Rừng xuân…

Tôi quay lại trường cũ học cao học, sau đúng mười năm ra trường. Vừa ra khỏi phòng đào tạo sau đại học, thì Hương, bạn gái hồi sinh viên, vào, cũng nộp giấy tờ. Đúng là định mệnh…

Tôi và Hương yêu nhau ngay từ học kỳ đầu của năm thứ nhất.

Thế nhưng ngay sau lễ tốt nghiệp, ngày 28 tháng 6 năm 2005, bọn tôi chia tay mà không hề gặp lại, thẳng một mạch. Không điện thoại. Không email. Không facebook. Cứ như trong cuộc đời hai đứa chưa từng hiện diện khuôn mặt nhau. Lạ lùng.

Hương hỏi: “Cuộc sống của anh thế nào?”

Tôi trả lời: “Thì cũng như mọi người thôi!”

Đó là mẩu hội thoại duy nhất mà chúng tôi giao đãi, sau mười năm gặp lại, tại một quán cà phê ngay bên ngoài cổng trường. Thế rồi mỗi đứa chả ai nhìn ai, chăm chú trên mức cần thiết vào ly cà phê của mình. Thế mà chúng tôi đã từng là người tình của nhau bốn năm đại học, người yêu cũ không rủ cũng tới! Tôi suýt phì cười khi chợt nghĩ đến câu này. Vợ tôi và chồng Hương mà biết chúng tôi lại cùng lớp cao học thì…

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi Tây Bắc.

Thế nhưng tôi là người Kinh. Thật ra là nửa Kinh nửa Thái. Ông nội tôi, sau trận Điện Biên Phủ, mê tít bà nội tôi là một cô gái Thái, bèn ở lại lập nghiệp, không về xuôi nữa. Rồi mẹ tôi, cũng là con một ông đồng ngũ, cùng ở lại nông trường với ông nội tôi, cũng mê một cô Thái trắng… Thành ra, đến tôi, hình như cái chất Thái có vẻ đậm đà hơn chất Kinh. Nhưng tôi vẫn khai lý lịch là người Kinh và mang họ của ông tôi. Tôi: Lê Xuân Thuỷ, cao một mét bảy mươi, nặng sáu mốt ki lô gam, da trắng, mắt to, mũi cao, khá đẹp giai. Có thể gọi là hotboy nếu như mặt không có nhiều mụn trứng cá. Đấy là lời Thắng Già tại buổi học trên giảng đường khi tôi và hắn vô tình ngồi cạnh nhau.

Thắng Già năm ấy hai mươi sáu tuổi.

Kể ra thì tuổi ấy là đang thời thanh niên sung sức, nhưng vì so trong lớp toàn bọn mới mười bảy, mười tám thì quả thực, Thắng quá dừ! Nên bọn tôi gọi luôn là Thắng Già, cho dễ phân biệt với hai thằng Thắng ranh con khác. Thắng Già đã đi bộ đội nghĩa vụ hai năm. Đi xuất khẩu lao động bên Hàn Quốc bốn năm, về, ở nhà một năm đọc sách ôn thi vào đại học sư phạm văn, đỗ, và đi học.

Tôi bảo: “Anh có nhà mặt phố, có tiền, thế thì còn đi học đại học làm quái gì? Mà lại còn học văn nữa!”

Thắng Già: “Mày đúng là loại trẻ trâu, chả biết gì! Mày có biết văn học là nhân học không? Tao đi học là để cho phần nhân trong tao nó lớn lên. Mấy năm mải mê kiếm tiền, phần con trong tao nó sắp át phần người rồi.”

