“Rét đầu mùa, nhớ người đi phía bể”

Chế Lan Viên (1920 –  1989) là một thi sĩ tài danh của văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp văn học của ông để lại đồ sộ, phong phú với những thi tập trải khắp các thời kỳ trước 1945, giai đoạn kháng chiến 1954 – 1975, giai đoạn sau 1975.

Nếu như trước Cách mạng, Chế Lan Viên nổi tiếng với chất kì dị qua tập “Điêu tàn”, thì ở giai đoạn sau, ông lại hết sức thành công với những bài thơ giàu suy tưởng, triết lý, thậm chí còn mang đậm chất chính luận, chẳng hạn các bài “Người đi tìm hình của nước”, “Tiếng hát con tàu”, “Sao chiến thắng”, “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng”…

Thế nhưng nhiều người ít để ý rằng, trong gia tài văn học của Chế Lan Viên còn có những bài thơ tình. Tuy số lượng thơ tình của Chế Lan Viên chỉ khoảng vài ba chục bài nhưng hầu hết đều rất ấn tượng, đặc sắc và cảm hứng chính để làm nên những thi phẩm ấy bao giờ cũng là nỗi nhớ.

Bài thơ tình nổi tiếng đầu tiên, được mọi người biết đến rộng rãi của Chế Lan Viên, theo tôi chính là Tình ca ban mai”, in trong tập “Ánh sáng và phù sa” (1960). Bài thơ được viết theo thể năm chữ gồm 17 câu, cứ hai câu đi với nhau thành một khổ, riêng câu cuối cùng đứng một mình như khúc vĩ thanh ngân nga, đầy tin yêu hy vọng.

Tác phẩm mở đầu bằng sự cách xa người yêu, nỗi buồn nhớ của thi sĩ là điều không thể tránh khỏi, những sự sống quanh chàng dường như cũng rời bỏ, hao hụt đi nhiều: “Em đi như chiều đi/ Gọi chim vườn bay hết”. Nhưng rất nhanh sau đó, ngay ở hai câu kế tiếp là sự trở về của người con gái, cũng là sự hồi sinh trong tâm hồn thi sĩ và thiên nhiên xung quanh: “Em về tựa mai về/ Rừng non xanh lộc biếc”.

Cứ thế, những câu thơ kế tiếp là bao tụng ca đẹp đẽ về tình yêu, về niềm tin hạnh phúc của đôi lứa son sắt thủy chung: “Tình ta như lộc biếc/ Gọi ban mai lại về/ Dù nắng trưa không ở/ Ta vẫn còn sao khuya”. Câu cuối cùng khép lại tác phẩm như muốn nói rằng, cho dù có những xa cách thì người con gái vẫn luôn trở về trong tình yêu đẹp đẽ: “Mai, hoa em lại về”…

Chính thập niên 60 (từ 1961 đến 1967) là khoảng thời gian Chế Lan Viên viết nhiều bài thơ tình nhất, và các bài thơ tình của ông có xu hướng ngày càng ngắn gọn, cô đọng hơn. Sau “Tình ca ban mai”, bài “Trời đã lạnh rồi” viết năm 1962 cũng là một thi phẩm khởi lên từ nỗi nhớ: “Đổi gió mùa thu trời lạnh chăng em/ Màu xanh khuất mà mây cũng vắng/ Hiu hắt lòng ta như thiếu nắng/ Như căn nhà những tháng không em”…

Nỗi cách xa của lứa đôi đã gọi nên một thi ảnh đơn sơ mà xúc động ở khổ thứ ba của bài thơ, cũng nằm trong câu thơ cuối cùng khép lại thi phẩm: “Mùa thu chừng biết ta xa cách/ Gió nửa đêm từng lúc gọi ta hoài/ Nhắc anh biết miền xa em không ngủ/ Nhớ những ngày chăn mỏng đắp chung đôi”. Cái “chăn mỏng đắp chung đôi” ấy có thể gợi lên trong ta một cảm xúc về chặng đường dài của đời sống vợ chồng, gắn bó với nhau từ thuở hàn vi, cho đến những tháng năm về sau, khi cuộc sống mỗi ngày có thể tốt hơn, thì lúc xa cách nhau, nhớ nhiều nhất chính là nỗi nhớ về những năm tháng còn khó khăn cơ cực.

