác phẩm thuộc phạm trù thơ tình nam nữ rồi đắm mình trong cảm xúc tình yêu đó mà dịch thành bài thơ tình đẫm lệ, bổ sung “màn sương huyền thoại”.

Để hiểu được một tác phẩm, mà ở đây là một bài thơ, người đọc cần đặt nó trong lịch sử, tức là bối cảnh ra đời của nó và nghiên cứu kỹ lưỡng cả tác giả của nó. Điều này không mới vì ai học Văn đều biết về thao tác tìm hiểu tác giả và bối cảnh ra đời của tác phẩm. Vì những lý do khác nhau mà người dịch đã “sáng tác” chứ không phải “chuyển tải” điều mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm của mình.

Còn nhớ tấm biển “Осторожно, листопад!” được treo dọc các con đường Moskva ở nước Nga khi mùa thu đến trong bài thơ của Olga Becgon lai được người dịch “sáng tác” là “Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng” vì cho rằng nhà thơ thương cảm những hàng cây đang đau khổ chia tay với lá vàng giống như tâm hồn mong manh rạn vỡ của người thất tình cô đơn. Thực ra tấm biển đó chỉ nhắc nhở người đi bộ cẩn thận vì lá rụng có thể che khuất khiến họ không thấy những chỗ nguy hiểm. Vì vậy cần phải hiểu nghĩa của tấm bảng đó là:”Cẩn thận. Lá rụng nhiều”.

Nhà thơ Thuỵ Anh, người rất yêu mến Olga Becgon và đã nhiều năm để tâm tìm tòi, dịch một số bài thơ của bà cũng có ý kiến như vậy. Chị từng dịch bài thơ “Không, chẳng bao giờ chấp nhận nổi đâu…” được Olga Becgon viết năm 1938, giai đoạn đau khổ nhất của nhà thơ, cũng dưới dạng “anh/em” và sau đó đã thừa nhận quan hệ trong bài thơ là mẹ – con.

Điều cuối cùng chúng tôi muốn nói là khi biểu đạt được những gì trái tim ấp ủ, thơ sẽ cất tiếng và sống mãi với người đọc. Có thể coi bài thơ “dịch” trên đây là một “tác phẩm đầy sáng tạo” của người dịch dưới dạng phóng tác. Olga Becgon nếu còn sống cũng sẽ mỉm cười khi thấy thơ mình “kì lạ và huyền bí” như thế ở mảnh đất đầy huyền thoại hình chữ S ở cách xa Tổ quốc bà hàng vạn dặm.

Nguyên bản bài thơ:

Ты приснись мне, хотя бы приснись,
Не такой, как на карточке серой,
Точно лучик, и птица и жизнь
Точно юность и счастье без меры

так далеко тебя унесло,
Что черты расстояньем стирает.
Столько пепла на сердце легло,
Но горит оно и не сгорает.

Я сама виновата сама,
В том, что рано тебя отпустила,
Что живу не лишилась ума…
О проклятая, жадная сила!

Ты приснись мне, ну только приснись,
Не такой, как на карточке серой,
Точно лучик, и птица и жизнь,
Точно юность и счастье без меры…

Dịch nghĩa (theo suy luận về bối cảnh trên đây):

Con hãy hiện về với mẹ trong mơ, dù là (hiện về)
Không phải như con trong tấm ảnh màu xám
(Con hãy hiện về với mẹ) Đúng như tia sáng nhỏ, như con chim và sự sống
Đúng như tuổi thanh xuân và hạnh phúc không có thước đo.

(Trời) đã mang con đi xa
Đến mức xoá đi đặc điểm (của con) bằng khoảng cách.
Từng ấy tro phủ vào trái tim
Nhưng trái tim cháy và không cháy.

Chính mẹ có lỗi, chính là mẹ
Đã sớm buông con ra,
Chính mẹ sống mà không đánh mất lí trí…
Ôi bản năng sống đáng nguyền rủa và tham lam!

Con hãy hiện về với mẹ trong mơ, dù là (hiện về)
Không phải như con trong tấm ảnh màu xám,
(Con hãy hiện về với mẹ) Đúng như tia sáng nhỏ, như con chim và sự sống
Đúng như tuổi thanh xuân và hạnh phúc không có thước đo.

Bản dịch thơ của Đặng Đình Cung:

Con hãy trở về với mẹ trong mơ
Dẫu không giống như ảo mờ tấm ảnh
Hãy trở về như cuộc đời, như chim trời, như tia nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ

Mây trời đã mang con đi rất xa
Bao khoảng cách xóa nhoà dấu vết
Trái tim mẹ phủ tro tàn mỏi mệt
Lúc cháy bùng lúc nguội tắt con ơi

Chỉ mẹ một mình có lỗi, chỉ mẹ thôi
Mẹ đã vội buông con ra quá sớm
Mẹ vẫn sống mà không hề điên loạn
Sống tham lam đáng nguyền rủa vô cùng

Hãy trở về với mẹ đi con
Dẫu không giống như ảo mờ tấm ảnh
Hãy trở về như cuộc đời, như chim trời, như tia nắng
Như tuổi thanh xuân, như hạnh phúc vô bờ…/.

sưu tầm

Bình luận Facebook