Tôi rất nghi ngờ lời Thắng Già. Hồi phổ thông, tôi học văn một ông giáo ba năm liền, nhưng cấm thấy ông ấy nói thế bao giờ. Lúc nào ông ấy cũng chỉ gào: Thơ Tố Hữu, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, văn Kim Lân, Nguyễn Khải, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu… Các anh các chị cứ học cho thuộc, làm thông thạo những bài văn mẫu, đi thi kiểu gì cũng đỗ! Ông ấy còn có cách chấm bài rất chi là hay. Là thày có một cái thước nhựa thiếu niên tiền phong dài ba mươi xăng ti mét. Khi nào chấm bài văn, thày lấy ra đo. Một bài văn được điểm năm của thày tối thiểu phải dài năm mươi xăng ti mét! Cứ thêm mỗi mười xăng ti là một điểm. Thế nhưng viết được mươi xăng ti mét chữ văn nghị luận chính trị xã hội, hay phân tích bình luận tác phẩm của các nhà văn nhà thơ nhớn của nước nhà đâu phải chuyện đùa, cả là một kỳ công, cho dù lũ học trò bọn tôi đã ma ranh viết phóng to cỡ chữ hết khuôn có thể. Thế nên điểm văn tôi thường chỉ năm hay sáu. Mà bọn bạn cùng lớp tôi đa số cũng thế. Tuy nhiên có vẻ như cả lũ đều rất hài lòng với cách chấm điểm của thày. Và thày vẫn lên lớp bình giảng đều đặn cả ba năm về những đỉnh cao văn chương nước nhà. Thế nhưng chưa từng thấy ông ấy nói gì về cái sự văn là người hay gì gì đó. Chỉ thấy thày vẫn cứ ra rả nhắc đi nhắc lại, học cho thuộc, thi cho tốt. Thế cho nên tôi rất nghi ngờ lời Thắng Già.

Nhìn thấy vẻ nghi ngờ của tôi hiện ra lồ lộ trên khuôn mặt, Thắng Già phẩy tay ra ý không thèm nói chuyện với một thằng thiếu iod ở mãi xó rừng Tây Bắc mới xuống thủ đô như tôi. Thắng Già hếch mặt lên phía bục giảng, nghe giáo sư Đoàn Lê Giang giảng về văn học trung đại, phần thơ văn Lý- Trần…

“Này, sao mặt mày nhiều trứng cá thế mà không biết xử lý đi cho nó nhẵn nhụi, có phải ngon giai không?”. Đấy là câu Thắng Già nói với tôi ở ngay buổi học thứ hai. Tôi nhìn Thắng Già không hiểu ý hắn là gì. Càng lấy làm nghi ngờ tay này đang có âm mưu gì đó? Hắn trải đời như thế thì dám bày trò đưa tôi xuống hố đen lắm chứ chả chơi.

“Mày nhìn con bé ngồi đầu bàn dãy kế bên mình ấy. Má nó lúc nào cũng hồng rực lên, môi đỏ chót. Trai trứng cá, gái má hồng. Một đôi đẹp!” Đó cũng là câu Thắng Già nói với tôi tại một buổi học khác trên giảng đường, sau khi tôi và hắn đã thiết lập được tình thân kha khá, bằng những lần lê la quán xá vỉa hè tán dóc. Thắng Già bảo, mặt tôi bị trứng cá là do tức hạ phá thượng, giải quyết cái khối ấm ách trong lòng đi là hết. Tôi thấy hình như phải, mỗi lần đêm ngủ nằm mơ ướt quần lót, là tôi thấy sáng hôm sau mặt cũng đỡ xù xì hơn thật. Thế nên mặc dù trong đầu chưa hết ngờ dã tâm của Thắng Già, tôi vẫn bái hắn làm sư phụ. Vì dù sao hắn cũng là tay từng trải và nhà lại ở thành phố lớn. Chắc chắn hắn phải khôn hơn tôi!

Quả thật Thắng Già khôn hơn tôi rất nhiều. Bằng cớ là chỉ sau ba ngày nhập học, hắn đã làm quen và cặp kè ngay được với em Lưu An, hoa khôi của lớp. Còn tôi vẫn đang loay hoay tìm cách làm quen với em má hồng bàn bên, do hắn chỉ điểm, mãi mà không được. Thắng Già thương tình bảo: “Hết giờ hôm nay, mày quay sang mượn quyển vở ghi bài của nó, bảo là anh ngủ gật chả ghi được gì lời giáo sư Đoàn Lê Giang giảng. Rồi xin địa chỉ phòng trọ, tối mò xuống trả vở thế là xong!”

Thế mà xong thật. Xong luôn cả đời giai lẫn đời gái của tôi với nàng.