Bài thơ “Trời đã lạnh rồi” so với “Tình ca ban mai” đã giảm đi về số lượng câu thơ (từ 17 câu nay chỉ còn 12 câu). Trong 5 bài thơ tình tiếp theo của thời kỳ 1961-1967, mỗi bài thơ tình chỉ còn đúng 4 câu. Và tất cả được hiện hình kỳ ảo lung linh qua nỗi nhớ.

Bài thơ “Chùm nhỏ thơ yêu” (nhiều tuyển tập đặt tên là “Hai bài tứ tuyệt”) gồm 2 khổ thơ, mỗi khổ 4 câu, nhưng thực chất ta có thể xem mỗi khổ là một thi phẩm có tính độc lập tương đối, đồng thời giữa hai khổ vẫn có sự liên kết, hòa quyện: “Anh xa cách em như đất liền xa cách bể/ Nửa đêm sâu nằm lắng sóng phương em/ Em thân thuộc sao thành xa lạ thế/ Sắp gặp em rồi sóng lại đẩy xa thêm/ Anh không ngủ phải vì em đang nhớ/ Một trời sao rực cháy giữa đôi ta/ Em nhắm mắt cho lòng anh lặng gió/ Cho sao trời yên rụng một đêm hoa”.

Yêu thương cồn cào cháy bỏng khi cách xa là vậy, nên khi được biết chỉ còn một ngày nữa thôi em sẽ trở về, lòng chàng thi sĩ bỗng rộn ràng như những nhịp bước chân hối hả đón chờ. Một bài thơ vắt dòng độc đáo đã ra đời, tượng hình sự hồi hộp như đến qua từng nhịp thở: “Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ/ trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây/ cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm/ cũng thêm màu trên cánh đang bay” (Tập qua hàng).

Nỗi cách xa, chờ đợi với người mình yêu thương đã làm nên những câu thơ, hình ảnh thơ độc đáo của Chế Lan Viên. Trong ca dao đã có câu thơ ví người con trai là thuyền, còn người con gái là bến chung thủy đợi chờ; nay trong thơ Chế Lan Viên ta thấy sự hoán vị ngược lại: “Buổi sáng em xa chi/ Cho chiều, mùa thu đến/ Để lòng anh hóa bến/ Nghe thuyền em ra đi” (Lòng anh làm bến thu).

Hình ảnh chăn mỏng từng xuất hiện trong bài “Trời đã lạnh rồi”, nay lại trở về trong một bài tứ tuyệt khác đầy thương yêu sâu nặng: “Cái rét đầu mùa anh rét xa em/ Đêm dài lạnh, chăn chia làm hai nửa/ Một đắp cho em ở vùng sóng bể/ Một đắp cho mình ở phía không em” (Rét đầu mùa nhớ người đi phía bể).

Hình bóng người con gái trong những bài thơ tình của Chế Lan Viên, theo tôi thực ra đều chỉ hướng về một người duy nhất. Đó là nhà văn Vũ Thị Thường, người vợ của nhà thơ. Trong những năm của thập niên 60, nhà văn Vũ Thị Thường làm báo ở Kiến An, Hải Phòng, đôi khi còn phải đi công tác các tỉnh. Chế Lan Viên thì sống ở Hà Nội nên hai vợ chồng thường xuyên phải xa nhau. Nỗi nhớ người vợ hiền thục, tảo tần vì thế luôn trở thành một niềm xúc động khôn nguôi trong trái tim thi sĩ.

Địa danh Kiến An đã đi vào thơ Chế Lan Viên như một miền ngóng trông mong đợi: “Ôi con tàu… con tàu…/ Tiễn em đi buổi ấy/ Sân ga trơ mình anh/ Khuất khói xa còn vẫy/ Nửa đêm viết thư dài/ Xé đi rồi viết lại/ Hồng nhạn là trang giấy/ Kiến An mà xa xôi/ Mùi hương tỉnh nhỏ ấy/ Em đã mang đi rồi/ Lụa hồng em để lại/ Không che màu tường vôi” (Hương tỉnh nhỏ).