Nàng tên là Lý Kiều Hương, người dân tộc Dao ở chân núi Long Sơn, vùng Đông Bắc. Chúng tôi yêu nhau cứ như là định mệnh vậy! Đấy là lời Hương nói với tôi sau hai tháng tán tỉnh cưa kéo, nàng quyết định xách va li về căn hộ bố mẹ tôi thuê hồi mới nhập học, để ở cùng cho tiện yêu đương và chăm sóc nhau. Tôi quên chưa kể là thực ra, nhà tôi cũng khá. Ông tôi chỉ là công nhân nông trường, cuối đời lên đến chức đội phó sản xuất, rồi về hưu. Nhưng đến bố tôi thì đã phát tới chức chủ tịch huyện, mẹ tôi làm trưởng phòng giáo dục, tôi thuộc diện nhà có điều kiện.Đấy cũng là lời tôi điền vào cái tờ khai hồi mới vào học cấp ba, mục: Hoàn cảnh gia đình…

Vì nhà có điều kiện nên khi đỗ đại học, bố mẹ tôi bèn xuống Hà Nội thuê dài hạn, trả tiền trước liền bốn năm, một căn hộ chung cư rộng bảy mươi mét vuông, khá gần trường, để lấy chỗ cho tôi ăn ở học hành. Và kèm thêm một cái xe máy để đi từ nơi ở lên trường cho tiện. Thật ra thì nhà tôi có thừa tiền để mua đứt một căn như thế. Thế nhưng bố tôi bảo, không mua làm gì, không ở cái xứ người ngợm nhung nhúc ấy làm gì. Học xong, có bằng, về lại trên này tao bố trí công ăn việc làm ngon lành, vào đảng, rồi lên vù vù, chả mấy mà thành lãnh đạo. Báu bở gì mà ở lại cái nơi ghế thì ít, đít thì nhiều, chỉ tổ đi làm hầu tớ cho chúng nó. Về trên núi làm sếp, nói có người nghe, đe có người sợ chả hay hơn ư?

Như thế, tôi thuộc diện sinh viên quý xờ tộc. Nên khi tôi ngỏ lời với Hương, nàng có chút băn khoăn, nói, em ở tít vùng sâu vùng xa, chả có gì, yêu anh có khi người ta lại cho là… Tôi vội bịt mồm nàng ngay bằng một cái hôn (chiêu này cũng do Thắng Già dạy, hắn bảo tôi tán gái không cần nói nhiều, mà cơ bản là phải hành động!) và chính là cũng tự bịt mồm mình, vì tôi đã thốt gần ra đến cửa miệng là em có các cái thứ mà anh đang thích mê mẩn rồi, còn cần thêm cái gì nữa? May tôi kìm lại được!

Bọn tôi sống với nhau thật vui vẻ êm đềm. Cùng lên lớp, cùng học bài, cùng nấu cơm dọn dẹp nhà cửa, cùng nhau đi chơi phố phường Hà Nội. Và tất nhiên, đêm (có lúc là ban ngày) cùng làm tình. Bọn tôi thống nhất với nhau là tôi sẽ mua thuốc tránh thai hàng ngày, còn Hương có trách nhiệm uống đều. Sinh viên thế kỷ hai mươi mốt rồi mà còn phải dắt nhau đến phòng khám sản khoa giải quyết hậu quả thì quá dở. Không chấp nhận được.

Cái vòng quay: Học, ăn, chơi, làm tình của tôi và Hương diễn ra đều đặn suốt mấy năm học.

Thắng Già bảo: “Sao chúng mày yêu nhau lâu thế mà không chán nhỉ?” Là vì lúc này hắn đã kịp cặp kè với nàng thứ sáu, cô nàng này bên sư phạm ngoại ngữ. Vì Thắng Già cũng thuộc diện có điều kiện. Tiền đi lao động xuất khẩu về, hắn mua được căn nhà mặt đường ở thành phố quê hắn, mở cái quán cà phê, thuê người trông nom, làm ăn rất ổn. Hắn khá rung rinh, yên tâm ngồi đọc văn ở thủ đô. Nhưng hắn cũng chưa có ý định lấy vợ. Thắng Già nói, chả việc gì phải chôn vùi đời giai vội, cứ ăn chơi cho đã đời, rồi sau tính.

Thế nhưng có một hôm, xuống căn hộ của tôi chơi, ở lại ăn cơm với tôi và Hương, Thắng Già lại bảo: “Sao bọn mày không cưới béng đi nhỉ? Còn có vài tháng nữa ra trường rồi.”

Đêm ấy tôi và Hương sau mười lăm phút trả bài, nằm gác chân lên nhau nói chuyện. Tôi phải dùng từ là trả bài, vì kể từ ngày chúng tôi yêu nhau, như mọi cặp đôi sinh viên khác, đương thời trẻ trung sung sức, bọn tôi rất chăm chỉ làm tình. Nhiều khi có cảm tưởng như chúng tôi sống chỉ để làm chuyện ấy. Ăn uống cái gì cũng nghĩ sao cho khoẻ để làm tình được nhiều hơn, lâu hơn, dai hơn. Vào internet xem những bộ phim dạy cách làm sao đưa bạn tình lên đỉnh vu sơn mây gào gió rít nhanh hơn, phê hơn, nhiều lần hơn… Thế nhưng đấy chỉ là chuyện năm đầu. Sang năm thứ hai có vẻ hơi nhạt chút, bắt đầu có vài vụ cãi cọ, xung đột nho nhỏ. Sang năm thứ ba thì còn cả những cuộc chiến tranh lạnh vài ngày. Đến năm thứ bốn, hai đứa âm thầm tự xác định là đã yêu nhau được đến gần bốn năm, đã ở với nhau từng ấy ngày, đã làm tình không biết bao nhiêu lần, thôi thì yêu nhau nốt cho đến lúc ra trường rồi tính vậy! Tình yêu sinh viên ý mà! Thế là bọn tôi cứ ở với nhau như vậy. Đi học. Nấu ăn. Đi chơi. Và tối đến, trả bài! Dường như chúng tôi đã là một cặp vợ chồng trẻ, đang sống đời công chức tẻ nhạt từ bấy lâu nay. Có lẽ chỉ thiếu cái giấy đăng ký kết hôn và đứa trẻ…

Thế nhưng hôm nay, tay Thắng Già lại nhắc đến chuyện cưới xin. Tự dưng tôi thấy suy nghĩ quá…

– Này, ý em sao nhỉ?

– Ý gì? Cuối tuần này anh về quê em trình bày với bố mẹ, còn ý gì nữa?

Tôi chưa về nhà Hương lần nào.

Và Hương cũng chưa lên quê tôi bao giờ.

Những dịp nghỉ lễ tết, nghỉ hè, nếu cần thiết phải về thì bọn tôi đứa nào về nhà đứa ấy, hẹn nhau ngày cùng xuống là xong. Nhưng thật ra, chúng tôi rất ít về quê, ít lắm. Vì cả hai đứa sinh ra lớn lên ở miền núi nên khi xuống Hà Nội học, mở mang chơi bời nhiều nơi, bọn tôi thấy dưới này vui hơn. Phố rất vui. Biển càng vui. Về núi làm gì chán phè. Núi quê tôi đã phá xong rừng từ lâu, toàn đồi trọc lông lốc, chả có gì mà ngắm nghía. Thế nhưng theo như lời Hương kể là, núi Long Sơn quê nàng là núi thiêng nên rừng còn nhiều và rất đẹp. Mỗi dịp cuối đông đầu xuân, khi rừng thay lá, cả triền rừng mênh mông trên núi thành ra như một bức tranh thiên nhiên muôn màu. Mỗi giờ, mỗi ngày lại đổi một màu. Đẹp lắm, rừng xuân ấy… Những lúc kể về bức tranh rừng xuân trên quê mình, tôi thấy mắt Hương ánh lên long lanh gợi tình. Xinh lạ.

Nhưng vì tôi là thằng dốt hội hoạ, có thể gọi là mù màu nên tôi chả quan tâm đến tranh ảnh. Tôi lờ đi cái lời gợi ý của Hương về núi Long Sơn ngắm rừng xuân.