Trong một lần vợ đi công tác, một cái tên huyện nhỏ khác lại trào ra qua những câu thơ năm chữ như cố kìm nén nỗi nhớ thương: “Em đi về Kiến Xương/ Mùa này mưa bão lắm/ Phòng anh mờ hơi sương/ Nhớ em như nhớ nắng/ Chiều nay ốm một mình/ Vắng em ngồi bên cạnh/ Ngọn gió lùa trêu anh/ Cửa khép rồi vẫn đánh” (Nhớ em nơi huyện nhỏ).

Một thời gian sau, nhà văn Vũ Thị Thường được chuyển công tác về Hà Nội, bà lần lượt công tác ở Báo Văn học, Báo Văn nghệ rồi Tạp chí Tác phẩm mới. Hai vợ chồng được đoàn tụ, không còn phải cách xa. Những bài thơ tình với nỗi nhớ thương vì thế cũng ít dần. Cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, tôi mới lại bắt gặp một bài thơ tình của Chế Lan Viên mang tên “Nắng quái”.

Lúc này thi sĩ cũng đã luống tuổi, người tự ví mình như ánh nắng quái trong buổi chiều sắp tàn. Ánh nắng ấy tuy rằng ít lâu sau đây có thể sẽ giã từ bầu trời và mặt đất, nhưng trong những giây phút cuối cùng vẫn muốn bùng lên dữ dội:“Tre sẫm màu hoàng hôn/ Bỗng rạng ngời nắng quái/ Như tình yêu trong hồn/ Rực một màu điên dại/ Tối rồi còn yêu hơn/ Rặng nhãn bên kia sông/ Rặng tre gần chân núi/ Lui dần vào trong tối/ Mà ở đây đang còn/ Chút nắng thừa chống chọi/ Hỏi còn gì điên hơn/ Chút nắng thừa vụt tắt/ Kìa trời đêm đầy sao/ Cái tình yêu bất lực/ Giờ cháy ở sao nào?”.

Kể từ sau tập “Điêu tàn”, đã lâu lắm tôi mới bắt gặp chữ “điên/điên dại” trong thơ Chế Lan Viên xuất hiện tới hai lần trong một bài thơ ngắn. Thi sĩ rút cục cũng phải thú nhận về sự bất lực trước thời gian, sự bào mòn của sức lực và tuổi tác. Nhưng dù thế nào đi nữa, con người vẫn sẽ sống và yêu hết mình, cháy hết mình trong từng khoảnh khắc mà thời gian trôi qua. Tấm lòng ấy, người thi sĩ muốn gửi cả vào bao la trời đất:“Cái tình yêu bất lực/ Giờ cháy ở sao nào?”.

Chế Lan Viên đã đi xa hơn 30 năm, nhưng những bài thơ của ông mãi còn ở lại, những câu thơ tình của ông mãi còn xanh tươi trong cảm xúc của bao người đọc, bao đôi lứa ngày hôm nay. Một trong những bài thơ cuối cùng Chế Lan Viên viết trên giường bệnh cũng nhắc đến tình yêu.

Thi sĩ bày tỏ niềm đắm say và nuối tiếc với trần gian, nhưng ông cũng đầy tin tưởng về những điều còn đọng lại mãi mãi như tấm lòng của ông dành cho cuộc đời, cho con người: “Anh không ở lại yêu hoa mãi được/ Thiêu xong, anh về trời khác cũng đầy hoa/ Chỉ tiếc không có tình yêu ở đó (…) Cho dù trái đất không còn anh/ Anh vẫn còn nguyên trái đất/ Tặng cho mình/ Những bạn bè yêu anh sẽ gặp anh trong cỏ/ Trong hạt sương, trong đá…/ Trong những gì không phải là anh/ Anh tồn tại mãi/ Không bằng tuổi tên mà như tro bụi/ Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên” (Từ thế chi ca).

Nguồn Đỗ Anh Vũ/CAND

Bình luận Facebook