Nhưng lần này thì phải về.

Tuy trong lòng khá hoang mang khi bước lên chuyến xe khách liên tỉnh để về Long Sơn cùng với Hương, tôi vẫn cố tạo bộ mặt thật điềm nhiên, coi như không có chuyện cháy nhà chết người gì mà phải cà cuống. Tôi tự trấn tĩnh mình, chỉ là việc trước sau gì cũng phải làm mà thôi! Nhưng mà khi về gần đến nơi, thì tôi thấy mình như hoảng loạn. Năm ấy tôi chưa đầy hai mươi hai tuổi… Nghĩ đến việc mình sắp sửa làm chủ một gia đình, thành một người đàn ông có vợ, thành cha một vài đứa trẻ, tôi hoảng hốt thật sự. Tôi liếc nhìn Hương, hình như cô nàng có vẻ yên trí lớn lắm. Hoặc chí ít làm ra vẻ thế. Hương dựa đầu vào vai tôi, mắt nhắm hờ, mơ màng nghe nhạc từ cái headphone…

Bản Mẹo, quê của Hương nằm ngay dưới chân dãy Long Sơn là một bản người Dao điển hình, tuy cũng đã bị Kinh hoá khá nhiều. Nhưng phải nói đây là một bản làng rất đẹp. Những cây cổ thụ đứng lặng lẽ trong vườn của từng nhà. Những nếp nhà sàn bằng gỗ xinh xắn dưới bóng cây, quay mặt ra con đường giữa bản. Xung quanh là những thửa ruộng bậc thang, những nương ngô, sắn xanh tốt. Xa hơn chút nữa là những cánh rừng vẫn còn khá rậm rạp, không như ở vùng núi quê tôi, tìm được một vài cái cây to bằng bắp tay đã được coi là kỳ tích. Bản Mẹo, cái tên chả hay ho gì nhưng đúng thật là một bản miền núi đẹp đẽ văn minh, tôi nhủ thầm trong bụng thế khi nhìn thấy cả một miền xanh tươi đẹp đẽ bày ra trước mắt. Dù sao nơi này cũng nằm ngay dưới chân dãy núi thiêng đã được nhà nước ta khoanh lại làm vườn quốc gia, cấm khai thác từ lâu, nên rừng còn khá nhiều.

Từ chỗ xuống ô tô đi vào bản là một con đường đất nhỏ dài độ vài trăm mét, ngang qua những ruộng lúa nước rồi xuyên qua một cánh rừng thưa. Đầu bản có một con suối nhỏ, nước róc rách chảy từ phía dãy núi Long Sơn ra. Lúc đang nắm tay nhau lội qua dòng nước lấp xấp mát lạnh, bỗng Hương cười khúc khích, nhìn tôi rất lạ. Ánh nhìn dạn dĩ và dường như có chút hoang dại. Hương chỉ tay về phía trên dòng suối: “Anh nhìn thấy cái gì kia không? Kỳ quan nổi tiếng nhất bản em và vùng núi Long Sơn đấy!” Theo tay chỉ của Hương, tôi nhìn ngược về phía trên, bỗng tôi đỏ mặt. Và chợt hiểu tại sao ánh mắt nàng nhìn mình tự dưng lẳng thế. Ngay cách chỗ chúng tôi lội vài mét là một gộp đá màu gan gà đứng dựa lưng vào núi, hướng ra lòng suối: Thiên nhiên thật là trớ trêu, gộp đá như là một tác phẩm tạo hình của một tay nghệ sĩ phóng đãng, tạc nguyên một bộ phận sinh dục thầm kín của người đàn bà…Tôi đứng ngây ra giữa suối, không thốt nên lời nào. Hương chợt cười phá lên: “Hihi… anh thấy có…giống …giống yoni không?” “Giống! Quá giống… Công nhận quê em hay thật.”

Tối hôm ấy tại bữa rượu, mấy ông anh trai Hương kể cho tôi nghe truyền thuyết  về tảng đá hình cái bướm ở đầu bản.

Rằng tảng đá ấy có từ lâu lắm rồi, chắc từ thủa khai thiên lập địa. Khi các cụ xưa đến lập bản tại đây, phát quang bụi rậm, dọn sạch nguồn nước thì đã thấy rồi. Mọi người cũng lấy làm lạ, nhưng cũng thây kệ, thì giời sinh ra thế. Mà đàn bà con gái nhà ai chả có cái ấy sao phải quan tâm nhiều?

Thế nhưng sinh chuyện là, mấy thằng trai mới lớn, tò mò nghịch ngợm, một hôm chúng lấy cây gậy thọc sâu liên tục vào trong cái khe giữa tảng đá. Bình thường từ trong ấy vẫn có tí nước rỉ ra, thì nay sau khi thọc vài cái, bỗng thấy một dòng nước trong vắt, thơm nức hương hoa, phun ra tràn trề… Đàn bà con gái trong bản hốt nhiên nứng tình, họ vồ lấy chồng, người yêu lôi tuột vào rừng ngấu nghiến…

Lần nào cũng vậy, hễ có người cầm gậy thọc vào khe là đàn bà cả bản lại cuồng lên, chả thiết ruộng nương cơm nước gì, chỉ đòi chồng chiều…

Các cụ cao tuổi trong bản thấy cứ thế này thì gay go to, chả ai làm ăn gì được nữa, bèn ra lệnh cấm. Mỗi năm chỉ được thọc cây bướm thần vào hai dịp xuân thu nhị kỳ, như dưới xuôi người ta tế thành hoàng làng vậy. Nhà nào có người vi phạm sẽ bị phạt vạ rất nặng, nên ai cũng sợ. Thế nên bản cũng yên ổn. Nhưng lâu dần dân các nơi, nhất là cánh trai tráng, nghe hóng, biết chuyện. Những đêm trăng thanh gió mát, thanh niên quanh vùng hay mò về suối nước đầu bản để rình cơ thọc ghẹo tảng đá, rồi vào bản tán tỉnh, thế nào cũng được thoả mãn. Rất vui. Rồi thành hẳn câu ca dao truyền khẩu trong vùng, muốn đéo đi bản Mẹo…

Tôi cười ngất, không tin nổi vào câu chuyện của mấy ông anh vui tính, rượu vào lời ra. Thế nhưng do lúc chiều đã mục sở thị, nên cũng hơi tò mò. Lúc Hương ra đầu sàn rửa bát, tôi theo ra bảo : “Đêm nay đợi các cụ ngủ say anh với em ra chỗ tảng đá nhé.”

Đêm tháng tư, mùa hè năm ấy nóng nực lắm, nhưng trăng rất sáng.

Hai đứa chúng tôi rón rén dắt nhau xuống sàn đi ra con suối đầu bản. Trăng đêm sáng rờ rỡ trên núi rừng màu lam nhạt. Trăng nhảy nhót trên dòng suối đang róc rách đùa rỡn với những hòn sỏi nhỏ lấp lánh. Tảng đá hình cái bướm được ánh trăng khuya chênh chếch chiếu vào lả lơi như một kỹ nữ đang phô phang hết thân thể đẹp đẽ của mình mời gọi khách làng chơi. Thật là một khung cảnh huê tình hiếm có.

Tôi bảo Hương: “Để anh thọc cây vào khe nhé.”

Hương bảo: “Anh thọc đi cho nước phun ra để em tắm. Nghe nói là tắm ở nguồn nước từ khe thần này thì sẽ trẻ và xinh mãi!”

Tôi và Hương đã yêu nhau, ăn ở cùng một nhà gần bốn năm ròng. Chúng tôi đã làm tình với nhau đủ kiểu có thể nghĩ ra. Đã tắm chung không biết bao lần. Đã thám hiểm thân thể nhau không thiếu một milimet nào nữa… Thế nhưng đêm ấy, khi Hương khoả thân vào đứng tắm dưới dòng nước thiên nhiên thơm mát dào dạt chảy ra từ khe thần, cả thân thể con gái trẻ trung và dòng nước được ánh trăng khuya chiếu vào, rực sáng lên. Dường như là một cảnh thần tiên trong cổ tích. Lung linh huyền ảo. Thân thể Hương hoà vào trong đêm trăng nước, thành như một tác phẩm nghệ thuật siêu thực. Đẹp mê hồn. Vẻ đẹp ấy tôi chưa thấy bao giờ. Tôi ngây dại đứng nhìn. Khi Hương gọi : “Anh cũng vào đây tắm đi” thì tôi mới như người tỉnh cơn mê. Tôi trút bỏ quần áo, nhảy vào dưới dòng nước ôm lấy Hương. Hai chúng tôi ôm ấp, kỳ cọ và âu yếm nhau ngay dưới dòng nước chảy tràn trề. Khi tôi hực lên, xiết chặt eo lưng Hương, dướn thân mình vào sâu, thì dường như lúc ấy trong khắp bản Mẹo, những cái sàn nhà cũng đồng loạt rung lên bần bật trong cơn nứng tình truyền kiếp…

Thế nhưng đấy là lần duy nhất tôi về nhà Hương.

Sau khi nghe tôi trình bày là tôi và Hương yêu nhau, xin phép các cụ tính chuyện cưới xin, bố Hương bảo: “Cưới cũng được, nhưng cưới xong thì phải về đây ở rể. Tao chỉ có một đứa con gái. Không gả chồng xa”

Nhưng nhà tôi cũng chỉ có một mình tôi là trai. Hôm làm lễ tốt nghiệp, nhận bằng, liên hoan, chụp ảnh xong ai về nhà nấy. Căn hộ chung cư cũng vừa đến hạn trả nhà. Chia tay, Thắng Già bảo: “Bọn mày cưới thì báo tao nhé. Tao sẽ đi uống rượu một trận dọc từ Tây Bắc sang Đông Bắc, đã đời!”

Nghe tôi vừa trình bày về tình yêu với Hương và ý kiến của bố Hương thì bố tôi đập bàn đến chát một cái, chén tách uống nước nhảy tưng tưng rơi hết xuống nền nhà, vỡ tan tành. Ông gằn giọng đủ nghe: “Điên à mà phải chui về cái xó xỉnh ấy ở rể! Về đây đi làm rồi lấy vợ, có cả một tiểu đoàn con gái nhà gia thế, công ăn việc làm đàng hoàng, lại xinh như mộng cho mày chọn làm vợ đấy đồ ngu ạ.” “Nhưng mà ở trên Long Sơn ấy, có con suối và tảng đá rất hay…” tôi yếu ớt phản đối. Bố tôi bỗng nhìn tôi như nhìn một người từ hành tinh khác rơi xuống, rồi quay sang bảo mẹ tôi: “Ngày mai, bà dắt ngay thằng này đến nhà ông Thịnh bí thư, cho nó nhìn thấy con Huyền, để nó mở mắt ra nhé. Có khi nó ăn phải bùa mê thuốc lú rồi cũng nên?”

Thế là tôi lấy Huyền. Huyền rất xinh, là cô giáo tiểu học.

Hôm cưới tôi, Thắng Già lên uống rượu say khướt mấy ngày, bảo: “Bản chất của đàn ông là luôn luôn thích cái mới lạ. Chinh phục và khám phá, rồi gieo giống, đó là bản năng.”

Còn Hương cũng cưới chồng sau đó ba tháng.

Chồng Hương là Triệu Tài Dương, cũng người Dao, cùng bản. Triệu Tài Dương khi đó hai mươi tám tuổi, cao to trắng hồng đẹp trai như Tây, con gái cả vùng Long Sơn mê hắn. Nhưng hắn thích Hương. Hương về dạy ở trường học gần nhà. Triệu Tài Dương trước là cán bộ lâm nghiệp, sau làm chủ tịch xã. Long Sơn nâng cấp lên thị trấn thì Triệu Tài Dương làm chủ tịch thị trấn. Thị trấn Long Sơn giờ khá to, có mỏ than, có nhà máy nhiệt điện, đường bê tông chạy về tận các bản làng ngõ xóm…

“Cưới em, lão Thắng Già cũng lên uống rượu ba ngày liền đó”.

Hương vẫn có điệu cười khúc khích hệt như xưa. Nàng kể chuyện khi hai chúng tôi ngồi uống cà phê ngoài quán sau buổi lên lớp. Thì sau buổi đầu gượng gạo, rồi như một thói quen vẫn có sẵn trong tiềm thức, tôi và Hương lại thân thiết nhau như lẽ phải thế, chúng tôi lại là bạn. Chỉ bạn bè thôi, bọn tôi xác định với nhau thế, kiên quyết không làm phức tạp thêm tình hình! Hôm ấy Thắng Già bảo Hương: “Kể bọn mày chia tay nhau cũng hơi tiếc. Tao mà yêu ai được đến từng ấy ngày, từng ấy năm, tao sẽ quyết cưới người đó. Nhưng mà thôi, duyên nó là cái số! Uống! Chúc mừng hạnh phúc!”

Em có hạnh phúc không?”

“Anh có hạnh phúc không?”

Đấy là câu chúng tôi thỉnh thoảng lại buột ra, hỏi nhau những lúc ngồi chuyện vãn ngoài quán cà phê sau giờ học. Nhưng chúng tôi hình như chả ai đợi câu trả lời của ai. Chúng tôi lại trôi đi trong những câu chuyện không đầu không cuối. Chúng tôi kể với nhau mọi chuyện xảy ra trong mười năm qua. Kể cả chuyện vì sao tôi lấy vợ, vì sao Hương lấy chồng. Chúng tôi hiểu rằng chẳng ai có lỗi, kể cả bố mẹ hai bên. Thì năm ấy là thế kỷ hai mươi mốt rồi, chúng tôi là những người trưởng thành, có học, ai mà ngăn cản được, nếu chúng tôi muốn? Lỗi là ở cả hai đứa chúng tôi. Chỉ là cái sự lựa chọn hào nhoáng, nhất thời, xuẩn ngốc…  Trong cơn xao động khi đối diện với quá khứ, dường như chúng tôi đang lột trần tâm hồn nhau ra, với một khoái cảm không che giấu. Nhưng cũng lạ. Hình như mọi sự thực ra vẫn ổn. Thậm chí là rất ổn. Tôi và Hương đi học cao học chẳng phải vì cái sự hiếu học gì, mà chẳng qua là cái sự phải thế cho con đường thăng tiến của cả hai. Hai chúng tôi đều được quy hoạch là diện cán bộ nguồn, cần phải có tấm bằng thạc sĩ. Con đường danh vọng đang mở ra trước mắt, là giàu sang phú quý. Thế thôi. Thế nhưng câu hỏi : “Có hạnh phúc không?”  vẫn chẳng đứa nào trả lời…

Một buổi, tôi chợt nhớ ra, hỏi: “Này, cái tảng đá hình yoni ấy… còn không?” “Ui… sau khi lên làm chủ tịch thị trấn, lão Triệu Tài Dương chồng em bảo, đấy là cái thứ văn hoá nhảm nhí. Lão cho người đục tan ra rồi đổ bê tông, xây lên ở đó một cái bến tắm cũng gọn gàng sạch sẽ. Thế nhưng…” “Nhưng sao?” “Nhưng hình như từ đấy trở đi, con gái bản em không còn đẹp như xưa nữa. Đứa nào đứa nấy tóc xanh đỏ tím vàng, mắt tô đen xếch ngược, môi xăm đỏ chót… trông như ma sống cả lũ, ghê chết. Bản em mất danh là bản gái đẹp rồi!”

Thế mà tôi đang định bụng một hôm nào đó, rủ cả lớp cao học cùng Hương về chơi lại núi Long Sơn, miền gái đẹp. Tôi muốn ngắm lại cái tảng đá trứ danh hình yoni thần thánh. Tôi muốn được tắm lại trong dòng nước thơm mát từ cái khe huyền thoại…

Bỗng tôi hình như nghe thấy tiếng Hương, thầm thì, rủ rê… Bây giờ đang là cuối đông đầu xuân. Rừng đang thay lá, cả triền rừng Long Sơn đẹp như một bức tranh không một hoạ sĩ tài danh nào vẽ nổi. Về ngắm đi. Đẹp lắm. Rừng xuân ấy…

Nguồn Văn nghệ số 53/2016

Bình luận Facebook